Hội nghị Tổng kết công tác Phòng, chống bệnh Truyền nhiễm năm 2024 và triển khai Kế hoạch năm 2025
26/12/2024 In bài viết
Sáng ngày 26/12 tại Hà Nội, Bộ Y tế đã tổ chức Hội nghị Tổng kết Công tác Phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2024 và Triển khai Kế hoạch Năm 2025. Hội nghị được chủ trì bởi PGS.TS Nguyễn Thị Liên Hương, Thứ trưởng Bộ Y tế. Đây là sự kiện quan trọng nhằm đánh giá kết quả đạt được trong năm qua và định hướng các giải pháp chiến lược cho công tác phòng, chống dịch bệnh trong thời gian tới.
Kết quả nổi bật trong công tác phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2024
Phát biểu tại hội nghị, Phó Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng Nguyễn Lương Tâm nhấn mạnh rằng năm 2024 vẫn chứng kiến những thách thức lớn trong phòng, chống bệnh truyền nhiễm trên thế giới. Các đợt bùng phát dịch bệnh như mpox, dịch tả, bại liệt, Marburg tiếp tục xảy ra tại nhiều khu vực, nhắc nhở cộng đồng quốc tế rằng các bệnh truyền nhiễm luôn là mối đe dọa lớn đối với sức khỏe toàn cầu. Bên cạnh đó, đại dịch COVID-19 đã tác động nghiêm trọng đến tỷ lệ tiêm chủng vắc xin trên toàn thế giới, dẫn đến gia tăng các trường hợp mắc bệnh sởi và sự bùng phát dịch sởi tại nhiều quốc gia.
Tại Việt Nam, tình hình dịch bệnh trong năm 2024 cơ bản được kiểm soát. Đáng chú ý, không ghi nhận các trường hợp mắc các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm nhóm A như Ebola, MERS-CoV, hay cúm A/H7N9 xâm nhập. Tuy nhiên, một số bệnh như sởi, ho gà, dại, sốt xuất huyết, bạch hầu vẫn gia tăng cục bộ tại một số địa phương. Đặc biệt, cơn bão Yagi trong năm đã gây hậu quả nghiêm trọng, nhưng nhờ sự phối hợp đồng bộ và triển khai kịp thời các biện pháp phòng, chống dịch, Việt Nam đã kiểm soát tốt các bệnh thường xảy ra sau thiên tai.
Các nguyên nhân chủ yếu dẫn đến sự gia tăng một số bệnh dịch bao gồm:
- Tác động từ ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu và lụt bão.
- Đô thị hóa, di dân, thói quen sinh hoạt cá nhân, và vấn đề an toàn thực phẩm không được đảm bảo.
- Gián đoạn cung ứng vắc xin toàn cầu sau đại dịch COVID-19 cùng với các khó khăn về cơ chế mua sắm, đấu thầu và đặt hàng vắc xin kéo dài.
- Hiệu quả truyền thông chưa đạt yêu cầu, chưa tiếp cận đủ sâu vào các nhóm nguy cơ cao, đặc biệt đối với bệnh dại và bệnh sởi.
Kế hoạch phòng, chống dịch bệnh năm 2025
Trong năm 2025, Bộ Y tế xác định tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương và các tổ chức quốc tế để triển khai đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch bệnh, tập trung vào nâng cao năng lực dự báo, giám sát và phát hiện sớm dịch bệnh.
Mục tiêu chính của kế hoạch là:
- Giảm tối đa tỷ lệ mắc và tử vong do các bệnh truyền nhiễm.
- Kiểm soát hiệu quả, bền vững các dịch bệnh, hạn chế nguy cơ bùng phát.
- Chuẩn bị sẵn sàng ứng phó với các đại dịch hoặc tình huống khẩn cấp về y tế, bảo vệ sức khỏe nhân dân và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Các chỉ tiêu cụ thể
- Bệnh sốt xuất huyết:
- Tỷ lệ mắc/100.000 dân: <150; Tỷ lệ tử vong: <0,09%.
- Đảm bảo xét nghiệm định tuýp tối thiểu 3% số ca và duy trì giám sát véc tơ tại ít nhất 2 điểm ở cấp tỉnh và 1 điểm ở cấp huyện.
- Bệnh tay chân miệng:
- Tỷ lệ mắc/100.000 dân: <100; Tỷ lệ tử vong: <0,05%.
- Bệnh sốt rét:
- Tỷ lệ mắc/100.000 dân: <0,5; Tỷ lệ tử vong/100.000 dân: ≤0,002.
- Bệnh COVID-19:
- Đảm bảo quản lý bền vững cùng với các bệnh truyền nhiễm khác.
- Bệnh truyền nhiễm có vắc xin phòng bệnh:
- Tỷ lệ giảm số mắc các bệnh thuộc chương trình tiêm chủng mở rộng: ≥5% so với năm 2024.
- Bệnh lây truyền từ động vật sang người:
- Duy trì phát hiện và xử lý kịp thời 100% ổ dịch bệnh dại, cúm A (H5N1, H5N6, H7N9).
- Các bệnh nguy hiểm và mới nổi:
- Chủ động giám sát, phát hiện sớm bệnh đậu mùa khỉ, Marburg, Ebola, MERS-CoV để ngăn ngừa lây lan trong nước.
Bộ Y tế yêu cầu các địa phương sớm triển khai kế hoạch PCD năm 2025, xây dựng các phương án ứng phó phù hợp và huy động đầy đủ nguồn lực để chủ động phòng, chống dịch bệnh.
Hưởng ứng Ngày Quốc tế Phòng, Chống Dịch bệnh Năm 2024
Phát biểu tại hội nghị, PGS.TS Nguyễn Thị Liên Hương nhấn mạnh rằng đại dịch COVID-19 đã cho thấy những bài học quý giá về sự cần thiết của hệ thống y tế vững mạnh. Dịch bệnh không chỉ làm đảo lộn đời sống mà còn gây áp lực lớn lên kinh tế, an sinh xã hội.
Nhân dịp hưởng ứng Ngày Quốc tế Phòng, Chống Dịch bệnh (27/12), Bộ Y tế kêu gọi toàn dân nâng cao ý thức phòng bệnh, chủ động bảo vệ sức khỏe bản thân và gia đình. Đồng thời, Bộ đề nghị các cấp, ngành phối hợp hiệu quả hơn trong công tác phòng, chống dịch bệnh, huy động sự tham gia của toàn xã hội để đảm bảo an sinh xã hội và phát triển kinh tế.
Thông điệp Ngày Quốc tế Phòng, Chống Dịch bệnh năm nay: “Cùng nhau thực hiện cam kết phòng, chống đại dịch; cùng hành động mạnh mẽ hơn để ngăn ngừa và kiểm soát đại dịch trong tương lai.”
Shop acc liên quân, mua acc liên quân vip, mua acc reg liên quân, Acc liên quân vip giá rẻ, lấy lại mật khẩu acc liên quân, mua acc liên quân uy tín
Ban biên tập trang thông tin điện tử Cục Y tế dự phòng