Tin tức

Tin tức

​Hội nghị trực tuyến tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh, công tác tiêm chủng và an toàn tiêm chủng năm 2022

22/07/2022 In bài viết

Chiều 21/7/2022, Bộ Y tế đã tổ chức Hội nghị trực tuyến tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh, công tác tiêm chủng và an toàn tiêm chủng năm 2022. Hội nghị kết nối trực tuyến đến các điểm cầu của 63 tỉnh, thành phố. PGS.TS.Nguyễn Thị Liên Hương, Thứ trưởng Bộ Y tế chủ trì hội nghị.

Tham dự Hội nghị có TS. Nguyễn Lương Tâm, TS. Nguyễn Minh Hằng Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng và Lãnh đạo và chuyên viên một số Vụ, Cục, Văn phòng Bộ Y tế và các đơn vị liên quan.

PGS.TS.Nguyễn Thị Liên Hương, Thứ trưởng Bộ Y tế phát biểu chỉ đạo hội nghị

Theo hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm, số mắc cúm hiện nay không có sự khác biệt so với những năm trước đây. Hiện nay lưu hành chủ yếu là cúm A (H3N2, H1N1) và cúm B. Chưa phát hiện chủng cúm A có độc lực cao như H5N1, H7N9, H5N6, H5N8. Ngành y tế cũng chưa ghi nhận ca tử vong do cúm, tuy nhiên đây là những chủng cúm đã có vaccine phòng bệnh hiệu quả.

Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương đề nghị các đại phương tăng cường phòng, chống các bệnh cúm, đặc biệt là giám sát trọng điểm, giám sát phát hiện các trường hợp mắc, ổ dịch cúm mùa, đẩy mạnh giám sát viêm phổi nặng do virus, các chùm ca bệnh cúm tại cộng đồng, bệnh viện để kịp thời lấy mẫu bệnh phẩm xét nghiệm, chỉ đạo các cơ sở khám chữa bệnh thực hiện tốt công tác phân tuyến điều trị, phân luồn khám sàng lọc để tăng hiệu quả khám chữa bệnh. Đồng thời tiếp tục làm tốt công tác truyền thông theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

TS. Nguyễn Lương Tâm, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết thêm mỗi năm nước ta ghi nhận 600.000 đến 1 triệu ca cúm thường. Tại một số địa phương, một số bệnh viện tuyến cuối ghi nhận sự gia tăng bệnh cúm. Cụ thể, Quảng Ninh ghi nhận hơn 1.200 ca, Hà Nội hơn 2.000 ca có tăng nhưng không ghi nhận ca có triệu chứng nặng, không có tử vong, chủ yếu là cúm thường.

Về tình hình các ca cúm mắc cúm A tăng, TS. Nguyễn Lương Tâm phân tích, trong hơn 2 năm có dịch COVID-19, người dân mang khẩu trang nhiều, thực hiện giãn cách, tuân thủ phòng chống dịch như thường xuyên rửa tay, sát khuẩn nên số ca cúm ít.  Nay người dân chủ quan hơn trong phòng chống dịch, ví dụ không đeo khẩu trang tới nơi công cộng. Vì vậy số ca mắc có xu hướng tăng. Tuy nhiên đến nay, chúng ta chưa ghi nhận tình trạng tử vong do cúm A, các ca phần lớn đều có triệu chứng nhẹ.

Bất kỳ chủng cúm nào cũng nguy hiểm vì đều có khả năng gây biến chứng viêm phổi. Vì thế, khi có dấu hiệu cúm, sốt, ho… người dân không nên chủ quan. Nếu có các triệu chứng nặng nên tới các cơ sở y tế để được hỗ trợ, đặc biệt là để được phân lập, xác định chủng virus cúm đang mắc phải để có hướng điều trị kịp thời.

Ngoài ra, để phòng bệnh cúm, người dân nên thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, như thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, vệ sinh mũi họng bằng nước muối sinh lý, thường xuyên đeo khẩu trang khi tới nơi đông người,  khi tiếp xúc với người bệnh…

          Tại hội nghị, các đại biểu cũng được nghe một số báo cáo kết quả giám sát dịch bệnh COVID-19, sốt xuất huyết, tay chân miệng khu vực phụ trách và đề xuất giải pháp phòng, chống dịch.

Ngoài ra các Viện VSDT/Pasteur còn cung cấp thêm các thông tin về tăng cường công tác điều trị sốt xuất huyết, chân tay miệng, bảo đảm an toàn tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19; Tình hình tiếp nhận, cung ứng vắc xin phòng COVID-19; Tiến độ tiêm phòng COVID-19, đặc biệt tiến độ tiêm vắc xin cho trẻ em và đảm bảo an toàn tiêm vắc xin phòng COVID-19.

Ban biên tập trang thông tin điện tử Cục Y tế dự phòng

Thong ke