Ngày 12/10/2018 tại Hà Nội, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế đã phối hợp với Tổ chức PATH và Quỹ Novartis tổ chức Hội thảo đối thoại chính sách nhằm đánh giá thực trạng và kết quả các hoạt động dự phòng, quản lý bệnh tim mạch, đồng thời đề xuất bổ sung, hoàn thiện các chính sách tăng cường hiệu quả phòng, chống bệnh tim mạch tại Việt Nam.
Ngày 12/10/2018 tại Hà Nội, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế đã phối hợp với Tổ chức PATH và Quỹ Novartis tổ chức Hội thảo đối thoại chính sách nhằm đánh giá thực trạng và kết quả các hoạt động dự phòng, quản lý bệnh tim mạch, đồng thời đề xuất bổ sung, hoàn thiện các chính sách tăng cường hiệu quả phòng, chống bệnh tim mạch tại Việt Nam.
Tham dự Hội thảo có đại diện lãnh đạo và đại biểu các Cục, Vụ, Viện thuộc Bộ Y tế; Viện Tim mạch - Bệnh viện Bạch Mai và các Bệnh viện Trung ương; các Trường Đại học; Sở Y tế, Trung tâm Y tế dự phòng/Trung tâm Kiểm soát bệnh tật của một số tỉnh, thành phố; Tổ chức PATH, Quỹ Novartis, Tổ chức Y tế thế giới (WHO), các tổ chức quốc tế và trong nước khác hoạt động trong lĩnh vực bệnh không lây nhiễm; đại diện các cơ quan truyền thông, báo chí…
Bệnh tim mạch hiện đang gây gánh nặng tử vong lớn nhất ở Việt Nam. Ước tính năm 2016, có 31% số trường hợp tử vong trên toàn quốc là do các bệnh này. Tăng huyết áp và đái tháo đường là hai nguyên nhân quan trọng của bệnh tim mạch. Báo cáo điều tra quốc gia năm 2015 cho thấy cứ năm người trưởng thành Việt Nam thì có một người bị tăng huyết áp và cứ hai mươi người thì có một người bị đái tháo đường. Như vậy ước tính hiện nay nước ta có khoảng 12 triệu người tăng huyết áp, khoảng 3 triệu người bị đái tháo đường.
Sự gia tăng các bệnh không lây nhiễm nói chung và bệnh tim mạch nói riêng có nguyên nhân quan trọng là do sự gia tăng các hành vi nguy cơ có thể phòng tránh được như hút thuốc lá, sử dụng rượu bia, thiếu vận động thể lực, dinh dưỡng không hợp lý và đặc biệt là tiêu thụ nhiều muối. Theo điều tra quốc gia năm 2015, mức tiêu thụ muối trung bình của người Việt Nam là 9,4g, gần gấp đôi mức khuyến cáo của WHO.
Trong khi đó tỷ lệ người mắc bệnh được phát hiện và quản lý điều trị còn rất thấp. Ước tính có gần 60% người mắc tăng huyết áp và gần 70% người đái tháo đường chưa được phát hiện bệnh; chỉ có khoảng 14% bệnh nhân tăng huyết áp, 29% bệnh nhân đái tháo đường hiện đang được điều trị và gần 30% người có nguy cơ tim mạch được quản lý, dự phòng. Lý do cơ bản của những vấn đề nêu trên là do tuyến y tế cơ sở, đặc biệt là ở các trạm y tế xã, chưa triển khai đầy đủ hoạt động dự phòng, phát hiện sớm, quản lý điều trị lâu dài - là yêu cầu rất quan trọng đối với bệnh không lây nhiễm. Vì vậy dự phòng, phát hiện sớm và quản lý bệnh không lây nhiễm nói chung và bệnh tim mạch nói riêng là một giải pháp cốt lõi hiện nay.
Đảng và Chính phủ đã có những cam kết mạnh mẽ để giải quyết những căn bệnh này. Năm 2017, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ban hành Nghị quyết số 20-NQ/TW về Tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới, đặt ra mục tiêu đến năm 2025 có 95% và đến 2030 có 100% TYT xã, phường, thị trấn thực hiện dự phòng, quản lý, điều trị một số bệnh không lây nhiễm, trong đó có bệnh tim mạch. Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt Chiến lược quốc gia Phòng chống bệnh không lây nhiễm giai đoạn 2015 - 2025, trong đó các giải pháp trọng tâm là đẩy mạnh dự phòng, tăng cường chăm sóc sức khỏe ban đầu nhằm đạt mục tiêu giảm 20% tỷ lệ tử vong trước 70 tuổi do bệnh không lây nhiễm và khống chế tỉ lệ mắc tăng huyết áp dưới 30% ở người trưởng thành. Trong tháng 9 năm 2018, Việt Nam cũng tham dự Hội nghị cấp cao lần thứ ba về bệnh không lây nhiễm tại Đại hội đồng Liên hiệp quốc và tái khẳng định sự cam kết của Việt Nam đối với các mục tiêu phòng chống bệnh không lây nhiễm toàn cầu.
Để giải quyết các bệnh này, WHO cũng đã xây dựng gói can thiệp bệnh tim mạch (gói Heart) và khuyến cáo các quốc gia thành viên, trong đó có Việt Nam, áp dụng trong dự phòng và quản lý bệnh tim mạch tại cộng đồng. Gói can thiệp này đưa ra chiến lược tiếp cận nhằm cải thiện sức khỏe tim mạch, kiểm soát tăng huyết áp và các bệnh không lây nhiễm khác. Gói HEART toàn cầu có 6 mô-đun thực hành gồm: Tư vấn lối sống lành mạnh, áp dụng phác đồ điều trị dựa trên bằng chứng, tiếp cận thuốc và công nghệ thiết yếu, đánh giá và quản lý nguy cơ tim mạch, chăm sóc theo nhóm và theo dõi, đánh giá.
Tại Hội thảo, Cục Y tế dự phòng đã cập nhật thông tin về các chủ trương, chính sách, chiến lược liên quan của Việt Nam. Tiến sỹ Trương Đình Bắc, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho biết riêng trong năm 2018, Bộ Y tế đã ban hành nhiều chính sách quan trọng trong phòng chống bệnh không lây nhiễm như: Quyết định số 2559/QĐ-BYT về Kế hoạch tăng cường thực hiện điều trị, quản lý tăng huyết áp và đái tháo đường theo nguyên lý y học gia đình tại các trạm y tế xã, phường giai đoạn 2018-2020; Quyết định số 2033/QĐ-BYT về Kế hoạch quốc gia Truyền thông vận động thực hiện giảm muối trong khẩu phần ăn để phòng, chống tăng huyết áp, đột quỵ và các bệnh không lây nhiễm khác giai đoạn 2018-2025; Quyết định số 3756/QĐ-BYT về Hướng dẫn hoạt động dự phòng, chẩn đoán sớm, điều trị và quản lý một số bệnh không lây nhiễm phổ biến cho y tế cơ sở. Các chính sách trên được kết hợp với thực hiện Thông tư số 39/2017/TT-BYT quy định gói dịch vụ y tế cơ bản cho tuyến y tế cơ sở. Bên cạnh đó, Bộ Y tế cũng đang đề xuất sử đổi Nghị định số 105/2014/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thị hành một số điều của Luật bảo hiểm y tế cho phù hợp hơn trong tình hình mới.
Bên cạnh báo cáo rà soát chính sách, một số chương trình, can thiệp hiệu quả cũng được trình bày để chia sẻ kinh nghiệm và cung cấp các bằng chứng, khuyến nghị cho xây dựng chính sách như: Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh và Tổ chức PATH giới thiệu về sáng kiến Cộng đồng vì Trái tim khỏe; Sở Y tế tỉnh Khánh Hòa trình bày về kinh nghiệm triển khai quản lý tăng huyết áp tại trạm y tế xã; Viện Tim mạch trình bày về tình hình triển khai chương trình phòng chống bệnh tim mạch tại Việt Nam.
Các đại biểu dự Hội thảo đã trao đổi, thảo luận và đưa ra khuyến nghị bổ sung, hoàn thiện một số cơ chế, chính sách, qui định trong dự phòng, điều trị và quản lý các bệnh tim mạch tại tuyến y tế cơ sở. Bên cạnh việc phải ban hành Luật Phòng chống tác hại của rượu bia, xây dựng Luật Phòng bệnh… thì cần có các chính sách để giảm tiêu thụ nước ngọt có đường và hạn chế sự tiếp cận của trẻ em với các thực phẩm, sản phẩm có yếu tố nguy cơ sức khỏe tim mạch. Về tài liệu chuyên môn kỹ thuật thì cần thiết ban hành, bổ sung quy trình phát hiện sớm tăng huyết áp/nguy cơ tim mạch tại cộng đồng, hướng dẫn kê đơn dinh dưỡng và hoạt động thể lực trong dự phòng và điều trị bệnh tim mạch, qui trình quản lý và phác đồ điều trị đơn giản, phù hợp cho áp dụng tại trạm y tế xã, quy trình và qui định các trường hợp bệnh ổn định cần chuyển về tuyến xã để quản lý điều trị. Cần tiếp tục hoàn thiện các chính sách, qui định về cấp chứng chỉ hành nghề và phạm vi chuyên môn cho bác sỹ trạm y tế xã để thực hiện quản lý điều trị các bệnh mạn tính. Về tài chính cần ban hành gói dịch vụ về dự phòng để chi trả cho các dịch vụ sàng lọc phát hiện sớm và tư vấn, đồng thời tiếp tục tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về BHYT. Hội thảo cũng xác định tầm quan trọng của phối hợp liên ngành và hợp tác công - tư, khuyến khích sự tham gia tích cực của người dân, cộng đồng và các đối tác công - tư vào các chương trình dự phòng, phát hiện sớm và quản lý bệnh tim mạch dựa trên hệ thống chăm sóc sức khỏe ban đầu để người dân có thể tiếp cận với các dịch vụ ngay tại nơi sinh sống. Bên cạnh đó, cần tập trung triển khai mạnh mẽ Kế hoạch truyền thông giảm muối đến từng hộ gia đình, có sự tham gia của các doanh nghiệp thực phẩm, các nhà hàng ăn uống..., tăng cường sàng lọc tăng huyết áp, nguy cơ tim mạch từ cộng đồng, tuyến y tế cơ sở tăng tỷ lệ người tăng huyết áp và nguy cơ tim mạch được phát hiện, quản lý điều trị theo nguyên lý y học gia đình tại trạm y tế.
Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế
Admin