​Hưởng ứng “Ngày Thế giới phòng chống bệnh dại” lần thứ 17

27/09/2023 In bài viết

          Bệnh dại là bệnh viêm não tủy cấp tính do vi rút dại thuộc họ Rhabdoviridae, giống Lyssavirus gây ra, lây truyền từ động vật sang người chủ yếu qua vết cắn của động vật mắc bệnh. Bệnh thường lưu hành ở các nước thuộc khu vực châu Á và châu Phi. Tại Việt Nam, bệnh dại lưu hành ở nhiều địa phương, chủ yếu là ở các tỉnh miền núi với nguồn truyền bệnh chính là chó. Bệnh thường tăng cao vào mùa nắng nóng từ tháng 5 đến tháng 8 hàng năm. Các biểu hiện lâm sàng của bệnh dại trên người là sợ nước, sợ gió, co giật, liệt và dẫn đến tử vong. Khi đã lên cơn dại, tỷ lệ tử vong gần như 100% (đối với cả người và động vật). Tuy vậy, bệnh dại trên người có thể phòng và điều trị dự phòng bằng vắc xin và huyết thanh kháng dại. Tiêm vắc xin dại cho cả người và động vật (chủ yếu là chó) là biện pháp hiệu quả để phòng, chống bệnh dại.

          Bệnh dại thuộc bệnh truyền nhiễm nhóm B trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm ở Việt Nam. Thời gian ủ bệnh ở người thông thường là từ 1 - 3 tháng sau phơi nhiễm, hiếm khi có trường hợp thời gian ủ bệnh ngắn dưới 9 ngày hoặc dài tới một vài năm. Thời gian ủ bệnh phụ thuộc vào tình trạng nặng nhẹ của vết cắn, vị trí của vết cắn có liên quan đến nơi có nhiều dây thần kinh, khoảng cách từ vết cắn đến não, số lượng vi rút xâm nhập. Vết cắn càng nặng và gần thần kinh trung ương thì thời gian ủ bệnh càng ngắn. Thời kỳ lây truyền ở chó nhà là từ 3-7 ngày (tối đa là 10 ngày) trước khi chó có triệu chứng dại và trong suốt thời kỳ phát bệnh. Ở người, vi rút đào thải qua các chất tiết (nước bọt, nước mắt, nước tiểu ...) của người bệnh trong suốt thời gian phát bệnh. Tuy nhiên, khả năng lây truyền từ người sang người là vô cùng hiếm gặp.

          Bệnh lây truyền chủ yếu qua vết cắn hoặc vết cào, liếm của động vật bị dại lên trên da bị tổn thương. Ngoài ra vi rút dại còn có thể lây truyền từ người sang người qua cấy ghép mô, phủ tạng và vết cắn hoặc tiếp xúc với chất tiết của bệnh nhân bị dại cũng đã được báo cáo. Ngoài ra, còn có các đường lây truyền khác nhưng hiếm gặp hơn như lây truyền qua niêm mạc do tiếp xúc hoặc hít phải không khí giọt nhỏ chứa vi rút dại trong hang dơi hoặc tai nạn ở phòng thí nghiệm.

          Cho tới nay, bệnh dại hiện vẫn là một trong số các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm gây dịch có số tử vong trên người cao nhất trên thế giới cũng như tại Việt Nam. Theo Tổ chức Y tế thế giới, hàng năm thế giới ghi nhận trung bình 60.000 ca tử vong do dại. Tức là cứ chín phút lại có một người, 40% trong số đó là trẻ em sống ở Châu Á và Châu Phi. Vào năm 2015, thế giới đã kêu gọi hành động bằng cách đặt mục tiêu không có trường hợp tử vong do bệnh dại do chó gây ra ở người vào năm 2030 trên toàn thế giới. Bệnh dại được đưa vào Lộ trình kiểm soát toàn cầu các bệnh nhiệt đới bị lãng quên đoạn 2021-2030 của Tổ chức Y tế thế giới.

          Ở nước ta, bệnh dại đã lưu hành trong nhiều năm và là một trong số các bệnh truyền nhiễm có số ca tử vong cao nhất. Thời gian qua, công tác phòng chống bệnh dại đã được quan tâm đẩy mạnh và đạt một số kết quả nhất định. Tuy nhiên, từ năm 2022 đến nay, tình hình bệnh dại diễn biến phức tạp với số ca tử vong cao. Đến nay, cả nước đã ghi nhận 61 ca tử vong do dại, tăng 18 ca so với cùng kỳ năm ngoái (~42%). Bên cạnh đó, dịch bệnh xuất hiện và tăng cao đột biến ở những tỉnh trước đây không phải là khu vực trọng điểm về dại.

          Thời gian qua, công tác phòng chống bệnh dại tại Việt Nam đã được quan tâm đẩy mạnh và đạt một số kết quả nhất định trong những năm gần đây, giai đoạn 2017-2021 trung bình mỗi năm có 76 người tử vong, giảm 15% so với giai đoạn 2012 - 2016. Tuy nhiên từ đầu năm 2023 đến nay, dịch bệnh xuất hiện và tăng cao đột biết ở những tỉnh vốn không phải là khu vực trọng điểm về dại. Trong đó, tỉnh Gia Lai ghi nhận 9 ca tử vong do dại (tăng gấp đôi so với cùng kỳ 2022 và 2021 không có ca bệnh), tỉnh Nghệ An và Điện Biên ghi nhận 06 ca tử vong (cùng kỳ năm 2022 không ghi nhận ca bệnh).

          Nhằm nâng cao nhận thức và sự tham gia tích cực của chính quyền và cộng đồng đối với hoạt động phòng chống dại, Liên minh Phòng chống bệnh dại Thế giới đã lựa chọn ngày 28 tháng 9 hàng năm là “Ngày Thế giới phòng chống bệnh dại”. Nhằm tăng cường nhận thức về công tác phòng, chống bệnh dại của cộng đồng cũng như chính quyền các cấp thông qua việc hưởng ứng Ngày Thế giới phòng chống bệnh dại năm 2023, ngày 27/9/2023, Cục Y tế dự phòng phối hợp với Cục Thú y - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hội nghị Tăng cường vai trò của các bên liên quan trong thực hiện các giải pháp tổng thể phòng, chống bệnh dại thuộc Chương trình quốc gia 2022-2030 tại Gia Lai với sự tham gia của các Vụ/Cục/Viện thuộc, trực thuộc Bộ Y tế và Cục Thú y, các Chi cục Thú y vùng, Trung tâm chẩn đoán thú y Trung ương, Đối tác Một Sức khỏe (OHP) thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng với Sở Y tế, Sở Nông nghiệp và PTNT, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật và Chi cục Chăn nuôi - Thú y 63 tỉnh/thành phố và Các tổ chức quốc tế: Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO), Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa bệnh tật Hoa Kỳ (USCDC), USAID, GIZ, Tổ chức Phúc lợi động vật Quốc tế (HIS), Tổ chức Four Paws và các tổ chức khác...

 

Ban biên tập trang thông tin điện tử Cục Y tế dự phòng

Thong ke