​Mít tinh hưởng ứng Ngày Thế giới phòng chống dại 2015, hướng tới loại trừ bệnh dại vào 2020

09/01/2021 In bài viết

Mít tinh hưởng ứng Ngày Thế giới phòng chống dại 2015, hướng tới loại trừ bệnh dại vào 2020

Nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng và kêu gọi sự cam kết chính trị của chính quyền các nước trong nỗ lực hướng tới một thế giới không còn bệnh dại, Liên minh kiểm soát bệnh dại toàn cầu (GARC) đã lấy ngày 28/9 hàng năm là Ngày thế giới phòng chống bệnh dại.

Ngày 26/9/2015 Bộ Y tế đã phối hợp với Bộ Nông nghiệp Phát triển nông thôn, Ủy ban nhân tinh tỉnh Quảng Nam, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Tổ chức Nông Lương Liên hợp quốc (FAO) cùng các Sở, ban, ngành, đoàn thể, các cơ quan của tỉnh Quảng Nam tổ chức Lễ mít tinh quốc gia hưởng ứng “Ngày Thế giới phòng chống bệnh dại năm 2015” với chủ đề “Cùng nhau chấm dứt bệnh dại bằng cách tiêm vắc xin cho chó”.

Bệnh dại là một bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm do vi rút dại gây ra, lây từ động vật sang người. Theo thống kê của Tổ chức y tế thế giới, mỗi năm có khoảng 50.000 người tử vong do dại và hơn 10 triệu người phải tiêm vắc xin phòng dại. Các trường hợp tử vong do bệnh dại do không đi tiêm phòng vắc xin và gặp chủ yếu ở vùng nông thôn nơi có tập quán nuôi chó thả rông, không tiêm phòng vắc xin cho đàn chó và còn thiếu hiểu biết về phòng chống bệnh dại. Người nhiễm vi rút dại khi đã lên cơn dại thì tỷ lệ tử vong là gần như 100%, mặc dù vậy bệnh dại hoàn toàn có thể ngăn ngừa được nếu người bị động vật nghi dại cắn được tiêm phòng vắc xin đúng và đầy đủ. Vì vậy, để ngăn ngừa bệnh dại trên người, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo người bị động vật cắn cần được tiêm vắc xin điều trị dự phòng bệnh dại.

Ở nước ta, bệnh dại đã lưu hành trong nhiều năm, số tử vong do dại ghi nhận tăng cao trong giai đoạn 1990-2000 với hàng trăm trường hợp mỗi năm. Cùng với con số tử vong đó, hàng năm có trung bình khoảng 400.000 người bị chó, mèo cắn phải điều trị dự phòng bằng vắc xin dại, phí tổn tiền vắc xin ước tính hơn 300 tỷ đồng mỗi năm, ngoài ra còn gây tổn thất đến sức khỏe, tinh thần của người dân. Khu vực miền núi phía Bắc được coi là khu vực trọng điểm dại với hơn 80% số ca tử vong do dại tập trung ở khu vực này.

Trong những năm gần đây, Việt Nam với vai trò là quốc gia dẫn đầu phòng, chống bệnh dại trong khu vực ASEAN đã tích cực triển khai Nghị định số 05/2007/NĐ-TTg của Chính phủ về việc phòng chống bệnh dại nhằm giảm thiểu tử vong do dại và hướng tới mục tiêu loại trừ bệnh dại vào năm 2020 được nêu trong “Chiến lược loại trừ bệnh dại ASEAN” do Việt Nam là đầu mối xây dựng. Chiến lược này đã được Hội nghị Bộ trưởng Bộ Y tế ASEAN và Hội nghị Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Lâm nghiệp ASEAN phê duyệt vào năm 2014 và đã được Hội nghị Quan chức cao cấp Y tế các nước ASEAN lần thứ 10 được tổ chức vào tháng 9/2015 tại Lâm Đồng, Việt Nam thông qua. 

Nhờ những nỗ lực đáng kể của ngành Y tế, ngành Thú y cũng như sự vào cuộc của chính quyền UBND các cấp, công tác phòng chống bệnh dại tại Việt Nam đã đạt kết quả nhất định, số tử vong do bệnh dại đã giảm rõ rệt so với giai đoạn 1990-2000 xuống còn khoảng dưới 100 trường hợp tử vong/năm vào những năm 2010 trở lại đây. Tuy nhiên, vẫn còn một số tỉnh, thành phố có số tử vong cao do dại. Từ đầu năm 2015 đến nay cả nước đã có 46 trường hợp tử vong xảy ra ở 22 tỉnh, thành phố.

Nguồn lây bệnh dại trên thế giới nói chung và ở nước ta nói riêng chủ yếu là do chó dại cắn người mà không đi tiêm phòng, nếu không có bệnh dại trên động vật thì sẽ không có bệnh dại trên người, vì vậy biện pháp hiệu quả nhất để loại trừ bệnh dại ở người là quản lý đàn chó và tiêm vắc xin phòng dại đầy đủ cho chó. Đây cũng là nội dung quan trọng của Chiến lược loại trừ bệnh dại khu vực ASEAN, chính vì vậy “Cùng nhau chấm dứt bệnh dại bằng cách tiêm vắc xin cho chó” được coi là chủ đề của ngày Thế giới phòng chống bệnh dại năm nay.

Theo nhận định của Cục Thú y - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong những năm gần đây bệnh dại xuất hiện nhiều ở những tỉnh, thành phố nhiều năm nay không có dịch như đồng bằng Bắc Bộ và khu vực miền Trung. Tỉnh Quảng Nam là một trong những tỉnh có số trường hợp mắc dại cao trên cả nước và có số ca tử vong đứng đầu khu vực miền Trung. Vì vậy, để nâng cao ý thức cộng đồng và các cấp chính quyền trong phòng chống dại, tỉnh Quảng Nam được chọn là nơi tổ chức Lễ mít tinh hưởng ứng Ngày Thế giới phòng chống bệnh dại năm 2015.

Để tiến tới mục tiêu loại trừ bệnh dại vào năm 2020, đòi hỏi không chỉ nỗ lực của riêng ngành y tế hoặc ngành nông nghiệp mà cần có sự cam kết và sự vào cuộc mạnh mẽ của chính quyền các cấp cùng với việc phân bổ nguồn lực thích hợp cho công tác phòng, chống dại cũng như sự tham gia tích cực của cộng đồng bên cạnh những giải pháp kỹ thuật như nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, thú y tại các cấp. Loại trừ bệnh dại chỉ có thể đạt được nếu chúng ta quản lý tốt đàn chó và ít nhất 70% tổng đàn chó thực tế được tiêm phòng đầy đủ. Hưởng ứng Ngày Thế giới Phòng chống Bệnh dại là một cơ hội nhằm tăng cường sự hiểu biết của người dân về phòng chống bệnh dại, cam kết của cộng đồng cũng như các cấp chính quyền, ban ngành, đoàn thể cùng tham gia để đẩy lùi căn bệnh này.

Tại buổi lễ mít tinh, Ông Lê Văn Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cũng nêu bật cam kết mạnh mẽ của chính quyền các cấp trong công tác phòng chống bệnh và loại trừ bệnh dại tại tỉnh Quảng Nam nói riêng, đồng thời cũng cam kết nỗ lực góp phần hướng tới mục tiêu loại trừ bệnh dại vào năm 2020 của Việt Nam.

Các phát biểu của đại diện Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế, Cục Thú y - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tổ chức Y tế thế giới, Tổ chức Nông Lương Liên hợp quốc cũng thể hiện sự cam kết và tăng cường hợp tác theo hướng tiếp cận “một sức khỏe” để nâng cao nhận thức cộng đồng và đẩy mạnh các biện pháp phòng chống dại. Hai Bộ cũng phối hợp hơn nữa để cải thiện công tác giám sát và báo cáo dịch bệnh, khuyến khích sự hợp tác hiệu quả hơn giữa hai ngành y tế và thú y ở cấp địa phương. 

Kết thúc buổi Lễ mít tinh hưởng ứng “Ngày Thế giới phòng chống bệnh dại năm 2015”, đại diện Lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam, lãnh đạo Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế, Cục Thú y - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chương trình Phòng chống dại quốc gia, Sở Y tế Quảng Nam và các Tổ chức quốc tế đã cùng nhau ký tượng trưng vào Cam kết hành động thể hiện sự cam kết vì một Việt Nam không có bệnh dại.

Admin

Tin tức liên quan

Danh sách các đơn vị đã được Bộ Y tế cho phép thực hiện xét nghiệm khẳng định Covid-19 (cập nhật đến ngày 27/7/2020)

DANH SÁCH CÁC ĐƠN VỊ ĐÃ ĐƯỢC BỘ Y TẾ CHO PHÉP THỰC HIỆN XÉT NGHIỆM KHẲNG ĐỊNH COVID-19

Xem chi tiết Next

Ngày sức khỏe thế giới năm 2016 - Dự phòng và kiểm soát bệnh đái tháo đường

Hưởng ứng Ngày Sức khỏe thế giới (7/4) năm nay tại Việt Nam, Bộ Y tế phối hợp với Tổ chức Y tế thế giới tổ chức các hoạt động với chủ đề “Dự phòng và kiểm soát bệnh đái tháo đường tại cộng đồng”

Xem chi tiết Next

Hội nghị trực tuyến Triển khai kế hoạch tăng cường công tác an toàn tiêm chủng

Hội nghị trực tuyến Triển khai kế hoạch tăng cường công tác an toàn tiêm chủng

Xem chi tiết Next

Trên 5.000 trẻ được tiêm vắc xin Quinvaxem tại các điểm tiêm chủng dịch vụ

Trên 5.000 trẻ được tiêm vắc xin Quinvaxem tại các điểm tiêm chủng dịch vụ

Xem chi tiết Next
Thong ke