​Một số kết quả đạt được sau 4 tháng triển khai Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ

10/03/2022 In bài viết

Đến ngày 04/3/2022, Thế giới ghi nhận trên 441 triệu ca mắc COVID-19, trên 5,9 triệu trường hợp tử vong. Trong tuần, ghi nhận trên 10 triệu ca mắc mới, trên 52.000 trường hợp tử vong, các quốc gia ghi nhận số nhiễm, tử vong cao trog, gồm: (5-7 quốc gia 

Tại Việt Nam, đợt dịch thứ 4 đến ngày 04/3/2022, cả nước đã ghi nhận trên 3,8 triệu ca mắc, hơn 2,5 triệu người đã khỏi bệnh (65,6%), 40.500 ca tử vong. So với tuần trước, số mắc trong cộng đồng tăng 74,5%, số tử vong tăng 24,6%, số đang điều trị tại bệnh viện tăng 26,4%, số ca nặng, nguy kịch tăng 13,8%[1]. So với tháng trước, số ca cộng đồng cả nước tăng 197,9%, số ca tử vong giảm 47,1%, số ca đang điều trị tại bệnh viện giảm 24,5%, số ca nặng, nguy kịch giảm 43,1%. Tỷ lệ chết/mắc của 30 ngày qua là 0,2%, giảm so với tháng trước (1%) và số ca tử vong/100.000 dân của 30 ngày qua ghi nhận là 3 ca (giảm 3 ca so với tháng trước).

Phân bố tỷ lệ nhiễm theo độ tuổi giai đoạn 4 tuần sau Tết Nguyên đán (từ ngày 01/02/2022) đến nay so với 4 tuần trước Tết Nguyên đán: nhóm 18-49 tuổi chiếm 54,3% (871.083 ca) tăng 2,5 lần so với giai đoạn trước Tết; nhóm 50-65 tuổi chiếm 10,8% (173.254 ca) tăng 2,2 lần so với giai đoạn trước Tết; nhóm trên 65 tuổi chiếm 4,5% (72.189 ca) tăng 2 lần so với giai đoạn trước Tết.

Đến nay dịch bệnh cơ bản đang được kiểm soát trên phạm vi cả nước. Tất cả các địa phương đều đã chuyển sang trạng thái “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” theo Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ. Tuy vậy, số mắc mới có xu hướng gia tăng nhanh tại hầu hết các tỉnh, thành phố trong 02 tuần qua (với khoảng 50.000-75.000 ca mỗi ngày trong 02 tuần qua, ngày cao nhất là hơn 118.000 ca), số trường hợp mắc tăng nhiều hơn ở nhóm chưa tiêm vắc xin, nhất là nhóm dưới 12 tuổi (trước 01/02 là 18,4% và sau 01/02 là 24,3%); số trường hợp nặng, nguy kịch bắt đầu có sự gia tăng 37,6% (trước 01/02 là 2.790 và tích lũy đến nay là 3.840 ca), số tử vong ổn định trong khoảng 80-110 ca/ngày.

Xu hướng gia tăng nhanh số mắc trong thời gian gần đây là do sự lưu hành phổ biến của biến thể Omicron tại các tỉnh, thành phố, đặc biệt là TP. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh thay thế dần biến thể Delta, theo báo cáo của TP. Hà Nội biến thể Omicron đã ghi nhận ở 20/30 quận, huyện, chiếm tới 87% tổng số các mẫu phát hiện biến thể Omicron (biến thể phụ BA.2 có khả năng lây lan nhanh hơn 1,5 lần biến thể gốc BA.1 và có khả năng tránh tác động miễn dịch của các loại vắc xin hiện tại hơn biến thể gốc BA.1 khoảng 30%)[2]; tại TP. Hồ Chí Minh biến thể Omicron chiếm tới 76% số mẫu có kết quả giải trình tự gen. Tuy nhiên do tỷ lệ bao phủ vắc xin cao trên phạm vi toàn quốc, đặc biệt là đã có sự chăm sóc đối tượng nguy cơ cao nên tỷ lệ chết/mắc trên phạm vi toàn quốc giảm sâu (ngày 1/2 là 0,9% và ngày 03/3 là 0,1%). 

Kể từ thời điểm thí điểm mở lại các đường bay quốc tế ngày 01/01/2022 đến hết ngày 14/02/2022, cả nước ghi nhận hơn 800.000 ca mắc, trong đó hơn 500.000 ca cộng đồng. Trong thời gian tới, với nhu cầu đi lại và mùa lễ hội năm 2022, mở cửa trở lại hoạt động giáo dục đào tạo trực tiếp, nhất là thời gian tới Việt Nam nới nỏng cách ly y tế, giảm các hạn chế đối với hoạt động vận chuyển hành khách trên tất cả các phương tiện, lượng khách quốc tế đi, đến Việt Nam sẽ gia tăng mạnh sẽ không tránh khỏi gia tăng nguy cơ lây nhiễm.

Bộ Y tế đã phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương, tổ chức quốc tế  WHO, USCDC để rà soát, đánh giá việc thực hiện Quyết định 4800/QĐ-BYT về hướng dẫn chuyên môn y tế thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10 /2021 của chính phủ ban hành Quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” và ban hành Quyết định số 218/QĐ-BYT ngày 27/01/2022 với các nội dung, chỉ số cụ thể để làm cơ sở cho các địa phương áp dụng thuận tiện trong đánh giá cấp độ dịch và triển khai các biện pháp đáp ứng phù hợp với diễn biến tình hình dịch COVID-19 hiện nay theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Sau hơn 4 tháng triển khai thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ, nước ta đã đạt được nhiều kết quả tích cực trong kiểm soát tình hình dịch COVID-19, từng bước khôi phục thị trường lao động, xuất khẩu, thu hút đầu tư; công tác bảo đảm an ninh, trật tự xã hội tiếp tục được triển khai đồng bộ, hiệu quả; công tác an sinh xã hội được tăng cường. Các Bộ, ngành, địa phương tích cực triển khai phổ biến, hướng dẫn thực hiện đầy đủ tinh thần thích ứng an toàn linh hoạt, phòng chống dịch COVID-19 hiệu quả được Chính phủ ban hành tại Nghị quyết số 128/NQ-CP. Bộ Công An chủ động cập nhật, đồng bộ giữa dữ liệu tiêm chủng, an sinh xã hội, phát huy hiệu quả cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư… Bộ Giáo dục Đào tạo đã ban hành các văn bản hướng dẫn phòng chống dịch và tổ chức các hình thức học trực tiếp hoặc trực tuyến tại các cấp học phù hợp với các cấp độ dịch… Bộ Giao thông Vận tải đã ban hành các Quyết định và các văn bản hướng dẫn tạm thời về tổ chức hoạt động vận tải của 5 lĩnh vực (đường bộ, đường thủy nội địa, hàng hải, đường sắt, hàng không) khôi phục các hoạt động vận tải hành khách…

Toàn bộ các tỉnh, thành phố đều đã ban hành Kế hoạch thích ứng hoặc văn bản chỉ đạo phòng chống dịch trong sản xuất, giao thông... trên địa bàn để thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP. Hiện nay, toàn bộ 63 tỉnh, thành phố đã triển khai đánh giá và công bố cấp độ dịch, được công bố trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế. Hiện có 2.150 xã, phường cấp độ 3 - nguy cơ cao (chiếm 20,3% số xã, phường cả nước); 401 xã, phường cấp độ 4 - nguy cơ rất cao (3,8%) tại 22 tỉnh, thành phố[3].

Về vắc xin và tiêm chủng

Đến ngày 03/3/2022, Việt Nam đã tiếp nhận 218 triệu liều vắc xin; thực hiện phân bổ 202,4 triệu liều[4] (còn khoảng 15,6 triệu liều chưa phân bổ đang tiến hành các thủ tục kiểm định chất lượng, xuất xưởng vắc xin), tiêm được hơn 196 triệu liều.

Tỷ lệ tiêm chủng:

- Đối tượng từ 18 tuổi trở lên: tỷ lệ mũi 1,2,3 lần lượt là 100%, 98,4% và 37,4%[5];

- Đối tượng từ 12-17 tuổi: Tỷ lệ mũi 1, 2 lần lượt là 98,8% và 93,5%[6].

Trong 30 ngày triển khai chiến dịch tiêm chủng mùa xuân (từ 29/01/2022 - 28/02/2022), cả nước tiêm được hơn 14 triệu liều, chủ yếu là liều bổ sung và liều nhắc lại (hơn 12 triệu liều), góp phần vào việc tăng cường tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ 2 liều vắc xin cơ bản và tiêm mũi 3 trên toàn quốc.

Như vậy nước ta cơ bản đã bao phủ 2 liều vắc xin cho người từ 12 tuổi trở lên. Đến nay, tỷ lệ tiêm mũi 3 là 37,4%. Đến hết Quý I/2022, ước khoảng 60% người từ 18 tuổi trở lên đủ thời gian để tiêm mũi 3 (có khoảng 23,4 triệu người cần tiêm liều bổ sung để hoàn thành lộ trình tiêm đủ liều cơ bản, chủ yếu được tiêm bổ sung từ tháng 01/2022 và thời gian tiêm mũi 3 cho các đối tượng này là từ tháng 4/2022). Số đối tượng còn lại sẽ tiếp tục được tiêm mũi 3 khi đến lịch tiêm chủng trong Quý II/2022.

Bộ Y tế tiếp tục chỉ đạo[7] các tỉnh, thành phố về việc tăng cường tiêm vắc xin phòng COVID-19; đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố khẩn trương chỉ đạo thực hiện và chịu trách nhiệm về tình hình sử dụng vắc xin tại địa phương, đảm bảo không để vắc xin hết hạn phải hủy bỏ. Ngày 28/02/2022, Bộ Y tế tổ chức Hội nghị trực tuyến với các đơn vị, chuyên gia trong nước và các tổ chức quốc tế (WHO, US CDC) về việc triển khai tiêm vắc xin phòng COVID-19 các mũi tăng cường; Bộ Y tế đang khẩn trương hoàn thiện thủ tục mua sắm vắc xin và chuẩn bị để triển khai tiêm cho nhóm đối tượng từ 5 đến dưới 12 tuổi.

Hầu hết các địa phương đều sử dụng hiệu quả nguồn vắc xin được phân bổ, tổ chức tiêm chủng an toàn, khoa học theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế, không để xảy ra tình trạng vắc xin hết hạn phải hủy bỏ. Tuy nhiên, hiện vẫn còn có 1 số địa phương tỷ lệ bao phủ 2 liều vắc xin cho trẻ từ 12-17 tuổi còn thấp (dưới 90%). Nguyên nhân là do:

+ Sự di biến động dân cư khiến cho một số địa phương khó khăn trong việc rà soát, cập nhật và quản lý đối tượng tiêm chủng;

+ Một số địa phương chưa cập nhật kịp thời, chính xác kết quả tiêm chủng đã đạt được;

+ Một bộ phận phụ huynh chưa đồng ý cho con/em mình tiêm vắc xin phòng COVID-19 do còn lo lắng về tác dụng không mong muốn của vắc xin đối với trẻ em.

Giải pháp:

+ Tiếp tục tăng cường rà soát người chưa được tiêm chủng/chưa được tiêm đủ liều cơ bản hoặc không thể đến cơ sở tiêm chủng để tiêm bù, tiêm vét, tổ chức tiêm tại nhà (nếu cần thiết) đảm bảo không bỏ sót đối tượng, đồng thời tăng cường triển khai tiêm mũi 3.

+ Tăng cường công tác truyền thông, nâng cao hiểu biết của người dân về lợi ích của việc tiêm vắc xin phòng COVID-19.

+ Một số địa phương[8] có nhiều đối tượng đã đến thời điểm tiêm mũi 3  nhưng chưa được tiêm chủng cần khẩn trương đẩy nhanh tiến độ tiêm, rà soát và đề xuất số lượng và chủng loại vắc xin cần để được Bộ Y tế phân bổ kịp thời, hợp lý, đảm bảo sử dụng hiệu quả vắc xin.

+ Tiếp tục đôn đốc, chỉ đạo các địa phương, đơn vị tăng cường công tác tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 và báo cáo kịp thời kết quả triển khai, đảm bảo hoàn thành mục tiêu tiêm chủng theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; kịp thời giải quyết các khó khăn của địa phương trong quá trình triển khai và sẽ đảm bảo phân bổ đủ vắc xin để tiêm chủng theo đề xuất của địa phương.


[1] Từ ngày 25/2-03/3/2022, cả nước ghi nhận thêm 665.889 ca mắc mới (67,5% ca cộng đồng); một số địa phương có số mắc cộng đồng tăng so với tuần trước, gồm: Quảng Ninh (tăng 18669), Hà Nội (tăng 14594), Hưng Yên (10375), Đắc Lắc (7743), Hồ Chí Minh (7449), Vĩnh Phúc (6389), Bình Phước (6286), Lào Cai (5034)…

[2] Biến thể BA.2, còn được gọi là “Omicron tàng hình” đang lây lan trên 82 quốc gia, khi mắc BA.1 vẫn có khả năng tái nhiễm BA.2 ở phần lớn những người trẻ tuổi, chưa được tiêm chủng.

[3] Yên Bái (77), Lào Cai (65), Quảng Ninh (52), Nghệ An (49), Hưng Yên (27), Bắc Cạn (22), Tuyên Quang (19), Bắc Giang (16), Hòa Bình (13), Bắc Ninh (11), Quảng Bình (11), Lai Châu (5), Ninh Bình (5), Khánh Hòa (5), Bình Định (4), Cao Bằng (3), Lâm Đồng (3), Lạng Sơn (1), Thanh Hóa (1), Bình Thuận (1), Đắc Lắc (1), Trà Vinh (1).

[4] Khu vực phía Bắc được phân bổ 85,5 triệu liều, tỷ lệ tiêm chủng đạt 98,3% số vắc xin phân bổ. Miền Trung phân bổ 25,1 triệu liều, tỷ lệ tiêm chủng đạt 94,9% số vắc xin phân bổ. Tây Nguyên phân bổ 8,4 triệu liều vắc xin, tỷ lệ tiêm chủng đạt 96,2% số vắc xin phân bổ. Miền Nam phân bổ 81,4 triệu liều vắc xin, tỷ lệ tiêm chủng đạt 96,6% số vắc xin phân bổ.

[5] Có 62/63 tỉnh, thành phố có tỷ lệ bao phủ mũi 2 trên 90%.

[6] Có 55/63 tỉnh, thành phố có tỷ lệ bao phủ mũi 2 trên 90%.

[7] Công văn số 736/BYT-DP ngày 18/02/2022 của Bộ Y tế  

[8] Hải Phòng, Hải Dương, Bắc Kạn, Sơn La, Quảng Ngãi, Phú Yên, Đồng Nai, An Giang, Bình Dương, Bình Phước, Kiên Giang…

Ban biên tập trang thông tin điện tử Cục Y tế dự phòng

Thong ke