Tin tức

Tin tức

​PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng - Giao lưu trực tuyến về "Tiêm chủng an toàn"

21/08/2015 In bài viết

_
Trước những băn khoăn, lo lắng của các bà mẹ đối với việc đưa con em đi tiêm chủng, trong đó có tiêm chủng vắc xin dịch vụ và vắc xin trong chương trình tiêm chủng, để giải đáp các ý kiến thấu đáo và giải thích cho các bà mẹ yên tâm về chất lượng vắc xin, tránh việc các bậc cha mẹ hoài nghi, không cho con đi tiêm. Hậu quả, nhiều trẻ mắc bệnh do không được tiêm chủng đúng lịch. Vì sao người dân thiếu niềm tin vào vắc xin trong chương trình? Ai phải chịu trách nhiệm về những tai biến sau tiêm... Tất cả sẽ được giải đáp trong chương trình giao lưu trực tuyến "Tiêm chủng an toàn" do Báo Lao Động tổ chức vào 14 giờ ngày 20.8.

 
PGS.TS Trần Đắc Phu - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế trong buổi giao lưu trực tuyến


Buổi giao lưu sẽ có sự tham gia của: PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng – Bộ Y tế trả lời các câu hỏi của bạn đọc xung quanh vấn đề  vắc xin và tiêm chủng an toàn. Sau đây là nội dung của bạn đọc gửi đến chương trình buổi giao lưu.

Xin ông cho biết việc tiêm phòng vắc xin viêm gan B cho trẻ sơ sinh đã được Việt Nam thực hiện trong chương trình tiêm chủng mở rộng từ khi nào? Độ an toàn của vắc xin được sử dụng được đánh giá như thế nào, từ trước đến nay có xảy ra tai biến đáng tiếc nào liên quan đến vắc xin này hay không?
Nguyễn Long, Nhân viên kinh doanh, 34 tuổi, Đà Nẵng
 
PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng – Bộ Y tế :
Các bạn biết vắc xin viêm gan B để phòng bệnh viêm gan B, một căn bệnh lây theo các đường: Sử dụng bơm kim tiêm không sạch nhiễm HBV, đường mẹ truyền sang con, truyền máu,... Cách lây truyền hoàn toàn giống đường lây truyền HIV/AIDS nhưng tỉ lệ người nhiễm và khả năng lây truyền viêm gan B trong cộng đồng hiện nay là rất cao và cao hơn cả việc lây truyền HIV. 

Vắc xin viêm gan B liều sơ sinh được triển khai trong tiêm chủng mở rộng tại Việt Nam từ năm 2005. Vắc xin viêm gan B liều sơ sinh được sử dụng tại Việt Nam là vắc xin do Công ty Vắc xin và sinh phẩm số 1 sản xuất. 
Đây là loại vắc xin tái tổ hợp được sản xuất theo công nghệ tiên tiến hiện nay giống như vắc xin đang sử dụng tại Mỹ và các nước khác.
 
Tính từ năm 2010-2014, số lượng vắc xin để tiêm cho trẻ sơ sinh là hơn 6,5 triệu liều. 

Trong quá trình sử dụng cũng ghi nhận một số trường hợp tai biến nặng sau tiêm chủng (nhưng tỉ lệ nằm trong ngưỡng của Tổ chức Y tế Thế giới), nhưng không ghi nhận bất kỳ trường hợp tai biến nặng nào liên quan đến vắc xin này. Nên chúng tôi nghĩ rằng các bạn không nên quá lo lắng về độ an toàn của vắc xin mà không cho con em mình đi tiêm chủng dẫn tới có thể mắc bệnh viêm gan B, nguyên nhân rất cao của ung thư gan sau này.

Xin ông cho biết, để phòng bệnh viêm gan B thì quy trình tiêm phòng như thế nào? Ở trẻ em và người lớn có khác nhau không?
Phạm Bình Minh, Nhân viên bảo vệ, 40 tuổi, Hà Nội

PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng – Bộ Y tế :
Việc thực hiện tiêm chủng vắc xin được thực hiện theo Thông tư số 12/2014/TT-BYT ngày 20/3/2014 của Bộ Y tế, Quyết định số 1731/QĐ-BYT ngày 16/5/2014 của Bộ Y tế về Hướng dẫn tổ chức buổi tiêm chủng. 

Các bước tổ chức tiêm chủng chính bao gồm: lập kế hoạch trước tiêm chủng, khám sàng lọc, tư vấn tiêm chủng, thực hiện tiêm chủng và theo dõi phản ứng sau tiêm chủng. 

Việc thực hiện quy trình tiêm chủng này áp dụng đối với tất cả các loại vắc xin và các nhóm đối tượng tham gia tiêm chủng.
Chắc ở đây các bạn muốn quan tâm tới lịch tiêm cho trẻ em thì trong tiêm chủng mở rộng, vắc xin viêm gan B được tiêm 4 mũi: Mũi 1 tiêm trong vòng 24 giờ đầu sau sinh. Mũi 2, 3, 4 tiêm khi trẻ 2,3,4 tháng tuổi.
Hiện nay, những bệnh truyền nhiễm nào đã có vắc xin phòng bệnh, thưa ông?
Nguyễn Hoàng Hà, 30 tuổi, Long An
 
PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng – Bộ Y tế :
Trên thế giới hiện đã có gần 30 bệnh truyền nhiễm có vắc xin phòng ngừa các bệnh truyền nhiễm bao gồm: Lao, Tả, Bạch hầu, Cúm B, Viêm gan A, Viêm gan B, Ung thư cổ tử cung HPV, Cúm mùa, Viêm não Nhật Bản B, Sởi, Viêm màng não, Quai bị, Ho gà, Pneumococcus, Bại liệt, Dại, Rotavirus, Uốn ván, Viêm não tick-borne, Thương hàn, Thủy đậu, Sốt vàng...

Các vắc xin mới để phòng và điều trị các bệnh như: HIV, Viêm gan C, ung thư, Sốt rét, Lao cũng đang được thử nghiệm hứa hẹn sẽ cho kết quả tốt. Hầu hết các loại vắc xin này cũng đã được sử dụng tại Việt Nam. 
Trong chương trình Tiêm chủng mở rộng Việt Nam cũng đang triển khai 10 loại vắc xin phòng 12 bệnh. Các vắc xin này được tiêm chủng miễn phí tại tất cả các Trạm Y tế xã, phường trên toàn quốc. Ngoài ra, một số các vắc xin khác được tiêm chủng dưới hình thức tiêm chủng dịch vụ như vắc xin dại, quai bị, thủy đậu, ung thư cổ tử cung,...

Xin ông cho biết tôi phải chuẩn bị những gì trước khi cho con đi tiêm phòng?
Phạm Minh Hà, Nội trợ, 28 tuổi, Hà Giang
PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng – Bộ Y tế :
Khi đưa trẻ đi tiêm chủng, các bậc cha mẹ cần lưu ý:
Trước tiên, bạn cần phải quan tâm con bạn có khỏe hay đang ốm, bị mắc bệnh gì mà có thể chống chỉ định hoặc tạm hoãn trong tiêm chủng hay không. 
Bạn cần phải biết hiện nay con bạn đang bao nhiêu tuổi, cụ thể đang ở tháng thứ mấy, và có thể sẽ tiêm vắc xin gì trong đợt này. Tất nhiên, những vấn đề này cán bộ y tế ở tại cơ sở tiêm chủng cũng có thể giúp được bạn khi bạn đến điểm tiêm chủng để được tư vấn, khám sàng lọc, quyết định tiêm cho cháu loại vắc xin gì hay việc có tiêm hay không.
 
Ngoài ra, các bạn cần lưu ý thêm những điều dưới đây:
- Mang sổ và phiếu tiêm chủng đầy đủ để được ghi chép và theo dõi lịch tiêm chủng của con mình.
- Chủ động thông báo về tình trạng sức khỏe của con mình như: đang ốm, sốt, sinh non, tiền sử bệnh tậ, tiền sử dị ứng, có phản ứng mạnh với lần tiêm chủng trước và đề nghị được cán bộ y tế kiểm tra sức khỏe của con mình trước khi tiêm.
Ngoài ra, cũng cần lưu ý theo dõi, chăm sóc trẻ tại nhà ít nhất 24 giờ sau tiêm chủng.  Nếu cha mẹ không yên tâm về tình trạng sức khỏe của con mình sau khi tiêm cần trực tiếp đến gặp cán bộ y tế để được tư vấn cách chăm sóc trẻ.

Chương trình Tiêm chủng mở rộng trong nhiều năm qua đã đạt được nhiều thành quả đáng kể nhưng cũng là chương trình phức tạp nhất trong các chương trình mục tiêu quốc gia về y tế. Vậy ông có thể chia sẻ về hiệu quả của chương trình này cũng như những khó khăn, thách thức mà những ngành y tế phải đối mặt là gì?
Cáp Tùng Phương, NVVP, 31 tuổi, Hà Nam
 
PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng – Bộ Y tế :
Cảm ơn bạn đã quan tâm, thấy được có những thành tựu và những khó khăn của việc tiêm chủng hiện nay. Và cũng rõ ràng đây là một chương trình phức tạp nhất bởi vì hàng năm chúng ta phải tiêm cho hàng triệu trẻ em ra đời và mỗi trẻ em phải tiêm khoảng 10 loại vắc xin để phòng bệnh. Đây cũng là một chương trình đòi hỏi kĩ thuật rất cao, cán bộ y tế phải thành thục trong tiêm chủng để đảm bảo tiêm chủng hiệu quả và an toàn.

Việc bảo quản vắc xin cũng đòi hỏi phải được thực hiện nghiêm ngặt về nhiệt độ để vắc xin đảm bảo được hiệu lực. Và cuối cùng các bạn thấy rằng khi tiêm chủng và chúng ta đưa vắc xin vào cơ thể con người và nó là một kháng nguyên thì cũng có thể có những phản ứng. 

Phản ứng đó có thể là nhẹ như sốt, đau tại chỗ tiêm, nhưng cũng có rất ít tỉ lệ rất thấp có những phản ứng nặng có thể xảy ra, thậm chí cũng có trường hợp gây sốc phản vệ, hoặc tử vong, nhưng tôi muốn nói lại là tỉ lệ này rất thấp. Song chúng ta vẫn chọn việc tiêm chủng bởi vì chỉ có tiêm chủng thì mới phòng được các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm hoặc chúng ta mới có thể loại trừ hoặc thanh toán được bệnh truyền nhiễm mà thôi.

Thực hiện công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân theo hướng dự phòng chủ động, tích cực, Chương trình tiêm chủng mở rộng (TCMR) đã được triển khai ở Việt Nam từ năm 1985. Qua 30 năm triển khai, hàng trăm triệu liều vắc xin đã được tiêm miễn phí cho trẻ em và phụ nữ để phòng các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như Lao, Bạch hầu, Ho gà, Uốn ván, Viêm gan B, Sởi, Bại liệt, Viêm não Nhật Bản B, Tả, Thương hàn, Rubella và bệnh do vi khuẩn Hib. 

Nhờ có vắc xin và tỷ lệ tiêm chủng đạt ở mức cao, Việt Nam đã thanh toán bệnh bại liệt vào năm 2000, loại trừ bệnh uốn ván sơ sinh vào năm 2005, tỷ lệ mắc và tử vong do các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm ở trẻ em như bạch hầu, ho gà, sởi…. đã giảm hàng chục đến hàng trăm lần so với trước khi triển khai Chương trình này. Thành công của công tác TCMR đã góp phần quan trọng trong việc bảo vệ, nâng cao sức khỏe trẻ em Việt Nam để đạt mục tiêu Thiên niên kỷ.
Tuy vậy, công tác TCMR ở nước ta hiện nay cũng đã gặp phải khó khăn, thách thức:

- Các bạn biết hiện nay tiêm chủng được thực hiện thường xuyên hàng tháng. Mỗi năm, chúng ta phải tiêm cho trên 1,5 triệu trẻ. Cũng như hàng triệu các trường hợp phụ nữ trong tuổi sinh đẻ, được triển khai đồng loạt tại trên 11 nghìn xã, phường, thị trấn với khoảng trên 30 nghìn điểm tiêm chủng. 
Với một công việc đồ sộ như vậy, triển khai trên quy mô rộng lớn như thế đòi hỏi phải có sự chỉ đạo chặt chẽ cũng như kĩ thuật, ý thức trách nhiệm của cán bộ tiêm chủng của tất cả các tuyến phải làm tốt thì mới đảm bảo tiêm chủng đạt tỉ lệ cao an toàn và hiệu quả được. Và chỉ có tiêm chủng đạt tỉ lệ cao thì mới có khả năng đảm bảo miễn dịch cộng đồng tốt, các ổ dịch bệnh không xảy ra.

- Vấn đề niềm tin của người dân đối với tiêm chủng: Nếu người dân mất niềm tin với tiêm chủng, không cho con em đi tiêm chủng thì không những chính trẻ em của những người mẹ đó bị mắc bệnh mà tỉ lệ miễn dịch của toàn cộng đồng không cao thì dịch bệnh sẽ bùng phát. Nên công tác tuyên truyền tạo niềm tin của người dân đối với tiêm chủng để người dân hưởng ứng đi tiêm chủng đạt tỉ lệ cao là hêt sức quan trọng.

- Đời sống cán bộ làm công tác tiêm chủng còn hết sức khó khăn bởi vì cán bộ y tế dự phòng không có khả năng làm thêm để kiếm thêm thu nhập ngoài lương cải thiện đời sống trong lúc đồng lương hiện nay là quá thấp so với nhu cầu sinh hoạt hàng ngày của mỗi con người.

- Kinh phí của nhà nước cho công tác tiêm chủng còn rất hạn chế trong khi nhu cầu thực tế thì lại rất cao.

Những phản ứng có thể gặp ở trẻ sau khi tiêm phòng là gì? Làm cách nào để có thể nhận biết và xử lý kịp thời các phản ứng này để đảm bảo an toàn cho trẻ sau tiêm chủng?
Hoàng Hải, 40 tuổi, Hưng Yên
 
PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng – Bộ Y tế :
Như tôi đã đề cập ở trên, khi tiêm chủng vắc xin là ta đưa kháng nguyên vào cơ thể con người nên có thể có những phản ứng từ nhẹ đến nặng. Tất nhiên, những phản ứng này cũng đã được khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới hoặc các nhà sản xuất vắc xin theo từng loại vắc xin về các loại phản ứng hoặc là tỉ lệ phản ứng có thể xảy ra.
Sau tiêm chủng có thể gặp phải những phản ứng thông thường là những phản ứng tạm thời và có thể hồi phục nhờ sự chăm sóc, xử trí của cha mẹ hoặc người chăm sóc. Tuy nhiên, có thể gặp trường hợp tai biến nặng sau tiêm chủng cần phải được chăm sóc và điều trị tích cực tại các cơ sở y tế.

Một số phản ứng thông thường sau tiêm chủng hay gặp và các biện pháp chăm sóc:
- Sốt nhẹ (dưới 38,50C): Uống nhiều nước, tiếp tục ăn uống bình thường, nằm chỗ thoáng. Một số trường hợp có bệnh lý về tim mạch, viêm phổi hoặc trẻ có tiền sử sốt cao co giật có thể dùng thuốc hạ sốt khi thân nhiệt trên 38,00C
- Phản ứng tại chỗ gồm các triệu chứng đỏ và/hoặc sưng tại chỗ. Thường tự khỏi trong vòng vài ngày đến 1 tuần.
Một số tai biến nặng sau tiêm chủng và các biện pháp xử trí và điều trị:

- Sốc phản vệ: Thường xuất hiện trong hoặc ngay sau khi tiêm chủng với các triệu chứng như kích thích, vật vã; mẩn ngứa, ban đỏ, mày đay, phù Quincke; mạch nhanh nhỏ khó bắt, huyết áp tụt có khi không đo được; khó thở (kiểu hen, thanh quản), nghẹt thở; đau quặn bụng, ỉa đái không tự chủ; đau đầu, chóng mặt, đôi khi hôn mê; choáng váng, vật vã, giãy giụa, co giật. Cần dừng ngay việc tiêm vắc xin và tiến hành cấp cứu sốc phản vệ theo phác đồ của Bộ Y tế và chuyển bệnh nhân đến đơn vị hồi sức tích cực của bệnh viện gần nhất.

- Phản ứng quá mẫn cấp tính: Thường xảy ra trong vòng 2 giờ sau khi tiêm chủng với 1 hay kết hợp nhiều triệu chứng như thở khò khè, ngắt quãng do co thắt khí phế quản và thanh quản, phù nề thanh quản; phát ban, phù nề ở mặt, hoặc phù nề toàn thân. Cần dùng các thuốc kháng histamin, phòng ngừa bội nhiễm, đảm bảo nhu cầu dịch và dinh dưỡng. Trường hợp phản ứng nặng cần cho thở ô xy và xử trí như sốc phản vệ.

- Sốt cao (> 38,50C) cần uống nhiều nước hoặc đảm bảo nhu cầu dịch và dinh dưỡng. Bạn nên cho trẻ dùng thuốc hạ sốt hiệu quả và an toàn.
Là một người mẹ, tôi rất băn khoăn khi phải quyết định có nên cho con mình đi tiêm vắc xin Quinvaxem để phòng 5 bệnh theo như khuyến cáo mới đây của Bộ Y tế hay không. Tôi mong muốn được các chuyên gia giải đáp đầy đủ hơn về những lợi ích và nguy cơ có thể có khi cho con đi tiêm phòng loại vắcxin này.
Thanh Bình, 28 tuổi, Thường Tín

PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng – Bộ Y tế :
Vắc xin Quinvaxem hiện nay đang được sử dụng miễn phí trong Chương trình tiêm chủng mở rộng là loại vắc xin phối hợp để phòng 5 bệnh trong một mũi tiêm, bao gồm: bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, viêm phổi và viêm màng não do vi khuẩn Hib.
Vắc xin này được sản xuất tại Hàn Quốc, đã được Tổ chức Y tế thế giới tiền thẩm định đạt tiêu chuẩn, do Quỹ Nhi đồng Liên hợp Quốc (UNICEF) cung ứng. Vắc xin đảm bảo đầy đủ các tiêu chuẩn chất lượng quốc tế cũng như của Việt Nam. Đến thời điểm này, vắc xin được sử dụng trên 90 quốc gia với trên 400 triệu liều đã được sử dụng an toàn.
Chính vì vậy, chị nên cho cháu đi tiêm vắc xin Quinvaxem trong Chương trình tiêm chủng mở rộng mà không cần phải băn khoăn, lo lắng. Cũng giống như các loại vắc xin khác, khi tiêm vắc xin Quinvaxem cũng có những phản ứng, chủ yếu là thông thường và nhẹ như: sốt, sưng đau tại chỗ tiêm, quấy khóc... Các phản ứng nặng như sốc phản vệ rất hiếm khi xảy ra.
Vừa qua, do không có vắc xin tương ứng trong tiêm dịch vụ như vắc xin 6 trong 1 (Hexa-infarix) hoặc 5 trong 1 (Pentaxim) mà một số bà mẹ cứ chờ đợi nên con mình đã bị mắc ho gà. Vì vậy, tôi khuyên các bà mẹ hãy đưa con em đi tiêm vắc xin Quinvaxem trong Chương trình tiêm chủng mở rộng. Hiện nay, vắc xin Quinvaxem cũng đã được Bộ Y tế chỉ đạo tiêm tại các điểm tiêm chủng dịch vụ với hình thức tiêm miễn phí.

Con trai tôi được 6 tháng tuổi. Hiện cháu vẫn chưa tiêm phòng vắc xin Quinvaxem. Vậy tôi phải tiến hành cho cháu đi tiêm phòng bệnh như thế nào?
Mộc Miên, 29 tuổi, Kinh doanh, Long Biên, Hà Nội
 
PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng – Bộ Y tế :
Theo lịch tiêm chủng, vắc xin Quinvaxem được tiêm cho trẻ 3 lần khi trẻ 2, 3, 4 tháng tuổi. Nếu cháu đã 6 tháng tuổi nhưng chưa được tiêm phòng, thì cần tiêm sớm cho trẻ 3 mũi vắc xin Quinvaxem, mỗi mũi cách nhau tối thiểu 1 tháng.
Anh chị hãy đến trạm y tế xã/phường để biết ngày tiêm chủng thường xuyên tại trạm và đưa cháu đi tiêm phòng.

Con gái tôi đã được tiêm hai mũi vắc xin Quinvaxem. Tuy nhiên, thời gian vừa qua vắc xin này bị tạm dừng tiêm cho trẻ. Xin chuyên gia cho biết, việc gián đoạn tiêm chủng này có ảnh hưởng gì đến sức khỏe con tôi không? Tôi có nên chuyển sang vắc xin khác để tiêm thay thế cho cháu  không?
Trần Hà, 34 tuổi, Nghệ An
 
PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng – Bộ Y tế :
Tiêm chủng đầy đủ và đúng lịch là rất quan trọng để phòng bệnh cho trẻ. Theo lịch của Chương trình tiêm chủng mở rộng, vắc xin Quinvaxem (phòng các bệnh: bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, viêm phổi/viêm màng não do Hib) cần được tiêm cho trẻ lúc 2 tháng tuổi (mũi 1), 3 tháng tuổi (mũi 2), 4 tháng tuổi (mũi 3). 
Con gái chị đã được tiêm 2 mũi Quinvaxem, để đảm bảo cho trẻ đầy đủ miễn dịch phòng bệnh sau khi tiêm vắc xin Quinvaxem, chị tiếp tục cho trẻ đến cơ sở tiêm chủng để tiêm mũi thứ 3 sớm nhất sau khi dừng.

Tôi muốn biết quy trình chuẩn của công tác tiêm phòng như thế nào là đảm bảo an toàn cho trẻ?
Mai Thanh, 32 tuổi, Hải Phòng
 
PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng – Bộ Y tế : Để đảm bảo an toàn tiêm chủng, Bộ Y tế đã ban hành đầy đủ các hướng dẫn về tiêm chủng trong đó có công tác tổ chức buổi tiêm chủng với quy trình 1 chiều theo nguyên tắc sau: Chỗ ngồi chờ trước tiêm chủngà Bàn đón tiếp, hướng dẫn à Bàn khám sàng lọc và tư vấn trước tiêm chủng à Bàn tiêm chủng à Bàn ghi chép, vào sổ tiêm chủng à Chỗ ngồi theo dõi sau tiêm chủng.

Tôi đưa con đi tiêm phòng dịch vụ loại vắc xin “6 trong 1” và đã cho cháu tiêm đầy đủ 3 mũi nhắc lại. Tôi nghe nói đến khi cháu lớn thì phải đi tiêm lại một lần nữa? Xin ông cho biết, mấy tuổi thì cháu tiêm nhắc lại, nếu không tiêm nhắc lại thì có ảnh hưởng gì không?
Trần Quảng, 29 tuổi, Hòa Bình
 
PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng – Bộ Y tế :
Vắc xin 6 trong 1 là loại vắc xin được sử dụng trong tiêm chủng dịch vụ có tên thương mại là  Infanrix Hexa. Vắc xin 6 trong 1 là loại phối hợp dự phòng 6 bệnh bao gồm (Bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, viêm gan B, và các bệnh gây ra do vi khuẩn Hacmophilus influenza type b (Hib) đặc biệt là viêm màng não mủ). 
Vắc xin này được khuyến cáo tiêm cho trẻ tiêm mũi 1 (2 tháng tuổi), mũi 2 (3 tháng tuổi), mũi 3 (4 tháng tuổi). 
Con bạn đã được tiêm đủ 3 mũi vắc xin 6 trong 1, để đảm bảo miễn dịch đối với 3 bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván,  bạn cho trẻ đi tiêm mũi 4 đối với vắc xin DPT (bạch hầu, ho gà, uốn ván) khi trẻ đủ 18 tháng tuổi.

Tôi nghe nói có mũi kết hợp Sởi - Quai bị - Rubella nhưng tôi mới cho con tôi đi tiêm một mũi Sởi đơn lúc 9 tháng tuổi, đến bây giờ cháu đã 5 tuổi tôi cũng chưa cho cháu tiêm nhắc lại. Xin hỏi như vậy cháu có được bảo vệ không và bây giờ tôi phải làm thế nào để phòng bệnh cho cháu? Xin cảm ơn bác sĩ.
Thu Hiền, 29 tuổi, Hà Nội
 
PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng – Bộ Y tế :
Tiêm vắc xin sởi , quai bị, Rubella (MMR) là để phòng bệnh sởi, quai bị, và Rubella. Như vậy, con bạn mới tiêm mũi sởi thì mới chỉ bảo vệ được khỏi mắc sởi chứ không bảo vệ được mắc bệnh quai bị và Rubella.
Đối với việc tiêm phòng sởi, theo lịch của chương trình TCMR, trẻ sẽ được tiêm vắc xin Sởi đơn lúc 9 tháng tuổi và tiêm nhắc lại lúc 18 tháng tuổi.

Các nghiên cứu trên thế giới cho thấy nếu tiêm vắc xin Sởi vào lúc 9 tháng tuổi, chỉ có khoảng 85% trẻ được tiêm vắc xin có đáp ứng miễn dịch. Còn lại khoảng 15% số trẻ không có đáp ứng miễn dịch do các yếu tố như còn tồn lưu miễn dịch thụ động do mẹ truyền, hay hệ thống miễn dịch của trẻ chưa hoàn chỉnh...
Việc tiêm mũi thứ hai vắc xin Sởi lúc 18 tháng tuổi là cơ hội để tạo miễn dịch cho những trường hợp chưa có đáp ứng miễn dịch sau tiêm mũi thứ nhất hoặc trẻ bị bỏ sót chưa được tiêm vắc xin Sởi, từ đó giúp tăng tỷ lệ trẻ có miễn dịch trong cộng đồng lên trên 95%.
Trẻ nhà anh, chị mới được tiêm một mũi Sởi đơn lúc 9 tháng tuổi, do vậy để trẻ được bảo vệ khỏi nguy cơ mắc bệnh Sởi hay đưa trẻ đi tiêm chủng vắc xin Sởi càng sớm càng tốt.
Bạn muốn con được bảo vệ không bị mắc quai bị và Rubella bạn nên đến các cơ sở tiêm chủng để được tư vấn và tiêm các loại vắc xin này.

Tại sao con tôi tiêm phòng bệnh thủy đậu rồi mà cháu vẫn bị mắc bệnh, thậm chí còn mắc bệnh 2 lần?
Thanh Hà, 39 tuổi, Nam Định

PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng – Bộ Y tế :
Tiêm chủng là biện pháp chủ động đưa kháng nguyên vào cơ thể để cơ thể tự sản xuất ra kháng thể bảo vệ đối với từng loại bệnh. Tuy nhiên, cũng như các vắc xin khác, vắc xin thủy đậu không có hiệu quả phòng bệnh tuyệt đối 100%. 
Đáp ứng miễn dịch còn tùy thuộc vào loại vắc xin, đặc điểm miễn dịch, tình trạng sức khỏe của từng người. Đối với vắc xin thủy đậu hiệu quả bảo vệ khi tiêm chủng mũi 1 là 85-89%, đối với mũi 2 là trên 95%. 
Tuy vậy, cũng có thể con bạn cũng đã có miễn dịch với thủy đậu rồi nhưng có thể việc chẩn đoán con bạn mắc bệnh thủy đậu 2 lần là có thể không chính xác vì miễn dịch của bệnh thủy đậu là rất bền vững. Con bạn đã bị mắc thủy đậu thì không bao giờ mắc lần 2. Và có thể do đã chẩn đoán nhầm vì triệu chứng của bệnh thủy đậu cũng có thể giống với một số các bệnh sốt phát ban khác.

Để phòng bệnh hiệu quả, các bậc cha mẹ cần chủ động đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ và đúng lịch tại các cơ sở tiêm chủng.
 

 
Ban Biên tập vncdc.gov.vn
(Tổng hợp nguồn tin 
Báo Lao động tổ chức buổi giao lưu trực tuyến với chủ đề: “Tiêm chủng an toàn”, diễn ra vào 14h ngày 20.8)

Admin

Thong ke