​Phối hợp tăng cường triển khai tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho trẻ em mầm non, học sinh trong các cơ sở giáo dục

25/11/2022 In bài viết

Tổng số ca mắc trên thế giới hơn 644,5 triệu ca, trên 6,6 triệu ca tử vong.

Tại Hàn Quốc, giới chức nước này đã hối thúc người dân tiêm mũi tăng cường vaccine ngừa COVID-19 để ngăn chặn nguy cơ dịch bệnh bùng phát mạnh vào mùa Đông. Hàn Quốc cũng đã giảm khoảng cách tối thiểu giữa các mũi tiêm tăng cường vaccine ngừa COVID-19 đối với người trưởng thành từ 120 ngày xuống còn 90 ngày.

Tính đến ngày 24/11/2022, Việt Nam ghi nhận 11.513.173 ca mắc, trong đó 11.506.832 ca trong nước. Đến nay đã có 10.607.682 người khỏi bệnh, 43.170 ca tử vong.

Hiện nay Vắc xin phòng COVID-19 vẫn giải pháp cần thiết và quan trọng để phòng chống dịch bệnh và phát triển kinh tế, xã hội. Các quốc gia trên thế giới đã triển khai chương trình tiêm chủng lớn nhất trong lịch sử nhân loại. Các nghiên cứu cũng như thực tế tiêm chủng trên thế giới đã chứng minh hiệu quả của vắc xin trong việc làm giảm mức độ nặng của bệnh, giảm nguy cơ nhập viện và tử vong, góp phần đáng kể trong việc kiểm soát và đẩy lùi dịch bệnh.

Việt Nam bắt đầu triển khai chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19 từ tháng 3/2021 cho các nhóm đối tượng ưu tiên từ 18 tuổi trở lên và đã mở rộng dần nhóm đối tượng tiêm chủng, trong đó từ tháng 10/2021 bắt đầu tiêm liều cơ bản cho trẻ em từ 12 đến dưới 18 tuổi, từ tháng 4/2022 tiêm liều cơ bản cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi, từ tháng 6/2022 tiêm mũi 3 cho trẻ em từ 12 đến dưới 18 tuổi. Đến hết ngày 02/11/2022, tỷ lệ bao phủ mũi 1, mũi 2, mũi 3 cho trẻ từ 12 đến dưới 18 tuổi đạt 100%, 100% và 63,8%; tỷ lệ bao phủ mũi 1, mũi 2 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi đạt 88,9% và 62,1%. Tỷ lệ tiêm chủng các mũi vắc xin ở trẻ em từ 5 đến dưới 18 tuổi của Việt Nam thuộc nhóm cao so với nhiều quốc gia trên thế giới[1]. Như vậy, Việt Nam đã cơ bản hoàn thành việc tiêm chủng mũi 1, mũi 2 cho trẻ em từ 12 đến dưới 18 tuổi, mũi 1 cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi và cần tiếp tục nâng cao tỷ lệ tiêm chủng mũi 3 cho trẻ từ 12 đến dưới 18 tuổi và mũi 2 cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi trong thời gian tới.

Trong thời gian qua, Bộ Y tế và Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có sự phối hợp và chỉ đạo sát sao trong công tác truyền thông và triển khai tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 18 tuổi. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo đưa công tác phối hợp tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 vào nhiệm vụ năm học 2022-2023[2]; chỉ đạo, đôn đốc các cơ sở giáo dục đẩy mạnh công tác phối hợp, tăng tốc độ tiêm chủng cho trẻ em, học sinh[3].

Quán triệt các quan điểm chỉ đạo và tập trung thực hiện các mục tiêu theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 tại Thông báo 288/TB-VPCP ngày 19/9/2022 của Văn phòng Chính phủ và thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các Công điện của Thủ tướng Chính phủ: Công điện 680/CĐ-TTg ngày 01/8/2022, Công điện 755/CĐ-TTg ngày 25/8/2022 về việc tăng cường công tác tiêm vắc xin phòng COVID-19 và công tác phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm, phòng chống bệnh đậu mùa khỉ; đồng thời tiếp tục thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 6182/VPCP-KGVX ngày 19/09/2022. Để tăng cường triển khai tiêm chủng các mũi vắc xin phòng COVID-19 cho trẻ em từ 5 đến dưới 18 tuổi đạt tỷ lệ cao theo mục tiêu đề ra, đặc biệt là đối với mũi 3 cho trẻ từ 12 đến dưới 18 tuổi và mũi 2 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi, Ngày 18/11/2022 Bộ Y tế phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Kế hoạch số 1557/KH-BYT-BGDĐT về việc phối hợp tăng cường triển khai tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho trẻ em mầm non, học sinh trong các cơ sở giáo dục.

Với mục tiêu tăng tỷ lệ bao phủ vắc xin phòng COVID-19 mũi 3 cho trẻ từ 12 đến dưới 18 tuổi và mũi 2 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi nhằm tăng cường hiệu quả phòng bệnh và trên nguyên tắc phối hợp chặt chẽ giữa Ngành Y tế và Ngành Giáo dục trong quá trình triển khai tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 cho trẻ em mầm non, học sinh trong các cơ sở giáo dục theo chức năng, nhiệm vụ của mỗi Ngành và thực hiện công tác tiêm chủng đảm bảo an toàn, hiệu quả và khoa học theo các hướng dẫn đã ban hành của Bộ Y tế. Kế hoạch đề ra mục tiêu cụ thể như sau:

- Tối thiểu 80% trẻ từ 12 đến dưới 18 tuổi trong các cơ sở giáo dục thuộc đối tượng chỉ định được tiêm vắc xin phòng COVID-19 mũi 3;

- Tối thiểu 80% trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi trong các cơ sở giáo dục thuộc đối tượng chỉ định được tiêm đủ 02 liều vắc xin phòng COVID-19.


[1] Tỷ lệ tiêm mũi 3 cho trẻ từ 12 đến dưới 18 tuổi tại Việt Nam cao hơn các quốc gia phát triển như Canada (17,4%), Úc (40,3%), Pháp (6,4%),… Tỷ lệ tiêm mũi 1, mũi 2 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi tại Việt Nam cao hơn các quốc gia phát triển như Mỹ (38,7% và 31,7%), Đức (22,5% và 20,0%), Ý (38,5% và 35,3%), Pháp (5,3% và 4,3%)…

[2] Công văn số 4268/BGDĐT-GDTC ngày 31/8/2022 của Bộ Giáo dục và Đào tạo

[3] Công văn số 3438/BGDĐT-GDTC ngày 26/7/2022; Công văn số 5765/BGDĐT-GDTC ngày 02/11/2022 của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Ban biên tập trang thông tin điện tử Cục Y tế dự phòng

Thong ke