Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia về dinh dưỡng giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2045
06/01/2022 In bài viết
Nhằm thể chế hóa quan điểm của Đảng về công tác dinh dưỡng tại Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới và Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Chính phủ đã giao Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan soạn thảo và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chiến lược quốc gia về dinh dưỡng giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2045” (sau đây gọi là Chiến lược). Ngày 05/01/2022 Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã ký Quyết định số 02/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược Quốc gia về dinh dưỡng giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2045 trong đó tập trung vào các nội dung chính như sau:
- Các quan điểm chính trong việc xây dựng Chiến lược quốc gia về dinh dưỡng giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2045 giai đoạn mới, trong đó có những điểm mới so với Chiến lược giai đoạn cũ (2011-2020) như:
(1) Can thiệp dinh dưỡng theo vòng đời;
(2) Chú trọng can thiệp dinh dưỡng cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và khu vực miền núi;
(3) Tập trung giải quyết vấn đề thừa cân, béo phì và các yếu tố nguy cơ bệnh không lây nhiễm có liên quan đến dinh dưỡng;
(4) Bảo đảm dinh dưỡng trong các tình huống khẩn cấp như thiên tai, dịch bệnh;
(5) Công tác phối hợp liên ngành và đầu tư nguồn lực cho công tác dinh dưỡng.
Nội dung cơ bản của Chiến lược:
Bao gồm có mục tiêu tổng quát tập trung vào việc thực hiện dinh dưỡng hợp lý để cải thiện tình trạng dinh dưỡng phù hợp với từng đối tượng, địa phương, vùng, miền, dân tộc, góp phần giảm thiểu gánh nặng bệnh tật, nâng cao tầm vóc, thể lực và trí tuệ của người Việt Nam với 5 mục tiêu cụ thể cùng với 20 chỉ tiêu (các mục tiêu, chỉ tiêu được đưa ra trên cơ sở kế thừa, phát triển từ các Chiến lược của giai đoạn trước và dựa trên cam kết của Việt Nam với cộng đồng quốc tế liên quan tới Mục tiêu phát triển bền vững - SDG số 2 về việc chấm dứt mọi hình thức suy dinh dưỡng vào năm 2030; số liệu thực tế, có đối chiếu và điều chỉnh với các chương trình, đề án đã được ban hành trước đó để cập nhật cho phù hợp); đưa ra tầm nhìn đến năm 2045 và nội dung các hành động chính đối với Việt Nam trong 10 năm tới về công tác dinh dưỡng tập trung vào:
- Tăng phạm vi bao phủ và nâng cao chất lượng các can thiệp dinh dưỡng thiết yếu theo phương pháp tiếp cận toàn bộ vòng đời.
- Tăng cường cam kết chính trị để chuyển công tác dinh dưỡng từ chỗ chỉ được coi là vấn đề y tế sang cam kết và tham gia đa ngành.
- Tập trung cải thiện tình trạng dinh dưỡng của đồng bào dân tộc thiểu số thông qua hoàn thiện thể chế, đầu tư hiệu quả cho các mục tiêu dinh dưỡng của nhóm này, thường xuyên theo dõi, đánh giá tiến độ thực hiện nhằm thu hẹp khoảng cách vùng miền, bảo đảm công bằng cho các nhóm dân tộc thiểu số.
- Đẩy mạnh các can thiệp dinh dưỡng cho nhóm trẻ em trong độ tuổi đi học, người lao động trong những ngành nghề đặc thù và người cao tuổi.
- Triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm kiểm soát tình trạng thừa cân, béo phì và các yếu tố nguy cơ của các bệnh không lây nhiễm liên quan đến dinh dưỡng thông qua chế độ ăn hợp lý, lành mạnh.
- Tăng cường thực thi, hoàn thiện hệ thống pháp luật về thực phẩm và dinh dưỡng.
- Tăng cường truyền thông về dinh dưỡng hợp lý bằng các cách tiếp cận hiệu quả, ứng dụng công nghệ thông tin. Đổi mới phương thức truyền thông phù hợp cho đồng bào dân tộc thiểu số.
- Xác định, huy động, phân bổ kinh phí từ trung ương và địa phương cho việc triển khai kế hoạch hành động dinh dưỡng, ưu tiên đầu tư các vùng khó khăn, vùng nghèo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
- Hoàn thiện hệ thống giám sát, theo dõi, đánh giá dinh dưỡng.
- Bảo đảm có kế hoạch sẵn sàng ứng phó về dinh dưỡng trong tình huống khẩn cấp (thiên tai, thảm họa, dịch bệnh).
- Phát triển toàn diện nguồn nhân lực để triển khai thực hiện các lĩnh vực ưu tiên nêu trên.
Ban biên tập trang thông tin điện tử Cục Y tế dự phòng
File | Link |
---|---|
Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia về dinh dưỡng giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2045 | Download |