Theo thông tin của WHO khu vực Tây Thái Bình Dương ngày 20/10/2015, tại một số quốc gia trong khu vực Tây Thái Bình Dương, sốt xuất huyết vẫn có diễn biến phức tạp và đang có xu hướng gia tăng.
Theo thông tin của WHO khu vực Tây Thái Bình Dương ngày 20/10/2015, tại một số quốc gia trong khu vực Tây Thái Bình Dương, sốt xuất huyết vẫn có diễn biến phức tạp và đang có xu hướng gia tăng.
Tại Philippines: Trong 4 tuần gần đây đã ghi nhận hơn 30.000 trường hợp mắc, 84 trường hợp tử vong, nâng tổng số mắc tại Philippines lên 108.263 trường hợp, trong đó có 317 trường hợp tử vong. Số mắc tăng 31,9% so với cùng kỳ năm 2014. Tỷ lệ mắc sốt xuất huyết/100.000 dân là 106,33.
Tại Malaysia: Trong 2 tuần gần đây ghi nhận hơn 6.000 trường hợp mắc, trong đó có 19 trường hợp tử vong. Tổng cộng số mắc tại Malaysia tới nay là 96.222 trường hợp (tăng 19,4% so với cùng kỳ năm 2014), trong đó có 263 trường hợp tử vong. Tỷ lệ mắc sốt xuất huyết/100.000 dân là 313,94.
Dịch sốt xuất huyết vẫn đang tiếp diễn tại khu vực Tây Thái Bình Dương và châu Mỹ La Tinh, các quốc gia khác sốt xuất huyết cũng đang gia tăng. Tại Pakistan: từ đầu năm đến nay đã ghi nhận 5.237 trường hợp dương tính với vi rút sốt xuất huyết trong đó có 06 trường hợp tử vong. Một quan chức Y tế của Pakistan cho biết “ngoại trừ tỉnh Punjab còn không có chính quyền tỉnh nào quan tâm đến hoạt động phòng chống sốt xuất huyết một cách nghiêm túc”. Hiện nay chính quyền tỉnh Punjab đang triển khai chiến dịch phòng chống sốt xuất huyết bao gồm nâng cao nhận thức của cộng đồng, truyền thông thay đổi hành vi, tổ chức các đội phun hoá chất để diệt muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết.
Tại Việt Nam: tình hình sốt xuất huyết vẫn có diễn biến phức tạp, đến nay cả nước ghi nhận hơn 49.000 trường hợp mắc tại 54 tỉnh, thành phố, trong đó có 34 trường hợp tử vong. Tỷ lệ mắc sốt xuất huyết/100.000 dân là 49,17.
Ngay từ đầu năm 2015, Bộ Y tế đã triển khai quyết liệt, đồng bộ các biện pháp phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết nhằm hạn chế thấp nhất các trường hợp mắc và tử vong, trong đó tập trung chỉ đạo các địa phương diệt lăng quăng/bọ gậy, coi đây là biện pháp cơ bản, quan trọng để phòng chống sốt xuất huyết.
Để triển khai phòng chống sốt xuất huyết có hiệu quả đòi hỏi sự chỉ đạo quyết liệt và tham gia của các cấp chính quyền, các ban ngành, đoàn thể, các tổ chức chính trị, chính trị xã hội và của người dân; ngành Y tế đóng vai trò là cơ quan tham mưu và kiểm tra, hướng dẫn về công tác chuyên môn.
Bộ Y tế đã phối hợp với các cơ quan liên quan để tổ chức đa dạng các hình thức truyền thông nhằm nâng cao nhận thức của người dân và cộng đồng trong công tác phòng chống sốt xuất huyết. Vừa qua, Bộ Y tế đã phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương và tỉnh Tiền Giang tổ chức chiến dịch mẫu diệt lăng quăng/bọ gậy để làm mẫu cho các tỉnh/thành phố tiếp tục triển khai rộng trong thời gian tới.
Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế
Admin