Tình hình sốt xuất huyết diễn biến phức tạp trong thời gian tới do mùa hè đến sớm, khu vực miền Bắc năm nay không có đợt rét tháng Ba, mùa nóng kéo dài do nhuận hai tháng 6 âm lịch, nhiệt độ trung bình cao dẫn đến véc tơ truyền bệnh phát triển mạnh.
Tình hình sốt xuất huyết diễn biến phức tạp trong thời gian tới do mùa hè đến sớm, khu vực miền Bắc năm nay không có đợt rét tháng Ba, mùa nóng kéo dài do nhuận hai tháng 6 âm lịch, nhiệt độ trung bình cao dẫn đến véc tơ truyền bệnh phát triển mạnh.
Theo Tổ chức Y tế thế giới, trong những năm gần đây tình hình sốt xuất huyết có chiều hướng gia tăng tại nhiều quốc gia như Mỹ, Peru, Nicaragua, Brazil, Lào, Philippines, Malaysia, Singapore, Việt Nam.
Tại Việt Nam, từ đầu năm đến nay cả nước ghi nhận 58.246 trường hợp mắc sốt xuất huyết, 16 trường hợp tử vong. Trong đó tích lũy có 49.882 trường hợp nhập viện.
Sốt xuất huyết đang diễn biến phức tạp do cả nguyên nhân chủ quan và khách quan. Trước hết về nguyên nhân chủ quan từ tập quán tích trữ nước của người dân chưa thay đổi đáng kể so với trước đây, nhiều gia đình vẫn để thùng, bể chứa nước lớn ngoài sân, vườn mà không để ý đẩy nắp kín và thau rửa vệ sinh định kỳ, điều này vô tình tạo môi trường thuận lợi cho muỗi gây bệnh sinh sôi, phát triển.
Nguyên nhân tiếp theo, do sự phối hợp của người dân chưa cao (tại Hà Nội 20% hộ gia đình đi vắng cả ngày khiến cán bộ y tế khó khăn trong công tác phối hợp, 5% hộ gia đình không đồng ý cho phun hóa chất, 7% hộ gia đình đi vắng khi cán bộ y tế đến phun hóa chất trong vùng ổ dịch).
Một nguyên nhân khác là quá trình đô thị hóa, nhiều công trình xây dựng, công ty, nhà máy và khu tập thể cũ đang được cơi nới, chỉnh sửa, thi công,... khiến nhiều nơi tạo ổ nước đọng sau mưa, phát sinh các ổ bọ gậy khó xử lý.
Nguyên nhân khách quan là do thời tiết năm nay mùa hè đến sớm, năm 2017 là năm nhuận với hai tháng 6, khu vực miền Bắc có mùa nóng kéo dài, nhiệt độ trung bình cao dẫn đến véc tơ truyền bệnh phát triển mạnh.
Nhận định được diễn biến phức tạp và nguy cơ của dịch bệnh, ngay từ đầu năm, Bộ Y tế đã chỉ đạo các địa phương quyết liệt các địa phương thực hiện đầy đủ, đồng bộ các hoạt động phòng chống dịch, cụ thể: Xây dựng kế hoạch phòng, chống dịch ngay từ đầu năm; gửi Công văn đến Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố; gửi Công văn, Chỉ thị tất cả các đơn vị y tế toàn ngành để chỉ đạo phòng chống dịch; tổ chức 02 hội nghị quốc gia, 04 hội nghị khu vực về phòng chống dịch; Chỉ đạo sâu sát các địa phương tổ chức chiến dịch diệt bọ gậy/lăng quăng tới tất cả các xã, phường, phun hóa chất chủ động, phát hiện và xử lý triệt để ổ dịch, nắm chắc số ổ dịch phát hiện, số ổ dịch đang hoạt động và đã xử lý; Tập huấn và tập huấn lại cho cán bộ y tế dự phòng và điều trị các tuyến; thành lập các đoàn kiểm tra, giám sát đến các khu vực trọng điểm như Hà Nội, Tp.Hồ Chí Minh, Vĩnh Long, Nghệ An, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam để thực địa và chỉ đạo phòng chống dịch.
Vừa qua, ngày 20/7/2017, tại TP. Hồ Chí Minh, Bộ Y tế tổ chức Hội nghị tăng cường công tác phòng chống sốt xuất huyết khu vực phía Nam do GS.TS Nguyễn Thanh Long - Thứ trưởng Bộ Y tế chủ trì Hội nghị. Tham dự hội nghị còn có Lãnh đạo các Vụ, Cục, Viện, Bệnh viện, Văn phòng Bộ Y tế, Lãnh đạo Sở Y tế, Trung tâm y tế Dự phòng và Trung tâm Truyền thông - GDSK của 38 tỉnh/TP phía Nam.
Tại Hội nghị, GS.TS.Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Y tế cho rằng: Tình hình dịch sốt xuất huyết năm nay có diễn biến phức tạp hơn, số ca mắc gia tăng, địa bàn phát sinh dịch mở rộng, thời gian dịch đến sớm hơn dự báo trong thời gian tới, sốt xuất huyết vẫn có xu hướng gia tăng. Do đó, các địa phương cần sẵn sàng tâm thế đối phó với dịch nhất là trong tháng 8, tháng 9 tới. Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh sốt xuất huyết Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long đề nghị ngành Y tế các tỉnh cần rà soát lại các Ban Chỉ đạo, hướng dẫn, tổ chức cách phòng chống dịch cho tuyến y tế cơ sở, tuyên truyền thay đổi hành vi cho người dân; kêu gọi các tổ chức, đoàn thể như Mặt trận Tổ quốc, Đoàn thanh niên, học sinh – sinh viên, Hội Liên hiệp Phụ nữ cùng tham gia phòng chống dịch. Đặc biệt cần tăng cường kiểm tra xử phạt các tổ chức, đơn vị, cá nhân để phát sinh ổ dịch, ảnh hưởng đến cộng đồng. Bên cạnh đó cần tăng cường hoạt động kiểm tra giám sát, vệ sinh môi trường diệt loăng quăng, tập huấn cho cán bộ phòng, chống dịch, chăm sóc và điều trị.
Phòng chống dịch bệnh là trách nhiệm chung của toàn xã hội, trong đó, ngành y tế đóng vai trò quan trọng trong việc hướng dẫn phòng chống dịch, giám sát và điều trị. Những sẽ không thể ngăn chặn dịch bệnh triệt để nếu không có ý thức chủ động và hành động quyết liệt của mỗi cá nhân trong cộng đồng để diệt trừ mọi nguồn lây nhiễm. Do đó, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long kêu gọi các cấp chính quyền và toàn dân hãy cùng đồng lòng trong công tác phòng chống dịch vì sức khỏe chung của cả cộng đồng.
Một số hình ảnh của Đoàn công tác các tỉnh phía Nam
Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế
Admin