Phát biểu tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng chống dịch bệnh COVID-19 diễn ra sáng ngày 9/3,Thủ tướng Chính phủ đề nghị cần có biện pháp mạnh mẽ, quyết liệt, đồng bộ, chủ động, kịp thời trong việc kiểm soát nguồn lây nhiễm dịch bệnh COVID-19 cũng như xử lý nghiêm trường hợp giấu bệnh.
Phát biểu tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng chống dịch bệnh COVID-19 diễn ra sáng ngày 9/3,Thủ tướng Chính phủ đề nghị cần có biện pháp mạnh mẽ, quyết liệt, đồng bộ, chủ động, kịp thời trong việc kiểm soát nguồn lây nhiễm dịch bệnh COVID-19 cũng như xử lý nghiêm trường hợp giấu bệnh.
Phát biểu mở đầu cuộc họp, Thủ tướng cho rằng, nước ta hội nhập quốc tế sâu rộng, đi lại nhiều vì thế nguồn lây nhiễm đa dạng, do đó cần có biện pháp quyết liệt, mạnh mẽ, đồng bộ, kịp thời để ngăn chặn có hiệu quả nguồn lây cũng như xử lý nghiêm trường hợp giấu bệnh.
Tiếp tục nhấn mạnh lại thông điệp chống dịch như chống giặc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lưu ý, đây không chỉ là việc thử nghiệm rút kinh nghiệm mà phải làm chủ động, có biện pháp mạnh mẽ để bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân. Chính phủ sẵn sàng tiếp tục hy sinh những quyền lợi về kinh tế để ngăn chặn COVID-19.
Thủ tướng nêu rõ, dù đã có 30 ca nhiễm COVID-19 nhưng chúng ta đã chữa khỏi cho 16 người, kể cả bệnh nhân từ Vũ Hán (Trung Quốc) đến/trở về nước ta.
Chính phủ đã đưa ra thông điệp quan trọng về chính trị, về tinh thần kiên cường đoàn kết của dân tộc Việt Nam để vượt khó, chiến thắng bệnh tật. Với tinh thần đó, Thủ tướng nhấn mạnh lại tinh thần chống dịch như chống giặc, ngăn chặn có hiệu quả nguồn lây nhiễm trực tiếp đến nhiều nơi của nước ta.
Thủ tướng yêu cầu Ban Chỉ đạo quốc gia đưa ra những phương án cụ thể để ngăn chặn có hiệu quả nguồn lây nhiễm đã vào nước ta hoặc có nguy cơ vào nước ta, giảm tối thiểu những thiệt hại do COVID-19 lan rộng.
Báo cáo tại cuộc họp, Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch cho biết, đến 20h, tối ngày 8/3/2020, thế giới ghi nhận 106.355 trường hợp mắc, 3.600 tử vong tại 102 quốc gia, vùng lãnh thổ, trong đó phần lớn các trường hợp mắc và tử vong ở Trung Quốc đại lục (80.695 trường hợp mắc, 3.097 tử vong). Từ ngày 27/ 2 đến nay, qua phân tích số liệu cho thấy các trường hợp mới mắc ở các quốc gia khác đã lớn hơn những trường hợp ở Trung Quốc.
Tại 101 quốc gia, vùng lãnh thổ ngoài Trung Quốc ghi nhận 25.660 trường hợp mắc trong đó: 08 quốc gia/vùng lãnh thổ có từ 500 trường hợp mắc trở lên: Hàn Quốc: 7.313, Ý: 5.883, Iran: 5.823, Pháp: 949, Đức: 847, Nhật Bản: 1.167 (trong đó: 706 tàu Diamond Princess), Tây Ban Nha: 517.
10 quốc gia/vùng lãnh thổ có từ 100 đến dưới 500 trường hợp mắc: Mỹ: 447, Thụy sĩ: 264, Anh: 209, Hà Lan: 188, Bỉ: 169, Thụy Điển: 161, Na Uy: 157, Singapore: 138, Hồng Kông (TQ): 108, Áo: 104. 83 quốc gia/vùng lãnh thổ có dưới 100 trường hợp mắc.
Cho đến nay, đã có 503 trường hợp tử vong ngoài Trung Quốc. Các quốc gia có nhiều trường hợp tử vong là Ý: 233, Iran: 145, Hàn Quốc: 50, Mỹ: 19, Pháp: 16, Tây Ban Nha: 10, Nhật Bản: 13 (tàu Diamon Princess: 7), Úc: 3, Iraq: 3, Anh: 2, Hồng Kông (TQ): 2 và 7 quốc gia/vùng lãnh thổ có một trường hợp tử vong gồm: Hà Lan, Thụy Sĩ, Thái Lan, Đài Loan, San Mario, Argentina, Philipine.
Theo Ban chỉ đạo Quốc gia, xu hướng hiện nay cho thấy số mắc mỗi ngày không có tình trạng tăng vọt, duy trì ở mức khoảng trên 1000 trường hợp mắc mới mỗi ngày và có thể tăng nhẹ trong một vài ngày tới.
Về tình hình dịch bệnh tại Việt Nam, báo cáo của Ban Chỉ đạo cho biết, đã ghi nhận 16 ca mắc tại Việt Nam từ cuối tháng 01 đến ngày 13/02/2020, Ban Chỉ đạo đã triển khai hiệu quả các giải pháp phòng chống dịch và đạt được những kết quả bước đầu: Sau 22 ngày không ghi nhận ca mắc mới.
Ngày 06/3/2020, Việt Nam ghi nhận ca dương tính với COVID-19 thứ 17 tại Hà Nội sau đó ghi nhận thêm một số ca dương tính do có tiếp xúc gần với ca thứ 17. Cũng trong ngày 06/3/2020, ghi nhận 01 ca dương tính ở khu cách ly tập trung tại Ninh Bình.
Đến 20h00 ngày 08/3/2020, Việt Nam đã ghi nhận tổng cộng 30 ca dương tính với COVID-19, trong đó 16 ca đã được điều trị khỏi, 14 ca mới ghi nhận (trong đó: 5 ca người Việt, 9 ca nước ngoài) hiện đang được cách ly, điều trị tại các cơ sở y tế; trong 5 ca người Việt có 02 ca trên chuyến bay VN0054, 02 ca lây từ bệnh nhân người Việt số 17, 01 ca người Việt đi về từ Hàn Quốc.
Đối với chuyến bay VN0054, hạ cánh xuống sân bay Nội bài 4h30 ngày 02/3/2020 trong đó có 201 hành khách (26 người Việt Nam và 175 người nước ngoài); Khoang hạng C có 21 hành khách (02 người Việt, 19 người nước ngoài), 180 khách ngồi ở các khoang còn lại; Đến 20h00 ngày 08/3/2020, Việt Nam đã ghi nhận thêm 13 ca dương tính với COVID-19 trên cùng chuyến bay, trong đó: Khoang hạng C có 2 ca người Việt , 10 ca người nước ngoài; Khoang phổ thông: 01 ca người nước ngoài.
Trong 201 hành khách, hiện đã có thông tin nơi ở/nơi lưu trú của 156 hành khách và lộ trình di chuyển của những người này (cư trú tại 15 tỉnh, thành phố), còn 27 trường hợp đang cập nhật được thông tin về nơi lưu trú, cư trú.
Ban Chỉ đạo đã có công văn 1120/CV-BCĐ ngày 07/3/2020 yêu cầu Ủy ban nhân dân các tỉnh/thành phố thực hiện các biện pháp cách ly đối với hành khách trên chuyến bay VN0054 nêu trên. Đối với 27 trường hợp còn lại, Ban Chỉ đạo đã chỉ đạo Bộ Công an, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố khẩn trương rà soát, xác minh các trường hợp chưa có thông tin cư trú, lưu trú để triển khai các biện pháp phòng chống dịch.
Ban chỉ đạo đã thu thập được danh sách những trường hợp tiếp xúc gần với 02 ca bệnh người Việt: Trường hợp bệnh nhân nữ: Trường hợp gần F1 (38 người); Trường hợp gần F2 (134 người); Trường hợp F3 (70 người); Trường hợp bệnh nhân nam: Trường hợp gần F1 (60 người); Trường hợp gần F2 (306 người);
Dự báo về tình hình dịch tại Việt Nam trong thời gian tới, Ban Chỉ đạo cho biết, trong thời gian tới số mắc COVID-19 tiếp tục gia tăng do hiện nay các trường hợp có tiếp xúc trường hợp bệnh số 17 trên chuyến bay VN00054 chưa được kiểm soát hết. Bên cạnh đó, số nước trên Thế giới có địch đang tăng lên khiến cho việc ngăn chặn dịch bệnh vào Việt Nam khó khăn hơn. Dự báo trong vài ngày tới có thể có nhiều ca nhiễm ở nước ta. Quan trọng là kiên trì các phương pháp chống dịch đó là phát hiện, ngăn chặn, cách ly và khoanh vùng dập dịch.
Thủ tướng nhấn mạnh cần có biện pháp quyết liệt, mạnh mẽ, đồng bộ, kịp thời để ngăn chặn có hiệu quả nguồn lây cũng như xử lý nghiêm trường hợp giấu bệnh.
Bộ Y tế kiến nghị Chính phủ cho phép ban hành theo hình thức Quyết định đối với quy định việc cấp giấy phép xuất khẩu đối với mặt hàng khẩu trang y tế trong giai đoạn phòng, chống dịch COVID-19 (sau khi đã có ý kiến của Bộ Tư pháp, Bộ Công thương, Bộ Tài chính, trong đó Bộ Tư pháp kiến nghị ban hành theo hình thức Quyết định).
Ban Chỉ đạo cũng đề nghị Thủ tướng chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương không cử cán bộ đi học tập, công tác nước ngoài trừ trường hợp đặc biệt được sự cho phép của Thủ tướng Chính phủ, đồng thời khuyến cáo người dân không đi du lịch nước ngoài trong thời gian này.
Ban biên tập trang thông tin điện tử Cục Y tế dự phòng
Admin