_
Thực hiện Nghị quyết T.Ư 6, khóa XII về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới - Y tế dự phòng là then chốt
Những năm qua, các hoạt động y tế dự phòng (YTDP) được triển khai ngày càng mạnh mẽ, đã góp phần quan trọng cải thiện đáng kể các chỉ số về sức khỏe của người dân Việt Nam. Tuy vậy, công tác chăm sóc sức khỏe hiện vẫn đối mặt nhiều thách thức, đòi hỏi sự chung tay, góp sức của các bộ, ngành, chính quyền các cấp và người dân.
Các thách thức trong công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân hiện nay đó là: tình trạng chênh lệch về các chỉ số sức khỏe cơ bản giữa thành thị và nông thôn, giữa các khu vực và các nhóm đối tượng trong những năm gần đây vẫn chưa được cải thiện nhiều. Tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em thể nhẹ cân đã giảm nhanh song tỷ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi vẫn còn ở mức cao. Trong khi đó, tỷ lệ béo phì ở trẻ em dưới năm tuổi đang tăng nhanh trong những năm gần đây. Đáng chú ý, hiện nay, gánh nặng do các bệnh lây nhiễm (sốt rét, sốt xuất huyết…) vẫn ở mức cao, ngày càng khó kiểm soát thì sự xuất hiện các dịch bệnh mới nổi, trong đó chủ yếu là các bệnh lây truyền từ động vật sang người như: H5N6, H7N9, Mers-CoV, Ebola… là một thách thức lớn đối với hệ thống y tế. Sự thay đổi cơ cấu gánh nặng bệnh tật, tử vong với sự gia tăng tỷ lệ các bệnh không lây nhiễm không chỉ gây nên gánh nặng về bệnh tật và kinh tế cho cả bản thân người bệnh và gia đình mà còn tạo nên gánh nặng cho hệ thống y tế cũng như toàn xã hội. Bệnh không lây nhiễm không chỉ gia tăng ở các quần thể dân cư thành thị có điều kiện kinh tế phát triển mà cả người nghèo ở vùng nông thôn.
Mặt khác, Việt Nam cũng đang phải đối mặt với nhiều yếu tố nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe, bao gồm: các yếu tố nhân khẩu (quy mô và tốc độ gia tăng dân số, già hóa dân số, mất cân bằng giới tính khi sinh, di cư); các yếu tố kinh tế - xã hội (lao động, việc làm, thu nhập, đói nghèo, nhà ở, giáo dục - đào tạo, tác động của quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa); các yếu tố môi trường tự nhiên (biến đổi khí hậu, thiên tai, ô nhiễm môi trường, thiếu nước sạch và công trình vệ sinh, ô nhiễm thực phẩm) và các yếu tố hành vi, lối sống (hút thuốc lá, sử dụng rượu, bia quá mức, chế độ ăn không hợp lý, ít hoạt động thể lực, nghiện ma túy, mại dâm…).
Để ứng phó với mô hình bệnh tật thay đổi với gánh nặng bệnh tật kép của bệnh lây nhiễm và không lây nhiễm, đòi hỏi hệ thống y tế phải có những đáp ứng, thay đổi phù hợp cả về tổ chức bộ máy, chức năng nhiệm vụ và khả năng cung ứng dịch vụ. Trong đó, YTDP không chỉ làm tốt nhiệm vụ phòng bệnh truyền nhiễm mà còn phòng cả bệnh không lây nhiễm, thông qua dự phòng các yếu tố nguy cơ. Như vậy, chúng ta phải tiếp tục quán triệt và thực hiện tốt quan điểm dự phòng trong lập kế hoạch và đầu tư cho các chương trình y tế. Chiến lược quốc gia YTDP Việt Nam đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020 do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 9-11-2006 nêu rõ: Dự phòng tích cực, chủ động làm giảm các yếu tố nguy cơ; dự phòng toàn diện và có trọng điểm… Thực hiện công tác YTDP là trách nhiệm của chính quyền các cấp, các bộ, ngành, đoàn thể, tổ chức kinh tế chính trị - xã hội và của mỗi người dân. Đặc biệt trong Nghị quyết 20 của Hội nghị T.Ư 6, khóa XII về Tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới vừa ban hành cũng nêu rõ quan điểm: Xây dựng hệ thống y tế công bằng, chất lượng, hiệu quả và hội nhập theo phương châm phòng bệnh hơn chữa bệnh; YTDP là then chốt, y tế cơ sở là nền tảng; y tế chuyên sâu đồng bộ và cân đối với y tế cộng đồng… YTDP là áp dụng các phương pháp dự phòng bệnh tật bị ảnh hưởng bởi các yếu tố môi trường, di truyền, tác nhân gây bệnh, lối sống, hành vi… YTDP tập trung vào việc bảo vệ, tăng cường và duy trì sức khỏe, dự phòng bệnh tật, tàn phế và tử vong. Các hoạt động dự phòng được chia thành các cấp độ sau: Dự phòng cơ bản là áp dụng các biện pháp ngăn ngừa việc hình thành các yếu tố nguy cơ về kinh tế, văn hóa, xã hội và môi trường trong quá trình phát triển (thí dụ như phá hủy không trồng cây thuốc lá). Dự phòng cấp một là áp dụng các biện pháp hạn chế phơi nhiễm với yếu tố nguy cơ (như giáo dục sức khỏe, tiêm vắc-xin phòng bệnh). Dự phòng cấp hai là áp dụng các biện pháp chẩn đoán phát hiện sớm ở giai đoạn chưa có biểu hiện triệu chứng lâm sàng bằng các kỹ thuật (đo huyết áp thường xuyên để phát hiện và điều trị sớm nhằm làm giảm nguy cơ của các bệnh tim mạch; xét nghiệm sàng lọc phát hiện sớm ung thư cổ tử cung…). Dự phòng cấp ba là áp dụng các biện pháp điều trị bệnh và phục hồi chức năng hiệu quả nhằm làm giảm tàn phế và tử vong. Dự phòng cấp bốn là áp dụng các biện pháp làm giảm lạm dụng các can thiệp điều trị không cần thiết. Hiệu quả của các hoạt động dự phòng là rất rõ rệt, bảo vệ sức khỏe dự phòng bệnh tật, và nâng cao chất lượng cuộc sống, làm giảm chi phí trong chẩn đoán và điều trị.
Thực tế cho thấy, nhờ tiêm chủng vắc-xin đã làm giảm đáng kể tỷ lệ người mắc và chết của nhiều bệnh nhiễm trùng, cũng như tiết kiệm chi phí cho điều trị và giảm chi phí mất đi do bố mẹ và người chăm sóc phải nghỉ việc không lương do chăm sóc trẻ ốm. Chi phí cho điều trị lớn gấp năm lần chi phí cho việc triển khai tiêm chủng phòng bệnh.
Để dự phòng bệnh tật có hiệu quả, cần có sự kết hợp lồng ghép các chiến lược can thiệp liên quan với nhiều yếu tố nguy cơ và bệnh tật, thay đổi hành vi lối sống của cộng đồng, với sự tham gia liên ngành, các cơ quan, tổ chức, đoàn thể, chính trị, kinh tế, xã hội, doanh nghiệp, bao gồm Nhà nước và tư nhân. Các chiến lược đó là: giám sát dịch tễ học nhằm theo dõi chiều hướng các yếu tố nguy cơ và tỷ lệ mắc bệnh làm cơ sở xác định ưu tiên và đánh giá hiệu quả can thiệp. Đề xuất các chính sách và tạo môi trường thuận lợi nhằm thúc đẩy và tạo điều kiện thay đổi hành vi. Nâng cao năng lực của hệ thống y tế nhằm tăng cường độ bao phủ và sử dụng có hiệu quả các dịch vụ dự phòng và chăm sóc sức khỏe. Thiết lập các chương trình nhằm tăng khả năng tiếp cận, kết nối của người dân với các nguồn lực và các dịch vụ, củng cố và hoàn thiện mạng lưới y tế cơ sở, triển khai quản lý bệnh tật, bao gồm bệnh lây nhiễm và không lây nhiễm gắn với chăm sóc sức khỏe ban đầu và chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, nhằm duy trì các hoạt động dự phòng và quản lý bệnh tật tại cộng đồng.
Chăm sóc sức khỏe ban đầu là việc thiết yếu, dựa trên những phương pháp và kỹ thuật thực tiễn, có cơ sở khoa học và được chấp nhận về mặt xã hội, phổ biến đến tận mọi cá nhân và gia đình trong cộng đồng, với sự tham gia tích cực của họ. Bốn nguyên lý Chăm sóc sức khỏe ban đầu là cam kết chính trị, cộng đồng tham gia, phối hợp liên ngành, và sử dụng kỹ thuật thích hợp. Cần tăng cường thực hiện 10 nội dung của Chăm sóc sức khỏe ban đầu mà Việt Nam đã và đang triển khai trong gần 40 năm qua, đó là : Giáo dục sức khỏe, dinh dưỡng, môi trường-nước sạch, sức khỏe bà mẹ trẻ em-kế hoạch hóa gia đình, tiêm chủng mở rộng, phòng, chống bệnh dịch địa phương, chữa bệnh và chấn thương thông thường, thuốc thiết yếu, quản lý sức khỏe, xây dựng và củng cố mạng lưới y tế cơ sở. Các chiến lược nêu trên sẽ giúp dự phòng bệnh tật, bao gồm các bệnh lây nhiễm và không lây nhiễm, giảm tỷ lệ mắc bệnh; phát hiện sớm, điều trị triệt để nhằm giảm biến chứng tàn phế, tử vong; giảm gánh nặng cho hệ thống y tế, nâng cao chất lượng cuộc sống, nâng cao tuổi thọ và cải thiện chất lượng giống nòi.
GS. TS. Nguyễn Trần Hiển
Phó Chủ tịch Hội Y học dự phòng Việt Nam
Ban biên tập Trang thông tin điện tử - Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế
(Nguồn: http://www.nhandan.com.vn/suckhoe/item/35147802-y-te-du-phong-la-then-chot.html)
Admin