Tin tức

Tin tức

​Tình hình biến thể phụ BA2.74 tại Việt Nam và trên thế giới

25/08/2022 In bài viết

Tình hình biến thể phụ BA2.74 tại Việt Nam và trên thế giới

Trên thế giới

Tháng 7 năm 2022, BA.2.74, BA.2.75 và BA2.76 là ba biến thể phụ mới của biến thể Omicron BA.2 xuất hiện tại Ấn Độ, trong đó BA2.76 ghi nhận 298 ca mắc, BA2.74 ghi nhận 216 ca mắc và BA2.75 ghi nhận 46 ca mắc. Các dòng phụ mới xuất hiện này của biến thể Omicron đã dẫn đến làn sóng mắc mới COVID-19 gia tăng ở Ấn Độ, trong đó riêng biến thể phụ BA.2.75 kể từ khi phát hiện tới nay đã vượt trội cả biến thể phụ BA.5 tại nước này.

Theo Sáng kiến Toàn cầu về Chia sẻ Tất cả Dữ liệu Bệnh cúm (INSACOG), bộ ba biến thể phụ mới này có sự thay đổi về kháng nguyên, khiến chúng thích nghi, dễ dàng lây nhiễm hơn, đây có thể là nguyên nhân cho sự gia tăng ca mắc tại Ấn Độ. Đến nay chưa có bằng chứng cho thấy các biến thể phụ này có độc lực cao hơn, gây bệnh nặng hơn các biến thể cũ trước đây. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho rằng hiện chưa có đủ dữ liệu để đánh giá sự tác động về sự lây truyền, độ nặng, miễn dịch so với các biến thể phụ khác của biến thể BA.2; hiện tại trong khu vực Tây Thái Bình Dương, biến thể phụ BA.2.74 đã ghi nhận tại Philippines, Singapore, Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc, New Zealand. WHO tiếp tục khuyến cáo các vắc xin được cấp phép lưu hành hiện nay vẫn có giá trị bảo vệ cao, làm giảm nguy cơ chuyển nặng đối với tất cả các biến thể vi rút SARS-CoV-2. Do đó, các quốc gia cần duy trì các biện pháp ứng phó như tiêm vắc xin tăng cường, nhắc lại cho những nhóm có nguy cơ mắc bệnh, bảo vệ bệnh trở nặng.

Tại Việt Nam

Qua hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm ghi nhận 01 trường hợp nhiễm biến thể phụ BA.2.744 được ghi nhận lần đầu tiên tại nước ta. Đây là công dân Việt Nam (tỉnh Thái Bình) vào Bệnh viện đa khoa tỉnh Thái Bình khám ngày 26/7/2022 do có hiện tượng sốt, đau họng, dương tính với vi rút SARS-CoV-2 và điều trị tới 28/7/2022 bệnh nhân được cho ra viện, khoảng 01 tuần sau xét nghiệm âm tính với vi rút SARS-CoV-2.

Như vậy, trong nước đã ghi nhận biến thể phụ BA.4, BA.5, BA.2.74, BA.2.12.1, nhất là thời gian vừa qua cả nước ghi nhận trung bình khoảng 2.700 ca mắc mới mỗi ngày, số ca mắc đang có xu hướng gia tăng trở lại. Để tiếp tục chủ động phòng, chống dịch COVID-19 hiệu quả trong thời gian tới, Bộ Y tế (Cục Y tế dự phòng) tiếp tục đề nghị các địa phương tuân thủ chế độ thông tin báo cáo và khai báo đầy đủ các trường hợp mắc COVID-19 (bệnh truyền nhiễm nhóm A) ngay sau khi có chẩn đoán đảm bảo trong vòng 24 giờ theo quy định về Bộ Y tế (Cục Y tế dự phòng) để kịp thời để báo cáo Lãnh đạo Bộ Y tế, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Nhận định tình hình

Hiện nay, dịch COVID-19 vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp. Trên thế giới, biến thể Omicron đang chiếm ưu thế so với các biến thể khác; trong đó đã ghi nhận các biến thể phụ như BA.4, BA.5, mới nhất là các biến thể dòng phụ thế hệ thứ hai của biến thể Omicron như BA.2.74, BA.2.75, BA.2.76, các biến thể phụ có khả năng lây lan nhanh hơn so với biến thể gốc và có thể làm gia tăng số ca mắc trở lại. Trong nước cũng đã ghi nhận trường hợp nhiễm biến thể phụ BA.4, BA.5, BA.2.74 trong cộng đồng, nhất là biến thể phụ BA.5 đang tiến tới chiếm ưu thế trong số các ca mắc, nhất là trong 07 ngày qua cả nước ghi nhận trung bình khoảng 2.700 ca mắc mới mỗi ngày (có ngày ghi nhận trên 3.000 ca), số ca mắc đang có xu hướng gia tăng trở lại.

Các hoạt động trọng tâm trong thời gian tới

Để tiếp tục tăng cường công tác phòng, chống dịch COVID-19, Bộ Y tế tiếp tục chỉ đạo các đơn vị thuộc Bộ Y tế và các địa phương:

- Tiếp tục tổ chức thực hiện hiệu quả Chương trình phòng, chống dịch COVID-19. Tăng cường công tác phân tích, dự báo tình hình dịch để có phương án đáp ứng hiệu quả với các tình huống dịch bệnh có thể xảy ra, nhất là đối với các biến thể mới của COVID-19.

- Tiếp tục tăng cường công tác thông tin, truyền thông về phòng, chống dịch bệnh; tuyên truyền nâng cao kiến thức người dân hướng đến thay đổi hành vi cá nhân có lợi cho sức khỏe để phòng, chống dịch bệnh và tiêm vắc xin, lợi ích, hiệu quả của vắc xin phòng COVID-19 nhằm kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh.

- Theo dõi, bám sát tình hình dịch bệnh trên địa bàn, nhất là sự xuất hiện các biến thể mới của vi rút SARS-CoV-2; giám sát sự lưu hành của vi rút SARS-CoV-2 để phát hiện các biến thể và các biến thể phụ khác của vi rút; thường xuyên đánh giá cấp độ dịch để kịp thời điều chỉnh các biện pháp phòng, chống dịch theo Nghị quyết 128/NQ-CP; tăng cường giám sát phát hiện sớm, điều trị kịp thời các trường hợp mắc bệnh, hạn chế các trường hợp chuyển bệnh nặng, tử vong.

- Thường xuyên rà soát số liệu và báo cáo kịp thời, không để tình trạng báo cáo bổ sung số ca mắc với số lượng lớn dẫn đến không phản ảnh đúng tình hình dịch, khó khăn cho việc nhận định, dự báo, đánh giá tình hình dịch.

- Tiếp tục tăng cường chỉ đạo đẩy nhanh hơn nữa tiến độ tiêm vắc xin phòng COVID-19 bảo đảm an toàn, khoa học, hiệu quả; chỉ đạo đẩy mạnh việc vận động, khuyến khích người dân tham gia tiêm vắc xin đầy đủ, đúng lịch.

Ban biên tập trang thông tin điện tử Cục Y tế dự phòng

Thong ke