​Tình hình biến thể phụ BA.4, BA.5 tại Việt Nam và trên thế giới

14/07/2022 In bài viết

Tại Việt Nam

Ngày 04/7/2022, qua hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm ghi nhận 04 trường hợp nhiễm biến thể phụ BA.4, BA.5, gồm: 03 trường hợp có nhiễm biến thể phụ BA.4 (02 trường hợp tại TP. Hồ Chí Minh và 01 trường hợp tại TP. Cần Thơ) và 01 trường hợp nhiễm biến thể phụ BA.5 tại TP. Hồ Chí Minh. Đây là những mẫu bệnh phẩm tầm soát ngẫu nhiên từ ngày 13/6 - 22/6/2022 là người dân Việt Nam trong cộng đồng, hiện có sức khỏe ổn định. Trường hợp nhiễm biến thể phụ BA.4 tại TP. Cần Thơ có tiền sử tiếp xúc người nhập cảnh từ Mozambique trước đó.

Như vậy, đến nay Việt Nam đã ghi nhận sự xuất hiện của cả hai biến thể phụ BA.4 (03 ca) và BA.5 (04 ca) của biến thể Omicron tại TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và Cần Thơ. Bộ Y tế đã tiếp tục chỉ đạo, phối hợp với các Viện Vệ sinh dịch tễ/Pasteur tổ chức điều tra và giám sát sự lưu hành của biến thể phụ BA.4, BA.5 cũng như các biến thể khác. Qua báo cáo của hệ thống giám sát, biến thể phụ BA.2 vẫn là biến thể chủ đạo trong cộng đồng.

Trên thế giới

Trên thế giới, nhiều quốc gia đã phát hiện biến thể phụ BA.4 như: Nam Phi, Anh, Úc, Áo, Đan Mạch, Đức, Bồ Đào Nha, Pháp, Canada, Philippines, Singapore, Ấn Độ, Trung Quốc…

Hiện nay, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đưa dòng biến thể phụ BA.4, BA.5 vào danh sách cần giám sát. Trung tâm Kiểm soát phòng ngừa và dịch bệnh Châu Âu (ECDC) bước đầu nhận định biến thể phụ BA.4, BA.5 của Omicron đã ghi nhận tại nhiều nước châu Âu và gia tăng tại một số nước trong những tuần gần đây, khuyến cáo các quốc gia cần duy trì các biện pháp ứng phó như tiêm vắc xin tăng cường, nhắc lại cho những nhóm có nguy cơ mắc bệnh, tăng cường hệ thống giám sát trọng điểm[1] .

Đặc điểm về biến thể phụ BA.4

Biến thể phụ BA.4 lần đầu tiên được phát hiện vào ngày 10/01/2022 tại Nam Phi. Biến thể phụ này có một số đột biến như L452R, F486V được cho là làm cho vi rút dễ lây lan hơn bằng cách tăng cường khả năng của vi rút để gắn vào tế bào người[2] . Ở Nam Phi, các trường hợp nhiễm biến thể phụ BA.4 đã tăng từ dưới 1% vào tháng 1 năm 2022 lên hơn 35% vào ngày 29/4/2022[3].

Nghiên cứu bước đầu tại Ấn Độ cho thấy đối với những người đã tiêm chủng đủ 3 mũi vắc xin phòng COVID-19 thì có khả năng chống lại biến thể phụ BA.4 và giảm khả năng chuyển nặng so với những người không tiêm vắc xin phòng COVID19 khi nhiễm biến thể phụ này[4] .

Biến thể phụ BA.4 và BA.5 có chia sẻ nhiều đột biến giống với biến thể Omicron ban đầu, nhưng có nhiều điểm chung hơn so với biến thể phụ BA.2. Do vậy, hai biến thể phụ thường được đề cập cùng nhau bởi vì các đột biến trong gen protein đột biến của chúng giống hệt nhau, mặc dù chúng khác với các đột biến được tìm thấy ở những nơi khác[5] . Đến nay chưa có bằng chứng cho thấy biến thể phụ BA.4, BA.5 có độc lực cao hơn, gây bệnh nặng hơn các biến thể cũ trước đây4.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), các vắc xin được cấp phép lưu hành hiện nay vẫn có giá trị bảo vệ cao, làm giảm nguy cơ chuyển nặng đối với tất cả các biến thể vi rút SARS-CoV-2 6 (bao gồm cả biến thể phụ BA.4, BA.5). Do đó, các quốc gia cần duy trì các biện pháp ứng phó như tiêm vắc xin tăng cường, nhắc lại cho những nhóm có nguy cơ mắc bệnh, bảo vệ bệnh trở nặng.

Nhận định tình hình

Trên thế giới, dịch COVID-19 vẫn diễn biến khó lường; biến thể phụ BA.4, BA.5 của biến thể Omicron đã ghi nhận tại nhiều quốc gia, số liệu báo cáo từ các nước châu Âu, Nam Phi khi các biến thể phụ này xuất hiện thì mức độ lây lan nhanh với tốc độ tăng số mắc hàng ngày vào khoảng 12-13%[6] so với biến thể phụ BA.2 và sẽ từng bước thay thế biến thể phụ BA.2.

 Ngày 29/6, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khu vực châu Âu thông báo số ca nhiễm COVID-19 mới đã tăng gấp đôi trong tháng qua, gây lo ngại quá tải y tế khi số ca bệnh nặng cũng tăng theo; riêng 7 ngày gần đó ghi nhận số ca mắc đã lên tới gần 2,4 triệu ca (tăng 42%) và số ca tử vong là khoảng 2.650 ca (tăng 16%); WHO chỉ ra 2 nguyên nhân chính của xu hướng gia tăng trên là sự lan rộng của 2 biến thể phụ BA.4, BA.5 của biến thể Omicron và sự gia tăng đi lại, tụ tập trong mùa Hè. WHO ra thông điệp nhấn mạnh "chúng ta không được tự mãn" và kêu gọi tiêm phòng đầy đủ (gồm mũi tăng cường), rửa tay, đeo khẩu trang ở nơi đông người…[7] .

Trong nước cũng đã ghi nhận trường hợp nhiễm biến thể phụ BA.4, BA.5 trong cộng đồng, các ca nhiễm có thể tiếp tục được ghi nhận do sự xuất hiện của các biến thể phụ này. Mặt khác, kháng thể bảo vệ của vắc xin suy giảm theo thời gian; một số đối tượng chưa tiêm đủ liều vắc xin làm tăng nguy cơ dịch bệnh bùng phát trở lại. Do vậy, hệ thống giám sát, đáp ứng phòng chống dịch từ trung ương đến địa phương cần tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch, tiêm vắc xin tăng cường, nhắc lại cho những nhóm có nguy cơ mắc bệnh và tiếp tục truyền thông để người dân luôn có ý thức phòng, chống dịch.


[1] https://www.ecdc.europa.eu/en/news-events/epidemiological-update-sars-cov-2-omicron-sub-lineages-ba4-and-ba5

[2] https://www.gavi.org/vaccineswork/five-things-weve-learned-about-ba4-and-ba5-omicron-variants/

[3] https://www.nicd.ac.za/omicron-lineages-ba-4-and-ba-5-faq/

[4] https://www.news-medical.net/news/20220527/Exploring-antigenic-traits-of-SARS-CoV-2-Omicron-BA5-and-BA4- subvariants.aspx

[5] https://www.gavi.org/vaccineswork/five-things-weve-learned-about-ba4-and-ba5-omicron-variants/

[6] https://www.who.int/news/item/17-06-2022-interim-statement-on--the-composition-of-current-COVID-19- vaccines

[7] Báo cáo ngày 30/6/2022 của Thông tấn xã Việt Nam về tình hình dịch COVID-19

Ban biên tập trang thông tin điện tử Cục Y tế dự phòng

Thong ke