​Tình hình công tác phòng, chống dịch COVID-19 tháng 04/2023

11/04/2023 In bài viết

Theo thông tin ghi nhận từ hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm quốc gia, tình hình dịch bệnh COVID-19 trong nước có xu hướng gia tăng từ đầu tháng 4 đến nay. Trong 7 ngày qua (từ ngày 04/4 đến ngày 10/4/2023), cả nước ghi nhận 493 ca mắc mới, trung bình có 70 ca mắc mới mỗi ngày, tăng 3,4 lần so với 7 ngày trước đó (số ca mắc mới ghi nhận tại 27/63 địa phương, tập trung chủ yếu tại Hà Nội với trung bình có 33 ca mắc mỗi ngày và 26 địa phương khác ghi nhận rải rác trung bình dưới 10 ca mắc mỗi ngày); trong đó nhóm từ 50 tuổi trở lên ghi nhận 138 ca (chiếm 28% số mắc mới). Số ca chuyển nặng ghi nhận trong tuần là 08 ca; trung bình ghi nhận 1-2 ca nặng mỗi ngày. Kể từ đầu dịch đến nay, cả nước đã ghi nhận trên 11,5 triệu ca mắc, hơn 10,6 triệu người khỏi bệnh (92,1%) và hơn 43.100 ca tử vong (0,37%). Tính đến ngày 10/4/2023, cả nước đã triển khai tiêm được 266.032.619 mũi vắc xin phòng COVID-19 và đã đạt được tỷ lệ bao phủ vắc xin cao cho các nhóm đối tượng, trong đó: Tỷ lệ tiêm đủ mũi cơ bản cho người từ 12 tuổi trở lên đạt xấp xỉ 100%; tỷ lệ tiêm mũi 3 cho người từ 18 tuổi trở lên đạt 81,8%; tỷ lệ tiêm mũi 4 cho người từ 18 tuổi trở lên có nguy cơ cao đạt 88,5%; tỷ lệ tiêm mũi 3 cho trẻ từ 12 đến dưới 18 tuổi đạt 69,4%; tỷ lệ tiêm mũi 1, mũi 2 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi đạt 92,2% và 76,1%.

Hiện Tổ chức Y tế Thế giới vẫn đánh giá dịch COVID-19 là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng quốc tế trong bối cảnh tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình dịch, sự biến đổi, xuất hiện của các chủng vi rút, các biến thể mới trong tương lai để chủ động triển khai kịp thời các biện pháp phòng, chống dịch. Mặc dù trên phạm vi toàn cầu tỷ lệ nhập viện, chuyển nặng và tử vong đã giảm đáng kể, tuy nhiên một số nhóm vẫn có nguy cơ cao chuyển nặng hoặc tử vong khi mắc bệnh, bao gồm nhóm người cao tuổi, người mắc bệnh nền, người bị suy giảm miễn dịch do đó cần tập trung ưu tiên bảo vệ các nhóm đối tượng này.

Để tiếp tục chủ động các biện pháp phòng, chống dịch, không để dịch bùng phát trở lại nhằm góp phần tạo điều kiện cho việc phục hồi, phát triển kinh tế xã hội; các tỉnh, thành phố cần tiếp tục tăng cường chỉ đạo, tập trung triển khai các nhiệm vụ trọng tâm như sau:

1. Xác định tiêm vắc xin là giải pháp hữu hiệu nhất nhằm kiểm soát tình hình dịch COVID-19 nói riêng và bệnh truyền nhiễm nói chung. Tuy nhiên, việc triển khai tiêm chủng sẽ bám sát theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới, triển khai có trọng tâm, trọng điểm, đảm bảo an toàn, hiệu quả, khoa học. Hoạt động truyền thông tiêm chủng vắc xin phải liên tục, bám sát xu hướng tâm lý người dân nhằm tăng cường truyền thông khuyến cáo về lợi ích, lịch tiêm chủng giúp cộng đồng tin tưởng, chủ động, tích cực tham gia tiêm chủng an toàn; huy động sự tham gia của chính quyền địa phương và các ban, ngành, đoàn thể để triển khai quyết liệt việc rà soát, vận động các đối tượng tham gia tiêm chủng, nhất là với các nhóm có nguy cơ cao như nhóm người cao tuổi, người mắc bệnh nền, người bị suy giảm miễn dịch.

2. Chủ động công tác giám sát, theo dõi chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên địa bàn; chuẩn bị sẵn sàng ứng phó với các tình huống có thể xảy ra của dịch bệnh. Tăng cường giám sát tại các cửa khẩu, trong các cơ sở y tế và tại cộng đồng để phát hiện sớm và xử lý kịp thời, không để dịch bệnh lây lan ra cộng đồng. Chỉ đạo các đơn vị phối hợp chặt chẽ với các Viện Vệ sinh dịch tễ/Pasteur để lấy mẫu, xét nghiệm, giải trình tự gen, phát hiện sớm các biến thể mới của vi rút SARS-CoV-2.

3. Chỉ đạo tổ chức tốt việc phân luồng, thu dung, cấp cứu, chẩn đoán, chăm sóc và điều trị hiệu quả các ca mắc bệnh, đặc biệt với các nhóm nguy cơ cao như phụ nữ có thai, người mắc bệnh mạn tính, người già và trẻ em, hạn chế đến mức thấp nhất các trường hợp tử vong; thực hiện nghiêm việc kiểm soát nhiễm khuẩn, không để lây nhiễm chéo trong các cơ sở điều trị.

4. Tiếp tục đảm bảo hậu cần, kinh phí, thuốc, vắc xin, sinh phẩm, vật tư, hóa chất, trang thiết bị, nhân lực phục vụ công tác phòng, chống dịch. Chuẩn bị kế hoạch và chủ động tổ chức đào tạo, tập huấn, nâng cao năng lực trong giám sát, điều trị, nhất là tăng cường năng lực về cấp cứu, hồi sức tích cực để đáp ứng yêu cầu điều trị.

5. Tăng cường truyền thông phòng bệnh để nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của người dân trong việc bảo vệ sức khoẻ của bản thân, gia đình và cộng đồng. Thường xuyên cập nhật thông tin về tình hình dịch bệnh và khuyến cáo người dân thực hiện các yêu cầu phòng chống dịch như đeo khẩu trang, khử khuẩn trong các cơ sở y tế, trên các phương tiện giao thông công cộng và tại các địa điểm, sự kiện tập trung đông người, đặc biệt vào dịp nghỉ lễ trong thời gian tới. Tiếp tục tập trung thông tin về tác dụng, hiệu quả của vắc xin để khuyến khích, vận động người dân tham gia tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch.

Ban biên tập trang thông tin điện tử Cục Y tế dự phòng

Thong ke