​Tình hình dịch bệnh do vi rút Nipah gây ra

17/10/2023 In bài viết

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), bệnh do vi rút Nipah là bệnh có thể lây truyền qua nhiều cách khác nhau như: lây truyền từ động vật sang người (chủ yếu qua lợn và các loài dơi ăn quả), do tiếp xúc với thực phẩm bị nhiễm vi rút (do ăn quả và sản phẩm làm từ các loại quả có nhiễm nước tiểu, nước bọt của dơi mang vi rút) và bệnh cũng có thể lây truyền từ người sang người (qua tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết, dịch bài tiết của bệnh nhân).

Vi rút Nipah được phát hiện lần đầu tiên vào năm 1999 tại ổ dịch ở một trang trại lợn ở Malaysia, vi rút cũng được tìm thấy ở một số động vật nuôi khác như ngựa, dê, cừu, mèo, chó; tuy nhiên, từ năm 1999 đến nay tại Malaysia chưa ghi nhận ổ dịch mới.

Đến năm 2001, Bệnh do vi rút Nipah được ghi nhận đầu tiên trên người tại Bangladesh và sau đó ghi nhận rải rác hàng năm với khoảng dưới 67 trường hợp mắc bệnh/năm; trong 2 tháng đầu năm 2023, Bangladesh cũng ghi nhận 11 ca bệnh do vi rút Nipah với tỷ lệ chết/mắc là 73%. Năm 2001, tại bang Siliguri, Ấn Độ cũng ghi nhận ổ dịch do vi rút Nipah tại một cơ sở y tế. Một số quốc gia khác cũng tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm vi rút Nipah như Australia, Bangladesh, Campuchia, Ghana, Indonesia, Madagascar, Malaysia, Papua New Guinea, Philippines, Thái Lan, Đông Timo do đã tìm thấy vi rút ở một số loài dơi ăn quả tại các nước này.

Thời gian ủ bệnh trong khoảng 4-14 ngày; bệnh có thể diễn biến từ nhẹ đến nặng hoặc dẫn đến tử vong. Người bệnh thường có biểu hiện sốt, đau đầu, đau cơ, nôn, đau họng. Bệnh có thể tiến triển thành viêm đường hô hấp cấp tính nặng hoặc viêm não với diễn biến nhanh trong vòng 24-48 giờ. Tỷ lệ chết/mắc chung toàn cầu khoảng 40-75%. Hiện chưa có vắc xin phòng bệnh và thuốc điều trị đặc hiệu.[1]

Theo Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam: theo thông báo từ bang Kerala, Ấn Độ, trong tháng 8-9/2023, đã ghi nhận 6 trường hợp mắc bệnh do vi rút Nipah, trong đó 2 trường hợp tử vong (tỷ lệ chết/mắc là 33,3%). Chính quyền bang Kerala đã tổ chức điều tra, giám sát, quản lý ca bệnh, kiểm soát nhiễm khuẩn bệnh viện, khoanh vùng ổ dịch và truyền thông về phòng chống dịch. Đến ngày 01/10/2023, đã qua 16 ngày không ghi nhận thêm trường hợp mắc mới. Kết quả xét nghiệm các mẫu bệnh phẩm lấy từ dơi, phân động vật và trái cây thu thập tại rừng Maruthonkara (nơi ghi nhận ca bệnh đầu tiên) đều cho kết quả âm tính.

Tại Việt Nam: đến ngày 29/9/2023, Việt Nam chưa ghi nhận trường hợp bệnh do vi rút Nipah.

Dự báo tình hình dịch

-  Trên thế giới: Theo Tổ chức Y tế thế giới, bệnh do vi rút Nipah ghi nhận rải rác ca bệnh ở phạm vi nhỏ tại một số quốc gia, chưa tạo thành các ổ dịch lớn. Thời điểm hiện nay trên thế giới chỉ có một quận tại bang Kerala, Ấn Độ đang ghi nhận ổ dịch do vi rút Nipah. WHO đánh giá nguy cơ lan truyền dịch bệnh do vi rút Nipah đối với các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á cũng như trên phạm vi toàn cầu là Thấp và tiếp tục theo dõi diễn biến tình hình dịch, hỗ trợ kỹ thuật cho các quốc gia nguy cơ xảy dịch, chưa có khuyến nghị đặc biệt đối với các quốc gia khác trong việc áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch do vi rút Nipah[2].

Hiện nay, ổ dịch tại bang Kerala, Ấn Độ đã qua nhiều ngày không ghi nhận trường hợp mắc mới và chưa ghi nhận trường hợp mắc bệnh do vi rút Nipah ở các nước trong khu vực; tuy nhiên, không loại trừ có thể ghi nhận trường hợp mắc Nipah mới tại Ấn Độ cũng như một số nước khác trong khu vực trong thời gian tới do sẵn có ổ chứa vi rút từ dơi ăn quả, từ đó có thể xâm nhập vào nước ta.

Trên cơ sở tình hình dịch bệnh do vi rút Nipah trên thế giới, hiện nay Tổ chức Y tế thế giới cũng chưa có khuyến cáo đặc biệt về các biện pháp phòng chống đối với vi rút Nipah cho các nước trên thế giới, vì vậy trong thời gian tới Cục Y tế dự phòng sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Tổ chức Y tế thế giới, các quốc gia trên thế giới chia sẻ thông tin về tình hình dịch bệnh. Tiếp tục triển khai giám sát dịch bệnh truyền nhiễm tại các cửa khẩu, các cơ sở y tế và tại cộng đồng, kịp thời phát hiện sớm các trường hợp nghi mắc bệnh truyền nhiễm để quản lý, lấy mẫu xét nghiệm, phát hiện trường hợp bệnh.


[1] Nipah virus (who.int)

2 Nipah virus infection - Bangladesh (who.int)

[2] Nipah virus infection, India, WHO rapid risk assessment on 23 September 2023

Ban biên tập trang thông tin điện tử Cục Y tế dự phòng

Thong ke