_
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), trong vòng 10 năm qua, Việt Nam đã có những kinh nghiệm đáp ứng với những dịch bệnh mới nổi như Hội chứng hô hấp cấp tính nặng (SARS), cúm gia cầm A(H5N1), cúm A(H1N1) 2009 và những mối đe dọa kéo dài khác như cúm gia cầm A(H7N9).
Phát biểu tại Hội thảo Đánh giá Chiến lược châu Á Thái Bình Dương về bệnh mới nổi và điều lệ y tế quốc tại Việt Nam năm 2015 diễn ra ở Hà Nội ngày 12-13/5, ông Jeffery Kobza, Quyền Đại diện của WHO Việt Nam nhận xét: “Việt Nam đã đạt được những tiến bộ quan trọng trong việc chuẩn bị và đáp ứng với các bệnh mới nổi. Công tác ứng phó với những vụ dịch trong thời gian vừa qua đã để lại những kinh nghiệm quí báu; và sự cam kết chính trị của Việt Nam là ví dụ của sự chuẩn mực". TS. Li Ailan, Giám đốc Lĩnh vực An ninh Y tế và Tình trạng Khẩn cấp của Văn phòng WHO Khu vực Tây Thái Bình Dương, nhấn mạnh: “Sự tiến bộ vượt bậc của Việt Nam đáng được ghi nhận. Việt Nam hiện đã được trang bị để thực hiện vai trò chủ động hơn trong việc thúc đẩy an ninh y tế của Việt Nam, của khu vực cũng như toàn cầu”.
Đánh giá trên được đưa ra trong bối cảnh thế giới đang chứng kiến nhiều dịch bệnh mới nổi như Ebola, MERS-CoV, H7N9,… và các bệnh dịch tái bùng phát như H5N1, H1N1, sốt xuất huyết, tay chân miệng, than, sởi, bạch hầu,… Các yếu tố tạo điều kiện cho dịch bệnh lan truyền gồm có: tốc độ đô thị hóa nhanh; giao lưu thương mại toàn cầu; du lịch giữa các quốc gia; mật độ dân số cao; các vấn đề về an toàn thực phẩm; hạn chế trong nhận thức của bộ phận người dân về phòng bệnh và áp dụng các biện pháp can thiệp.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến và Ông Ted Osius, Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam tại buổi Lễ khành thành Văn phòng EOC
Trước tình hình đó, Tổ chức Y tế thế giới kêu gọi các quốc gia cần phối hợp chặt chẽ với Chính phủ, các tổ chức y tế quốc tế, tăng cường năng lực giám sát, đánh giá và đáp ứng các tình huống y tế công cộng khẩn cấp, phòng chống các dịch bệnh truyền nhiễm trong thời đại mới. Tổ chức Y tế thế giới đã đề ra Chiến lược châu Á Thái Bình Dương (APSED) và điều lệ Y tế quốc tế (IHR) nhằm đưa ra cam kết chống lại dịch bệnh lây lan của 194 quốc gia thành viên.
Trong những năm qua, quá trình thực hiện điều lệ Y tế quốc tế và chiến lược APSED của Việt Nam được quốc tế đánh giá tích cực và đạt được nhiều tiến bộ sau 9 năm thực hiện. Nhằm sẵn sàng ứng phó với các dịch bệnh và tình huống y tế công cộng, Bộ Y tế Việt Nam đã ban hành Thông tư số 48/2010/TT-BYT ngày 31-12-2010 quy định về chế độ thông tin, báo cáo bệnh truyền nhiễm, bao gồm 28 bệnh phải báo cáo trong hệ thống giám sát quốc gia và Thông tư số 13/2013/TT-BYT ngày 17/4/2013 về hướng dẫn giám sát bệnh truyền nhiễm.
Đặc biệt hơn, Văn phòng EOC được thành lập theo Quyết định số 1424QĐ-BYT ngày 02/5/2013 với mục tiêu đáp ứng tình huống khẩn cấp phòng chống dịch bệnh và thúc đẩy chia sẻ thông tin, điều phối các hoạt động chống dịch. Việc thiết lập và đưa vào hoạt động Văn phòng EOC của Bộ Y tế là một trong những hành động cụ thể của Việt Nam trong việc thực hiện cam kết tham gia Chương trình Hợp tác An ninh Y tế toàn cầu (GHS) đồng thời cũng thể hiện sự giúp đỡ nhiệt tình và hiệu quả của Chính phủ Hoa Kỳ thông qua tổ chức USCDC và các tổ chức quốc tế khác trong công tác phòng chống dịch bệnh tại Việt Nam.
Mặc dù vẫn còn đang trong quá trình hoàn thiện, Văn phòng EOC đã đáp ứng nhanh với dịch Ebola, công tác phòng chống dịch cúm gia cầm A(H5N1), A(H7N9), MERS-CoV ... cũng như các dịch bệnh khác và đã chứng tỏ, phát huy được vai trò tích cực trong việc góp phần ngăn chặn không để dịch bệnh nguy hiểm mới nổi xâm nhập vào Việt Nam. Văn phòng EOC đã thu thập nhanh thông tin về dịch bệnh, xác minh thông tin, thực hiện đánh giá nguy cơ và báo cáo, giúp thông tin đến người dân, phòng chống dịch bệnh kịp thời.
Ngày 26.8.2014, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, đã ban hành Quyết định số 134/QĐ-DP về việc phê duyệt “Quy trình giám sát dịch bệnh dựa vào sự kiện”. Đây được xem là tài liệu hướng dẫn giám sát được áp dụng tại các đơn vị thuộc Cục Y tế dự phòng và các đơn vị thành viên Văn phòng Đáp ứng tình huống khẩn cấp phòng chống dịch bệnh (Văn phòng EOC). Bộ Y tế chú trọng đến các hoạt động đánh giá nguy cơ (RA) với sự tham gia, phối hợp của các đơn vị: Cục Y tế dự phòng; Cục Quản lý Khám chữa bệnh, các Viện, Bệnh viện liên quan; Cục Thú y; các tổ chức thế giới như WHO, FAO, CDC.
Với những điều kiện cơ sở vật chất, kỹ thuật đã được trang bị một cách hoàn thiện cùng với sự tham gia tích cực của các thành viên Văn phòng EOC, sự hỗ trợ của các Tổ chức quốc tế, Văn phòng EOC sẽ tiếp tục phát huy vai trò trong việc chia sẻ thông tin và điều phối các hoạt động phòng chống dịch bệnh một cách hiệu quả, tạo được sự gắn kết giữa các đơn vị trong và ngoài Bộ Y tế, trong nước và quốc tế, từng bước mở rộng hoạt động của mình để chủ động ứng phó hiệu quả với các sự kiện y tế công cộng.
Trong năm 2015, Cục Y tế dự phòng cũng đã tổ chức hội thảo chia sẻ kinh nghiệm, tổ chức diễn tập với các Viện chuyên ngành, các Bộ, ban, ngành, các cơ quan truyền thông nhằm thống nhất việc triển khai đồng bộ các hoạt động kiểm soát và ứng phó với diễn biến tình hình dịch bệnhmột cách thường xuyên, liên tục kịp thời trong cả nước, đồng thời cung cấp thông tin minh bạch, chính xác tới cộng đồng.
Bên cạnh đó, Việt Nam hiện có phòng xét nghiệm tại các Viện được chứng nhận có đủ năng lực xét nghiệm xác định các tác nhân gây bệnh nguy hiểm mới nổi, trả lời nhanh trong vòng 48 giờ.
Trong thời gian tới, tiếp nối những thành tựu đã đạt được, Bộ Y tế sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành liên quan để thực hiện Chiến lược châu Á Thái Bình Dương về bệnh mới nổi (APSED) và Điều lệ Y tế quốc tế (IHR), đặc biệt ưu tiên vào tăng cường nâng cao những năng lực: nguồn nhân lực, truyền thông nguy cơ, giám sát dịch bệnh tại các cửa khẩu cũng như bổ sung các văn bản phối hợp, hướng dẫn giữa các bên liên quan.
Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế
Admin