_
Mặc dù Bộ Y tế đã khuyến cáo và khẳng định về chất lượng vaccine trong chương trình Tiêm chủng mở rộng (TCMR) là đảm bảo, nhưng số lượng cha mẹ đưa trẻ đi tiêm phòng vaccine TCMR cho con vẫn chưa được như mong muốn. Thậm chí, vẫn có những ý kiến lo ngại về chất lượng vaccine “nội” và vaccine ngoại miễn phí.
Điều này là đáng lo ngại trong bối cảnh nguy cơ dịch bệnh tăng cao trong thời tiết hiện nay. Vì thế, ngày 15/3, Tiến sĩ Kohei Todak, chuyên gia của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam đã lên tiếng về chất lượng và tính an toàn của vaccine trong chương trình TCMR, để người dân yên tâm cho con đi tiêm phòng, không để xảy ra dịch bệnh ở trẻ.
Tiến sĩ Kohei Todak khẳng định: “Tôi biết rằng vaccine sởi nội địa của Việt Nam được sản xuất với dây chuyền công nghệ của Nhật Bản và được WHO hỗ trợ có tính an toàn và chất lượng cao. Vaccine Quinvaxem ngoại nhập cũng là một vaccine an toàn và có chất lượng được tiền thẩm định bởi Cơ quan quản lý về vaccine (NRA) được WHO chấp thuận.
Tất cả các vaccine trong chương trình TCMR của Việt Nam đều thuộc kiểm soát của Hệ thống quản lý quốc gia của Bộ Y tế để quản lý chất lượng, tính hiệu quả và tính an toàn của vaccine. Tôi tin tưởng vào điều đó, bởi vaccine xin bại liệt nội địa (OPV) đã loại trừ được bệnh bại liệt tại Việt Nam.
Chúng tôi đã ước tính rằng vaccine trong chương trình TCMR đã cứu sống khoảng 42.000 người và khoảng 6,7 triệu trẻ em khỏi các bệnh trong chương trình TCMR. Chúng tôi tin rằng, vaccine trong chương trình TCMR của Việt Nam có chất lượng, hiệu quả và tính an toàn cao”.
“Thông điệp của tôi rất trực tiếp. Xin các bạn hãy đưa trẻ đi tiêm chủng vaccine trong chương trình TCMR đúng lịch tại các cơ sở y tế địa phương! Không trì hoãn! Không chậm trễ! Không quên lịch!” - Tiến sĩ Kohei Todak nhấn mạnh.
Một lần nữa, GS.TS. Nguyễn Trần Hiển, Trưởng ban Quản lý Dự án TCMR quốc gia cũng tiếp tục khẳng định về sự an toàn của vaccine trong chương trình TCMR. Theo đó, chiến dịch tiêm vaccine sởi-rubella cho gần 20 triệu trẻ em từ 1-14 tuổi trong thời gian vừa qua là an toàn và hiệu quả. Vì thế, các bà mẹ hãy tin tưởng và chủ động đưa trẻ đi tiêm đúng lịch, đủ số mũi tiêm, đảm bảo miễn dịch hiệu quả.
GS.TS Nguyễn Trần Hiển cũng cho hay: Tuy nhiên, không có vaccine nào là an toàn 100%. Do đó, để giảm thiểu các nguy cơ phản ứng sau tiêm, khi đưa con đi tiêm, các bà nhớ mang theo sổ tiêm chủng của trẻ và thông báo cho cán bộ y tế về tình trạng sức khỏe của con như tiền sử quá trình sinh đẻ, bệnh tật, tiêm chủng của trẻ, đặc biệt lưu ý các phản ứng mạnh với lần tiêm trước như sốt cao, quấy khóc kéo dài, nôn trớ, phát ban, sưng nề vùng tiêm... để có chỉ định tiêm vaccine phù hợp.
Trẻ cần được theo dõi 30 phút tại điểm tiêm chủng và tiếp tục theo dõi tại nhà ít nhất 48 giờ sau tiêm chủng. Cần đưa ngay trẻ tới bệnh viện hoặc cơ sở y tế nếu trẻ có các dấu hiệu bất thường sau tiêm chủng như: sốt cao, co giật, khóc thét, quấy khóc kéo dài, li bì, bỏ bú, khó thở, tím tái... để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Được biết, Bộ Y tế đã thành lập 11 đoàn kiểm tra để giám sát và đánh giá công tác tiêm chủng tại các địa phương trong cả nước.
Admin