Những năm gần đây, thế giới đang phải đương đầu với nguy cơ xuất hiện và lan truyền của các bệnh truyền nhiễm mới nổi (BNTMN ) hoặc tái bùng phát ở người, vật nuôi và động vật hoang dã. Những bệnh này xuất phát từ mối tương tác con người - động vật - hệ sinh thái và có khả năng gây hậu quả khôn lường đối với sức khỏe con người, sinh kế, sự phát triển kinh tế và nhiều vấn đề khác. Tổ chức Y tế thế giới đã có những minh chứng khoa học cho thấy có khoảng 70% bệnh truyền nhiễm nguy hiểm mới nổi ở người có nguồn gốc từ động vật.
Những năm gần đây, thế giới đang phải đương đầu với nguy cơ xuất hiện và lan truyền của các bệnh truyền nhiễm mới nổi (BNTMN ) hoặc tái bùng phát ở người, vật nuôi và động vật hoang dã. Những bệnh này xuất phát từ mối tương tác con người - động vật - hệ sinh thái và có khả năng gây hậu quả khôn lường đối với sức khỏe con người, sinh kế, sự phát triển kinh tế và nhiều vấn đề khác. Tổ chức Y tế thế giới đã có những minh chứng khoa học cho thấy có khoảng 70% bệnh truyền nhiễm nguy hiểm mới nổi ở người có nguồn gốc từ động vật.
Việt Nam được xác định là một trong những “điểm nóng” toàn cầu có nguy cơ rất cao xuất hiện các tác nhân gây BNTMN bao gồm các bệnh lây truyền từ vật nuôi, động vật hoang dã hoặc hệ sinh thái. BNTMN đã ghi nhận ở Việt Nam trong thời gian gần đây bao gồm Hội chứng hô hấp cấp tính nặng (SARS, 2003), cúm gia cầm A/H5N1 năm 2003 với tỷ lệ tử vong khoảng 50%, cúm đại dịch (cúm A/H1N1, 2009). Bên cạnh BNTMN nguy hiểm nói trên, Việt Nam vẫn đang phải đối mặt với các bệnh truyền nhiễm lưu hành từ lâu như bệnh dại. Ở Việt Nam, bệnh dại hiện là một trong những bệnh truyền nhiễm đáng quan tâm với số ca gây tử vong đứng hàng đầu trong các bệnh truyền nhiễm, hơn 90% ca bệnh dại trên người do lây nhiễm từ chó. Đây là bệnh có thể dự phòng hiệu quả bằng biện pháp tiêm vắc xin kịp thời, đúng và đủ liều, tuy nhiên số người tử vong do dại trung bình giai đoạn 2011-2016 vẫn xấp xỉ 100 ca/năm. Ngoài ra, bệnh liên cầu lợn trên người với bệnh cảnh lâm sàng nặng nề, điều trị tốn kém, tỷ lệ tử vong cao và nếu khỏi cũng để lại nhiều di chứng nặng hiện đang diễn biến phức tạp với số ca mắc và tử vong hàng năm không giảm do người dân vẫn giữ thói quen ăn tiết canh. Mặc dù từ tháng 2/2014 đến nay không phát hiện thêm ca nhiễm cúm gia cầm A/H5N1 nào trên người, tuy nhiên nguy cơ lây nhiễm bệnh này từ gia cầm sang người vẫn luôn hiện hữu do dịch cúm trên gia cầm vẫn tiếp tục xảy ra ở nhiều địa phương trên cả nước và thói quen tiếp xúc gần gũi giữa con người và vật nuôi.
Quá trình toàn cầu hóa, đô thị hóa đang diễn ra mạnh mẽ cùng với sự giao lưu của con người bằng những phương tiện giao thông hiện đại là cơ hội cho các ổ dịch BTNMN từ động vật lây sang người hiện tại hoặc có thể trong tương lai xuất hiện và bùng phát, cho dù bệnh phát sinh ở bên ngoài biên giới cũng có thể là mối đe dọa đối với các quốc gia. Gần đây, Việt Nam đứng trước nguy cơ xâm nhập của một số BNTMN có nguồn gốc từ động vật nguy hiểm như MerCoV ở Trung Đông và Hàn Quốc, Ebola ở Tây Phi, dịch hạch ở Châu Phi, cúm gia cầm A/H7N9 ở Trung Quốc…
Dịch bệnh lây truyền từ động vật sang người là một mối đe dọa thường trực gây nhiều ảnh hưởng đến sức khỏe con người, vật nuôi, kinh tế và xã hội. Phòng, chống hiệu quả các bệnh lây truyền từ động vật sang người không chỉ giúp bảo vệ sức khỏe con người và vật nuôi, ổn định kinh tế xã hội của mỗi quốc gia mà còn góp phần đảm bảo an ninh y tế toàn cầu trong bối cảnh những biến đổi môi trường của quốc gia và thế giới đang diễn ra một cách nhanh chóng và nguy cơ xuất hiện các BNTMN và bệnh lây truyền từ động vật sang người có xu hướng ngày càng gia tăng. Nhận thức được tầm quan trọng của vấn đề này, thay mặt Chính phủ Việt Nam, Bộ Y tế đã cam kết tham gia Chương trình an ninh y tế toàn cầu từ tháng 2/2014 và xung phong là một trong những quốc gia đầu mối điều phối các hoạt động của Gói Hành động phòng chống bệnh truyền lây từ động vật sang người (ZDAP).
Gói Hành động ZDAP bao gồm Việt Nam, Indonesia và gần đây là Senegal với vai trò là 3 nước đầu mối hợp tác cùng 13 quốc gia thành viên khác hướng đến mục tiêu tăng cường năng lực cho các quốc gia thành viên của GHSA trong việc phát hiện, dự phòng và ứng phó với các mối đe dọa y tế công cộng trên toàn cầu, phần lớn xuất phát từ các dịch bệnh truyền lây từ động vật sang người có khả năng bùng phát, gây đại dịch hoặc thuộc tình trạng y tế cộng khẩn câp mang tính quốc tế (PHEIC) (www.ghsagenda.org).
Một trong những hoạt động của ZDAP là tổ chức các Hội nghị nhằm rà soát các hoạt động trong gói hành động ZDAP đã triển khai, chia sẻ thông tin dịch bệnh và đề xuất phương hướng phối hợp và thực hiện các hoạt động tiếp theo cũng như tìm kiếm các đối tác tiềm năng hỗ trợ thực hiện hoạt động. Từ năm 2015 đến nay, có hai Hội nghị quốc tế đã được tổ chức tại Hà Nội, Việt Nam vào tháng 8/2015 và tại Jakatar, Indonesia vào tháng 8/2016. Tại Hội nghị quốc tế lần thứ 1 năm 2015, khung Kế hoạch hành động chung của các quốc gia ZDAP đã được xây dựng và thống nhất triển khai tại các quốc gia thành viên ZDAP.
Nhằm rà soát, đánh giá những hoạt động đã thực hiện trong 2 năm vừa qua từ đó xác định các hoạt động cụ thể ưu tiên trong trong những năm tới để đạt được các mục tiêu Kế hoạch 5 năm của Gói hành động ZDAP đã đề ra, Việt Nam đăng cai tổ chức Hội nghị quốc tế lần thứ 3 về phòng chống bệnh truyền lây từ động vật sang người tại thành phố Đà Nẵng từ ngày 29-30/8/2017. Tham gia đồng chủ Hội nghị còn có Indonesia và Senegal là hai quốc gia đầu mối ZDAP cùng với Việt Nam. Hội nghị quốc tế lần thứ 3 có 7 phiên làm việc chính với trọng tâm xoay quanh việc tăng cường hợp tác và chia sẻ các phương thức tiếp cận hiệu quả trong ứng phó với các dịch bệnh nguy hiểm lây truyền từ động vật sang người như cúm gia cầm, Ebola, dại v.v... Tham dự Hội nghị có 166 đại biểu từ hơn 30 quốc gia, vùng lãnh thổ và tổ chức quốc tế.
Phát biểu tại Lễ khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đặc biệt nhấn mạnh tầm quan trọng của việc chủ động phòng chống và đáp ứng với các dịch bệnh nguy hiểm, mới nổi liên tục xảy ra trong những năm vừa qua, trong đó hầu hết có nguồn gốc từ động vật như SARS, cúm A(H5N1), cúm A(H7N9), MERS-CoV, Ebola… nhằm bảo vệ sức khỏe người dân trên phạm vi toàn cầu, tiến tới một thế giới an toàn và an ninh hơn với các bệnh truyền nhiễm. Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long cũng đánh giá cao nỗ lực của các thành viên ZDAP trong việc lồng ghép và kết nối hoạt động ZDAP với các gói hành động khác của Chương trình GHS theo hướng Một sức khỏe cũng như sự kết nối giữa các quốc gia và các Tổ chức quốc tế.
Sau hai ngày nghị sự, các đại biểu đã hoàn thành tất cả các chương trình làm việc của Hội nghị với kết quả tốt, tại nhiều bài học kinh nghiệm, những mô hình tốt về phòng, chống bệnh lây truyền từ động vật sang người đã được các quốc gia chia sẻ, đồng thời các đại biểu đã thông qua Kế hoạch hành động ZDAP cập nhật với các thông tin cơ bản về khoảng cách và thách thức, các hoạt động ưu tiên, thành tựu và kế hoạch ở phạm vi toàn cầu, tiến độ triển khai ZDAP của các quốc gia và khu vực… Bên cạnh đó, Hội nghị cũng thông qua cơ chế điều phối ZDAP như là một phương pháp tiếp cận hiệu quả và thực tiễn để tăng cường sự điều phối trong công tác phòng chống dịch bệnh lây truyền từ động vật sang người tại các quốc gia thành viên.
Trong diễn văn bế mạc Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Vũ Văn Tám cho biết với vai trò đồng chủ trì Hội nghị, Việt Nam tiếp tục khẳng định cam kết tham gia tích cực vào gói hành động ZDAP trong Chương trình GHS và mong muốn nhận được sự hợp tác chặt chẽ và sự hỗ trợ từ các quốc gia và cộng đồng quốc tế trong công tác phòng chống dịch bệnh lây truyền từ động vật sang người.
Hội nghị quốc tế lần thứ 3 phòng chống bệnh lây truyền từ động vật sang người tại Đà Nẵng, Việt Nam là bằng chứng về sự cam kết mạnh mẽ của các quốc gia, các tổ chức quốc tế trong việc phòng chống bệnh dịch lây truyền từ động vật sang người nói riêng, đối với Chương trình An ninh y tế toàn cầu nói chung, cùng tiến tới một thế giới an toàn và an ninh hơn với các bệnh truyền nhiễm. Sau Hội nghị này, thay mặt Nhóm ZDAP, cùng với Indonesia và Senegal, Việt Nam sẽ đưa những kết quả của Hội nghị tới Hội nghị cấp cao về An ninh y tế toàn cầu tổ chức tại Uganda trong tháng 10 năm 2017 tới đây. Kết quả của Hội nghị này cũng như sự cam kết của các quốc gia ZDAP sẽ lan tỏa tới các Nhóm hành động khác của Chương trình hợp tác GHS và tạo ra cơ hội cho sự hợp tác giữa các quốc gia trong việc thực hiện Chương trình hợp tác GHS.
Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế
Admin