Tin tức

Tin tức

​Bản tin cập nhật Covid-19 ngày 09/8/2021

09/08/2021 In bài viết

Tổng số ca bệnh từ đầu dịch đến nay ghi nhận gần 203,5 triệu ca, trong đó hơn 4,3 triệu ca tử vong. Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận thêm trên 473.000 ca nhiễm và 8.033 ca tử vong.

Biến chủng Lambda lần đầu tiên được phát hiện ở Peru vào tháng 11/2020 - còn được gọi là C.37, đang có nguy cơ trở thành biến chủng chủ đạo ở Nam Mỹ, hiện đã lan rộng đến 41 quốc gia trên thế giới. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã phân loại Lambda là “biến chủng đáng quan tâm” - biến chủng bị nghi ngờ có khả năng lây nhiễm cao hơn so với chủng ban đầu hoặc có khả năng kháng vaccine cao hơn.

Đông Nam Á vẫn là điểm nóng của dịch Covid-19 trên thế giới. Tại Indonesia, trong 24 giờ qua ghi nhận 26.415 người mắc bệnh, trong đó có 1.498 ca tử vong – số ca tử vong trong 24 giờ cao nhất thế giới. Indoneia liên tục ghi nhận số người tử vong ở mức trên 1.000 ca mỗi ngày trong vòng một tháng qua. Tiếp theo đó, Malaysia ghi nhận số ca mắc tăng thêm 18.688 ca, Philippines tăng 9.671 ca, Thái Lan tăng 19.983 ca.

Tại Brunei, các ca nhiễm trong cộng đồng bùng phát trở lại sau hơn 1 năm đã buộc chính phủ nước này phải áp đặt các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt như đóng cửa tất cả các địa điểm tôn giáo, trung tâm giải trí, rạp chiếu phim, hủy các sự kiện xã hội, các sự kiện lớn chỉ được giới hạn 30 người, các trường học chuyển sang học trực tuyến, các nhà hàng chỉ được bán mang về trong 2 tuần. Ngoài ra, tất cả người dân phải đeo khẩu trang, kể cả những người đã hoàn thành tiêm vaccine phòng Covid-19.

Liên quan việc tiêm mũi vaccine Covid-19 tăng cường cho những người đã tiêm đủ số mũi cần thiết, một khảo sát ban đầu tại Israel cho thấy, hầu hết những người được tiêm mũi thứ ba của Pfizer đều có các tác dụng phụ tương tự hoặc ít hơn so với khi tiêm mũi thứ hai. Nhiều nước như Đức, Pháp, Mỹ... sẽ tổ chức tiêm liều vaccine bổ sung từ tháng 9/2021 để bảo vệ người dân trước làn sóng lây nhiễm bệnh Covid-19 mới do biến thể Delta gây ra.

Ghi nhận 219.745 ca mắc, trong đó 217.383 ca ghi nhận trong nước, 75.920 người khỏi bệnh và 3.397 ca tử vong. Đợt dịch thứ 4 từ ngày 27/4/2021 đến nay đã ghi nhận 216.893 ca, trong đó có 215.813 ca trong nước (99,5%), 73.103 người đã khỏi bệnh (33,7%), 3.362 ca tử vong. Đợt dịch thứ 4 có 62 tỉnh ghi nhận trường hợp mắc, có 01 tỉnh chưa ghi nhận ca mắc là tỉnh Cao Bằng.

Từ 17h00 ngày 08/8 đến 17h00 ngày 09/8/2021, ghi nhận 9.340 ca mắc mới trong đó có 9.323 ca trong nước, hầu hết là các trường hợp tiếp xúc gần (F1) đã được cách ly hoặc trong khu vực phong tỏa tại Hồ Chí Minh: 3.991, Bình Dương: 2.887, Đồng Nai: 538, Tây Ninh: 290, Long An: 287, Tiền Giang: 251, Bà Rịa-Vũng Tàu: 242, Cần Thơ: 98, Phú Yên: 84, Hà Nội: 78, Đồng Tháp: 77, Đà Nẵng: 60, Vĩnh Long: 57, Bình Định: 45, An Giang: 37, Bình Thuận: 34, Khánh Hòa: 33, Lâm Đồng: 30, Thừa Thiên Huế: 27, Kiên Giang: 20, Quảng Ngãi: 18, Hậu Giang: 18, Trà Vinh: 15, Hà Tĩnh: 15, Gia Lai: 14, Đắc Nông: 14, Hải Dương: 12, Nghệ An: 12, Quảng Nam: 11, Ninh Bình: 10, Bình Phước: 5, Đắc Lắc: 3, Quảng Bình: 3, Thái Bình: 2, Bạc Liêu: 1, Cà Mau: 1, Bắc Giang: 1, Sơn La: 1, Lào Cai: 1) và 17 ca nhập cảnh ghi nhận tại An Giang (13), Hồ Chí Minh (2), Đồng Tháp (2).

Có 62 tỉnh, thành phố ghi nhận ca mắc (chi tiết tại Phụ lục 1), trong đó:

- 2 địa phương đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp nhiễm mới trong nước, gồm: Quảng Ninh, Bắc Kạn.

- 12 địa phương không có lây nhiễm thứ phát trên địa bàn trong 14 ngày qua: Lào Cai, Ninh Bình, Kon Tum, Hà Giang, Sơn La, Lai Châu, Tuyên Quang, Quảng Trị, Nam Định, Yên Bái, Thái Bình, Bắc Giang.

- 48 địa phương chưa qua 14 ngày với tổng số 209.534 ca mắc. Trong đó, 5 tỉnh, thành phố ghi nhận số mắc cao: TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Long An, Đồng Nai, Đồng Tháp. Các trường hợp mắc mới hầu hết là các trường hợp tiếp xúc gần (F1) đã được cách ly từ trước hoặc trong khu vực đã phong tỏa.

Tính đến ngày 08/8/2021, cả nước đã thực hiện xét nghiệm Realtime RT-PCR được 9.541.771 mẫu cho 23.894.381 lượt người, trong đó từ 29/4/2021 – nay đã thực hiện xét nghiệm Realtime RT-PCR được 7.293.781 mẫu cho 20.367.442 lượt người, tăng 138.751 mẫu so với ngày trước đó. Về việc gộp mẫu bệnh phẩm, từ ngày 16/8/2020 đến nay cả nước đã thực hiện 2.365.543 mẫu gộp cho 15.819.606 lượt người.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, Bộ Y tế tiếp tục triển khai các biện pháp phòng chống dịch COVID-19:

- Các địa phương đang thực hiện giãn cách theo Chỉ thị số 15/CT-TTg, Chỉ thị số 16/CT-TTg phải thực hiện nghiêm, nhất quán theo phương châm chỉ có thể thực hiện cao hơn, sớm hơn phù hợp theo tình hình thực tiễn tại địa phương.

- Tổ chức tiêm vắc xin nhanh, đúng đối tượng, an toàn, hiệu quả, không để vắc xin hết hạn; tuyệt đối không để xảy ra tình trạng xin cho, lựa chọn vắc xin, lợi dụng chức trách để tiêm cho người không đúng đối tượng và các tiêu cực khác trong việc tiêm vaccine. Xử lý nghiêm, kịp thời theo pháp luật các trường hợp vi phạm. Người đứng đầu các cấp chính quyền chịu trách nhiệm trực tiếp về công tác phòng chống dịch bệnh.

- Giải pháp chuyên môn kỹ thuật

+ Giảm mắc

  • Tiếp tục tăng cường xét nghiệm, kết hợp xét nghiệm kháng nguyên nhanh, gộp mẫu để đẩy nhanh tiến độ xét nghiệm, nhanh chóng phát hiện, cách ly F0 ra khỏi cộng đồng;
  • Triển khai mạnh mẽ các biện pháp nhằm bảo vệ “vùng xanh” nơi có nguy cơ thấp, hạn chế lây nhiễm; truy vết ngay khi có ca bệnh.

+ Giảm tử vong

  • Khẩn trương đưa vào vận hành mô hình điều trị “tháp 3 tầng” theo hướng dẫn của Bộ Y tế và tổ chức tốt việc điều phối để tiếp nhận, xử lý và điều trị bệnh nhân kịp thời;
  • Nhanh chóng đi vào hoạt động các trung tâm hồi sức tích cực được Bộ Y tế và các địa phương thiết lập để tiếp nhận, điều trị ca bệnh nặng, nguy kịch.

 

Ban biên tập trang thông tin điện tử Cục Y tế dự phòng

Thong ke