Bản tin cập nhật Covid-19 ngày 10/8/2021
10/08/2021 In bài viết
Tính đến 17h00 ngày 10/8/2021, Thế giới ghi nhận tổng số ca bệnh từ đầu dịch đến nay ghi nhận hơn 204 triệu ca, trong đó hơn 4,3 triệu ca tử vong. Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận thêm trên 526.000 ca nhiễm và 8.083 ca tử vong.
Hiện nay, số ca nhiễm mới Covid-19 bắt đầu tăng trở lại trên khắp Bắc Mỹ với biến thể Delta áp đảo. Mỹ tiếp tục là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của đại dịch Covid-19 với hơn 36,78 triệu ca mắc, trong đó có 633.799 ca tử vong. Biến thể Delta đang khiến số ca dương tính, nhập viện và tử vong tại nước này tăng cao chưa từng thấy kể từ giai đoạn đỉnh điểm vào mùa Đông năm 2020. Bên cạnh đó, Mỹ đang đối mặt với nguy cơ lây lan của biến thể Lambda được phát hiện đầu tiên tại Peru vào cuối năm ngoái. Các kết quả phân tích gene cho thấy, hơn 1.000 ca bệnh nhiễm biến thể này đã được phát hiện trên toàn nước Mỹ. Hiệp hội Bệnh truyền nhiễm Mỹ nhận định dường như Lambda dễ lây truyền hơn virus SARS-CoV-2 ban đầu và các loại vaccine hiện nay vẫn có tác dụng bảo vệ.
Tại Đông Nam Á, số ca mắc và tử vong do Covid-19 tại Indonesia giảm không đáng kể trong 7 ngày nước này thực hiện lệnh hạn chế các hoạt động cộng đồng (PPKM) cấp độ 4 vừa qua. Cụ thể, Indonesia ghi nhận tổng cộng 223.940 ca mắc từ ngày 3-9/8, giảm so với mức 268.067 ca trong 7 ngày trước đó, chủ yếu xuất phát từ sự sụt giảm số lượng người được xét nghiệm Covid-19. Số ca tử vong cũng giảm nhẹ từ mức 12.525 ca xuống còn 11.280 ca.
Tại Việt Nam, ghi nhận 228.135 ca mắc, trong đó 225.768 ca ghi nhận trong nước, 80.348 người khỏi bệnh và 4.145 ca tử vong. Đợt dịch thứ 4 từ ngày 27/4/2021 đến nay đã ghi nhận 225.283 ca, trong đó có 224.198 ca trong nước (99,5%), 77.531 người đã khỏi bệnh (33,4%), 4.110 ca tử vong. Đợt dịch thứ 4 có 62 tỉnh ghi nhận trường hợp mắc, có 01 tỉnh chưa ghi nhận ca mắc là tỉnh Cao Bằng.
Từ 17h00 ngày 09/8 đến 17h00 ngày 10/8/2021, ghi nhận 8.390 ca mắc mới trong đó có 8.385 ca trong nước, hầu hết là các trường hợp tiếp xúc gần (F1) đã được cách ly hoặc trong khu vực phong tỏa tại Hồ Chí Minh: 3.956, Bình Dương: 1.325, Long An: 890, Đồng Nai: 732, Nghệ An: 128, Bà Rịa-Vũng Tàu: 109, Bến Tre: 107, Cần Thơ: 106, Tây Ninh: 102, Đồng Tháp: 101, Tiền Giang: 100, Đà Nẵng: 74, Sóc Trăng: 64, Bình Thuận: 63, Ninh Thuận: 61, Hà Nội: 61, Đắc Lắc: 55, An Giang: 53, Vĩnh Long: 52, Gia Lai: 43, Phú Yên: 37, Kiên Giang: 29, Hậu Giang: 19, Lâm Đồng: 18, Đắc Nông: 17, Hà Tĩnh: 15, Lào Cai: 12, Quảng Ngãi: 11, Trà Vinh: 8, Quảng Nam: 8, Hải Dương: 8, Thừa Thiên Huế: 5, Bạc Liêu: 4, Thái Bình: 4, Cà Mau: 2, Bắc Giang: 2, Sơn La: 2, Quảng Bình: 1, Nam Định: 1) và 05 ca nhập cảnh ghi nhận tại Tây Ninh (4), Hồ Chí Minh (1).
Có 62 tỉnh, thành phố ghi nhận ca mắc (chi tiết tại Phụ lục 1), trong đó:
- 2 địa phương đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp nhiễm mới trong nước, gồm: Quảng Ninh, Bắc Kạn.
- 12 địa phương không có lây nhiễm thứ phát trên địa bàn trong 14 ngày qua: Lào Cai, Ninh Bình, Kon Tum, Hà Giang, Sơn La, Lai Châu, Tuyên Quang, Quảng Trị, Nam Định, Yên Bái, Thái Bình, Bắc Giang.
- 48 địa phương chưa qua 14 ngày với tổng số 217.898 ca mắc. Trong đó, 5 tỉnh, thành phố ghi nhận số mắc cao: TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Long An, Đồng Nai, Đồng Tháp. Các trường hợp mắc mới hầu hết là các trường hợp tiếp xúc gần (F1) đã được cách ly từ trước hoặc trong khu vực đã phong tỏa
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, Bộ Y tế tiếp tục triển khai các biện pháp phòng chống dịch COVID-19:
- Bộ Y tế ban hành Quyết định 3802/QĐ-BYT kèm Hướng dẫn tạm thời khám sàng lọc trước tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 thay thế các quyết định và hướng dẫn trước đó. Hướng dẫn mới vẫn phân chia người tiêm chủng thành 4 nhóm gồm: các đối tượng đủ điều kiện tiêm chủng; nhóm cần thận trọng tiêm chủng; nhóm trì hoãn và nhóm chống chỉ định. Nhóm trì hoãn tiêm chủng gồm 3 đối tượng (có tiền sử rõ ràng đã mắc COVID-19 trong vòng 6 tháng, đang mắc bệnh cấp tính và phụ nữ mang thai dưới 13 tuần) thay vì 5 đối tượng như trước đây.
- Bộ Y tế có văn bản khẩn gửi Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur; Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc bảo đảm công tác xét nghiệm SARS-CoV-2. Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc tập trung mọi nguồn lực khoanh vùng, dập dịch, xử lý kịp thời, triệt để các ổ dịch, sẵn sàng đáp ứng tốt nhất với diễn biến của tình hình dịch bệnh COVID-19, Bộ Y tế khẩn trương triển khai quyết liệt các biện pháp phòng chống dịch, mở rộng năng lực thực hiện xét nghiệm, tăng công suất xét nghiệm, huy động các cơ sở trong và ngoài ngành y tế tham gia thực hiện xét nghiệm SARS-CoV-2.
- Bộ Y tế có văn bản gửi Ủy ban nhân dân TP. Hồ Chí Minh về việc mua, nhập khẩu vaccine COVID-19 của Thành phố và đề nghị Ủy ban nhân dân TP. Hồ Chí Minh khẳng định về việc mua 5 triệu liều vaccine phòng COVID-19 của Moderna trước ngày 15/8/2021.
- Ngày 10/8, Bộ Y tế tiếp nhận lô vắc xin gồm 494.400 liều AstraZeneca của Covax, sau đó lô vắc xin được chuyển về Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương bảo quản. Như vậy, đến nay tổng số liều vắc xin Việt Nam có lên trên 19 triệu, trong đó Covax đã cung ứng cho Việt Nam 9.175.000 liều.
- Ngày 09/8, Bộ Y tế tổ chức hội nghị trực tuyến với 63 tỉnh/thành phố về tiến độ triển khai Chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng COVID-19. Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên nhấn mạnh, đối với tỉnh, thành phố triển khai tiêm chậm, sau ngày 15/8 tiêm không hết lượng vaccine COVID-19 đã được phân bổ thì Bộ Y tế chủ động điều chuyển cho các đơn vị khác.
- Tiếp tục tập trung lực lượng để hỗ trợ dập dịch nhanh nhất, sớm nhất tại TP. Hồ Chí Minh, các tỉnh lân cận và một số địa phương đang có dịch trên cả nước. Bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tế hỗ trợ chống dịch COVID - 19 tại TP. Hồ Chí Minh do PGS.TS Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Bộ Y tế, Trưởng Bộ phận thường trực đặc biệt tiếp tục điều phối, phối hợp, hỗ trợ TP. Hồ Chí Minh trong công tác phòng, chống dịch COVID-19.
- Tiếp tục đôn đốc, thúc đẩy tiến độ cung cấp vắc xin; tăng cường hợp tác quốc tế chuyển giao công nghệ sản xuất vắc xin trong nước. Tăng cường truyền thông về tập trung thực hiện 5K + vắc xin. Xây dựng nội dung truyền thông trong Kế hoạch triển khai Chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19.
Ban biên tập trang thông tin điện tử Cục Y tế dự phòng