Tin tức

Tin tức

​Bản tin cập nhật Covid-19 ngày 18/8/2021

19/08/2021 In bài viết

BẢN TIN CẬP NHẬT DỊCH BỆNH COVID-19

(Ngày 18/8/2021)

Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận 82.000 ca mắc, 1.829 ca tử vong. Tổng số ca bệnh từ đầu dịch đến nay ghi nhận hơn 209,4 triệu ca, trong đó hơn gần 4,4 triệu ca tử vong.

Tại châu Mỹ, trước diễn biến dịch trở nên phức tạp với số ca mắc tăng trở lại do biến thể Delta, nhiều nước đã có chính sách tiêm chủng mới. Chính phủ Mỹ sẽ đưa ra khuyến cáo người dân nước này cần tiêm mũi vaccine thứ 3 tăng cường trong thời gian 8 tháng sau khi hoàn thành hai mũi tiêm đầu, đối tượng ưu được tiêm mũi tăng cường trước tiên là nhân viên chăm sóc y tế và những người trong các viện dưỡng lão, tiếp theo là người cao tuổi. Cùng ngày, Uruguay cũng bắt đầu triển khai tiêm mũi tăng cường, sử dụng vaccine của Pfizer/BioNTech cho những người trước đó đã tiêm đủ liều vaccine CoronaVac của hãng Sinovac.

Tại châu Á, ngày 18/8, số ca tử vong vì Covid-19 theo ngày tại Thái Lan lần đầu tiên vượt ngưỡng 300, với 312 trường hợp, nâng tổng số bệnh nhân không qua khỏi từ đầu dịch tới nay lên 8.285 người và ghi nhận 20.515 ca mắc mới trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca nhiễm từ trước tới nay lên 968.957 ca. Lào cho biết trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận 381 ca mắc COVID-19 mới, trong đó 270 ca nhập cảnh được cách ly ngay và 48 ca cộng đồng.

Với tình hình dịch bệnh chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, Nhật Bản xác định sẽ đẩy mạnh 3 chính sách trụ cột là củng cố hệ thống y tế, kiểm soát sự lây lan và tiêm vaccine. Nhật Bản quyết định mở rộng áp dụng tình trạng khẩn cấp thêm 7 địa phương và áp dụng các biện pháp phòng dịch trọng điểm thêm 10 địa phương, nhằm giảm thiểu sự lây lan của dịch bệnh Covid-19. Nước này cũng đặt mục tiêu sẽ hoàn thành tiêm 2 mũi cho một nửa dân số vào cuối tháng 8 và nâng tỷ lệ dân số được tiêm lên 60% vào cuối tháng 9.

Ngày 17/8, Tập đoàn Công nghệ sinh học quốc gia Trung Quốc (CNBG), chi nhánh của Tập đoàn Dược phẩm quốc gia Trung Quốc (Sinopharm), thông báo vaccine hãng này không làm tăng nguy cơ gây ra chứng huyết khối hoặc giảm tiểu cầu ở những người được tiêm chủng. Ngoài ra, mẫu dữ liệu thực tế mới nhất từ Argentina cho thấy vaccine này có hiệu quả bảo vệ người được tiêm chủng trước nguy cơ tử vong lên tới 84% ở những người từ 60 tuổi trở lên.

Ghi nhận 301.957 ca mắc, trong đó 299.490 ca ghi nhận trong nước, 115.059 người khỏi bệnh và 6.770 ca tử vong. Đợt dịch thứ 4 từ ngày 27/4/2021 đến nay đã ghi nhận 299.105 ca, trong đó có 297.920 ca trong nước (99,6%), 112.242 người đã khỏi bệnh (37,5%), 6.735 ca tử vong. Đợt dịch thứ 4 có 62 tỉnh ghi nhận trường hợp mắc, có 01 tỉnh chưa ghi nhận ca mắc là tỉnh Cao Bằng.

Từ 17h00 ngày 17/8 đến 17h00 ngày 18/8/2021, ghi nhận 8.656 ca mắc mới trong đó có 8.644 ca trong nước, hầu hết là các trường hợp tiếp xúc gần (F1) đã được cách ly và trong khu vực phong tỏa tại Hồ Chí Minh (3.731), Bình Dương (2.513), Đồng Nai (443), Long An (428), Tiền Giang (282), Kiên Giang (169), Đà Nẵng (134), An Giang (105), Tây Ninh (104), Cần Thơ (91), Khánh Hòa (86), Bến Tre (72), Phú Yên (65), Vĩnh Long (61), Nghệ An (59), Quảng Nam (53), Hà Nội (46), Đồng Tháp (31), Bình Thuận (20), Thừa Thiên Huế (17), Hậu Giang (16), Bình Định (15), Đắk Nông (13), Quảng Trị (12), Quảng Ngãi (9), Ninh Thuận (8), Quảng Bình (8), Hà Tĩnh (8), Gia Lai (7), Bắc Ninh (7), Lâm Đồng (6), Thanh Hóa (6), Đắk Lắk (5), Lào Cai (4), Sơn La (2), Cà Mau (2), Ninh Bình (1), Thái Bình (1), Vĩnh Phúc (1), Lạng Sơn (1), Điện Biên (1), Bạc Liêu (1) và 12 ca nhập cảnh ghi nhận tại Hưng Yên (4), Quảng Ninh (3), Hà Nội (2), Hồ Chí Minh (2), Bắc Kạn (1).

Có 62 tỉnh, thành phố ghi nhận ca mắc (chi tiết tại Phụ lục 1), trong đó:

- 6 địa phương đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp nhiễm mới trong nước, gồm: Quảng Ninh, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Lai Châu, Hoà Bình, Hải Phòng.

- 5 địa phương không có lây nhiễm thứ phát trên địa bàn trong 14 ngày qua: Kon Tum, Hà Giang, Yên Bái, Thái Bình, Bắc Giang.

- 51 địa phương chưa qua 14 ngày với tổng số 291.755 ca mắc, trong đó  5 tỉnh, thành phố ghi nhận số mắc cao: TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Long An, Đồng Nai, Đồng Tháp. Các trường hợp mắc mới hầu hết là các trường hợp tiếp xúc gần (F1) đã được cách ly từ trước và trong khu vực đã được phong tỏa.

Đến ngày 17/8/2021, cả nước đã tiêm được 15.591.450 liều (tăng 247.817 liều so với ngày trước đó), đã có 12.606.154 người đã được tiêm 1 liều vắc xin và 1.492.648 người tiêm đủ 2 liều vắc xin.

Tính đến ngày 17/8/2021, cả nước đã thực hiện xét nghiệm Realtime RT-PCR được 10.939.961 mẫu cho 28.645.634 lượt người, trong đó từ 29/4/2021 – nay đã thực hiện xét nghiệm Realtime RT-PCR được 8.676.847 mẫu cho 25.118.695 lượt người, tăng 210.030 mẫu so với ngày trước đó. Về việc gộp mẫu bệnh phẩm, từ ngày 16/8/2020 đến nay cả nước đã thực hiện 2.754.136 mẫu gộp cho 19.224.960 lượt người.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, Bộ Y tế tiếp tục triển khai các biện pháp phòng chống dịch COVID-19:

- Tập trung tổ chức, triển khai thực hiện Nghị quyết số 86/NQ-CP ngày 06/8/2021 của Chính phủ về các giải pháp cấp bách phòng, chống dịch bệnh COVID-19.

- Tiến hành đánh giá và dự báo nguy cơ theo 4 mức “Nguy cơ rất cao”, “Nguy cơ cao”, “Nguy cơ”, “Bình thường mới” cho từng địa bàn, từ cấp xã đến cấp huyện, cấp tỉnh, có tính tới các yếu tố khu vực liên xã, liên huyện, liên tỉnh để có giải pháp xét nghiệm, cách ly, phong tỏa, tiêm vắc xin, ... phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa phương. Thực hiện bao vây thu hẹp vùng đỏ, mở rộng vùng xanh, bóc tách nhanh F0 ra khỏi cộng đồng, hạn chế số ca F0 tăng nhanh, giảm thiểu thấp nhất tử vong để đưa sớm trở về trạng thái “bình thường mới”.

- Chú trọng nâng cao hiệu quả hơn nữa công tác xét nghiệm sàng lọc, tầm soát chủ động trong cộng đồng, trong các khu công nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, cơ sở y tế, những nơi có nguy cơ cao.

- Tăng cường hoạt động của các Tổ Covid cộng đồng, đặc biệt là Tổ Covid ở các khu nhà trọ, các Tổ này phải nắm cụ thể, chi tiết các thông tin có liên quan đến từng người, từng hộ, từng phòng trọ để giám sát kỹ những người di chuyển ra vào khu vực, địa bàn hiện hữu, nhất là các đối tượng F0, F1 thuộc diện cách ly.

- Tiếp tục đẩy nhanh tốc độ tiêm vắc xin đã được phân bổ; tổ chức nhiều điểm tiêm cố định và lưu động, tạo thuận lợi và bảo đảm an toàn, hiệu quả cho người được tiêm.

- Đẩy mạnh thực hiện phong trào thi đua “xanh hóa” địa bàn, động viên, khen thưởng kịp thời những tổ chức, cá nhân làm tốt và nhân rộng các mô hình, cách làm tốt, hiệu quả trong phòng, chống dịch.

- Chỉ đạo TP. Hồ Chí Minh tập trung thực hiện khẩn trương Kế hoạch kiểm soát dịch Covid-19 đến 15/9/2021, triển khai các trụ cột trong đó cần đẩy nhanh xét nghiệm diện rộng để phát hiện sớm F0 và tách F0 giảm lây nhiễm.

Ban biên tập trang thông tin điện tử Cục Y tế dự phòng

Thong ke