Bản tin cập nhật Covid-19 ngày 22/8/2021
23/08/2021 In bài viết
Tổng số ca bệnh từ đầu dịch đến nay ghi nhận hơn 212,2 triệu ca, trong đó hơn 4,4 triệu ca tử vong.
Tại Trung Quốc, ngày 21/8, CDC Quảng Đông công bố kết quả nghiên cứu cho thấy các vaccine bất hoạt do Trung Quốc phát triển cung cấp khả năng bảo vệ tốt người được tiêm chủng trước biến thể Delta. Hiệu quả bảo vệ của các vaccine này đối với những người được tiêm chủng đầy đủ (14 ngày sau liều thứ hai với khoảng cách 21 ngày giữa hai liều) ở những người 18 tuổi và trên 18 tuổi, lần lượt là 78% và 70%, với khả năng bảo vệ người tiêm 100% trước tình trạng mắc bệnh nặng. Các vaccine bất hoạt sẽ chỉ có hiệu quả nếu người được tiêm chủng tiêm đầy đủ hai liều.
Ngày 21/8, Philippines thông báo ghi nhận thêm 16.694 ca mắc mới COVID-19. Đây là ngày có số ca nhiễm mới cao thứ 2 kể từ khi dịch bệnh bùng phát hồi tháng 1/2020. Hiện quốc gia này ghi nhận tổng cộng 1.824.051 ca mắc COVID-19, trong đó có 31.596 ca tử vong. Theo Bộ Y tế Philippines, các biến thể của virus SARS-CoV-2, trong đó có biến thể Delta, là một trong những nguyên nhân dẫn tới làn sóng lây nhiễm dịch COVID-19 hiện nay. Ngoài ra, việc người dân không tuân thủ quy định phòng dịch, truy vết và phát hiện chậm cũng góp phần làm dịch bệnh lây lan.
Ghi nhận 345.803 ca mắc, trong đó 345.542 ca ghi nhận trong nước, 147.667 người khỏi bệnh và 8.277 ca tử vong. Đợt dịch thứ 4 từ ngày 27/4/2021 đến nay đã ghi nhận 345.207 ca, trong đó có 343.972 ca trong nước (99,6%), 144.850 người đã khỏi bệnh (42%), 8.242 ca tử vong. Đợt dịch thứ 4 có 62 tỉnh ghi nhận trường hợp mắc, có 01 tỉnh chưa ghi nhận ca mắc là tỉnh Cao Bằng.
Từ 18h00 ngày 21/8 đến 18h00 ngày 22/8/2021, ghi nhận 11.214 ca mắc mới trong đó có 11.208 ca ghi nhận trong nước tại Hồ Chí Minh (4.193), Bình Dương (3.795), Đồng Nai (849), Tiền Giang (709), Long An (365), Đà Nẵng (183), Khánh Hòa (160), Đồng Tháp (142), Bà Rịa - Vũng Tàu (107), Cần Thơ (97), Tây Ninh (83), An Giang (69), Nghệ An (68), Vĩnh Long (49), Bình Thuận (47), Đắk Nông (39), Trà Vinh (39), Phú Yên (38), Bình Định (20), Hà Tĩnh (20), Quảng Nam (16), Kiên Giang (15), Sơn La (15), Đắk Lắk (12), Bắc Ninh (11), Hà Nội (11), Gia Lai (10), Cà Mau (10), Hậu Giang (7), Lào Cai (6), Bắc Giang (6), Ninh Thuận (5), Lạng Sơn (5), Quảng Ngãi (3), Quảng Trị (3), Thái Bình (1) và 6 ca nhập cảnh ghi nhận tại Hải Phòng (4), Quảng Ninh (1), Hồ Chí Minh (1).
Trong ngày, tỉnh Sóc Trăng đăng ký bổ sung thêm 138 ca mắc đã được lấy mẫu từ các ngày trước đó. Có 62 tỉnh, thành phố ghi nhận ca mắc (chi tiết tại Phụ lục 1).
Công tác tiêm chủng: Tính đến ngày 21/8/2021, cả nước đã tiêm được 17.065.534 liều (tăng 334.003 liều so với ngày trước đó), đã có 13.462.470 người đã được tiêm 1 liều vắc xin và 1.759.490 người tiêm đủ 2 liều vắc xin.
Công tác xét nghiệm: Tính đến ngày 21/8/2021, cả nước đã thực hiện xét nghiệm Realtime RT-PCR được 11.715.072 mẫu cho 31.290.898 lượt người, trong đó từ 29/4/2021 – nay đã thực hiện xét nghiệm Realtime RT-PCR được 9.450.525 mẫu cho 27.763.959 lượt người, tăng 181.660 mẫu so với ngày trước đó. Về việc gộp mẫu bệnh phẩm, từ ngày 16/8/2020 đến nay cả nước đã thực hiện 2.991.135 mẫu gộp cho 21.343.545 lượt người.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, Bộ Y tế tiếp tục triển khai các biện pháp phòng chống dịch COVID-19:
Trong thời gian tới, TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam cần quyết liệt triển khai các giải pháp trọng tâm, trong đó xác định thực hiện giãn cách nghiêm là biện pháp cơ bản, quan trọng và quyết định đến công tác kiểm soát dịch bệnh; thực hiện tốt an sinh xã hội là trọng yếu, thường xuyên; xét nghiệm là then chốt để bóc tách F0 từ đó có hình thức quản lý, chăm sóc phù hợp, giảm nguồn lây nhiễm; giảm tử vong là ưu tiên hàng đầu và vắc xin là chiến lược lâu dài nhằm mục tiêu phấn đấu kiểm soát dịch bệnh theo Nghị quyết số 86/NQ-CP ngày 06/8/2021 của Chính phủ, cụ thể như sau:
- Mỗi xã, phường là pháo đài, mỗi người dân là chiến sỹ thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch. TP. Hồ Chí Minh huy động các lực lượng cùng sự hỗ trợ của các Bộ Quốc phòng, Công an để tổ chức, kiểm soát nghiêm trong các khu vực phong tỏa, cách ly và các địa bàn thực hiện giãn cách xã hội.
- Đảm bảo công tác y tế cho người dân
Thực hiện xét nghiệm, tầm soát trên diện rộng, trước tiên tại các khu vực phong tỏa, có nguy cơ rất cao, nguy cơ cao và những người có nguy cơ lây nhiễm cao, các trường hợp có biểu hiện ho, sốt trong cộng đồng để kịp thời phát hiện, đưa các trường hợp F0 ra khỏi cộng đồng nhanh nhất. Tổ chức tốt việc điều phối, lấy mẫu, trả kết quả xét nghiệm trong vòng 24 giờ.
Giảm tối đa các trường hợp tử vong là ưu tiên hàng đầu: Chuẩn bị các phương án cao nhất có thể cho điều trị, bảo đảm đầy đủ oxy, máy thở, giường cấp cứu, các điều kiện cần thiết khác trong thời gian sớm nhất; tổ chức tốt việc điều phối và công tác điều trị theo mô hình 3 tầng; triển khai tốt mô hình chăm sóc và điều trị người mắc COVID-19.
TP. Hồ Chí Minh chuẩn bị nhân lực tổ chức triển khai hoạt động của các trạm y tế lưu động theo Kế hoạch 5811/SYT-NVY ngày 19/8/2021 với sự hỗ trợ của các Bộ Y tế, Quốc phòng, Công An.
- Bộ Thông tin và Truyền thông tiếp tục đẩy mạnh truyền thông, tuyên truyền các biện pháp phòng, chống dịch theo các hướng dẫn cập nhật của Bộ Y tế; đấu tranh, xử lý nghiêm các trường hợp công kích, phản ứng, xuyên tạc, kích động đưa thông tin sai sự thật, gây mất ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
- Các Bộ: Y tế, Ngoại giao tiếp tục phối hơp, triển khai hiệu quả “chiến lược ngoại giao vắc xin”; đôn đốc các nhà sản xuất, cung ứng vắc xin thực hiện bàn giao, tiếp nhận vắc xin đối với các lô hàng đã ký hợp đồng. Đồng thời thúc đẩy, hỗ trợ thủ tục để tăng cường tiếp cận, đàm phán nhận chuyển giao công nghệ sản xuất vắc xin trong nước; sản xuất vắc xin trong nước nhằm chủ động nguồn cung; triển khai tiêm chủng nhanh chóng, kịp thời, an toàn.
- Tiếp tục vận động, huy động tối đa nguồn lực xã hội hóa, sự tham gia của các cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức trong việc triển khai các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch bệnh; hỗ trợ nguồn lực mua sắm, nhập khẩu các vật tư, thiết bị cần thiết, thuốc điều trị và vắc xin trong giai đoạn hiện nay.
Ban biên tập trang thông tin điện tử Cục Y tế dự phòng