​Bản tin cập nhật Covid-19 ngày 19/8/2021

20/08/2021 In bài viết

Tổng số ca bệnh từ đầu dịch đến nay ghi nhận hơn 210,2 triệu ca, trong đó hơn 4,4 triệu ca tử vong. Trong vòng 7 ngày vừa qua, thế giới ghi nhận thêm hơn 4,5 triệu ca mắc mới, tăng 0,9% so với 7 ngày trước đó. 

            Tại Nhật Bản, số thai phụ mắc COVID-19 ở thủ đô Tokyo tăng cao kỷ lục, lên gần 100 người chỉ trong tháng 7, cao gần gấp 2 lần so với tháng 5 vừa qua. Các chuyên gia đang kêu gọi nhóm đối tượng này tiêm vaccine ngừa COVID-19 càng sớm, càng tốt vì họ có nguy cơ cao mắc phải các triệu chứng nghiêm trọng.

            Tại Lào, đã tiếp tục gia hạn lệnh phong tỏa thêm 15 ngày kể từ ngày 20/8, đây là lần thứ 8 Lào gia hạn lệnh phong tỏa được áp dụng từ ngày 22/4 vừa qua. Ngoài ra, Chính phủ Lào yêu cầu cơ quan chức năng tăng cường kiểm soát người xuất nhập cảnh, ngăn chặn vượt biên trái phép. Các cửa khẩu quốc tế tiếp tục đóng cửa đối với người xuất nhập cảnh phổ thông, ngoại trừ trường hợp đã được ủy ban chuyên trách cấp phép.

Ngày 18/8, Tập đoàn Công nghệ sinh học quốc gia Trung Quốc (CNBG), một chi nhánh của Tập đoàn Dược phẩm quốc gia Trung Quốc (Sinopharm), thông báo có một loại vaccine COVID-19 do viện nghiên cứu của Sinopharm ở Vũ Hán phát triển và sản xuất đã được cơ quan nhà nước Trung Quốc cho phép sử dụng khẩn cấp cho trẻ em từ 3 - 17 tuổi. Đây là nhóm đối tượng quan trọng để tiêm chủng nhằm xây dựng hàng rào miễn dịch khi xuất hiện nhiều biến thể khác nhau của SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19.

Ghi nhận 312.611 ca mắc, trong đó 310.129 ca ghi nhận trong nước, 120.059 người khỏi bệnh và 7.150 ca tử vong. Đợt dịch thứ 4 từ ngày 27/4/2021 đến nay đã ghi nhận 309.759 ca, trong đó có 308.559 ca trong nước (99,6%), 117.242 người đã khỏi bệnh (37,5%), 7.115 ca tử vong. Đợt dịch thứ 4 có 62 tỉnh ghi nhận trường hợp mắc, có 01 tỉnh chưa ghi nhận ca mắc là tỉnh Cao Bằng.

Từ 18h00 ngày 18/8 đến 18h00 ngày 19/8/2021, ghi nhận 10.654 ca mắc mới trong đó có 10.639 ca trong nước, hầu hết là các trường hợp tiếp xúc gần (F1) đã được cách ly và trong khu vực phong tỏa tại Hồ Chí Minh (4.425), Bình Dương (3.255), Đồng Nai (657), Long An (545), Tiền Giang (478), Đồng Tháp (185), Đà Nẵng (164), Khánh Hòa (151), Cần Thơ (134), Tây Ninh (102), An Giang (70), Vĩnh Long (60), Hà Nội (53), Trà Vinh (51), Nghệ An (45), Phú Yên (44), Bình Thuận (43), Sơn La (26), Quảng Nam (24), Bình Định (24), Kiên Giang (17), Quảng Ngãi (16), Quảng Trị (9), Bình Phước (8), Bắc Giang (7), Ninh Thuận (7), Hà Tĩnh (7), Hậu Giang (6), Thanh Hóa (6), Bắc Ninh (4), Nam Định (4), Quảng Bình (4), Hải Dương (2), Ninh Bình (2), Bạc Liêu (2), Thái Bình (1), Lạng Sơn (1) và 15 ca nhập cảnh ghi nhận tại Hải Phòng (10), Khánh Hòa (4), Tây Ninh (1).

Có 62 tỉnh, thành phố ghi nhận ca mắc (chi tiết tại Phụ lục 1), trong đó:

- 6 địa phương đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp nhiễm mới trong nước, gồm: Quảng Ninh, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Lai Châu, Hoà Bình, Hải Phòng.

- 4 địa phương không có lây nhiễm thứ phát trên địa bàn trong 14 ngày qua: Kon Tum, Hà Giang, Yên Bái, Thái Bình.

- 52 địa phương chưa qua 14 ngày với tổng số 308.188 ca mắc, trong đó  5 tỉnh, thành phố ghi nhận số mắc cao nhất, gồm: TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Long An, Đồng Nai, Bắc Giang. Các trường hợp mắc mới hầu hết là các trường hợp tiếp xúc gần (F1) đã được cách ly từ trước và trong khu vực đã được phong tỏa.

- Công tác tiêm chủng: Tính đến ngày 18/8/2021, cả nước đã tiêm được 15.959.499 liều (tăng 368.049 liều so với ngày trước đó), đã có 12.824.431 người đã được tiêm 1 liều vắc xin và 1.567.534 người tiêm đủ 2 liều vắc xin

- Công tác xét nghiệm: Tính đến ngày 18/8/2021, cả nước đã thực hiện xét nghiệm Realtime RT-PCR được 11.140.662 mẫu cho 29.289.052 lượt người, trong đó từ 29/4/2021 – nay đã thực hiện xét nghiệm Realtime RT-PCR được 8.878.290 mẫu cho 25.762.113 lượt người, tăng 201.443 mẫu so với ngày trước đó. Về việc gộp mẫu bệnh phẩm, từ ngày 16/8/2020 đến nay cả nước đã thực hiện 2.816.953 mẫu gộp cho 19.729.752 lượt người.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, Bộ Y tế tiếp tục triển khai các biện pháp phòng chống dịch COVID-19:

Trong thời gian tới, TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam cần quyết liệt triển khai các giải pháp trọng tâm, trong đó xác định thực hiện giãn cách nghiêm là biện pháp cơ bản, quan trọng và quyết định đến công tác kiểm soát dịch bệnh; thực hiện tốt an sinh xã hội là trọng yếu, thường xuyên; xét nghiệm là then chốt để bóc tách F0 từ đó có hình thức quản lý, chăm sóc phù hợp, giảm nguồn lây nhiễm; giảm tử vong là ưu tiên hàng đầu và vắc xin là chiến lược lâu dài nhằm mục tiêu phấn đấu kiểm soát dịch bệnh theo Nghị quyết số 86/NQ-CP ngày 06/8/2021 của Chính phủ, cụ thể như sau:

- Thực hiện nghiêm ngặt việc giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg; theo nguyên tắc người cách ly với người, gia đình cách ly với gia đình, kiên quyết yêu cầu người dân “ai ở đâu thì ở đó”; đây là biện pháp cơ bản có tính chất quyết định, tập trung cao độ thực hiện quyết liệt, với sự vào cuộc của chính quyền cơ sở; tuyệt đối không để xảy ra tình trạng “chặt ngoài, lỏng trong”. Các địa bàn trên cơ sở mỗi xã, phường là pháo đài, mỗi người dân là chiến sỹ thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch. TP. Hồ Chí Minh huy động các lực lượng cùng sự hỗ trợ của các Bộ Quốc phòng, Công an để tổ chức, kiểm soát nghiêm trong các khu vực phong tỏa, cách ly và các địa bàn thực hiện giãn cách xã hội.

- Đảm bảo an sinh xã hội cho người dân; đáp ứng các nhu cầu về lương thực, thực phẩm, cung cấp đầy đủ các nhu yếu phẩm, hàng hóa thiết yếu.

Các Bộ Công thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thông đảm bảo cung ứng lương thực, thực phẩm, hàng hóa cho các địa phương để thực hiện đầy đủ các gói an sinh cho người dân. Bộ Giao thông vận tải tiếp tục đảm bảo lưu thông, vận chuyển hàng hóa để cung ứng cho các địa phương. Bộ Quốc phòng, Công an hỗ trợ vận chuyển lương thực, thực phẩm, hàng hóa cho các địa phương.

- Đảm bảo công tác y tế cho người dân

+ Thực hiện xét nghiệm, tầm soát trên diện rộng, trước tiên tại các khu vực phong tỏa, có nguy cơ rất cao, nguy cơ cao và những người có nguy cơ lây nhiễm cao, các trường hợp có biểu hiện ho, sốt trong cộng đồng để kịp thời phát hiện, đưa các trường hợp F0 ra khỏi cộng đồng nhanh nhất. Tổ chức tốt việc điều phối, lấy mẫu, trả kết quả xét nghiệm trong vòng 24 giờ.

+ Giảm tối đa các trường hợp tử vong là ưu tiên hàng đầu: Chuẩn bị các phương án cao nhất có thể cho điều trị, bảo đảm đầy đủ oxy, máy thở, giường cấp cứu, các điều kiện cần thiết khác trong thời gian sớm nhất; tổ chức tốt việc điều phối và công tác điều trị theo mô hình 3 tầng của Thành phố đảm bảo người bệnh được thu dung, cấp cứu, điều trị kịp thời; triển khai tốt mô hình chăm sóc và điều trị người mắc COVID-19 theo 2 trụ cột:

Chăm sóc sức khoẻ tại nhà cho người F0 cũng chính là tầng điều trị thứ nhất; mở rộng tầng 1 giảm quá tải cho tầng điều trị 2 và 3. Triển khai thí điểm chương trình điều trị có kiểm soát người mắc COVID-19 tại nhà và cộng đồng, triển khai gói chăm sóc sức khỏe tại nhà.

Tiếp tục mở rộng các khu vực điều trị COVID-19: Mở rộng tầng 2 và tầng 3, trong đó tầng 2 dành điều trị người bệnh trên 50 tuổi, người có bệnh lý nền, người không có khả năng tự chăm sóc bản thân; bắt buộc có oxy và thuốc chống đông, kháng viêm; các cơ sở điều trị tại tầng 3 tổ chức giao ban chuyên môn hàng ngày với các cơ sở điều trị tuyến dưới theo từng khu vực, địa bàn.

+ Bộ Y tế hướng dẫn thiết lập mô hình triển khai trạm y tế lưu động để đảm bảo người dân được tiếp cận dịch vụ y tế khi có nhu cầu và phục vụ quản lý, điều trị người nhiễm tại cộng đồng, trước mắt tại TP. Hồ Chí Minh và chuẩn bị phương án cho các tỉnh Long An, Đồng Nai, Bình Dương, trên nguyên tắc thực hiện chức năng chăm sóc sức khoẻ ban đầu trong điều kiện tối giản, nhân lực tối giản, nhưng hoạt động phải đảm bảo các yếu tố quản lý điều trị, chăm sóc ban đầu với các bệnh lý thông thường (phục vụ khám chữa bệnh cho người dân trên địa bàn, khám, cấp phát thuốc cho người bệnh mạn tính) và bao gồm cả thực hiện xét nghiệm nhanh và tổ chức tiêm chủng vắc xin; quản lý, chăm sóc, điều trị các trường hợp F0 tại cộng đồng có kiểm soát và có thể chuyển tuyến.

TP. Hồ Chí Minh chuẩn bị nhân lực tổ chức triển khai hoạt động của các trạm y tế lưu động theo Kế hoạch 5811/SYT-NVY ngày 19/8/2021 với sự hỗ trợ của các Bộ Y tế, Quốc phòng, Công An. 

-  Bộ Thông tin và Truyền thông tiếp tục đẩy mạnh truyền thông, tuyên truyền các biện pháp phòng, chống dịch theo các hướng dẫn cập nhật của Bộ Y tế; đấu tranh, xử lý nghiêm các trường hợp công kích, phản ứng, xuyên tạc, kích động đưa thông tin sai sự thật, gây mất ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

- Các Bộ: Y tế, Ngoại giao tiếp tục phối hơp, triển khai hiệu quả “chiến lược ngoại giao vắc xin”; đôn đốc các nhà sản xuất, cung ứng vắc xin thực hiện bàn giao, tiếp nhận vắc xin đối với các lô hàng đã ký hợp đồng. Đồng thời thúc đẩy, hỗ trợ thủ tục để tăng cường tiếp cận, đàm phán nhận chuyển giao công nghệ sản xuất vắc xin trong nước; sản xuất vắc xin trong nước nhằm chủ động nguồn cung; triển khai tiêm chủng nhanh chóng, kịp thời, an toàn.

- Tiếp tục vận động, huy động tối đa nguồn lực xã hội hóa, sự tham gia của các cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức trong việc triển khai các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch bệnh; hỗ trợ nguồn lực mua sắm, nhập khẩu các vật tư, thiết bị cần thiết, thuốc điều trị và vắc xin trong giai đoạn hiện nay.

 

Admin

Thong ke