​Bản tin COVID-19 ngày 19/9/2021

19/09/2021 In bài viết

Thế giới ghi nhận gần 229 triệu ca mắc Covid-19, trong đó có hơn 4,7 triệu ca tử vong và hơn 205,5 triệu ca bình phục.

Trong tuần qua, Mỹ đã ghi nhận 944 nghìn ca mắc và 11 nghìn ca tử vong do COVID-19. Nhà Trắng thông báo sẽ tổ chức hội nghị thượng đỉnh COVID-19 toàn cầu nhằm tìm cách đẩy mạnh các nỗ lực tiêm chủng cho thế giới theo hình thức trực tuyến vào ngày 22/9 tới. Mỹ sẽ kêu gọi các nước đưa ra "tham vọng lớn hơn" về một loạt chủ đề như nỗ lực tiêm chủng cho thế giới, tăng nguồn cung cấp oxy và các thiết bị bảo hộ y tế.

Chính phủ Anh công bố những biện pháp mới liên quan đến du lịch nước ngoài, nhằm khôi phục hơn nữa cuộc sống theo trạng thái bình thường mới sau quãng thời gian dài phải áp dụng nhiều hạn chế bởi dịch bệnh COVID-19. Chính phủ sẽ bỏ hệ thống phân loại danh sách các nước "đỏ, xanh, vàng" theo nguy cơ về dịch bệnh COVID-19, thay vào đó sẽ chỉ có 2 danh sách đơn giản hơn là những điểm đến có "nguy cơ cao" và "nguy cơ thấp". Việc xét nghiệm COVID-19 bắt buộc cũng được hủy bỏ với những khách du lịch đã tiêm phòng đầy đủ, giúp họ giảm bớt chi phí đáng kể này. Ngoài ra, có 8 nước được bỏ khỏi danh sách "đỏ" COVID-19 trong đó có Thổ Nhĩ Kỳ, Pakistan hay điểm đến du lịch được yêu thích Maldives. Những khách du lịch trở về Anh từ các địa điểm này sẽ không còn phải chịu quy định cách ly. Dự kiến, những điều chỉnh trên sẽ được áp dụng từ ngày 4/10.

Nhật Bản cho biết Osaka sẽ là địa phương đầu tiên trên cả nước áp dụng phương pháp điều trị “hỗn hợp kháng thể” cho bệnh nhân COVID-19 điều trị tại nhà. Biện pháp điều trị dùng “hỗn hợp kháng thể” được Nhật Bản phê chuẩn hồi tháng trước, theo đó bệnh nhân được truyền tĩnh mạch đồng thời 2 loại thuốc để khống chế virus SARS-CoV-2. Khi đó, biện pháp này chỉ được giới hạn áp dụng cho bệnh nhân nằm viện hoặc điều trị ngoại trú. Bộ Y tế cho biết để điều trị tại nhà bằng phương pháp này, phải có hệ thống giám sát tình trạng của bệnh nhân trong vòng 24 giờ sau khi được truyền tĩnh mạch. Ngoài ra, Nhật Bản vừa quyết định tiêm mũi vaccine COVID-19 tăng cường cho những người đã tiêm đủ hai mũi và dự định sẽ thực hiện kế hoạch này sớm nhất là cuối năm nay. Hiện nay, chương trình tiêm chủng của Nhật Bản chủ yếu sử dụng vaccine ngừa COVID-19 của hai hãng Pfizer Inc. và Moderna Inc. Tuy nhiên, ngày 23/8, Nhật Bản bắt đầu cho phép sử dụng vaccine của hãng AstraZeneca Plc để tiêm cho những người từ 40 tuổi trở lên.

            Ghi nhận 687.063 ca mắc, trong đó 684.187 ca ghi nhận trong nước, 457.505 người khỏi bệnh và 17.090 ca tử vong. Đợt dịch thứ 4 đến nay đã ghi nhận 684.211 ca, trong đó có 682.617 ca trong nước (99,8%), 454.688 người đã khỏi bệnh (66,5%), 17.055 tử vong. Đợt dịch thứ 4 có 62/63 tỉnh ghi nhận trường hợp mắc

- Từ 17h00 ngày 18/9 đến 17h00 ngày 19/9/2021, ghi nhận 10.040 ca mắc mới, trong đó 10.025 ca ghi nhận trong nước (tăng 665 ca so với ngày trước đó) tại 34 tỉnh thành phố.

+ Các tỉnh ghi nhận ca bệnh: Hồ Chí Minh (5.496), Bình Dương (2.332), Đồng Nai (953), An Giang (287), Long An (249), Kiên Giang (151), Tiền Giang (102), Bà Rịa - Vũng Tàu (84), Tây Ninh (53), Cần Thơ (52), Khánh Hòa (37), Bình Định (30), Quảng Ngãi (24), Hà Nội (20), Cà Mau (18), Quảng Bình (15), Bình Phước (15), Ninh Thuận (15), Phú Yên (13), Quảng Nam (13), Hậu Giang (11), Đắk Nông (11), Trà Vinh (8), Bình Thuận (7), Đồng Tháp (6), Bến Tre (6), Quảng Trị (5), Bạc Liêu (3), Đà Nẵng (2), Vĩnh Long (2), Thanh Hóa (2), Hà Tĩnh (1), Hưng Yên (1), Bắc Ninh (1).

+ Có 15 ca nhập cảnh ghi nhận tại Quảng Bình (9), Hưng Yên (3), Hà Nam (2), Bắc Ninh (1).

- Các địa phương ghi nhận số mắc tích lũy cao trong đợt dịch này: TP. Hồ Chí Minh: 336.528 ca, Bình Dương: 178.295 ca, Đồng Nai: 39.973 ca, Long An: 30.328 ca, Tiền Giang: 13.059 ca.

- Các địa phương ghi nhận số ca mắc giảm nhiều nhất so với ngày trước đó: Bình Dương (giảm 545 ca), Tiền Giang (96 ca), Đắc Lắc (91 ca).

- Các địa phương ghi nhận số ca mắc tăng cao nhất so với ngày trước đó: Hồ Chí Minh (tăng 1.259 ca), An Giang (144 ca), Bà Rịa-Vũng Tàu (74 ca).

- Tình hình dịch tại một số địa phương:

+ Tại TP. Hồ Chí Minh: Ghi nhận tích lũy đến nay là 336.528 ca, trong đó trong ngày qua ghi nhận 5.496 ca (tăng 1.259 ca so với ngày trước đó). Tính đến ngày 18/9, số ca F0 đang cách ly điều trị tại nhà là 47.485 người. Số ca đang cách ly tại các cơ sở cách ly tập trung là 23.379 người. Số ca đang điều trị tại bệnh viện tầng 2, 3 là 41.152 người. Số ca nặng có hỗ trợ hô hấp là 7.615 người, chiếm tỉ lệ 18.5% so với tổng ca đang nằm viện, chiếm tỉ lệ 6.8 % so với tổng số F0. Số trẻ em dưới 16 tuổi nhiễm đang điều trị là 3.366 người. Số phụ nữ mang thai đang điều trị là 353 người.

Thành phố có 2.311.566 hộ dân, trong đó 401.234 hộ dân thuộc vùng đỏ, 181.213 hộ dân thuộc vùng cam. Tiến độ xét nghiệm vòng 5 của vùng đỏ và vùng cam là 32% (trong đó, vùng đỏ là 39%, vùng cam là 25%). Tỉ lệ kết quả xét nghiệm dương tính ở 2 vùng này là 1,1%.

+ Tỉnh Bình Dương: Ghi nhận tích lũy đến nay là 178.295 ca, trong đó trong ngày qua ghi nhận 2.332 ca (giảm 545 ca so với ngày trước đó). số ca mắc toàn tỉnh giảm 18,9% so với ngày 18/9/2021; địa phương có số ca mắc giảm là Tân Uyên, Dĩ An, Bắc Tân Uyên, Bàu Bàng. Lấy mẫu xét nghiệm diện rộng đợt 2 đến nay (từ ngày 02/8/2021 đến nay) cho 6.148.350 lượt người, trong đó tỷ lệ dương tính là 2,19%.

-  Công tác xét nghiệm:  Số mẫu nhận trong ngày 18/9: 229.891 mẫu. Số xét nghiệm kháng nguyên thực hiện trong ngày 18/9 là 606.353 mẫu. Tổng số xét nghiệm kháng nguyên đã thực hiện từ ngày 16/8/2020 đến ngày nay là 9.165.745 mẫu. Số xét nghiệm Realtime RT-PCR thực hiện trong ngày 18/9 là 230.804 mẫu cho 443.937 người. Trong đó 205.333 mẫu đơn, 25.471 mẫu gộp cho 238.604 lượt người và 42.189 mẫu khám chữa bệnh (chiếm 18,3% so với tổng số xét nghiệm). Các tỉnh xét nghiệm nhiều: Hải Phòng 10.660, Bắc Ninh 10.848, Long An 11.962, Hà Nội 18.223, Đồng Nai 35.231, TPHCM 35.644. Tính đến ngày 18/9/2021, cả nước đã thực hiện xét nghiệm được 19.243.453 mẫu cho 52.023.701 lượt người, trong đó từ 29/4/2021 – nay đã thực hiện xét nghiệm được 16.641.750 mẫu cho 48.496.762 lượt người, tăng 230.804 mẫu so với ngày trước đó. Về việc gộp mẫu bệnh phẩm, từ ngày 16/8/2020 đến nay cả nước đã thực hiện 4.595.978 mẫu gộp cho 32.336.840 lượt người.

- Công tác tiêm chủng:  Đến nay, cả nước đã tiêm được 34.172.109 liều (tăng 549.081 liều so với ngày trước đó); tỷ lệ sử dụng đạt 92% so với tổng vắc xin 38 đợt và 68% so với vắc xin 45 đợt; đã có 21.132.249 người tiêm 1 liều vắc xin và 6.519.880 người tiêm đủ 2 liều vắc xin. Ngày 18/9/2021, TP. Hà Nội tiêm được khoảng 31.500 liều; TP. HCM tiêm được khoảng 89.000 liều. Đến nay, Hà Nội đã tiêm được 6,4 triệu/8,8 triệu liều vắc xin phân bổ 45 đợt; TP. HCM tiêm được 8,74 triệu/9,5 triệu liều vắc xin phân bổ 45 đợt. Các tỉnh Đồng Nai, Long An, Bình Dương trong ngày tiêm được lần lượt là 6.000 liều; 23.000 liều và 1.400 1iều vắc xin.

            Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, Bộ Y tế tiếp tục triển khai các biện pháp phòng chống dịch COVID-19:

- Tiếp tục quán triệt, phổ biến việc tổ chức thực hiện các chỉ đạo, kết luận của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các hướng dẫn của Bộ Y tế và các bộ, ngành trong công tác phòng, chống dịch, nhất là tại xã, phường, thị trấn. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát để phát hiện, chấn chỉnh kịp thời.

- Các địa phương chủ động xây dựng kế hoạch phục hồi, phát triển kinh tế phù hợp với năng lực đáp ứng của hệ thống y tế, diễn biến và kết quả công tác phòng, chống dịch. Riêng các địa phương đang trong lộ trình nới lỏng việc thực hiện giãn cách và tăng cường giãn cách cần xây dựng và triển khai theo lộ trình thực hiện việc nới lỏng, phục hồi sinh hoạt và hoạt động kinh tế xã hội thích ứng an toàn với dịch bệnh.  

- Các địa phương tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội và tăng cường giãn cách xã hội, phải thực hiện nghiêm, có kế hoạch, thời gian, phạm vi giãn cách, tận dụng thời gian giãn cách để kiểm soát dứt điểm dịch bệnh.

- Về y tế: Xác định thần tốc xét nghiệm là then chốt, quan trọng nhằm sớm kiểm soát dịch. Thực hiện việc tổ chức xét nghiệm theo hướng dẫn của Bộ Y tế (Công điện số 1409/CĐ-BYT ngày 15/9/2021) đối với các địa bàn nguy cơ rất cao và nguy cơ cao. Chủ động xét nghiệm sàng lọc, phát hiện sớm người nhiễm trong cộng đồng để kịp thời triển khai cách ly, khoanh vùng, điều trị phù hợp đối với địa bàn nguy cơ và bình thường mới; Tập trung nhân lực, xét nghiệm trang thiết bị, cho các vùng có nguy cơ cao theo hướng dẫn của Bộ Y tế; huy động nguồn nhân lực từ các vùng lân cận để hỗ trợ việc xét nghiệm diện rộng tại các địa phương đang có dịch; Triển khai hiệu quả Chiến dịch tiêm chủng vắc xin COVID-19 toàn quốc, trong đó lưu ý: (1) Về đối tượng, ưu tiên các đối tượng có nguy cơ cao; (2) Về địa bàn, ưu tiên tiêm trả mũi 2 cho TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Hà Nội và mở rộng cho các tỉnh động lực tăng tưởng, nhiều khu công nghiệp, đầu mối giao thương… (3) Về ngành, lĩnh vực, ưu tiên các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu du lịch, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ thiết yếu, sản xuất tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, doanh nghiệp vận tải, giao hàng, cảng biển…; Tổ chức điều trị hiệu quả, giảm tử vong xuống mức thấp nhất. Phân tầng điều trị theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Thành lập và triển khai ngay các Trạm Y tế lưu động tại xã, phường, thị trấn có nguy cơ cao, nguy cơ rất cao trên địa bàn theo nguyên tắc gần dân nhất. Chuẩn bị sẵn sàng về địa điểm, trang thiết bị, nhân lực đối với các xã, phường, thị trấn ở mức có nguy cơ và bình thường mới để kịp thời triển khai khi nâng mức nguy cơ; Thực hiện liên tục việc đánh giá nguy cơ để quyết định việc giãn cách và nới lỏng giãn cách. Việc nới lỏng giãn cách phải thực hiện từng bước, chắc chắn và phải tiếp tục xét nghiệm tầm soát theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

- Tiếp tục triển khai nhanh giải ngân các gói an sinh xã hội, tập trung vào đối tượng lao động mất việc làm, người thuộc diện chính sách, dân cư trong những khu vực bị phong tỏa; rà soát và đánh giá việc triển khai Nghị quyết số 68/NQ-CP; tiếp tục vận động, huy động các nguồn lực xã hội tham gia đóng góp cho công tác chăm lo an sinh xã hội.   

- Triển khai các lực lượng, biện pháp để nắm tình hình và chỉ đạo từ sớm, từ xa, từ cơ sở để giữ vững ổn định chính trị xã hội, đảm bảo an ninh quốc gia, an dân.

- Tăng cường công tác truyền thông để người dân nâng cao ý thức, trách nhiệm, phát huy tính tích cực, tự giác, mỗi người dân là một “chiến sỹ”, là trung tâm, là chủ thể phòng, chống dịch; chú trọng các thông tin, thông điệp đơn giản, dễ hiểu, nhất là về các biện pháp phòng, chống dịch để người dân tự giác chấp hành, bảo vệ sức khỏe cho bản thân và cộng đồng.

- Nâng cao hiệu quả của các ứng dụng công nghệ trong việc giám sát, triển khai các hoạt động phòng, chống dịch, nhất là về cách ly, di chuyển (hộ chiếu vắc xin), tiêm vắc xin…Triển khai thống nhất, đồng bộ các nền tảng ứng dụng công nghệ thông tin trong phòng, chống dịch COVID-19.

- Các bộ, ngành theo chức năng, nhiệm vụ được phân công xây dựng các hướng dẫn để hỗ trợ các địa phương trong việc triển khai giải pháp đảm bảo sản xuất, kinh doanh, lưu thông hàng hóa trong điều kiện chống dịch COVID-19, không để đứt gãy chuỗi giá trị, chuỗi sản xuất cung ứng, tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế, xã hội.

 

Admin

Thong ke