Tin tức

Tin tức

​Bản tin COVID-19 ngày 22/9/2021

22/09/2021 In bài viết

 

Thế giới ghi nhận hơn 230,3 triệu ca mắc Covid-19, trong đó hơn 4,72 triệu ca tử vong và xấp xỉ 207 triệu bệnh nhân bình phục. Mỹ là nước có số mắc cao nhất thế giới với hơn 105.000 ca nhiễm mới và 1.785 ca tử vong trong ngày qua. Đứng sau Mỹ về số ca nhiễm mới lần lượt là Anh (31.500), Thổ Nhĩ Kỳ (29.300) và Ấn Độ (27.200), và về số ca tử vong là Nga (812), Brazil (406) và Ấn Độ (383).

Tại Trung Quốc, Thành phố Cáp Nhĩ Tân với dân số khoảng 10 triệu người, đã phải đóng cửa một phần sau khi ghi nhận các ca nhiễm Covid-19 đầu tiên kể từ đầu tháng 2, trong đó 01 ca phát hiện qua xét nghiệm Covid-19 tại một bệnh viện địa phương, 02 ca còn lại được cho là có tiếp xúc gần với trường hợp đầu tiên, từng bị cách ly lần đầu tại Quảng Châu sau khi mới trở về Trung Quốc từ Philippines và bị cách ly thêm lần nữa khi về lại Cáp Nhĩ Tân.

Theo thông tin không chính thức, Hãng Johnson & Johnson, ngày 21/9, tuyên bố tiêm hai liều vắc xin Janssen ngừa Covid-19 của hãng có thể đem lại hiệu quả 94% bảo vệ người bệnh khỏi các triệu chứng nặng, tương đương mức độ hiệu quả của các vắc xin Moderna và Pfizer/BioNTech. Johnson & Johnson khẳng định, việc tiêm bổ sung cho loại vắc xin một liều duy nhất này của hãng cũng giúp tăng miễn dịch, bảo vệ mạnh mẽ khỏi nguy cơ lây nhiễm virus. Hãng cho biết, đây là kết quả của 3 nghiên cứu đã được thực hiện để xem xét các khía cạnh khác nhau của Janssen.

Ngày 21/9, Ủy ban châu Âu (EC) đã bàn giao robot khử trùng thứ 200 cho bệnh viện Consorci Corporació Sanitària Parc Taulí ở Barcelona, Tây Ban Nha. Đội quân người máy này được sử dụng để vệ sinh phòng điều trị bệnh nhân Covid-19 và thuộc chương trình hành động của EC nhằm giúp các bệnh viện thuộc EU đối phó với đại dịch. Đến nay, hầu như tất cả các nước thành viên EU đều đã nhận được ít nhất một robot như vậy. Chúng có thể làm sạch một phòng bệnh tiêu chuẩn trong vòng chưa đầy 5 phút, giúp giảm tải cho nhân viên y tế và bảo vệ họ trước nguy cơ lây nhiễm tiềm ẩn.

- Từ 17h00 ngày 21/9 đến 17h00 ngày 22/9/2021, ghi nhận 11.527 ca mắc mới, trong đó 11.525 ca ghi nhận trong nước (giảm 162 ca so với ngày trước đó) tại 35 tỉnh thành phố.

+ Các tỉnh ghi nhận ca bệnh trong ngày: Hồ Chí Minh (5.435), Bình Dương (4.179), Đồng Nai (930), Long An (191), An Giang (186), Kiên Giang (137), Tiền Giang (89), Cần Thơ (48), Tây Ninh (48), Bình Định (43), Bình Phước (26), Khánh Hòa (21), Đắk Nông (20), Hà Nam (20), Quảng Bình (19), Đồng Tháp (18), Ninh Thuận (15), Phú Yên (14), Đà Nẵng (10), Bình Thuận (9), Thừa Thiên Huế (9), Quảng Trị (9), Bà Rịa - Vũng Tàu (8), Bạc Liêu (8), Hà Nội (7), Quảng Ngãi (6), Trà Vinh (4), Lâm Đồng (3), Bến Tre (3), Kon Tum (2), Hậu Giang (2), Thanh Hóa (2), Cà Mau (2), Sơn La (1), Nghệ An (1).

+ Có 02 ca nhập cảnh ghi nhận tại tỉnh Tây Ninh.

- Công tác xét nghiệm: Số mẫu nhận trong ngày 21/9: 175.032 mẫu. Số xét nghiệm kháng nguyên thực hiện trong ngày 21/9 là 599.560 mẫu. Tổng số xét nghiệm kháng nguyên đã thực hiện từ ngày 16/8/2020 đến ngày nay là 10.330.259 mẫu. Số xét nghiệm Realtime RT-PCR thực hiện trong ngày 21/9 là 175.593 mẫu cho 431.636 người. Trong đó 140.988 mẫu đơn, 34.605 mẫu gộp cho 290.648 lượt người và 16.738 mẫu khám chữa bệnh (chiếm 9,5% so với tổng số xét nghiệm). Các tỉnh xét nghiệm nhiều trong ngày: Long An 8.999, Đồng Nai 9.769, Cần Thơ 10.168, Hà Nội 10.962, Hồ Chí Minh 42.248.

Tính đến ngày 21/9/2021, cả nước đã thực hiện xét nghiệm được 19.813.286 mẫu cho 53.262.235 lượt người được xét nghiệm, trong đó từ 29/4/2021 – nay đã thực hiện xét nghiệm được 17.211.798 mẫu tương đương 49.735.296 lượt người, tăng 175.593 mẫu so với ngày trước đó. Về việc gộp mẫu bệnh phẩm, từ ngày 16/8/2020 đến nay cả nước đã thực hiện 4.681.440 mẫu gộp cho 33.090.788 lượt người.

- Công tác tiêm chủng: Đến ngày 21/9/2021, cả nước đã tiêm được 35.771.186 liều, tăng 622.588 liều so với ngày trước đó, đạt 88% so với số vắc xin 42 đợt và đạt 71% so với tổng số vắc xin 45 đợt (9.487.380 liều vắc xin mới phân bổ ngày 16/9 và 17/9); đã có 21.884.156 người tiêm 1 liều vắc xin và 6.943.515 người tiêm đủ 2 liều vắc xin. Tỷ lệ tiêm ít nhất một mũi là 40,1% và tỷ lệ tiêm đủ 02 liều vắc xin là 9,7%. Ngày 21/9/2021, TP. Hà Nội tiêm được khoảng 24.000 liều, tích lũy đến nay đã tiêm được 6,48 triệu trên tổng số 8,82 triệu liều vắc xin phân bổ; TP. Hồ Chí Minh tiêm được 8,87 triệu trên tổng số 9,59 triệu liều vắc xin phân bổ. Ngoài ra, các tỉnh Đồng Nai, Long An, Bình Dương trong ngày tiêm được lần lượt là 1.400 liều; 6.500 liều và 140 1iều vắc xin. Các địa phương có tỷ lệ bao phủ ít nhất 01 mũi vắc xin cho trên 90% dân số từ 18 tuổi trở lên là: TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Long An. Các địa phương có tỷ lệ bao phủ ít nhất 01 mũi vắc xin cho từ 70-80% dân số từ 18 tuổi trở lên là Đồng Nai, Bình Dương, Khánh Hòa, Quảng Ninh. Các địa phương có tỷ lệ bao phủ ít nhất 01 mũi vắc xin dưới 10% dân số từ 18 tuổi trở lên là Thái Nguyên, Hòa Bình, Yên Bái, Gia Lai, Đắc Lắc.

            Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, Bộ Y tế tiếp tục triển khai các biện pháp phòng chống dịch COVID-19:

- Các địa phương đang kiểm soát tốt dịch: cần tiếp tục thực hiện tốt các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia. Chuẩn bị 4 tại chỗ, sẵn sàng các tình huống xảy ra. Tăng cường giám sát các đối tượng nguy cơ, khu vực nguy cơ để phát hiện sớm, khoanh vùng dập dịch. Đảm bảo sản xuất kinh doanh phải an toàn.

- Các địa phương đang trong lộ trình nới lỏng việc thực hiện giãn cách  cần xây dựng và triển khai theo lộ trình thực hiện việc nới lỏng, phục hồi sinh hoạt và hoạt động kinh tế xã hội thích ứng an toàn với dịch bệnh.  Các địa phương tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội phải thực hiện nghiêm có mục tiêu rõ ràng, có kế hoạch, thời gian, phạm vi giãn cách, tận dụng thời gian giãn cách để kiểm soát dứt điểm dịch bệnh.

- Tiếp tục chỉ đạo các địa phương thần tốc xét nghiệm nhằm sớm kiểm soát dịch. Thực hiện việc tổ chức xét nghiệm theo hướng dẫn của Bộ Y tế (Công điện số 1409/CĐ-BYT ngày 15/9/2021) đối với các địa bàn nguy cơ rất cao và nguy cơ cao. Chủ động xét nghiệm sàng lọc, phát hiện sớm người nhiễm trong cộng đồng để kịp thời triển khai cách ly, khoanh vùng, điều trị phù hợp đối với địa bàn nguy cơ và bình thường mới.

Tập trung nhân lực, xét nghiệm trang thiết bị, cho các vùng có nguy cơ cao theo hướng dẫn của Bộ Y tế; huy động các tỉnh lân cận để hỗ trợ việc xét nghiệm diện rộng tại các địa phương đang có dịch.

- Tiếp tục triển khai hiệu quả Chiến dịch tiêm chủng vắc xin COVID-19 toàn quốc, trong đó lưu ý: ưu tiên tiêm trả mũi 2 cho các trường hợp đã tiêm mũi 1 và mở rộng cho các địa phương nhiều khu công nghiệp, đầu mối giao thương, các khu chế xuất, khu du lịch, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ thiết yếu, sản xuất tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu…

- Các địa phương tổ chức điều trị hiệu quả, giảm tử vong xuống mức thấp nhất. Phân tầng điều trị theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Triển khai các Trạm Y tế lưu động tại xã, phường, thị trấn có nguy cơ cao, nguy cơ rất cao trên địa bàn theo nguyên tắc gần dân nhất. Chuẩn bị sẵn sàng về địa điểm, trang thiết bị, nhân lực đối với các xã, phường, thị trấn ở mức có nguy cơ và bình thường mới để kịp thời triển khai khi nâng mức nguy cơ.

 

Ban biên tập trang thông tin điện tử Cục Y tế dự phòng

Thong ke