​Bản tin COVID-19 ngày 23/9/2021

23/09/2021 In bài viết

Thế giới ghi nhận hơn 230,9 triệu ca mắc Covid-19, trong đó hơn 4,73 triệu ca tử vong và xấp xỉ 207,6 triệu bệnh nhân bình phục. Số học sinh mắc COVID-19 ở vùng England (Anh) đã tăng cao kỷ lục trong 7 ngày qua, tỷ lệ trẻ em từ 5-14 tuổi mắc COVID-19 đã tăng 80% lên 811 ca/100.000 người trong tuần kết thúc vào ngày 19/9, vượt mức đỉnh hồi cuối tháng 7; các ca mắc mới ở trẻ em tăng vọt kéo theo sự gia tăng các ca mắc ở thế hệ phụ huynh trong độ tuổi từ 30-49, hiện tăng 7% lên mức 286 ca/100.000 người.

Tại Đông Nam Á, số ca nhiễm tăng mạnh trong tháng 7-8 ca do tốc độ lây lan nhanh của biến chủng Delta đã buộc các nước trong khu vực phải ban hành các hạn chế nghiêm ngặt. Malaysia và Indonesia phong tỏa toàn quốc, còn Thái Lan phong tỏa các khu vực có nguy cơ cao. Số ca nhiễm mới mỗi ngày ở Đông Nam Á sau đó giảm dần, dù vẫn ở mức cao, mỗi ngày ghi nhận 20.000 ca nhiễm mới, còn ở Thái Lan và Malaysia là khoảng 15.000 ca. Số ca nhiễm mới ở Indonesia giảm nhiều nhất, xuống khoảng vài nghìn ca mỗi ngày. Sau nhiều tháng phong tỏa, một số quốc gia Đông Nam Á bắt đầu đề ra lộ trình sống chung với Covid-19 dưới áp lực phục hồi kinh tế như Indonesia và Thái Lan

Theo thông tin không chính thức, trong số hơn 100 loại vắc xin Covid-19 đang thử nghiệm lâm sàng được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công nhận, có một số loại vắc xin dạng xịt mũi. Trong đó, tháng 8 vừa qua, công ty CanSinoBIO của Trung Quốc đã công bố kết quả thử nghiệm lâm sàng giai đoạn đầu đối với phiên bản dạng hít của vắc xin Ad5-nCoV - vắc xin được cho phép sử dụng ở Trung Quốc, Pakistan và Mexico. Kết quả thử nghiệm cho thấy vắc xin dạng hít này kích hoạt các phản ứng miễn dịch mà không gây tác dụng phụ nghiêm trọng. Việc kết hợp vắc xin bất hoạt với Ad5-nCoV dạng hít mang lại kháng thể trung hòa cao chống lại các chủng virus gốc, cũng như các biến chủng Alpha, Beta, Gamma và Delta. Nhà phát triển vắc xin CanSinoBIO cho biết quá trình thử nghiệm cho thấy vắc xin Ad5-nCoV dạng hít mang lại hiệu quả cao và có thể được Trung Quốc cấp phép sử dụng khẩn cấp trong thời gian tới.

- Từ 17h00 ngày 22/9 đến 17h00 ngày 23/9/2021, ghi nhận 9.472 ca mắc mới, trong đó 9.465 ca ghi nhận trong nước (giảm 2.060 ca so với ngày trước đó) tại 33 tỉnh thành phố.

+ Các tỉnh ghi nhận ca bệnh trong ngày: Hồ Chí Minh (5.052), Bình Dương (2.764), Đồng Nai (760), Long An (190), Kiên Giang (163), An Giang (109), Tây Ninh (86), Tiền Giang (67), Cần Thơ (53), Đắk Nông (33), Đắk Lắk (25), Khánh Hòa (20), Quảng Bình (20), Đồng Tháp (19), Hà Nam (14), Ninh Thuận (9), Thừa Thiên Huế (9), Bình Định (9), Bình Phước (8), Bạc Liêu (7), Cà Mau (7), Bình Thuận (7), Phú Yên (6), Quảng Nam (5), Hà Nội (5), Quảng Ngãi (4), Bà Rịa - Vũng Tàu (3), Đà Nẵng (3), Gia Lai (2), Trà Vinh (2), Quảng Trị (2), Hải Dương (1), Thanh Hóa (1).

+ Có 7 ca nhập cảnh ghi nhận tại Quảng Bình (2), Tây Ninh (2), Ninh Bình (1), Quảng Trị (1), Quảng Nam (1).

- Công tác xét nghiệm: Tính đến ngày 22/9/2021, cả nước đã thực hiện xét nghiệm được 20.041.268 mẫu cho 53.831.318 lượt người được xét nghiệm, trong đó từ 29/4/2021 – nay đã thực hiện xét nghiệm được 17.439.589 mẫu cho 50.304.379 lượt người, tăng 227.791 mẫu so với ngày trước đó. Về việc gộp mẫu bệnh phẩm, từ ngày 16/8/2020 đến nay cả nước đã thực hiện 4.728.183 mẫu gộp cho 33.478.823 lượt người.

- Công tác tiêm chủng: Đến ngày 22/9/2021, cả nước đã tiêm được 36.239.453 liều, tăng 468.267 liều so với ngày trước đó, tỷ lệ sử dụng đạt 89% so với số vắc xin 42 đợt và đạt 72% so với tổng số vắc xin 45 đợt (9.487.380 liều vắc xin mới phân bổ ngày 16/9 và 17/9); đã có 22.097.983 người tiêm 1 liều vắc xin và 7.070.735 người tiêm đủ 2 liều vắc xin. Tỷ lệ tiêm ít nhất 01 liều vắc xin là 40,5% và tỷ lệ tiêm đủ 02 liều vắc xin là 9,8%. Tỷ lệ bao phủ ít nhất 01 liều vắc xin cho dân số từ 18 tuổi trở lên của khu vực miền Bắc là 34,1%; Miền Trung là 29,5%; Tây Nguyên là 9,4% và Miền Nam là 52,5%. Các địa phương có tỷ lệ bao phủ ít nhất 01 liều vắc xin cho trên 90% dân số từ 18 tuổi trở lên là: TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Long An. Các địa phương có tỷ lệ bao phủ ít nhất 01 liều vắc xin cho từ 70-80% dân số từ 18 tuổi trở lên là Đồng Nai, Bình Dương, Khánh Hòa, Đà Nẵng, Quảng Ninh. Các địa phương có tỷ lệ bao phủ ít nhất 01 liều vắc xin dưới 10% dân số từ 18 tuổi trở lên là Hòa Bình, Yên Bái, Gia Lai, Đắc Lắc.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, Bộ Y tế tiếp tục triển khai các biện pháp phòng chống dịch COVID-19:

- Tiếp tục quán triệt, phổ biến việc tổ chức thực hiện các quy định về phòng, chống dịch bệnh, nhất là tại xã, phường, thị trấn. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát để phát hiện, chấn chỉnh kịp thời; ngăn ngừa, không để tham nhũng, lãng phí trong việc mua sắm vật tư, trang thiết bị, hóa chất, sinh phẩm xét nghiệm.

- Các địa phương:

+ Tiếp tục thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại các Công điện số 1099/CĐ-TTg ngày 22/8/2021, số 1102/CĐ-TTg ngày 23/8/2021, Công điện số 1409/CĐ-BYT ngày 15/9/2021. Thực hiện nghiêm các quy định về cách ly, xét nghiệm, điều trị; bảo đảm nơi nào thực hiện cách ly phải cách ly nghiêm ngặt, xét nghiệm phải nhanh hơn tốc độ lây lan của dịch bệnh và tổ chức phân loại người bệnh, chăm sóc, điều trị ngay tại cơ sở để người dân tiếp cận dịch vụ y tế nhanh nhất, sớm nhất.

+ TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Long An tiếp tục tăng tốc thực hiện xét nghiệm diện rộng, theo hướng dẫn của Bộ Y tế tại Công điện số 1409/CĐ-BYT ngày 15/9/2021. TP. Hồ Chí Minh khẩn trương đánh giá tình hình để đề xuất hỗ trợ lực lượng, phối hợp với các bộ ngành, địa phương lân cận thực hiện triển khai nhanh tiến độ xét nghiệm diện rộng; phấn đấu thực hiện mục tiêu kiểm soát dịch bệnh trước ngày 30/9/2021.

+ Các tỉnh không thực hiện giãn cách cần chủ động các biện pháp phòng ngừa dịch xâm nhập (quản lý người trở về từ vùng dịch); khi phát sinh các ổ dịch mới cần nhanh chóng triển khai việc truy vết nhanh, khoanh vùng hiệu quả, cách ly kịp thời, phân loại để chăm sóc, điều trị phù hợp.

- Bộ Y tế tiếp tục chỉ đạo triển khai hiệu quả Chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19. Xây dựng hướng dẫn tiêm vắc xin cho trẻ em (từ 12-17 tuổi).

- Triển khai các lực lượng, biện pháp để nắm tình hình, đảm bảo an ninh trật tự phòng, chống dịch tại các tỉnh, thành phố, nhất là tại các khu công nghiệp, nhà máy, xí nghiệp; tăng cường giám sát, điều tra, xử lý nghiêm các đối tượng kích động người dân, tuyên truyền các thông tin sai sự thật, xuyên tạc, chống phá về công tác phòng, chống dịch bệnh.

- Tiếp tục kiểm tra, giám sát việc tổ chức an sinh xã hội; kịp thời hỗ trợ người dân có hoàn cảnh khó khăn nhưng không thuộc đối tượng theo quy định; khẩn trương rà soát, không để sót, lọt đối tượng, không để người dân "thiếu ăn”, không để bất bình đẳng trong việc nhận hỗ trợ.

- Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền để “Dân biết - Dân hiểu - Dân tin - Dân theo - Dân làm”, hưởng ứng với các biện pháp phòng, chống dịch tại địa phương; xây dựng các thông tin, thông điệp truyền thông đơn giản, dễ hiểu, dễ áp dụng tại cộng đồng.

- Bộ Tài chính xem xét hỗ trợ kinh phí phòng, chống dịch cho các địa phương, đảm bảo công khai, minh bạch, đúng quy định.

- Các Bộ: Quốc phòng, Giao thông Vận tải và các bộ, ngành liên quan chuẩn bị lực lượng hỗ trợ, phương tiện vận chuyển để có thể hỗ trợ TP.Hồ Chí Minh triển khai phương án xét nghiệm diện rộng.

- Các bộ, ngành chủ động xây dựng các hướng dẫn an toàn thích ứng với dịch bệnh theo chức năng, nhiệm vụ được phân công để thực hiện hiệu quả mục tiêu kép, không để đứt gãy chuỗi cung ứng, sản xuất, đảm bảo an sinh xã hội, an ninh, an toàn trật tự xã hội.

 

Ban biên tập trang thông tin điện tử Cục Y tế dự phòng

Thong ke