Bản tin COVID-19 ngày 25/9/2021
25/09/2021 In bài viết
Đến nay, tổng số ca mắc trên thế giới là hơn 231,9 triệu ca, trong đó trên 4,75 triệu trường hợp tử vong. Tại châu Âu, kể từ ngày 25/9, Na Uy sẽ mở cửa trở lại, dừng các biện pháp phòng, chống dịch được triển khai trong 561 ngày trước đó.
Tại Singapore, ghi nhận thêm 1.650 ca mắc mới trong ngày 24/9. Theo các chuyên gia, với xu hướng hiện tại, nước này có nguy cơ chứng kiến số ca mắc mới lên tới 3.200 trường hợp/ngày vào tuần sau. Tình trạng tăng mạnh ca mắc, từ trung bình 100 ca/ngày lên hơn 1.000 ca/ngày trong một tuần qua, đã tạo sức ép đối với các bệnh viện trên toàn quốc và nhiều bệnh nhân chưa thể tiếp cận dịch vụ hỗ trợ, chăm sóc đầy đủ. Nhằm tránh cho hệ thống y tế quá tải, nước này dự kiến sẽ tái triển khai các biện pháp giãn cách xã hội ở giai đoạn “cảnh báo tăng cường” từ ngày 27/9 đến ngày 24/10.
Ngày 24/9, Ireland thông báo số trẻ em dưới 14 tuổi mắc COVID-19 hiện đang cao nhất trong tất cả các nhóm tuổi. Cụ thể, trong tuần tính đến ngày 17/9, Ireland ghi nhận tổng cộng 8.662 ca mắc, trong đó trẻ dưới 14 tuổi chiếm 34%, cao nhất trong tất cả các nhóm tuổi. Trong khi đó, nhóm từ 25-44 tuổi chiếm 27%, tiếp đến là nhóm từ 45-64 tuổi chiếm 17%, nhóm từ 15-24 tuổi chiếm 15% và chỉ có 7% số ca bệnh là trên 65 tuổi. Tổng số ca mắc mới COVID-19 hằng tuần ghi nhận ở nhóm dưới 14 tuổi tại Ireland đã tăng gấp 3 so với 2 tháng trước đó. Ireland đã bắt đầu tiêm phòng cho trẻ từ 12-15 tuổi nhưng chưa có kế hoạch tiêm cho trẻ dưới 12 tuổi.
Tính đến ngày 22/9, trên toàn thế giới đã có hơn 6 tỷ liều vắc xin được tiêm cho người dân. Trong đó có gần 40% (tương đương 2,18 tỷ liều) được tiêm ở Trung Quốc. Sau đó là Ấn Độ với 826,5 triệu liều và Mỹ với 386,8 triệu liều. Đây là 3 quốc gia có tỉ lệ tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 cao nhất thế giới. Ở các quốc gia có thu nhập cao, theo tiêu chuẩn của Ngân hàng Thế giới (WB), tỷ lệ tiêm chủng trung bình ở mức 124 liều/100 người, trong khi tỉ lệ này ở các nước thu nhập thấp chỉ là 4 liều/100 người. Hiện 3 quốc gia trên thế giới chưa thông báo về việc tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 là Burundi, Eritrea và Triều Tiên.Ghi nhận tổng số 736.972 ca mắc, trong đó 734.062 ca ghi nhận trong nước. Đến nay đã có 505.859 người khỏi bệnh và 18.220 ca tử vong. Trong đợt dịch thứ 4 đã ghi nhận 734.120 ca, trong đó có 732.492 ca trong nước (99,8%), 503.042 người đã khỏi bệnh (69%), 18.185 tử vong (tại 43 tỉnh, thành phố). Đợt dịch thứ 4 có 62/63 tỉnh ghi nhận trường hợp mắc.
- Tại Việt Nam từ 17h00 ngày 24/9 đến 17h00 ngày 25/9/2021, ghi nhận 9.706 ca mắc mới, trong đó 9.682 ca ghi nhận trong nước (tăng 1.152 ca so với ngày trước đó) tại 34 tỉnh thành phố.
+ Các tỉnh ghi nhận ca bệnh trong ngày: Hồ Chí Minh (4.046), Bình Dương (3.629), Đồng Nai (996), Long An (193), Bình Phước (147), An Giang (117), Kiên Giang (91), Tiền Giang (81), Hà Nam (66), Cần Thơ (48), Sóc Trăng (42), Tây Ninh (41), Bình Định (39), Khánh Hòa (25), Bến Tre (13), Ninh Thuận (13), Đà Nẵng (11), Phú Yên (10), Đắk Lắk (9), Bình Thuận (9), Quảng Bình (8), Quảng Trị (7), Đồng Tháp (6), Đắk Nông (6), Hà Nội (4), Bà Rịa - Vũng Tàu (4), Nghệ An (4), Bạc Liêu (4), Cà Mau (4), Vĩnh Long (3), Quảng Ngãi (2), Thanh Hóa (2), Trà Vinh (1), Thừa Thiên Huế (1).
+ Có 24 ca nhập cảnh ghi nhận tại Bà Rịa - Vũng Tàu (16), Hồ Chí Minh (4), Vĩnh Phúc (1), Quảng Bình (1), Quảng Nam (1), Tây Ninh (1).
- Các địa phương ghi nhận số ca mắc trong ngày giảm nhiều so với ngày trước: Kiên Giang (giảm 112 ca), Đồng Tháp (giảm 34 ca), Tiền Giang (giảm 31 ca).
- Các địa phương ghi nhận số ca mắc trong ngày tăng so với ngày trước: Bình Dương (tăng 651 ca), Hồ Chí Minh (tăng 260 ca), Đồng Nai (tăng 193 ca), Bình Phước (tăng 145 ca).
- Các địa phương ghi nhận số mắc tích lũy cao trong đợt dịch này: TP. Hồ Chí Minh: 366.539 ca, Bình Dương: 196.864 ca, Đồng Nai: 44.921 ca, Long An: 31.618 ca, Tiền Giang: 13.724 ca.
- Có 16/62 tỉnh[1] đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp nhiễm mới trong nước và 5/62 tỉnh[2] không có lây nhiễm thứ phát trên địa bàn trong 14 ngày qua.
Công tác xét nghiệm: Tính đến ngày 24/9/2021, cả nước đã thực hiện xét nghiệm được 23.486.654 mẫu cho 54.654.439 lượt người được xét nghiệm, trong đó từ 29/4/2021 – nay đã thực hiện xét nghiệm được 17.805.333 mẫu tương đương 51.127.500 lượt người, tăng 189.606 mẫu so với ngày trước đó. Về việc gộp mẫu bệnh phẩm, từ ngày 16/8/2020 đến nay cả nước đã thực hiện 4.796.851 mẫu gộp cho 34.004.868 lượt người.
Công tác tiêm chủng: Đến ngày 24/9/2021, Bộ Y tế đã phân bổ 47 đợt vắc xin với tổng số 52.199.426 liều. Đến nay, cả nước đã tiêm được 37.654.636 liều, tăng 786.467 liều so với ngày trước đó, đã có 22.542.840 người tiêm 1 liều vắc xin và 7.555.898 người tiêm đủ 2 liều vắc xin. Tỷ lệ tiêm ít nhất 01 liều vắc xin là 41,8% và tỷ lệ tiêm đủ 02 liều vắc xin là 10,5%. Tỷ lệ bao phủ ít nhất 01 liều vắc xin cho dân số từ 18 tuổi trở lên của khu vực miền Bắc là 35,3%, miền Trung là 32,4%, Tây Nguyên là 10,8% và miền Nam là 53,4%. Địa phương có tỷ lệ bao phủ ít nhất 01 mũi vắc xin cho trên 90% dân số từ 18 tuổi trở lên là: TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Long An. Địa phương có tỷ lệ bao phủ ít nhất 01 mũi vắc xin cho từ 80-90% dân số từ 18 tuổi trở lên là Khánh Hòa. Địa phương có tỷ lệ bao phủ ít nhất 01 mũi vắc xin cho từ 70-80% dân số từ 18 tuổi trở lên là Đồng Nai, Bình Dương, Đà Nẵng, Quảng Ninh. Địa phương có tỷ lệ bao phủ ít nhất 01 mũi vắc xin dưới 10% dân số từ 18 tuổi trở lên là Gia Lai, Đắc Lắc.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, Bộ Y tế tiếp tục triển khai các biện pháp phòng chống dịch COVID-19:
- Tiếp tục thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại các Công điện số 1099/CĐ-TTg ngày 22/8/2021, số 1102/CĐ-TTg ngày 23/8/2021. Thực hiện nghiêm các quy định về cách ly, xét nghiệm, điều trị; bảo đảm nơi nào thực hiện cách ly phải cách ly nghiêm ngặt, xét nghiệm phải nhanh hơn tốc độ lây lan của dịch bệnh và tổ chức phân loại người bệnh, chăm sóc, điều trị ngay tại cơ sở để người dân tiếp cận dịch vụ y tế nhanh nhất, sớm nhất.
+ TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Long An tiếp tục tăng tốc thực hiện xét nghiệm diện rộng, theo hướng dẫn của Bộ Y tế tại Công điện số 1409/CĐ-BYT ngày 15/9/2021. TP. Hồ Chí Minh khẩn trương đánh giá tình hình để đề xuất hỗ trợ lực lượng, phối hợp với các bộ ngành, địa phương lân cận thực hiện triển khai nhanh tiến độ xét nghiệm diện rộng; phấn đấu thực hiện mục tiêu kiểm soát dịch bệnh trước ngày 30/9/2021.
+ Các tỉnh không thực hiện giãn cách cần chủ động các biện pháp phòng ngừa dịch xâm nhập (quản lý người trở về từ vùng dịch); khi phát sinh các ổ dịch mới cần nhanh chóng triển khai việc truy vết nhanh, khoanh vùng hiệu quả, cách ly kịp thời, phân loại để chăm sóc, điều trị phù hợp.
- Bộ Y tế tiếp tục chỉ đạo triển khai hiệu quả Chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19. Xây dựng hướng dẫn tiêm vắc xin cho trẻ em (từ 12-17 tuổi).
- Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền để “Dân biết - Dân hiểu - Dân tin - Dân theo - Dân làm”, hưởng ứng với các biện pháp phòng, chống dịch tại địa phương; xây dựng các thông tin, thông điệp truyền thông đơn giản, dễ hiểu, dễ áp dụng tại cộng đồng.
[1] Các tỉnh đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp nhiễm mới trong nước: Bắc Kạn, Tuyên Quang, Lai Châu, Hòa Bình, Yên Bái, Hà Giang, Thái Nguyên, Điện Biên, Vĩnh Phúc, Hải Phòng, Phú Thọ, Ninh Bình, Nam Định, Bắc Giang, Thái Bình, Lạng Sơn.
[2] Các tỉnh không có lây nhiễm thứ phát trong 14 ngày qua: Quảng Ninh, Lào Cai, Hà Tĩnh, Hải Dương, Kon Tum.
Ban biên tập trang thông tin điện tử Cục Y tế dự phòng