Bản tin COVID-19 ngày 21/9/2021
21/09/2021 In bài viết
Thế giới ghi nhận hơn 229,8 triệu ca mắc Covid-19, trong đó có hơn 4,7 triệu người tử vong và xấp xỉ 206 triệu bệnh nhân bình phục.
Châu Á đến nay vẫn đang là "điểm nóng" của dịch COVID-19, với tổng số ca mắc mới hằng ngày ở mức cao nhất so với khu vực khác. Trong 24 giờ qua, Ấn Độ, Philippines, Iran, Thái Lan là những nước ghi nhận số ca nhiễm mới cao nhất khu vực này, dao động từ khoảng 12.700 đến 30.000 ca. Ấn Độ ghi nhận số ca nhiễm mới cao nhất châu lục trong ngày với 30.252 ca.
Theo thông tin không chính thức, liên quan đến vắc xin và tiêm chủng, ngày 20/9, hãng Pfizer/BioNTech cho biết, vắc xin Covid-19 của họ tạo phản ứng miễn dịch mạnh đối với trẻ em từ 5-11 tuổi, phù hợp với mức đã được quan sát ở độ tuổi 16-25 và nhìn chung có thể so sánh với nhóm tuổi cao hơn. Hãng đang lên kế hoạch đề nghị cấp phép sử dụng vaccine này đối với trẻ em trong độ tuổi trên tại Mỹ, châu Âu và nhiều nơi khác trong thời gian sớm nhất.
Ghi nhận tổng số 695.744 ca mắc, trong đó 692.855 ca ghi nhận trong nước. Đến nay đã có 464.326 người khỏi bệnh và 17.090 ca tử vong. Trong đợt dịch thứ 4 đã ghi nhận 692.892 ca, trong đó có 691.285 ca trong nước (99,8%), 461.509 người đã khỏi bệnh (67%), 17.055 tử vong. Đợt dịch thứ 4 có 62/63 tỉnh ghi nhận trường hợp mắc.
Ghi nhận tổng số 707.436 ca mắc, trong đó 704.542 ca ghi nhận trong nước. Đến nay đã có 475.343 người khỏi bệnh và 17.305 ca tử vong. Trong đợt dịch thứ 4 đã ghi nhận 704.584 ca, trong đó có 702.972 ca trong nước (99,8%), 472.526 người đã khỏi bệnh (67%), 17.270 tử vong. Đợt dịch thứ 4 có 62/63 tỉnh ghi nhận trường hợp mắc.
- Từ 17h00 ngày 20/9 đến 17h00 ngày 21/9/2021, ghi nhận 11.692 ca mắc mới, trong đó 11.687 ca ghi nhận trong nước (tăng 3.019 ca so với ngày trước đó) tại 34 tỉnh thành phố.
+ Các tỉnh ghi nhận ca bệnh trong ngày: Hồ Chí Minh (6.521), Bình Dương (3.609), Đồng Nai (590), Long An (254), Kiên Giang (134), An Giang (121), Tiền Giang (105), Tây Ninh (59), Cần Thơ (43), Đồng Tháp (27), Bình Định (22), Khánh Hòa (18), Đà Nẵng (15), Bình Thuận (15), Cà Mau (14), Bà Rịa - Vũng Tàu (13), Hà Nội (12), Hà Nam (12), Quảng Bình (12), Ninh Thuận (11), Bình Phước (11), Đắk Nông (10), Đắk Lắk (10), Phú Yên (10), Quảng Ngãi (9), Vĩnh Long (6), Hậu Giang (6), Thanh Hóa (4), Bạc Liêu (4), Lâm Đồng (3), Nghệ An (3), Quảng Nam (2), Trà Vinh (1), Bến Tre (1).
+ Có 5 ca nhập cảnh ghi nhận tại tỉnh Quảng Bình.
- Các địa phương ghi nhận số ca mắc trong ngày giảm nhiều so với ngày trước: Đồng Nai (giảm 279 ca), Tiền Giang (giảm 106 ca), Đắc Lắc (giảm 103 ca).
- Các địa phương ghi nhận số ca mắc trong ngày tăng so với ngày trước: Bình Dương (tăng 2.199 ca), Hồ Chí Minh (tăng 1.350 ca), Tây Ninh (tăng 27 ca).
- Các địa phương ghi nhận số mắc tích lũy cao trong đợt dịch này: TP. Hồ Chí Minh: 348.220 ca, Bình Dương: 183.314 ca, Đồng Nai: 41.432 ca, Long An: 30.850 ca, Tiền Giang: 13.375 ca.
- Có 18/62 tỉnh đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp nhiễm mới trong nước và 3/62 tỉnh không có lây nhiễm thứ phát trên địa bàn trong 14 ngày qua.
- Một số địa phương ghi nhận số mắc trong ngày trong cộng đồng cao, gồm:
+ TP. Hồ Chí Minh: Trong ngày ghi nhận 6.521 ca thông qua sàng lọc (tăng 1.349 ca so với ngày trước đó). Tích lũy số mắc giai đoạn 4 đến nay trên địa bàn là 348.220 ca.
+ Tỉnh Bình Dương: Trong ngày ghi nhận 126 ca cộng đồng (tăng 18 ca so với ngày trước đó). Tích lũy số mắc giai đoạn 4 đến nay trên địa bàn là 183.314 ca.
+ Tỉnh Đồng Nai: Trong ngày ghi nhận 5 ca cộng đồng (giảm 9 ca so với ngày trước đó). Tích lũy số mắc giai đoạn 4 đến nay trên địa bàn là 41.432 ca.
+ Tỉnh Long An: Trong ngày ghi nhận 2 ca cộng đồng (giảm 13 ca so với ngày trước đó). Tích lũy số mắc giai đoạn 4 đến nay trên địa bàn là 30.850 ca.
+ Tỉnh Tiền Giang: Trong ngày ghi nhận 2 ca cộng đồng (giảm 20 ca so với ngày trước đó). Tích lũy số mắc giai đoạn 4 đến nay trên địa bàn là 13.375 ca.
+ Tỉnh Kiên Giang: Trong ngày ghi nhận 19 ca cộng đồng (giảm 20 ca so với ngày trước đó). Tích lũy số mắc giai đoạn 4 đến nay trên địa bàn là 4.574 ca.
- Công tác xét nghiệm: Số mẫu nhận trong ngày 20/9: 200.491 mẫu. Số xét nghiệm kháng nguyên thực hiện trong ngày 20/9 là 564.954 mẫu. Tổng số xét nghiệm kháng nguyên đã thực hiện từ ngày 16/8/2020 đến ngày nay là 9.730.699 mẫu. Số xét nghiệm Realtime RT-PCR thực hiện trong ngày 20/9 là 199.004 mẫu cho 393.435 người. Trong đó 174.849 mẫu đơn, 24.155 mẫu gộp cho 218.586 lượt người và 44.862 mẫu khám chữa bệnh (chiếm 22,5% so với tổng số xét nghiệm). Các tỉnh xét nghiệm nhiều: Lạng Sơn 8.550, Long An 10.421, Vĩnh Phúc 13.614, Đồng Nai 37.510, Hồ Chí Minh 41.551. Tính đến ngày 20/9/2021, cả nước đã thực hiện xét nghiệm được 19.638.103 mẫu cho 52.830.599 lượt người được xét nghiệm, trong đó từ 29/4/2021 – nay đã thực hiện xét nghiệm được 17.036.205 mẫu tương đương 49.303.660 lượt người, tăng 199.004 mẫu so với ngày trước đó. Về việc gộp mẫu bệnh phẩm, từ ngày 16/8/2020 đến nay cả nước đã thực hiện 4.646.835 mẫu gộp cho 32.800.140 lượt người.
- Công tác tiêm chủng: Đến ngày 20/9/2021, cả nước đã tiêm được 35.148.598 liều, tăng 519.766 liều so với ngày trước đó, đạt 86,3% so với số vắc xin 42 đợt và đạt 70% so với tổng số vắc xin 45 đợt (9.487.380 liều vắc xin mới phân bổ ngày 16/9 và 17/9); đã có 21.566.762 người tiêm 1 liều vắc xin và 6.790.918 người tiêm đủ 2 liều vắc xin. Tỷ lệ tiêm ít nhất một mũi là 39,4% và tỷ lệ tiêm đủ 02 liều vắc xin là 9,4%. Ngày 20/9/2021, TP. Hà Nội tiêm được khoảng 14.400 liều; TP. Hồ Chí Minh tiêm được khoảng 55.600 liều. Đến nay, TP. Hà Nội đã tiêm được 6,44 triệu trên tổng số 8,82 triệu liều vắc xin phân bổ; TP. Hồ Chí Minh tiêm được 8,83 triệu trên tổng số 9,49 triệu liều vắc xin phân bổ. Ngoài ra, các tỉnh Đồng Nai, Long An, Bình Dương trong ngày tiêm được lần lượt là 4.100 liều; 9.500 liều và 18.000 1iều vắc xin.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, Bộ Y tế tiếp tục triển khai các biện pháp phòng chống dịch COVID-19:
- Các địa phương đang trong lộ trình nới lỏng việc thực hiện giãn cách cần xây dựng và triển khai theo lộ trình thực hiện việc nới lỏng, phục hồi sinh hoạt và hoạt động kinh tế xã hội thích ứng an toàn với dịch bệnh. Các địa phương tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội phải thực hiện nghiêm có mục tiêu rõ ràng, có kế hoạch, thời gian, phạm vi giãn cách, tận dụng thời gian giãn cách để kiểm soát dứt điểm dịch bệnh.
- Xác định thần tốc xét nghiệm là then chốt, quan trọng nhằm sớm kiểm soát dịch. Thực hiện việc tổ chức xét nghiệm theo hướng dẫn của Bộ Y tế (Công điện số 1409/CĐ-BYT ngày 15/9/2021) đối với các địa bàn nguy cơ rất cao và nguy cơ cao. Chủ động xét nghiệm sàng lọc, phát hiện sớm người nhiễm trong cộng đồng để kịp thời triển khai cách ly, khoanh vùng, điều trị phù hợp đối với địa bàn nguy cơ và bình thường mới. Tập trung nhân lực, xét nghiệm trang thiết bị, cho các vùng có nguy cơ cao theo hướng dẫn của Bộ Y tế; huy động nguồn nhân lực từ các vùng lân cận để hỗ trợ việc xét nghiệm diện rộng tại các địa phương đang có dịch.
- Triển khai hiệu quả Chiến dịch tiêm chủng vắc xin COVID-19 toàn quốc, trong đó lưu ý: (1) Về đối tượng, ưu tiên các đối tượng có nguy cơ cao; (2) Về địa bàn, ưu tiên tiêm trả mũi 2 cho các trường hợp đã tiêm mũi 1 và mở rộng cho các tỉnh động lực tăng tưởng, nhiều khu công nghiệp, đầu mối giao thương… (3) Về ngành, lĩnh vực, ưu tiên các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu du lịch, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ thiết yếu, sản xuất tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, doanh nghiệp vận tải, giao hàng, cảng biển…
- Tổ chức điều trị hiệu quả, giảm tử vong xuống mức thấp nhất. Phân tầng điều trị theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Thành lập và triển khai ngay các Trạm Y tế lưu động tại xã, phường, thị trấn có nguy cơ cao, nguy cơ rất cao trên địa bàn theo nguyên tắc gần dân nhất. Chuẩn bị sẵn sàng về địa điểm, trang thiết bị, nhân lực đối với các xã, phường, thị trấn ở mức có nguy cơ và bình thường mới để kịp thời triển khai khi nâng mức nguy cơ.
- Nâng cao hiệu quả của các ứng dụng công nghệ trong việc giám sát, triển khai các hoạt động phòng, chống dịch, nhất là về cách ly, di chuyển (hộ chiếu vắc xin), tiêm vắc xin… Triển khai thống nhất, đồng bộ các nền tảng ứng dụng công nghệ thông tin trong phòng, chống dịch COVID-19.
Ban biên tập trang thông tin điện tử Cục Y tế dự phòng