​Tăng cường công tác phòng, chống tác hại của rượu, bia

19/01/2022 In bài viết

Theo Tổ chức Y tế thế giới sử dụng rượu bia ở mức nguy hại gây ra các bệnh mạn tính chính, như bệnh tim, xơ gan, ung thư và khoảng 230 loại bệnh khác nhau. Ước tính 79.000 người tử vong tại Việt Nam trong năm 2016 có liên quan đến sử dụng rượu bia. Trong 10 năm qua, mức tiêu thụ rượu bia quy đổi theo số lít cồn nguyên chất trung bình ở Việt Nam đã tăng gấp đôi - từ 3,8 lít năm 2005 lên 8,3 lít vào năm 2016. Tiêu thụ 8,3 lít cồn nguyên chất có nghĩa là trung binh mỗi người lớn uống 15 ly bia hơi mỗi tuần. Mức tiêu thụ rượu bia quy theo số lít cồn nguyên chất trung bình của Việt Nam cao hơn 30% so với mức trung bình toàn cầu là 6,4 lít.

Nhằm tiếp tục thực hiện hiệu quả Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia và để tăng cường các biện pháp phòng, chống tác hại của rượu, bia trong dịp Tết Nguyên đán và các dịp lễ hội năm 2022, Ngày 18/01/2022, Bộ Y tế đã ban hành Công văn số 308/BYT-DP gửi Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đề nghị quan tâm chỉ đạo, tổ chức triển khai một số nội dung sau:

1. Chỉ đạo đẩy mạnh hoạt động thông tin, giáo dục, truyền thông đồng thời tổ chức các chương trình, chiến dịch truyền thông hiệu quả, đặc biệt trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 và các ngày lễ, ngày hội trong năm nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của cộng đồng để phòng, chống tác hại của rượu, bia. Tập trung tuyên truyền về phòng, chống tác hại của rượu, bia đối với sức khỏe con người, gia đình và cộng đồng, để bảo đảm an toàn giao thông, trật tự và an toàn xã hội; tuyên truyền quy định về những hành vi bị nghiêm cấm; phòng chống tác hại của rượu, bia đối với người chưa đủ 18 tuổi; không uống rượu, bia trước và trong khi lái xe; thời gian, địa điểm không được uống, không được bán rượu, bia và thực hiện các quy định khác trong Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia.

2. Quán triệt, phổ biến và tổ chức triển khai kịp thời, đầy đủ Luật và các văn bản quy phạm pháp luật về phòng, chống tác hại của rượu, bia tại địa phương. Xây dựng kế hoạch và bố trí ngân sách địa phương hằng năm để triển khai thực hiện công tác phòng, chống tác hại của rượu, bia.

3. Chỉ đạo các sở, ngành, đơn vị và địa phương tăng cường công tác phòng, chống tác hại của rượu, bia thuộc lĩnh vực phụ trách. Triển khai hiệu quả các biện pháp sàng lọc, phát hiện sớm, can thiệp giảm tác hại của rượu, bia đối với sức khỏe; phòng, chống tác hại của rượu, bia cho người lao động, cho học sinh, sinh viên, đối với người điều khiển phương tiện tham gia giao thông; phòng, chống tác hại của rượu, bia trong sản xuất, kinh doanh, quảng cáo, khuyến mại rượu, bia và các lĩnh vực liên quan khác.

4. Tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định của Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia, đặc biệt vào các dịp cao điểm để xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định.

5. Báo cáo kết quả thực hiện phòng, chống tác hại rượu, bia thuộc địa bàn quản lý hằng năm gửi Bộ Y tế để tổng hợp, báo cáo Chính phủ.

Ban biên tập trang thông tin điện tử Cục Y tế dự phòng

File Link
Tăng cường công tác phòng, chống tác hại của rượu, bia Download
Thong ke