_
Hưởng ứng ngày Lương thực Thế giới (16/10) và hướng đến mục tiêu của Chiến lược Quốc gia về Dinh dưỡng giai đoạn 2011-2020, Bộ Y tế phát động tuần lễ “Dinh dưỡng và Phát triển” bắt đầu từ ngày 16-23/10/2015.
Với thông điệp “Thúc đẩy chính sách bảo trợ xã hội và Phát triển nông nghiệp bền vững góp phần giảm đói nghèo, nâng cao tình trạng dinh dưỡng cho người Việt Nam”, tuần lễ “Dinh dưỡng và Phát triển” mong muốn tích cực cải thiện những nội dung sau: (1) Phát triển VAC để tăng thu nhập gia đình, tạo nguồn thực phẩm sẵn có ở địa phương cho bữa ăn gia đình; (2) Lựa chọn, chế biến, sử dụng đa dạng nguồn thực phẩm sẵn có ở địa phương cho bữa ăn gia đình; (3) Ăn uống hợp lý để phòng chống suy dinh dưỡng thấp còi, nâng cao thể lức và tầm vóc người Việt Nam; (4) Thực hiện dinh dưỡng lành mạnh và tăng cường vận động thể lực để phòng chống thừa cân béo phì; (5) Thúc đẩy chính sách bảo trợ xã hội và nâng cao chất lượng dịch vụ trong chăm sóc sức khỏe, dinh dưỡng cho bà mẹ và trẻ em.
Hiện nay, cả nước tỷ lệ hộ nghèo là 5,8-6%, tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo là 33,2%. Nguyên nhân của suy dinh dưỡng (SDD) là một phức hợp, nhưng nguyên nhân trực tiếp là do khẩu phần ăn (thiếu cả về số lượng và mất cân đối về chất lượng), bệnh tật và các yếu tố về chăm sóc; nguyên nhân gốc dễ là sự nghèo đói. Năm 2014, tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị SDD thấp còi là 24,9%, thể nhẹ cân là 14,5%. Tỷ lệ SDD vẫn tập trung cao ở những nơi khó khăn như Tây Nguyên, Trung du và miền núi phía Bắc với tỷ lệ SDD thấp còi tương ứng là 34,9% và 30,7%, nhẹ cân là 22,6% và 19,8% . Tỷ lệ SDD thể thấp còi, nhẹ cân và gầy còm ở khu vực nông thôn; đặc biệt là các xã nghèo đều cao hơn so với khu vực thành thị.
Việt Nam đã hoàn thành trước hạn mục tiêu phát triển thiên niên kỷ số 4 : Tỷ lệ SDDTE thể nhẹ cân (cân nặng/tuổi), thể thấp còi (chiều cao/tuổi) là 14,5% và 24,9% đã đạt mục tiêu trước thời hạn năm 2015 (so với mục tiêu đề ra là 15% và 26%) ở tất cả các mức độ suy dinh dưỡng nhẹ, vừa và nặng. Trong các mục tiêu của Chiến lược Quốc gia về Dinh dưỡng giai đoạn 2011 - 2020 và tầm nhìn đến năm 2030: đến năm 2020, bữa ăn của người dân được cải thiện về số lượng, cân đối hơn về chất lượng, bảo đảm an toàn vệ sinh; cải thiện tình trạng dinh dưỡng của bà mẹ và trẻ em góp phần nâng cao tầm vóc và thể lực của người Việt Nam, kiểm soát có hiệu quả tình trạng thừa cân - béo phì góp phần hạn chế các bệnh mạn tính không lây liên quan đến dinh dưỡng.
Hưởng ứng tuần lễ “Dinh dưỡng và Phát triển”, Sở Y tế các tỉnh,thành phố chỉ đạo Trung tâm Y tế dự phòng , Trung tâm Chăm sóc sức khỏe Sinh sản, Trung tâm Truyền thông Giáo dục Sức khỏe tỉnh và phối hợp chặt chẽ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Văn hóa thông tin & Truyền thông, Sở Giáo dục & Đào tạo, Hội Liên hiệp phụ nữ, Đoàn Thanh niên Cộng sảnHCM, cùng các báo đài địa phương cùng đại diện các ban/ngành tuyến quận/huyện sẽ tổ chức lễ phát động Tuần lễ Dinh dưỡng & Phát triển nhằm phổ biến kế hoạch và nội dung triển khai, trong đó gồm các hoạt động:
- Tổ chức phát sóng thông điệp Tuần Lễ DD&PT, các bài phổ biến kiến thức về chăm sóc dinh dưỡng cho bà mẹ có thai và nuôi con bú (tư liệu do Viện Dinh dưỡng cung cấp) trên Đài Phát thanh-truyền hình tỉnh/thành phố.
- Xây dựng các chương trình truyền thông dựa trên các nội dung đã đề cập ở mục 3 của hướng dẫn này để phát sóng trên Đài Phát thanh-truyền hình, báo, loa truyền thanh tại địa phương.
- Phối hợp với Sở Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn, Hội Phụ nữ, Đoàn thanh niên CSHCM tổ chức các lớp học phổ biến kiến thức cho người dân về kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, phát triển VAC trên cở sở đảm bảo vệ sinh môi trường, các buổi nói chuyện về dinh dưỡng hợp lý, sử dụng đa dạng nguồn thực phẩm sẵn có tại gia đình và địa phương cho bữa ăn để có đủ dinh dưỡng, đảm bảo an toàn thực phẩm.
- Tổ chức các hội thi, các buổi nói chuyện, sinh hoạt câu lạc bộ,…về gia đình làm VAC giỏi, bữa ăn gia đình hợp lý, Hội thi “Kiến thức bố/mẹ - sức khoẻ con”, hội thi tuyên truyền viên dinh dưỡng giỏi...
- Phối hợp với Sở Thông tin & Truyền thông để treo băng rôn, khẩu hiệu trên các trục đường chính mang thông điệp hưởng ứng Tuần lễ DD&PT .
- Tổ chức truyền thông cổ động các thông điệp về Tuần lễ DD&PT lưu động bằng xe ô tô lưu động.
- Khuyến khích hoạt động truyền thông về dinh dưỡng qua các hình thức văn nghệ quần chúng trong tuần lễ này: Thơ, kịch, chèo, dân ca.
- Thành lập các đoàn kiểm tra, giám sát các hoạt động triển khai về Tuần lễ DD&PT và kiểm tra an toàn thực phẩm ở huyện, xã và tổng hợp làm báo cáo kèm hình ảnh hoạt động gửi về trung ương.
Đối với các xã/phường ở vùng khó khăn, vùng thường xảy ra thiên tai, lũ lụt:
- Hướng dẫn thực hiện vệ sinh nhà cửa, vệ sinh môi trường, vệ sinh ăn uống, sử dụng nước sạch, sử dụng thực phẩm an toàn trong chế biến thức ăn. Thực hiện ăn chín uống sôi.
- Phối hợp với Hội Nông dân hướng dẫn người dân nhanh chóng khôi phục lại sản xuất, tích cực tăng gia sản xuất, gieo trồng rau xanh, nuôi trồng cây con giống thích hợp và nhanh chóng được thu hoạch, sử dụng phù hợp với điều kiện VAC gia đình và địa phương.
- Đặc biệt quan tâm tuyên truyền về chăm sóc bà mẹ và trẻ em, phòng chống bệnh tật và phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em.
Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế
Admin