​Giải pháp phòng chống thừa cân, béo phì trẻ em giai đoạn 2016-2020

21/10/2015 In bài viết

Theo số liệu thống kê, tại TP. Hồ Chí Minh, chỉ trong vòng 7 năm, tỉ lệ thừa cân béo phì của học sinh Tiểu học đã tăng gấp 3-4 lần. Hiện nay, theo các cuộc điều tra dinh dưỡng cho thấy tỉ lệ suy dinh dưỡng thấp còi và thể nhẹ cân ở trẻ em và học sinh giảm đáng kể so với thời gian trước. Tuy nhiên, tỉ lệ thừa cân béo phì lại gia tăng rất nhanh
 
 
Theo số liệu thống kê, tại TP. Hồ Chí Minh, chỉ trong vòng 7 năm, tỉ lệ thừa cân béo phì của học sinh Tiểu học đã tăng gấp 3-4 lần.

Hiện nay, theo các cuộc điều tra dinh dưỡng cho thấy tỉ lệ suy dinh dưỡng thấp còi và thể nhẹ cân ở trẻ em và học sinh giảm đáng kể so với thời gian trước. Tuy nhiên, tỉ lệ thừa cân béo phì lại gia tăng rất nhanh. Tại TP. Hồ Chí Minh, theo điều tra, chỉ trong vòng 7 năm (từ 2002-2009), tỉ lệ thừa cân béo phì của học sinh Tiểu học đã tăng gấp 3-4 lần. Tại Hà Nội, nghiên cứu năm 2011 trên hơn 3.000 học sinh Tiểu học nội thành cho thấy gánh nặng kép về vấn đề dinh dưỡng đã nghiêng hẳn về phía thừa dinh dưỡng với 23,4% học sinh bị thừa cân và 17,3% học sinh bị béo phì, so với 2,4% học sinh bị thấp còi và 2% học sinh bị gầy còm.

Theo kết quả điều tra năm 2013 trên 2375 trẻ ở độ tuổi từ 4-9 tại một số trường mẫu giáo và trường tiểu học thuộc Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội về tình trạng thừa cân, béo phì  cho thấy tỷ lệ thừa cân béo phì của trẻ là 39,9% (tỷ lệ thừa cân là 21,9% và tỷ lệ béo phì là 18,0%), tỷ lệ thừa cân béo phì tăng dần theo lứa tuổi và học sinh nam có tỷ lệ cao hơn học sinh nữ. Nghiên cứu cũng đánh giá tình trạng rối loạn lipid máu, chế độ ăn và hoạt động thể lực trên 150 trẻ thừa cân, béo phì: tỷ lệ trẻ thừa cân béo phì có tăng cholesterol là 15,3%; tăng triglyceride là 30,7%; tăng LDL-cholesterol là 12,6% và giảm HDL-cholesterol là 5,3%. Tỷ lệ trẻ thừa cân béo phì có hoạt động tĩnh tại trên 120 phút/ngày là 82,7% và tỷ lệ trẻ thừa cân béo phì có năng lượng khẩu phần vượt trên mức nhu cầu khuyến nghị là 18,7%. 

Thừa cân béo phì làm tăng nguy cơ xơ vữa và thuyên tắc mạch vành, nhồi máu cơ tim, bệnh tăng huyết áp. Ngoài ra, thừa cân béo phì gây các biến chứng thuộc về chuyển hóa, nội tiết như kết quả nghiên cứu nêu trên. Thừa cân béo phì xảy ra cùng với hội chứng chuyển hóa, là yếu tố nguy cơ của đái tháo đường týp 2, đi kèm các rối loạn lipid máu như tăng triglycerid máu, tăng LDL và giảm HDL, do đó làm tăng nguy cơ tim mạch. Điều này gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe, chất lượng cuộc sống, khả năng học tập và lao động của các em.

Các giải pháp khuyến khích chế độ ăn hợp lý, lành mạnh và tăng cường hoạt động thể lực là then chốt để phòng chống thừa cân - béo phì. Do đó phòng chống thừa cân - béo phì ở trẻ em không chỉ riêng là trách nhiệm của ngành y tế mà cần có sự phối hợp đa ngành, sự tham gia tích cực, chủ động của các ngành  giáo dục, nông nghiệp, công thương, tài chính, xây dựng, thể dục thể thao …  và các tổ chức đoàn thể xã hội.   
Được sự hỗ trợ của Tổ chức Y tế thế giới, và cho phép của Bộ Y tế, từ ngày 29/9 đến ngày 01/10/2015, tại Hà Nội, Viện Dinh dưỡng đã tổ chức hội thảo nhằm xây dựng cơ chế phối hợp và các can thiệp khuyến khích chế độ ăn và hoạt động thể lực phòng chống béo phì theo cách tiếp cận đa ngành giai đoạn 2016 - 2020.

Tham dự hội thảo có Lãnh đạo Cục Y tế dự phòng, Vụ Bảo vệ Bà mẹ trẻ em, Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế; đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Lao động Thương binh Xã hội, Tổng cục Thể dục thể thao, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Chăm sóc và Bảo vệ Người tiêu dùng, chuyên gia của Tổ chức Y tế Thế giới và một số tổ chức có liên quan.
 
PGS.TS. Trần Đắc Phu- Cục trưởng Cục Y tế dự phòng phát biểu khai mạc Hội thảo

Phát biểu khai mạc hội thảo, thay mặt lãnh đạo Bộ Y tế, PGS. TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng đã nhấn mạnh sự cần thiết phải xây dựng được chiến lược phù hợp để dự phòng một cách có hiệu quả vấn đề thừa cân béo phì ở trẻ em, một cấu phần quan trọng để đảm bảo thực hiện thành công Chiến lược phòng chống bệnh không lây nhiễm 2015-2025 mà Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt. Tại hội thảo các đại biểu được nghe các báo cáo viên trình bày về các vấn đề: thực trạng và nguyên nhân thừa cân, béo phì ở trẻ em trên thế giới và Việt Nam; các giải pháp can thiệp theo khuyến cáo của Tổ chức y tế thế giới và bài học kinh nghiệm từ một số quốc gia về phòng chống béo phì ở trẻ em. Các chuyên gia của Tổ chức Y tế Thế giới trình bày các bước để xây dựng chương trình hành động khuyến khích chế độ ăn và hoạt động thể lực phòng chống béo phì ở trẻ em.

Sau 3 ngày làm việc tích cực, các đại biểu đã đưa ra khung hành động nhằm khuyến khích chế độ ăn lành mạnh, trong đó nhấn mạnh khuyến khích tiêu thụ rau quả và kiểm soát các thực phẩm gây hại cho sức khỏe, đặc biệt là hạn chế đồ uống có đường và các can thiệp khuyến khích tăng cường hoạt động thể lực bằng các can thiệp về chính sách và triển khai với vai trò và trách nhiệm của nhiều bộ, ngành và tổ chức xã hội liên quan. Mô hình khuyến khích chế độ ăn lành mạnh và tăng cường hoạt động thể lực trong trường học được coi là giải pháp can thiệp hiệu quả và khả thi trong phòng chống béo phì trẻ em.

 
 
Ông Nguyễn Đức Vinh- Phó Vụ trưởng Vụ Bảo vệ BMTE phát biểu tại Hội thảo

 
Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế

Admin

Tin tức liên quan

Triển khai Chiến dịch diệt lăng quăng phòng chống sốt xuất huyết: Nêu cao vai trò, trách nhiệm của cả cộng đồng

Trước tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết đang diễn biến phức tạp, đặc biệt ở các tỉnh phía Nam, đoàn công tác Bộ Y tế do Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến dẫn đầu đã đến thị sát chiến dịch diệt lăng quăng/bọ gậy phòng chống bệnh sốt xuất huyết Dengue điển hình của khu vực phía Nam tại Điểm neophường An Phú, thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương. Các thành phần tham gia đoàn thị sát gồm có: Đại biểu Cục Y tế dự phòng, Cục Quản lý khám chữa bệnh, Vụ Truyền thông và Thi đua khen thưởng, Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương, đại điện các Ban, ngành, đoàn thể chính trị - xã hội tỉnh Bình Dương và các phóng viên thông tấn báo chí trong nước. Từ đầu năm đến nay, Bộ Y tế đã triển khai nhiều chiến dịch diệt lăng quăng/bọ gậy, phòng chống sốt xuất huyết. Tuy nhiên đây sẽ là chiến dịch mẫu điển hình, sau đó, mô hình chiến dịch sẽ tiếp tục được thực hiện tại tỉnh Tiền Giang và hoàn thiện hơn để nhân rộng trên cả nước.

Xem chi tiết Next
Thong ke