Tin tức

Tin tức

​Đáng lo ngại xu hướng dùng nước ngọt có ga, lười vận động ở trẻ Việt

21/10/2015 In bài viết

_

Tỷ lệ học sinh từ 13-17 tuổi uống nước có gas từ 1 lần trở lên trong ngày đến 31%. Trong khi đó, chỉ cần 1 lon nước ngọt, lượng đường trẻ nạp vào đã vượt ngưỡng khuyến cáo, bắt đầu có các nguy cơ cho sức khỏe mà Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đưa ra. Trong khi đó vận động của các em học sinh lại rất hạn chế.
Tăng nạp đường, lười vận động = bệnh béo phì

PGS. TS Lê Bạch Mai, Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia, bày tỏ lo ngại, khi mà xu hướng dùng nước ngọt có gas ngày càng gia tăng ở trẻ em. Bà Mai cho biết, tỷ lệ trên được công bố tại kết quả điều tra toàn cầu về sức khỏe học sinh dựa vào trường học ở Việt Nam năm 2013. Con số này không giảm xuống mà ngày càng có xu hướng tăng lên. Việc nước ngọt có gas ngày càng là đồ uống phổ biến, khoái khẩu của trẻ em, học sinh... mang lại nhiều nguy cơ tiềm ẩn cho sức khỏe.

 
                
     Trẻ uống nhiều nước ngọt có gas gây nguy hại cho sức khỏe. Ảnh minh họa
 
Nước ngọt có gas là loại thực phẩm cung cấp năng lượng nhanh nhưng lại cực nghèo vi chất dinh dưỡng do nước ngọt chứa nhiều đường. Trẻ tiêu thụ càng nhiều nước ngọt có gas, đồng nghĩa với nạp không ít lượng đường đôi, đường đơn (đường có trong bánh kẹo, nước ngọt, thực phẩm chế biến sẵn) vào cơ thể.

Trong khi đó, theo khuyến cáo của WHO, đường đôi, đường đơn chỉ nên chiếm không quá 5% năng lượng trong một ngày của mỗi người.

“Ví như một em học sinh trung học năng lượng nhu cầu là khoảng 2.000kcal/ngày thì lượng đường đôi nạp vào chỉ nên ở ngưỡng 25gram. Trong khi đó, 1 lon cô ca có 36 gram đường, 1 lon bò húc là 42gram đường, 1 lon nước Sting có khoảng 56gram đường.

Chỉ cần 1 ngày trẻ uống 1 món đồ uống có gas thì tỷ lệ đường đơn, đường đôi được khuyến cáo đã vượt ngưỡng rất nhiều, chưa kể đường từ các thực phẩm chế biến sẵn, gia vị. Mỗi ngày, đường góp phần tạo mỡ, thừa năng lượng gây béo phì, gây các bệnh rối loạn chuyển hóa”, PGS. Mai phân tích.

Không chỉ nguy hiểm ở việc nạp nhiều đường mà trẻ uống quá nhiều nước ngọt có gas sẽ làm tăng đào thải canxi qua nước tiểu. Trong khi chế độ ăn hàng ngày của trẻ vẫn chưa đáp ứng được lượng canxi cần thiết, tức là nguồn canxi đầu vào vốn rất thiếu, lại thêm uống nhiều nước ngọt có gas khiến việc đào thải canxi nhanh càng khiến trẻ thiếu canxi, dẫn đến còi xương. Do đó, những trẻ này không phát triển nhiều về chiều cao, trong khi đó, bề ngang lại phát tướng vì nước ngọt này có hàm lượng đường rất cao, dễ gây béo phì.

“Đáng ngại là trẻ em càng ngày càng chuộng đồ ăn nhanh và nước ngọt. Vì giá thành tương đối rẻ, có những bà mẹ mua cả thùng nước ngọt về cho con thoải mái uống. Đây thực sự là một mối hiểm nguy với sức khoẻ của trẻ”, PGS Mai cảnh báo.

Trong khi năng lượng nạp nhiều, vận động của các em học sinh lại rất hạn chế. Vẫn theo kết quả điều tra toàn cầu về sức khỏe học sinh dựa vào trường học ở Việt Nam năm 2013 cho thấy tỷ lệ học sinh dành từ 3 tiếng trở lên/ngày trong một ngày thông thường cho các hoạt động ở tư thế ngồi là 42% lứa tuổi từ 13 - 17 tuổi.

Theo thống kê của Viện Dinh dưỡng quốc gia, hiện nay cho thấy tỷ lệ béo phì đã xấp xỉ 10% dân số toàn quốc, cá biệt có địa phương tỷ lệ cao gần 30%. Tình trạng béo phì ở trẻ em tiềm ẩn nhiều nguy cơ mắc các bệnh lý tiểu đường, tăng huyết áp, tim mạch gây nguy hại lâu dài cho sức khoẻ của trẻ.

Như với bệnh đái tháo đường ở trẻ em hiện đã xuất hiện bệnh đái tháo đường tuýp 2 ở trẻ. Theo BS Phan Hướng Dương, Phó giám đốc Bệnh viện Nội tiết Trung ương, trẻ em thành phố với thói quen ăn các đồ ăn nhanh giàu chất mỡ lại lười vận động là một trong những nguy cơ đe dọa đái tháo đường.

Ví dụ trẻ ăn 100g phô mai, số lượng tưởng là ít nhưng để tiêu thụ được hết số năng lượng từ thực phẩm này, trẻ phải đi bộ nhanh 20km. Hay như với bim bim, một gói trẻ ăn vèo cái là hết, nhưng năng lượng, chất béo lại hơn cả một bát cơm đầy. Một ngày trẻ nạp vài gói bim bim, năng lượng tích tụ, vận động ít sẽ sinh béo phì và đây là nguy cơ gây bệnh tiểu đường”, BS Dương phân tích.

Vẫn còn “nạn đói vi chất”
Số liệu điều tra toàn quốc về vi chất dinh dưỡng được Viện Dinh dưỡng quốc gia công bố ngày 12/10/2015 cho thấy, dù tình trạng thiếu vi chất dinh dưỡng đang giảm đi so với điều tra quốc gia từ năm 2010, tuy nhiên mức độ giảm rất chậm và nạn đói vi chất vẫn xảy ra phổ biến ở trẻ em, phụ nữ có thai, phụ nữ tuổi sinh đẻ.

Theo TS Trần Thúy Nga, Trưởng khoa Vi chất dinh dưỡng (Viện Dinh dưỡng quốc gia), tình trạng thiếu vi chuất dinh dưỡng tạo gánh nặng quốc gia về sức khỏe và kinh tế. Theo đó, tỷ lệ thiếu máu ở trẻ em và phụ nữ; Tỷ lệ thiếu vitamin A ở trẻ em chưa đạt mục tiêu của chiến lược quốc gia dinh dưỡng đề ra năm 2015. Theo đó, tỷ lệ thiếu vitamin A tiền lâm sàng ở trẻ dưới 5 tuổi ở mức 13%.  Trong đó, vẫn còn gần 29% trẻ em có tình trạng thiếu máu. Tình trạng thiếu máu ở phụ nữ tuổi sinh đẻ và phụ nữ có thai tương ứng ở mức 25,5% và 32,8%.

Thiếu sắt chiếm tỷ lệ 50,3% trẻ em, 47,3% phụ nữ mang thai và 23,6% phụ nữ trong tuổi sinh đẻ. Vi chất kẽm cũng thiếu trầm trọng ở trẻ em với tỷ lệ gần 70% trẻ, 80,3% phụ nữ mang thai thiếu kẽm.

Chiến lược phòng chống thiếu vi chất dinh dưỡng hiện nay là kết hợp đồng thời các giải pháp, trong đó có việc bổ sung vi chất dinh dưỡng cho các nhóm đối tượng có nguy cơ cao; tăng cường vi chất dinh dưỡng vào thực phẩm; đa dạng hóa bữa ăn...

Tại Việt Nam, tuần lễ Dinh dưỡng và Phát triển diễn ra từ ngày 16 - 23/10/2015 với thông điệp “Thúc đẩy chính sách bảo trợ xã hội và phát triển nông nghiệp bền vững góp phần xóa đói giảm nghèo, nâng cao tình trạng dinh dưỡng cho người Việt Nam”. Theo đó, Viện Dinh dưỡng khuyến cáo các gia đình phát triển mô hình Vườn Ao Chuồng để tăng thu nhập gia đình, tạo nguồn thực phẩm sạch, an toàn, giàu dinh dưỡng.

Cần lựa chọn, chế biến, sử dụng đa dạng nguồn thực phẩm có sẵn ở địa phương cho bữa ăn gia đình: Ăn uống hợp lý để phòng chống SDD thấp còi; thực hiện dinh dưỡng lành mạnh, tăng cường vận động thể lực phòng thừa cân, béo phì; thúc đẩy chính sách bảo trợ xã hội và nâng cao chất lượng dịch vụ trong chăm sóc sức khỏe, dinh dưỡng cho bà mẹ và trẻ em.

 
PV. Hồng Hải
Nguồn: Dân trí
Link: http://dantri.com.vn/suc-khoe/dang-lo-ngai-xu-huong-dung-nuoc-ngot-co-ga-luoi-van-dong-o-tre-viet-20151012202823602.htm

Admin

Tin tức liên quan

Giải pháp phòng chống thừa cân, béo phì trẻ em giai đoạn 2016-2020

Theo số liệu thống kê, tại TP. Hồ Chí Minh, chỉ trong vòng 7 năm, tỉ lệ thừa cân béo phì của học sinh Tiểu học đã tăng gấp 3-4 lần. Hiện nay, theo các cuộc điều tra dinh dưỡng cho thấy tỉ lệ suy dinh dưỡng thấp còi và thể nhẹ cân ở trẻ em và học sinh giảm đáng kể so với thời gian trước. Tuy nhiên, tỉ lệ thừa cân béo phì lại gia tăng rất nhanh

Xem chi tiết Next
Thong ke