Bộ Y tế tổ chức Hội nghị tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh năm 2023
17/04/2023 In bài viết
Ngày 14/4/2023, tại Viện Sốt rét Kí sinh trùng Côn trùng Quy Nhơn Bình Định, Bộ Y tế tổ chức Hội nghị tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh năm 2023 do PGS.TS.Nguyễn Thị Liên Hương, Thứ trưởng Bộ Y tế chủ trì.
Tham dự hội nghị có GS. TS Phan Trọng Lân, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cùng với Lãnh đạo và chuyên viên một số Vụ, Cục, Viện, Văn phòng Bộ Y tế; ngoài ra tham dự Hội nghị còn có đại diện các Bộ/ban/ngành, các đơn vị liên quan; các đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ Y tế, đại diện Sở Y tế, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật, Trung tâm Kiểm dịch y tế biên giới; các cơ quan báo chí, truyền hình thông tấn Trung ương và địa phương dự đưa tin cho hội nghị.
Phát biểu tại Hội nghị, TS Nguyễn Lương Tâm, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho biết về tình hình bệnh truyền nhiễm năm 2022 như sau:
Năm 2022, ghi nhận trên 371.000 trường hợp mắc sốt xuất huyết và 144 trường hợp tử vong; so với năm 2021, số mắc tăng hơn 5 lần, tử vong tăng 5,3 lần. Số mắc năm 2022 cao hơn số mắc trung bình năm các giai đoạn trước; Tay chân miệng ghi nhận 66.468 ca mắc, 3 ca tử vong. So với năm 2021, số mắc tăng 1,7 lần, số tử vong giảm 8 ca; Sốt rét: ghi nhận 444 ca mắc, không ghi nhận tử vong; so với năm 2021, số mắc giảm 21 trường hợp. Việt Nam cũng ghi nhận 02 ca đậu mùa khỉ, nhập cảnh từ nước ngoài và 01 trường hợp cúm A(H5). Các dịch bệnh truyền nhiễm khác ổn định, không ghi nhận các ổ dịch lớn. Các dịch bệnh lưu hành, các bệnh có vắc xin dự phòng trong nước như cúm, sởi... cơ bản được kiểm soát.
- Tháng 3 năm 2023 cả nước ghi nhận là 384 ca COVID-19 (giảm 8,6% so với tháng 2), tuy nhiên có xu hướng gia tăng từ đầu tháng 4 đến nay. Cả nước nghi nhận 11.528. 303 ca mắc, đến nay đã hơn 3,5 tháng, Việt Nam không ghi nhận ca tử vong do COVID-19.
Sau khi nghe các báo cáo và các ý kiến tham luận của các đại biểu tham dự, PGS.TS Nguyễn Thị Liên Hương Thứ trưởng Bộ Y tế có một số ý kiến để kết luận Hội nghị như sau:
Trong thời gian qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế cùng các cấp, các ngành, các địa phương đã chủ động triển khai nhiều biện pháp phòng, chống dịch. Tình hình dịch bệnh truyền nhiễm đã từng bước được kiểm soát hiệu quả; dịch COVID-19 và các bệnh truyền nhiễm khác cơ bản vẫn đang được kiểm soát tốt trên phạm vi cả nước góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy, phát triển kinh tế xã hội và ổn định đời sống của người dân.
Với mục tiêu giảm số mắc, tử vong do các bệnh truyền nhiễm, hạn chế tối đa nguy cơ bùng phát dịch, nhất là trong dịp nghỉ Lễ 30/4 - 01/5 tới đây Thứ trưởng đề nghị các đơn vị, địa phương khẩn trương chỉ đạo, tổ chức triển khai Kế hoạch phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm năm 2023 với các nhiệm vụ như sau:
Đối với các địa phương
- Quán triệt, triển khai hiệu quả Nghị quyết số 38/NQ-CP ngày 17/3/2022 của Chính phủ ban hành Chương trình phòng, chống dịch COVID-19 và các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về công tác phòng, chống dịch COVID-19.
- Thường xuyên cập nhật, đánh giá cấp độ dịch theo Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ, Quyết định số 218/QĐ-BYT ngày 27/01/2022 của Bộ Y tế về hướng dẫn tạm thời về chuyên môn y tế thực hiện quy định tạm thời "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” để kịp thời áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp theo cấp độ dịch.
- Huy động sự tham gia của chính quyền địa phương và các ban, ngành, đoàn thể để triển khai quyết liệt việc rà soát, vận động các đối tượng tham gia tiêm chủng, nhất là với các nhóm có nguy cơ cao như nhóm người cao tuổi, nhóm di biến động, người mắc bệnh nền, người bị suy giảm miễn dịch và phụ nữ mang thai.
- Chủ động nâng cao năng lực điều trị đặc biệt chú trọng nâng cao năng lực cấp cứu, hồi sức tích cực tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Tại các cơ sở điều trị tăng cường các biện pháp kiểm soát nhiễm khuẩn, phòng lây nhiễm hạn chế tối đa lây lan dịch bệnh trong bệnh viện, đặc biệt tăng cường bảo vệ người bệnh thuộc nhóm có nguy cơ cao (như phụ nữ có thai, người măc bệnh nên, người cao tuổi,...), khu hồi sức tích cực, tim mạch, thận nhân tạo, phẫu thuật.... Đồng thời tăng cường công tác vệ sinh ngoại cảnh, vệ sinh bệnh phòng, bố trí sắp xếp khoa phòng thuận tiện, phù hợp tình hình dịch và bảo đảm môi trường xanh, sạch đẹp.
- xây dựng kế hoạch, đảm bảo đủ thuốc, vật tư, trang thiết bị phục vụ công tác phòng, chống dịch, điều trị cho người bệnh; chuẩn bị sẵn sàng cơ sở vật chất trong trường hợp phát sinh các tình huống mới của dịch bệnh.
- Tăng cường truyền thông về các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 tại các cửa khẩu và tại cộng đồng nhằm nâng cao nhận thức của người dân tự bảo vệ sức khỏe trong tình hình mới.
- Tổ chức kiểm tra, thanh tra, giám sát việc thực hiện kế hoạch phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm và việc thực hiện các quy định của pháp luật về công tác phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm, tiêm chủng.
Đối với các đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ Y tế
- Tiếp tục rà soát nhu cầu vắc xin phòng COVID-19 cho các nhóm đối tượng, đề xuất các Tổ chức quốc tế tiếp tục hỗ trợ vắc xin phòng COVID-19 và chỉ đạo công tác triển khai tiêm chủng; ban hành kế hoạch tiêm vắc xin năm 2023 để làm cơ sở cho các địa phương triển khai thực hiện.
- Rà soát, xây dựng, cập nhật các hướng dẫn kỹ thuật, các tài liệu chuyên môn về giám sát, phòng chống, chẩn đoán, điều trị bệnh truyền nhiễm. Tổ chức đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm cho các tuyến và về các phác đồ điều trị, hồi sức cấp cứu, chăm sóc bệnh nhân, phòng lây nhiễm.
- Chủ động cập nhật, cung cấp thông tin báo chí. Triển khai các hoạt động truyền thông với các hình thức đa dạng, phù hợp; tập trung nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi của người dân trong phòng, chống dịch bệnh bệnh truyền nhiễm.
Ban biên tập trang thông tin điện tử Cục Y tế dự phòng