​Tình hình dịch bệnh Bạch hầu và các hoạt động phòng, chống dịch

23/05/2023 In bài viết

Tình hình dịch bệnh

Bệnh bạch hầu là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm B. Bệnh gây ra do vi khuẩn bạch hầu sinh độc tố (Corynebacterium diphtheriae). Bệnh lưu hành trên toàn cầu, hay gặp là các ca bệnh tản phát hoặc các vụ dịch nhỏ, chủ yếu ở nhóm dưới 15 tuổi không được tiêm vắc xin. Hiện nay đã ghi nhận số mắc tăng ở nhóm trẻ lớn và người lớn tại những vùng không được tiêm chủng, tỷ lệ tiêm chủng thấp, không tiêm đủ mũi hoặc không được tiêm nhắc lại. Bệnh có thể dẫn đến biến chứng viêm cơ tim, nhiễm độc thần kinh dẫn đến tử vong do ngoại độc tố của vi khuẩn. Tỷ lệ tử vong của bệnh khoảng 5-10%[1] .

1.1. Trên thế giới

Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới trong năm 2021 bệnh bạch hầu vẫn ghi nhận tại nhiều quốc gia trên thế giới (trong đó có một số nước trong khu vực châu Phi, Đông Địa Trung Hải như Ethiopia (4.453), Ấn Độ (1.768) Yemen (1.516), Indonesia (235), Pakistan (169), Burkina Faso (147), Afghanistan (61), Cộng hòa Trung Phi (57), Uganda (49), Philippines (38), Haiti (28), Cộng hòa Dominica (27), Madagascar (18)[2] .

1.2. Tại Việt Nam

- Bệnh bạch hầu là bệnh có vắc xin phòng bệnh trong Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia) trong những năm gần đây có số mắc giảm nhiều lần so với trước khi bắt đầu triển khai tiêm chủng mở rộng từ gần 3.500 trường hợp mắc năm 1983 xuống còn khoảng từ 10 đến 50 trường hợp mắc/năm (trong vòng 15 năm trong giai đoạn từ 2004-2019), sau đó số mắc tăng vào năm 2020 (226 trường hợp mắc chủ yếu tại các tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai, Kon Tum, Quảng Ngãi và Quảng Trị) và giảm trong các năm 2021 (06 trường hợp mắc) và năm 2022 (02 trường hợp mắc).

- Từ đầu năm 2023 đến ngày 20/5/2023 cả nước ghi nhận 02 trường hợp mắc bệnh bạch hầu tại tỉnh Điện Biên (xã Pú Nhi, huyện Điện Biên Đông), trong đó 01 trường hợp tử vong. Hiện còn 01 trường hợp đang được cách ly, điều trị tại Trung tâm Y tế huyện Điện Biên Đông. Cụ thể:

+ Trường hợp thứ nhất: Bệnh nhân nữ, 10 tuổi, dân tộc Mông, khởi phát bệnh ngày 25/04/2023, vào viện ngày 30/04/2023 tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Điện Biên, tử vong ngày 01/5/2023 (06 ngày sau khởi phát), kết quả xét nghiệm dương tính với bạch hầu. Bệnh nhân đã được tiêm 01 mũi vắc xin Uốn ván - Bạch hầu (Td) ngày 09/11/2020, chưa xác định được tiền sử tiêm vắc xin phối hợp DPTVGB-Hib khi trẻ dưới 1 tuổi do không còn lưu trữ hồ sơ tiêm chủng.

+ Trường hợp thứ hai: Bệnh nhân nam, 34 tuổi, dân tộc Mông, khởi phát bệnh ngày 06/5/2023, vào viện ngày 08/05/2023 tại Trung tâm Y tế huyện Điện Biên Đông, kết quả xét nghiệm dương tính với bạch hầu. Hiện tại tình trạng sức khoẻ ổn định.

 - Cùng kỳ 5 tháng năm 2022, cả nước không ghi nhận trường hợp mắc bạch hẩu (02 trường hợp nghi ngờ mắc tại Nghệ An có kết quả xét nghiệm âm tính).

Các hoạt động đã triển khai phòng, chống bệnh Bạch hầu 

- Ủy ban nhân dân tỉnh Điện Biên đã công bố dịch bệnh bạch hầu tại xã Pú Nhi, huyện Điện Biên Đông (Quyết định số 825/QĐ-UBND ngày 18/5/2023). Trong đó giao Giám đốc Sở Y tế, Chủ tịch UBND huyện Điện Biên Đông phối hợp với các sở, ban, ngành tỉnh, các tố chức chính trị - xã hội tỉnh triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Bạch hầu theo quy định của Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm và các hướng dẫn của Bộ Y tế.

- Ủy ban nhân dân tỉnh Điện Biên đã phê duyệt Kế hoạch phòng, chống dịch bệnh bạch hầu trên địa bàn tỉnh Điện Biên năm 2023 (Quyết định số 2034/KH-UBND ngày 18/5/2023).

- Ban hành Kế hoạch triển khai chiến dịch tiêm vắc xin Uốn ván - Bạch hầu trên địa bàn huyện Điện Biên Đông (Kế hoạch số 121/KH-SYT ngày 19/5/2023). - Cục Y tế dự phòng và Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đã chỉ đạo, hỗ trợ địa phương triển khai công tác đáp ứng chống dịch, cụ thể:

+ Khẩn trương điều tra, rà soát, lập danh sách các trường hợp tiếp xúc gần với bệnh nhân và lấy mẫu xét nghiệm: 77 trường hợp tiếp xúc gần với trường hợp bệnh bệnh đầu tiên (5 người cùng nhà, 6 người cùng bản, 18 bạn học và 3 giáo viên cùng lớp, 38 trẻ ở cùng nội trú, 7 cán bộ y tế); 36 trường hợp tiếp xúc gần với trường hợp bệnh thứ 2 (20 người cùng bản, 10 cán bộ y tế của Trung tâm Y tế huyện Điện Biên Đông, 02 người ở căng tin Trung tâm Y tế huyện Điện Biên Đông, 03 người ở Bệnh viện đa khoa tỉnh Điện Biên và 01 người ở thành phố Điện Biên Phủ).

Tất cả các mẫu bệnh phẩm của các trường hợp nghi ngờ và người tiếp xúc gần đều được gửi về Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương thực hiện xét nghiệm, kết quả đều âm tính với bạch hầu.

+ Thực hiện cách ly, điều trị, cấp cứu kịp thời các trường hợp mắc tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Điện Biên và Trung tâm Y tế Điện Biên Đông.

+ Tăng cường giám sát các trường hợp mắc, các ổ dịch tại cộng đồng và các cơ sở y tế trên địa bàn.

+ Thực hiện các biện pháp xử lý ổ dịch và phòng chống dịch bạch hầu theo quy định:

Cấp thuốc điều trị dự phòng cho các đối tượng có nguy cơ trong gia đình có bệnh nhân và các hộ gia đình xung quanh, những người tiếp xúc gần bệnh nhân hoặc người có nguy cơ mắc bệnh, đặc biệt tại trường học.

Tổ chức xử lý môi trường; hướng dẫn vệ sinh môi trường tại nhà và tại trường học.

Khoanh vùng, cách ly người tiếp xúc gần, lập chốt kiểm soát đi lại tại thôn có dịch và kiểm soát uống kháng sinh dự phòng.

+ Thực hiện chia sẻ trao đổi thông tin, tổ chức giám sát, báo cáo các ca bệnh nghi ngờ tại trường học. Đề nghị nhà trường phối hợp với y tế cơ sở trong việc giám sát, báo cáo tình hình dịch bệnh. Yêu cầu người có biểu hiện sốt, đau họng, khó nuốt nghỉ học, nghỉ làm và thông báo cho cán bộ y tế.

+ Thông báo tình hình dịch bệnh với lãnh đạo chính quyền địa phương, các ban ngành đoàn thế có liên quan, nhân dân trong khu vực được biết cùng phối hợp trong các hoạt động phòng chống bệnh dịch. Đẩy mạnh các công tác tuyên truyền về bệnh bạch hầu, truyền thông giáo dục sức khỏe cho người dân về các biện pháp phòng bệnh.

+ Điều tra đối tượng cần tiêm vắc xin có thành phần bạch hầu:

Lập danh sách các trẻ dưới 1 tuổi và trẻ 18 tháng tuổi chưa tiêm vắc xin có thành phần bạch hầu để tiêm bổ sung trong chương trình Tiêm chủng mở rộng.

Lập danh sách trẻ từ 5 - 20 tuổi để chuẩn bị tiêm bổ sung vắc-xin Td tại địa bàn xã Pú Nhi và các xã lân cận có tỉ lệ tiêm chủng thấp.

+ Thực hiện chế độ thông tin báo cáo dịch bệnh theo quy định tại Thông tư 54/2015/TT-BYT của Bộ Y tế.

Nhận định tình hình dịch

Trong thời gian tới có thể tiếp tục ghi nhận rải rác các trường hợp mắc tại khu vực có tỷ lệ tiêm chủng thấp, sau nhiều năm tích lũy số lượng không được tiêm chủng hoặc tiêm không đủ mũi, đặc biệt là các xã vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, khu vực đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống.

Các hoạt động phòng, chống dịch trọng tâm trong thời gian tới

Để tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh, Cục Y tế dự phòng tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai các hoạt động phòng, chống dịch, tập trung vào các hoạt động chủ yếu như sau:

- Tổ chức Đoàn công tác kiểm tra việc triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh bạch hầu và hỗ trợ công tác chuyên môn về giám sát, đáp ứng, thu dung điều trị, truyền thông về phòng, chống dịch tại tỉnh Điện Biên (Cục Y tế dự phòng phối hợp với Viện Vệ sinh dich tễ Trung ương và Tổ chức Y tế thế giới, ngày 22/5/2023).

- Tăng cường giám sát, phát hiện sớm các trường hợp mắc mới, cách ly kịp thời, lấy mẫu xét nghiệm các trường hợp mắc bệnh và các đối tượng nguy cơ để phát hiện sớm các trường hợp mắc và người lành mang trùng; triển khai các biện pháp xử lý triệt để ổ dịch, tổ chức điều tra và điều trị kháng sinh dự phòng cho tất cả các trường hợp tiếp xúc gần theo đúng quy định của Bộ Y tế tại Quyết định số 3593/QĐ-BYT ngày 18/8/2020 về việc ban hành Hướng dẫn giám sát và phòng chống bệnh bạch hầu.

- Chỉ đạo các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tăng cường khám, phát hiện sớm các trường hợp bệnh bạch hầu, cách ly, điều trị kịp thời. Chuẩn bị sẵn các khu cách ly, buồng cách ly, phương tiện, vật tư, thuốc, điều trị bệnh bạch hầu.

- Đẩy nhanh tiến độ triển khai chiến dịch tiêm vắc xin Uốn ván

- Bạch hầu trên địa bàn huyện Điện Biên Đông theo Kế hoạch số 121/KH-SYT ngày 19/5/2023.

- Đẩy mạnh các hoạt động truyền thông các khuyến cáo về nguy cơ mắc bệnh bạch hầu và các biện pháp phòng chống để người dân chủ động thực hiện các biện pháp dự phòng, bảo vệ, hạn chế tiếp xúc với người bị bệnh, đưa các trường hợp nghi ngờ mắc đến ngay các cơ sở y tế để được khám bệnh và điều trị. Đặc biệt tuyên truyền rõ lợi ích của việc tiêm vắc xin phòng bệnh và vận động người dân đưa trẻ em đi tiêm vắc xin phòng bệnh bạch hầu trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng bảo đảm đủ mũi và đúng lịch; tham gia đầy đủ các chiến dịch tiêm vắc xin bạch hầu tại địa phương.

- Triển khai việc đánh giá nguy cơ dịch bệnh bạch hầu tại các địa phương theo Quyết định số 5965/QĐ-BYT ngày 31 tháng 12 năm 2021 của Bộ Y tế.

- Tổ chức các lớp tập huấn cho các huyện, xã của tỉnh cho cán bộ y tế dự phòng, cán bộ làm công tác điều trị về các nội dung hướng dẫn giám sát, phòng chống dịch bệnh, nâng cao năng lực chẩn đoán, điều trị, chăm sóc bệnh nhân, đặc biệt tuyến y tế cơ sở.

- Tăng cường công tác tiêm chủng mở rộng trên địa bàn, đảm bảo tất cả các trẻ được tiêm đủ các mũi cơ bản và nhắc lại, đạt tỷ lệ tiêm chủng trên 95% ở tất cả các xã, phường, thị trấn, đặc biệt tại các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc sinh sống, khu vực đi lại khó khăn.

- Tổ chức tốt việc theo dõi sức khỏe của học sinh tại các cơ sở giáo dục đào tạo (trường mầm non, trường tiểu học…), thường xuyên vệ sinh, thông thoáng lớp học, thông báo cho các cơ sở y tế khi phát hiện trường hợp nghi ngờ mắc bệnh để được cách ly, xử lý kịp thời, không để bùng phát ổ dịch.

- Rà soát bổ sung vật tư, trang thiết bị, thuốc, vắc xin, hóa chất, kinh phí sẵn sàng đáp ứng phòng chống dịch bệnh bạch hầu


[1]https://www.cdc.gov/diphtheria/clinicians.html#:~:text=The%20overall%20case%2Dfatality%20rate,rarely%2 0results%20in%20severe%20disease.

[2]  https://apps.who.int/gho/data/view.main.1540_41?lang=en

Ban biên tập trang thông tin điện tử Cục Y tế dự phòng

Thong ke