​Tình hình dịch bệnh truyền nhiễm và các giải pháp phòng, chống dịch

22/02/2023 In bài viết

Tình hình dịch bệnh truyền nhiễm

- Tình hình dịch COVID-19: tại Việt Nam đã ghi nhận trên 11,5 triệu ca mắc, trên 43 nghìn ca tử vong. Nhờ việc đẩy nhanh tốc độ tiêm vắc xin, dịch bệnh tại Việt Nam trong thời gian qua đã cơ bản được kiểm soát, các ca bệnh phần lớn có triệu chứng nhẹ, giai đoạn gần đây đã hơn 80 ngày không có ca tử vong; trong 4 tháng trở lại đây dịch COVID-19 đã có xu hướng giảm (ghi nhận dưới 500 ca mắc/ ngày từ đầu tháng 11 năm 2022, xuống dưới 100 ca mắc/ ngày từ đầu tháng 01 năm 2023 và dưới 50 ca mắc/ ngày từ giữa tháng 01 năm 2023 đến nay).

- Các dịch bệnh khác: Bệnh Đậu mùa khỉ ghi nhận 02 trường hợp mắc tại TP. Hồ Chí Minh trong tháng 10/2022, là các trường hợp nhập cảnh từ nước ngoài, được quản lý kịp thời ngay khi về nước. Bệnh sốt xuất huyết ghi nhận 20.429 trường hợp mắc, 03 tử vong, đang có xu hướng giảm trong thời gian gần đây. Bệnh tay chân miệng ghi nhận 2.731 trường hợp mắc; không ghi nhận trường hợp tử vong. Các dịch bệnh khác không ghi nhận ổ dịch tập trung. Trong nước, chúng ta đã kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh COVID-19 và các bệnh truyền nhiễm khác.

- Tuy nhiên, hiện vẫn đang trong thời gian mùa lễ hội đầu năm, giao thương, du lịch, tập trung đông người tại các khu vực công cộng sẽ tăng cao, cùng thời tiết giao mùa thay đổi bất thường là điều kiện thuận lợi cho các dịch bệnh truyền nhiễm lây lan. Các bệnh dịch khác như sốt xuất huyết có khả năng gia tăng trong thời gian tới với dự báo mùa mưa đến sớm, lượng mưa tăng cao và nguy cơ xâm nhập của tuýp vi rút từ các nước trong khu vực; các bệnh truyền nhiễm dự phòng bằng vắc xin như sởi, ho gà, bạch hầu… cũng có nguy cơ tăng cao do miễn dịch giảm, tỷ lệ tiêm thấp, tiêm chậm hoặc không tiêm vắc xin; các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm mới nổi vẫn tiềm ẩn nguy cơ xâm nhập và lây lan trong nước.

Các giải pháp phòng, chống dịch

Để chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống dịch, không để “dịch chồng dịch” Bộ Y tế phối hợp với các Bộ ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các cấp, các ngành, địa phương tiếp tục quán triệt mục tiêu đặt tính mạng của người dân lên trên hết trước hết; thực hiện hiệu quả việc kiểm soát dịch bệnh trên quan điểm phòng dịch từ sớm, từ xa, từ cơ sở; tuyệt đối không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác, không để dịch bùng phát trở lại nhằm góp phần tạo điều kiện cho việc phục hồi, phát triển kinh tế xã hội. Các giải pháp trọng tâm cơ bản như sau:

Tổ chức, chỉ đạo điều hành

- Tập trung hoàn thiện thể chế nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong quản lý và chỉ đạo điều hành; xây dựng, trình các dự án Luật theo kế hoạch; tiếp tục rà soát, nâng cao chất lượng xây dựng, sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật về y tế dự phòng; hoàn thiện các văn bản pháp luật tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc. Đẩy mạnh công tác phòng chống tiêu cực, tham nhũng, lợi ích nhóm.

- Tăng cường và nâng cao trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các cấp trong công tác phòng, chống dịch bệnh; phê duyệt kế hoạch phòng, chống dịch bệnh các cấp, bố trí kinh phí, đảm bảo nguồn lực và huy động sự tham gia của các ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức chính trị xã hội trong công tác phòng chống dịch.

- Phối hợp các bộ, ban, ngành, địa phương chỉ đạo, tổ chức triển khai hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh và thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống dịch COVID-19 để triển khai hiệu quả thực hiện công tác phòng chống dịch bệnh, bảo đảm đạt các mục tiêu, chỉ tiêu theo Nghị quyết số 38/NQ-CP ngày 17 tháng 3 năm 2022 của Chính phủ về việc ban hành Chương trình phòng, chống dịch COVID-19.

- Xây dựng và triển khai Kế hoạch phòng, chống bệnh truyền nhiễm ngay từ đầu năm, xây dựng Phương án đảm bảo công tác y tế trong tình huống dịch COVID-19 có biến chủng mới nguy hiểm hơn, bùng phát mạnh, trên diện rộng, vượt quá năng lực của hệ thống y tế. Kịp thời tham mưu, ban hành các văn bản chỉ đạo, đôn đốc các đơn vị, địa phương trong công tác phòng, chống dịch và công tác tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19; rà soát, sửa đổi và bổ sung hướng dẫn chuyên môn về giám sát và phòng chống các bệnh truyền nhiễm. Tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật trong phòng chống dịch bệnh.

Chuyên môn kỹ thuật

- Chủ động theo dõi, giám sát chặt chẽ tình hình, bám sát, cập nhật diễn biến dịch bệnh trong nước và trên thế giới; nhất là sự xuất hiện của các biến thể mới của COVID-19, bệnh đậu mùa khỉ, cúm A(H5) và các bệnh truyền nhiễm khác; thường xuyên đánh giá, phân tích, nhận định, dự báo tình hình và các yếu tố nguy cơ.

- Chuẩn bị sẵn sàng các phương án bảo đảm công tác y tế với các tình huống có thể xảy ra của dịch bao gồm tình huống có biến chủng mới nguy hiểm hơn, dịch COVID-19 bùng phát mạnh, trên diện rộng, vượt quá năng lực của hệ thống y tế và cả tình huống công bố dịch kết thúc khi WHO có thông báo, khuyến cáo.

- Thực hiện tốt chương trình tiêm chủng mở rộng, thường xuyên rà soát đối tượng và tổ chức tiêm vét các loại vắc xin trong tiêm chủng mở rộng, đặc biệt tại các xã, phường vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, các khu vực miền núi, biên giới, hải đạo, vùng có dân tộc thiểu số; tăng cường chỉ đạo đẩy nhanh hơn nữa tiến độ tiêm vắc xin phòng COVID-19 bảo đảm an toàn, khoa học, hiệu quả; triển khai hiệu quả kế hoạch tiêm vắc xin 2023; đặc biệt là tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 cho trẻ em, học sinh.

- Tiếp tục thực hiện hiệu quả việc phân tuyến, phân luồng khám, sàng lọc bệnh; đảm bảo công tác thu dung, cấp cứu, cách ly, điều trị, đặc biệt với các nhóm nguy cơ cao như phụ nữ có thai, người mắc bệnh mạn tính, người già và trẻ em, hạn chế đến mức thấp nhất các trường hợp tử vong; thực hiện nghiêm việc kiểm soát nhiễm khuẩn, không để lây nhiễm chéo trong bệnh viện. - Tăng cường năng lực cho bệnh viện các tuyến, tổ chức phân tuyến điều trị, phòng lây nhiễm chéo tại các cơ sở khám, chữa bệnh. Tổ chức các đội cấp cứu lưu động để hỗ trợ tuyến dưới. Tăng cường năng lực hồi sức tích cực cho các tuyến đáp ứng yêu cầu điều trị chung và điều trị bệnh dịch nói chung. Tập huấn về các phác đồ điều trị, hồi sức cấp cứu, chăm sóc bệnh nhân, phòng lây nhiễm.

- Tăng cường công tác truyền thông về phòng, chống dịch bệnh; nâng cao kiến thức người dân hướng đến thay đổi hành vi cá nhân có lợi cho sức khỏe để phòng, chống dịch bệnh, các biện pháp phòng lây nhiễm bệnh đậu mùa khỉ, cúm gia cầm lây sang người và đặc biệt tiếp tục đẩy mạnh thông tin về tác dụng, hiệu quả của vắc xin phòng COVID-19 trong ngăn ngừa bệnh nặng, tử vong, khuyến khích, vận động người dân tham gia tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch; tuyên truyền vận động người dân thực hiện 2K + vaccine + thuốc + điều trị + công nghệ + ý thức người dân và các biện pháp khác.

Công tác hậu cần

- Triển khai thực hiện Nghị quyết số 30/NQ-CP ngày 4/3/2023 về việc tiếp tục thực hiện các giải pháp bảo đảm thuốc, trang thiết bị y tế.

- Tiếp tục bảo đảm thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế, nhân lực cho công tác phòng, chống dịch; thúc đẩy việc triển khai nghiên cứu, sản xuất vắc xin, sinh phẩm, thuốc, vật tư, trang thiết bị.

- Tiếp tục kiện toàn lực lượng chống dịch đảm bảo đủ nhân lực tham gia công tác phòng chống dịch. Tăng cường nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; xây dựng các chính sách thu hút cán bộ và nâng cao các chế độ đãi ngộ, khuyến khích động viên cho cán bộ trong lĩnh vực y tế dự phòng, y tế cơ sở.

- Phối hợp với các bộ, ngành liên quan đề xuất giải pháp tăng đầu tư tài chính cho công tác phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm, xây dựng kế hoạch dự trữ quốc gia về phòng, chống dịch; thúc đẩy đầu tư trong nghiên cứu, sản xuất, cung ứng vắc xin, sinh phẩm, thuốc, vật tư, trang thiết bị, tiến tới tự chủ về công nghệ sản xuất và chuẩn bị sẵn sàng khi xảy ra các tình hướng của dịch bệnh

Nghiên cứu khoa học

- Tăng cường nghiên cứu khoa học về dịch tễ học của bệnh, tác nhân gây bệnh, véc tơ truyền bệnh, vắc xin phòng bệnh, dự báo dịch, xây dựng mô hình phòng chống để đề xuất các biện pháp phòng chống phù hợp, đánh giá hiệu quả các biện pháp phòng chống dịch bệnh. Đẩy mạnh nghiên cứu, sản xuất, cung ứng vắc xin, sinh phẩm, thuốc, vật tư, trang thiết bị, tiến tới tự chủ về công nghệ sản xuất và chuẩn bị sẵn sàng khi xảy ra các tình hướng của dịch bệnh.

Phối hợp liên ngành và hợp tác quốc tế

- Đẩy mạnh việc phối hợp với các bộ, ban, ngành, địa phương, huy động sự tham gia của toàn hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, các tổ chức đoàn thể, xã hội để triển khai đồng bộ, hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch và các giải pháp về bảo đảm an sinh xã hội, trật tự an toàn xã hội, thúc đẩy sản xuất kinh doanh theo Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội và Chương trình phòng chống dịch COVID-19.

- Tiếp tục phối hợp với Bộ Y tế các nước trên thế giới tăng cường chia sẻ, cập nhật thông tin dịch bệnh; đẩy mạnh hợp tác với các tổ chức quốc tế như WHO, USCDC và các tổ chức quốc tế để huy động các nguồn lực và kỹ thuật cho phòng chống bệnh truyền nhiễm.

Admin

Thong ke