​Tình hình dịch bệnh Mác-bớc (Marburg)

10/05/2023 In bài viết

Theo thông tin từ Cơ quan Đầu mối quốc gia thực hiện Điều lệ Y tế quốc tế của Tổ chức Y tế thế giới, từ tháng 2 đến 3/2023, dịch bệnh Mác-bớc (Marburg) bùng phát tại Guinea xích đạo (Equatorial Guinea) khiến 09 trường hợp tử vong trong 14 ca mắc và khoảng 16 trường hợp nghi ngờ mắc khác[1]. Tháng 3/2023 tại vùng Kagera của Tazania ghi nhận 08 trường hợp mắc khiến 05 người tử vong. Đây là lần đầu tiên quốc gia này ghi nhận ca mắc và chưa xác định có liên quan tới các vụ dịch trong khu vực trước đó[2]. Từ tháng 4/2023 đến nay, chưa ghi nhận trường hợp mắc mới trên thế giới.

Tính đến ngay 09/5/2023, Việt Nam chưa ghi nhận trường hợp mắc bệnh Mác-bớc (Marburg).

Các hoạt động triển khai phòng, chống dịch bệnh Mác-bớc (Marburg) tại Việt Nam:

1. Tăng cường giám sát chặt chẽ người nhập cảnh, tại cộng đồng và cơ sở y tế để phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh, lấy mẫu để xét nghiệm chẩn đoán; quản lý ca bệnh (nếu có) và xử lý không để bệnh lây lan ra cộng đồng.

2. Các Viện vệ sinh dịch tễ/Pasteur tiếp tục tăng cường năng lực xét nghiệm, chẩn đoán xác định bệnh Mác-bớc; hướng dẫn, tập huấn, hỗ trợ địa phương về giám sát và các biện pháp phòng chống, lấy mẫu, vận chuyển mẫu bệnh phẩm an toàn

3. Tổ chức tập huấn cho cán bộ y tế các tuyến về các biện pháp phòng chống, chăm sóc, điều trị, đặc biệt lưu ý về công tác phòng chống nhiễm khuẩn.

4. Các địa phương chủ động xây dựng kế hoạch đáp ứng theo các tình huống để sẵn sàng đáp ứng trong trường hợp dịch bệnh xảy ra trên địa bàn, không để bị động; sẵn sàng thuốc, trang thiết bị, nhân lực, kinh phí để triển khai các biện pháp thu dung, điều trị, phòng chống dịch. Rà soát, củng cố đội phản ứng nhanh tại đơn vị, sẵn sàng đáp ứng khi ghi nhận trường hợp nghi ngờ, mắc tại các địa phương.

5. Cung cấp thông tin cho các cơ quan báo, đài về tình hình dịch bệnh và các biện pháp phòng, chống để chuyển tải tới người dân.

6. Cục Y tế dự phòng liên tục liên hệ với WHO, US-CDC, cơ quan Đầu mối thực hiện Điều lệ Y tế quốc tế và các tổ chức khác để cập nhật trao đổi, tin về tình hình dịch bệnh để đánh giá nguy cơ, báo cáo Lãnh đạo Bộ, Chính phủ, cơ quan cấp trên và đề xuất các biện pháp đáp ứng phù hợp.


[2] https://www.npr.org/sections/goatsandsoda/2023/03/31/1167093290/theres-a-second-outbreak-of-marburg-virus-in-africa-climate-change-could-be-a-fa

Ban biên tập trang thông tin điện tử Cục Y tế dự phòng

Thong ke