Tin tức

Tin tức

​Chính phủ phê duyệt Đề án Truyền thông phòng, chống tác hại của rượu, bia đến năm 2030

06/11/2024 In bài viết

Rượu, bia là một trong các nguyên nhân gây ra hơn 230 loại bệnh tật và tình trạng thương tích như được mô tả trong Bảng phân loại thống kê quốc tế về bệnh tật và các vấn đề sức khỏe có liên quan của Tổ chức Y tế thế giới lần thứ 10 (ICD10)[1]. Một số bệnh và thương tích chính do uống rượu, bia gây ra gồm:

Ung thư: Tổ chức Nghiên cứu ung thư quốc tế xếp rượu, bia là chất gây ung thư thuộc Nhóm I, tức là có nguy cơ cao gây ung thư tương tự như thuốc lá, amiang hay bức xạ ion hóa. Uống rượu, bia là nguyên nhân liên quan trực tiếp tới ung thư khoang miệng, vòm họng, thanh quản, thực quản, đại - trực tràng, gan và ung thư vú ở phụ nữ.

Bệnh tim mạch: làm tăng nguy cơ gây ra các bệnh lý như đột quỵ, suy tim, tăng huyết áp và phình động mạch chủ.

Bệnh hệ tiêu hóa: gây tổn thương gan (gan nhiễm mỡ do rượu, viêm gan cấp do rượu…), xơ gan, làm trầm trọng các tổn thương do virus viêm gan C và B, viêm tụy cấp tính và mạn tính, các bệnh lý tại thực quản, dạ dày,…

Rối loạn tâm thần: làm suy giảm trí nhớ và khả năng tư duy, gây biến đổi nhân cách, lo âu, trầm cảm, rối loạn giấc ngủ, loạn thần, kích động, tự sát… Các rối loạn và bệnh lý khác: gây lão hóa sớm, suy giảm miễn dịch, hội chứng nhiễm độc rượu ở bào thai, trẻ đẻ nhẹ cân.

Thương tích: uống rượu, bia là nguyên nhân chính gây tai nạn giao thông và gây thương tích không chủ ý và cố ý khác.

Ngoài ra uống rượu, bia còn gây ra nhiều vấn đề về xã hội: ảnh hưởng tiêu cực đến quan hệ gia đình, giảm hoặc mất khả năng làm việc, mất việc làm, bạo lực, quan hệ tình dục không an toàn, các vấn đề liên quan đến pháp luật…

Hành vi uống rượu, bia cũng đang phổ biến ở vị thành niên và tuổi uống rượu, bia đang có xu hướng ngày càng trẻ hóa. Điều tra Quốc gia về vị thành niên và thanh niên Việt Nam năm 2008 cho thấy có gần 80% nam và 36,5% nữ thanh thiếu niên trong độ tuổi 14-25 sử dụng rượu, bia, tăng 10% ở nam giới và 8% ở nữ giới sau 5 năm. Khoảng 60,5% nam và 22% nữ thanh thiếu niên đã từng say Theo điều tra sức khỏe học sinh năm 2019 có 44,3% học sinh từ lớp 8 đến lớp 12 đã từng uống rượu, bia, trong đó 22,4% có uống trong 30 ngày vừa qua và 53,1% đã uống cốc rượu/bia đầu tiên trước 14 tuổi[2].

Rượu, bia cũng là một trong ba nguyên nhân hàng đầu làm gia tăng tỷ lệ tai nạn giao thông tại Việt Nam ở nam giới độ tuổi 15-49. Theo báo cáo của WHO (2014) tai nạn giao thông liên quan đến rượu, bia tại Việt Nam ước tính chiếm 36,2% ở nam giới và 0,7% ở nữ giới. Nghiên cứu của WHO phối hợp với Uỷ ban An toàn giao thông quốc gia trên 14.990 nạn nhân tai nạn giao thông nhập viện thì 28% người đi xe máy có nồng độ cồn trong máu cao hơn mức cho phép (50 mg/dl), 63,4% người lái xe ô tô có nồng độ cồn trong máu cao hơn mức cho phép (0mg/dl).

Theo ước tính của Tổ chức Y tế thế giới, rượu thủ công chiếm tới 60% tổng lượng cồn tiêu thụ bình quân đầu người ở Việt Nam năm 2016[3], bao gồm cả rượu không được đăng ký kinh doanh, không được quản lý hoặc không rõ nguồn gốc. Vẫn còn tình trạng người dân một số địa phương dùng cồn công nghiệp để pha chế.

Ngày 14/6/2019, Quốc hội đã thông qua Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia (PCTHRB), trong đó quy định các biện pháp thông tin, giáo dục, truyền thông nhằm nâng cao nhận thức, định hướng hành vi, thay đổi thói quen có hại để phòng, chống tác hại của rượu, bia. Ngày 24/02/2020, Chính phủ ban hành Nghị định số 24/2020/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia, trong đó quy định trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ Y tế phối hợp với các bộ, ngành xây dựng đề án tổ chức các chiến dịch truyền thông về phòng, chống tác hại của rượu, bia, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành và hướng dẫn, tổ chức triển khai trong toàn quốc.

Triển khai thực hiện Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia và Nghị định số 24/2020/NĐ-CP của Chính phủ, Bộ Y tế phối hợp với các bộ, ngành tổ chức xây dựng Đề án Truyền thông phòng, chống tác hại của rượu, bia đến năm 2030. Ngày 11/10/2024, Chính phủ ban hành Quyết định số 1169/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Truyền thông phòng, chống tác hại của rượu, bia đến năm 2030, với các mục tiêu chính như sau:

1. 95% người dân trưởng thành được truyền thông về tác hại của rượu, bia và các biện pháp phòng, chống tác hại của rượu, bia.

2. 100% người điều khiển phương tiện giao thông được truyền thông, phổ biến quy định của pháp luật về việc không uống rượu, bia khi điều khiển phương tiện giao thông.

3. 100% cơ sở giáo dục thực hiện truyền thông phòng, chống tác hại của rượu, bia phù hợp với lứa tuổi của học sinh, sinh viên.

4. 95% cơ sở kinh doanh rượu, bia; 90% hộ gia đình, cá nhân sản xuất rượu thủ công được truyền thông, hướng dẫn các quy định của pháp luật về phòng, chống tác hại của rượu, bia và các quy định pháp luật khác có liên quan.

5. 90% báo in, báo điện tử của các bộ, ngành; 90% đài phát thanh, truyền hình ở trung ương, địa phương và hệ thống đài truyền thanh cấp xã đăng tải, phát thanh tin bài về phòng, chống tác hại của rượu, bia hằng tháng; 90% phóng viên, người tham gia hoạt động thông tin cơ sở được tập huấn, cung cấp thông tin về phòng, chống tác hại của rượu, bia.


[1]

- Rehm J, Gmel GE, Gmel G, Hasan OS, Imtiaz S, Popova S et al. (2017). The relationship between different dimensions of alcohol use and the burden of disease - an update. Addiction. 112(6):968–1001

- WHO (2018). Global status report on alcohol and health 2018. Geneva: World Health Organization.

[2]  WHO, Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo. Khảo sát sức khỏe học sinh toàn cầu tại Việt Nam năm 2019

[3] WHO. Global status report on alcohol and health 2018

 

Xem thêm: Shop acc liên quân

Ban biên tập trang thông tin điện tử Cục Y tế dự phòng

Thong ke