Tin tức

Tin tức

​Cục Y tế dự phòng tổ chức Hội thảo đánh giá việc thực hiện Thông tư số 54/2015/TT-BYT về hướng dẫn chế độ thông tin báo cáo và khai báo bệnh, dịch bệnh truyền nhiễm

04/10/2024 In bài viết

Hội thảo đánh giá việc thực hiện Thông tư số 54/2015/TT-BYT về hướng dẫn chế độ thông tin báo cáo và khai báo bệnh, dịch bệnh truyền nhiễm được tổ chức vào ngày 26-27/9/2024 tại Thái Nguyên do Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế chủ trì. Sự kiện này nhằm mục tiêu chia sẻ kết quả đánh giá quá trình thực hiện Thông tư, đồng thời thảo luận các đề xuất, giải pháp để đảm bảo chất lượng hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm, đặc biệt là việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) vào công tác quản lý và giám sát bệnh truyền nhiễm trong thời gian tới.

Tham dự hội thảo có sự góp mặt của các đại biểu từ nhiều cơ quan thuộc Bộ Y tế, bao gồm Cục Y tế dự phòng, Cục Khoa học Công nghệ và Đào tạo, Trung tâm Thông tin Y tế Quốc gia. Ngoài ra, đại biểu đến từ các Viện y tế trọng điểm như Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, các viện Pasteur, Viện Sốt rét – Ký sinh trùng – Côn trùng, cũng như đại diện từ một số bệnh viện lớn trên cả nước như Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, Bệnh viện Nhi Trung ương, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Thái Nguyên, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Huế và Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ. Đặc biệt, hội thảo còn có sự tham dự của các đại biểu từ 17 tỉnh, thành phố, bao gồm Sơn La, Lai Châu, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Hà Nội, Hải Phòng, Hà Tĩnh, Bình Dương, TP. Hồ Chí Minh, Bến Tre, Cần Thơ, Bạc Liêu, Quảng Bình, Đà Nẵng, Bình Thuận, Gia Lai và Đắk Lắk. Bên cạnh đó, đại diện các tổ chức quốc tế như Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (USCDC), PATH, CHAI và FHI360 cũng tham dự.

Trong phần trình bày của Cục Y tế dự phòng, các đại biểu được cập nhật về những kết quả chính trong quá trình triển khai Thông tư 54/2015/TT-BYT. Thông tư này đã giúp hệ thống y tế tại các địa phương nâng cao khả năng giám sát và báo cáo các bệnh truyền nhiễm, góp phần quan trọng trong việc kiểm soát dịch bệnh. Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại một số thách thức trong quá trình thực hiện, đặc biệt là việc đảm bảo sự chính xác, đồng bộ của thông tin báo cáo và tốc độ phản hồi trong các tình huống khẩn cấp. Do đó, việc cải thiện hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm vẫn là một nhiệm vụ cấp bách cần được triển khai trong thời gian tới.

Một điểm quan trọng khác trong hội thảo là vấn đề bảo mật thông tin khi triển khai các hệ thống giám sát dịch bệnh. Cục Khoa học Công nghệ và Đào tạo đã trình bày về các quy định hiện hành và những giải pháp nhằm đảm bảo an toàn thông tin, quản lý dữ liệu cá nhân trong quá trình thực hiện các hệ thống thông tin y tế.

Một trong những nội dung chính được thảo luận tại hội thảo là vai trò của CNTT trong việc giám sát bệnh truyền nhiễm. Trong phần thảo luận, các đại biểu đã nêu ra những vấn đề còn tồn tại trong việc thực hiện báo cáo và giám sát bệnh truyền nhiễm, như thiếu sự đồng bộ giữa các địa phương, hạn chế trong việc theo dõi và đánh giá chất lượng dữ liệu báo cáo. Một số ý kiến đề xuất cải thiện bao gồm:

- Tăng cường giám sát, kiểm tra, thanh tra định kỳ tại các đơn vị y tế để đảm bảo việc thực hiện báo cáo bệnh truyền nhiễm đúng quy định.

- Đưa hoạt động giám sát bệnh truyền nhiễm vào tiêu chí thi đua khen thưởng định kỳ của các đơn vị, khuyến khích sự tham gia tích cực của các cán bộ y tế.

- Phát triển các biện pháp xử lý vi phạm, từ nhắc nhở đến xử phạt nếu các đơn vị y tế không thực hiện đúng quy định về báo cáo dịch bệnh.

- Tăng cường phối hợp giữa các cơ sở khám chữa bệnh, bao gồm cả y tế tư nhân, trong việc quản lý và giám sát bệnh truyền nhiễm, đảm bảo mọi thông tin về ca bệnh được báo cáo đầy đủ và chính xác.

Tại Hội thảo, các đại biểu đề xuất phát triển và ứng dụng phần mềm quản lý bệnh truyền nhiễm nhằm cải thiện khả năng theo dõi và xử lý thông tin. Việc tích hợp các tính năng như bản đồ số, biểu đồ dịch tễ, hệ thống cảnh báo ngưỡng dịch, và báo cáo tự động sẽ giúp nâng cao hiệu quả giám sát và quản lý dịch bệnh tại các địa phương. Bên cạnh đó, đề xuất phát triển ứng dụng di động trên cả hai nền tảng iOS và Android, giúp người dùng có thể giám sát dịch bệnh mọi lúc, mọi nơi cũng được đưa ra. Ứng dụng này có thể tích hợp với hệ thống định vị GPS để xác định vị trí các ca bệnh trên bản đồ, giúp kịp thời khoanh vùng ổ dịch và triển khai các biện pháp phòng chống dịch hiệu quả hơn. Ngoài ra, việc cải thiện tính năng của phần mềm, như tăng cường khả năng xác minh thông tin, giám sát dịch tễ và điều tra thực địa, cũng là một trong những đề xuất được nêu ra.

Phát biểu kết luận hội thảo, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, TS. Nguyễn Lương Tâm, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thực hiện đồng bộ Thông tư 54/2015/TT-BYT tại các địa phương. Ông đề nghị các Sở Y tế các tỉnh, thành phố cần tăng cường giám sát, chỉ đạo các đơn vị y tế trên địa bàn thực hiện nghiêm túc việc báo cáo dịch bệnh. Đồng thời, cần tham mưu cho UBND các tỉnh, thành phố bố trí kinh phí để duy trì và triển khai công tác thông tin báo cáo một cách hiệu quả.

Các Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tại các tỉnh, thành phố cũng được yêu cầu chủ động hỗ trợ các cơ sở y tế trong công tác giám sát và đánh giá chất lượng báo cáo. CDC cần phối hợp chặt chẽ với các bệnh viện, bao gồm cả bệnh viện tư nhân, để đảm bảo sự tham gia đầy đủ trong quá trình giám sát bệnh truyền nhiễm. Ngoài ra, các chương trình tập huấn định kỳ cho cán bộ y tế về quy trình báo cáo và sử dụng các hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm cũng cần được tổ chức thường xuyên.

Bên cạnh đó, TS. Nguyễn Lương Tâm cũng đề nghị Trung tâm Thông tin Y tế Quốc gia phối hợp với các đơn vị liên quan để nâng cấp phần mềm báo cáo bệnh truyền nhiễm, bổ sung các tính năng cần thiết như bản đồ, biểu đồ dịch tễ và hệ thống cảnh báo. Việc phát triển các ứng dụng trên thiết bị di động và tích hợp với hệ thống giám sát hiện có cũng là một trong những hướng đi cần được triển khai trong thời gian tới.

Tóm lại, hội thảo đã đưa ra nhiều đề xuất quan trọng nhằm cải thiện hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm tại Việt Nam. Việc ứng dụng công nghệ thông tin và đảm bảo an toàn thông tin được xem là những yếu tố then chốt để tăng cường hiệu quả giám sát và phòng chống dịch bệnh, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao trong bối cảnh các dịch bệnh truyền nhiễm có diễn biến phức tạp như hiện nay.

 

Ban biên tập trang thông tin điện tử Cục Y tế dự phòng

Thong ke