Theo thống kê của tổ chức Y tế Thế giới, bệnh Lao là nguyên nhân gây tử vong đứng thứ 2 trong các bệnh nhiễm trùng, với khoảng 10 triệu bệnh nhân mới mỗi năm và gần 1,5 triệu người tử vong trên toàn cầu. Đây là căn bệnh truyền nhiễm được cho là nguy hiểm và đáng sợ hơn khi dễ dàng lây lan ra cộng đồng nếu bệnh nhân không được chữa trị đúng cách.
Theo thống kê của tổ chức Y tế Thế giới, bệnh Lao là nguyên nhân gây tử vong đứng thứ 2 trong các bệnh nhiễm trùng, với khoảng 10 triệu bệnh nhân mới mỗi năm và gần 1,5 triệu người tử vong trên toàn cầu. Đây là căn bệnh truyền nhiễm được cho là nguy hiểm và đáng sợ hơn khi dễ dàng lây lan ra cộng đồng nếu bệnh nhân không được chữa trị đúng cách.
“Biến hiểm hoạ Covid 19 thành cơ hội để chấm dứt bệnh Lao vào năm 2030” là chủ đề Ngày Thế giới phòng chống Lao 24/3/ 2020. Thống kê cho thấy, hàng ngày trên thế giới có khoảng 3.000 người thiệt mạng do bệnh Lao, con số này vượt xa so với con số thiệt mạng do Covid-19. Cơ chế lây bệnh Lao nguy hiểm hơn Covid-19 vì vi khuẩn Lao có thể lây truyền theo đường không khí với các hạt mịn có kích thước từ dưới 5 micro mét, có khả năng đối phó, thích nghi với những điều kiện khắc nghiệt của môi trường trong thời gian dài. Trong khi đó, Covid-19 chỉ lây khi tiếp xúc với giọt bắn trực tiếp từ người bệnh hoặc bề mặt các đồ vật. Bên cạnh đó, Covid-19 là bệnh cũng liên quan đến đường hô hấp, chính vì vậy, trong nỗ lực phòng chống bệnh Covid-19 hiện nay sẽ là động lực để thế giới thanh toán bệnh Lao vào năm 2030.
Theo tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Việt Nam vẫn nằm trong 30 quốc gia có gánh nặng bệnh Lao và lao kháng đa thuốc cao nhất thế giới. Ước tính mỗi năm, Việt Nam có khoảng 174.000 người mắc, trong đó có 13.000 người tử vong vì căn bệnh này. Theo ước tính có khoảng 63% bệnh nhân Lao thường, 98% bệnh nhân Lao kháng thuốc và gia đình đối mặt với những chi phí thảm họa - nghĩa là chi phí cho việc chẩn đoán và điều trị bệnh Lao vượt quá 20% thu nhập hàng năm của cả hộ gia đình. 70% người mắc Lao ở trong độ tuổi lao động. Vì vậy, Lao thực sự là một vấn đề ảnh hưởng đến kinh tế từng gia đình nói riêng và đất nước nói chung. Đầu tư cho chấm dứt bệnh Lao là đầu tư cho phát triển bền vững.
Tại Đà Nẵng, năm 2019 số bệnh nhân nghi Lao được xét nghiệm đờm là 14.197, chiếm 1,2% dân số. Tổng bệnh nhân Lao các thể thu dung điều trị là 128,3/100.000 dân; tỷ lệ Lao phổi có bằng chứng vi khuẩn là 66,3/100.000 dân. Năm 2019, Bệnh viện Phổi Đà Nẵng cũng đã triển khai hoạt động khám sàng lọc chủ động phát hiện sớm bệnh Lao bằng phương pháp 2X (Xquang và Xpert) tại các khu vực thuộc địa bàn thành phố Đà Nẵng trên các đối tượng là bệnh nhân tâm thần; người già neo đơn thuộc 2 xã huyện Hòa Vang; các đối tượng cai nghiện ở 2 cơ sở điều trị Methadone, cơ sở xã hội Bầu Bàng; đối tượng nguy cơ cao tại quận Liên Chiểu và người dân khu vực bãi rác Khánh Sơn. Kết quả khám cho thấy đã phát hiện ra được 18 trường hợp AFB(+) ( Tỷ lệ 420/100.000 dân) cao hơn 5 lần so với phương pháp phát hiện thụ động bệnh lao (Tỷ lệ phát hiện AFB(+): 80/100.000 dân). Các bệnh nhân này đã được đưa vào quản lý và điều trị tại Tổ chống lao của các địa phương. Điều này giúp việc quản lý và điều trị bệnh nhân lao mang tầm quy mô mở rộng và hiệu quả hơn tại thành phố Đà Nẵng.
Bên cạnh đó, Bệnh viện Phổi Đà Nẵng cũng đã được trang bị cơ sở vật chất và các thiết bị hiện đại nhất để thực hiện chẩn đoán Lao, đặc biệt là phương pháp 2X (Xquang và Xpert) và kỹ thuật LPA chẩn đoán Lao đa kháng và siêu kháng,... Với những nỗ lực thực hiện và không ngừng cải tiến các kỹ thuật chẩn đoán Lao nói trên, Bệnh viện Phổi Đà Nẵng là một trong 4 bệnh viện chuyên khoa lớn nhất Việt Nam về năng lực chẩn đoán lao và lao kháng thuốc. Đây sẽ là cơ sở để ngành y tế Đà Nẵng nói riêng và Việt Nam nói chung tiến tới mục tiêu kết thúc bệnh Lao năm 2030.
Ban biên tập trang thông tin điện tử Cục Y tế dự phòng
Admin