​Hội thảo cập nhật hướng dẫn quốc gia về giám sát trọng điểm COVID-19 và cúm

18/12/2023 In bài viết

Đại dịch COVID-19 ghi nhận ca bệnh đầu tiên ngày 29/12/2019 tại Vũ Hán (Trung Quốc), đến ngày 04/5/2023, thế giới đã ghi nhận trên 687 triệu ca mắc, hơn 6,8 triệu ca tử vong. Trong 04 tuần từ ngày 27/3 đến 23/4/2023, thế giới ghi nhận gần 2,8 triệu ca mắc mới và hơn 16,000 ca tử vong, giảm lần lượt 23% và 36% so với 04 tuần trước đó. Số ca mắc mới giảm ở 4 trong 6 khu vực: Châu Phi (-45%), Tây Thái Bình Dương (-39%), Châu Mỹ (-33 %), và Châu Âu (-22%); trong khi số ca mắc mới tăng ở 2 khu vực: Đông Địa Trung Hải (+80%) và Đông Nam Á (+305%) , trong đó có Việt Nam, Indonesia, Myanmar, Thái Lan, Timor-Leste. Trong 07 ngày qua (từ ngày 28/4 đến ngày 04/5/2023), thế giới ghi nhận 492.095 ca mắc mới (giảm 23% so với 07 ngày trước đó), có 2.856 ca tử vong (giảm 30%), tuy nhiên thế giới ghi nhận 9 quốc gia, vùng lãnh thổ ghi nhận số ca tử vong trên 100 ca trong tuần qua. Theo số liệu từ các nghiên cứu trên khắp thế giới, Tổ chức Y tế thế giới ước tính đến nay có khoảng trên 90% dân số của hầu hết các nước trên thế giới đã có miễn dịch với bệnh COVID-19 do vắc xin hoặc do mắc phải.

Ngày 03/5/2023, WHO đã ban hành Chiến lược Chuẩn bị và Ứng phó với COVID-19 giai đoạn 2023-2025 với mục tiêu: (1) Giảm và kiểm soát số mắc, nhất là ở nhóm nguy cơ cao và dễ bị tổn thương; (2) Ngăn ngừa chẩn đoán và điều trị, giảm biến chứng, tử vong, hậu COVID-19; (3) Hỗ trợ các quốc gia trong quá trình chuyển đổi từ việc đáp ứng khẩn cấp sang quản lý bền vững, lồng ghép với các mối đe dọa khác và mang tính dài hạn. Ngày 05/5/2023, WHO công bố COVID-19 không còn là tình trạng khẩn cấp về y tế toàn cầu; tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là COVID-19 không còn là mối đe dọa sức khỏe toàn cầu; vi rút SARS-CoV-2 chưa biến mất hay bớt nguy hiểm, vẫn đang biến đổi và có nguy cơ xuất hiện các biến thể mới gây ra các đợt gia tăng mới về số ca mắc và tử vong.

Ngày 15/12/2023, Cục Y tế dự phòng tổ chức Hội thảo cập nhật hướng dẫn quốc gia về giám sát trọng điểm COVID-19 và cúm do TS. Nguyễn Lương Tâm, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng chủ trì. Tham dự Hội nghị có đại diện của Cục Y tế dự phòng, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Văn phòng Bộ, Vụ Kế hoạch – Tài chính, Cục Khoa học Công nghệ và Đào tạo, Vụ Hợp tác quốc tế, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Viện Pasteur Nha Trang, Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh, Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên, đại diện Trung tâm Kiểm soát bệnh tật các tỉnh, thành phố và Bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh: Hải Phòng, Quảng Ninh, Lạng Sơn, Thái Bình, Hà Nội, Lào Cai, Hà Tĩnh, Khánh Hòa, Thừa Thiên Huế, Bình Thuận, Đắk Lắk, Gia Lai, Đồng Nai, Hồ Chí Minh, Tiền Giang, Cần Thơ, An Giang, Đồng Tháp và một số Trung tâm Y tế tuyến huyện: Đống Đa - Hà Nội, Kiến Xương - Thái Bình, Phú Vang - Thừa Thiên Huế, Xuân Lộc - Đồng Nai, Cái Bè - Tiền Giang. Ngoài ra còn có ông Sangjun Moon, Điều phối viên  nhóm các tình trạng Y tế Khẩn cấp (WHO), ông Philip Laird Gould, Giám đốc chương trình Cúm (USCDC) tham dự Hội thảo.

Hội thảo đã trình bày các nội dung về rà soát, cập nhật hướng dẫn quốc gia về giám sát trọng điểm COVID-19 và cúm nhằm tạo sự thống nhất kế hoạch triển khai giám sát trọng điểm phòng, chống dịch bệnh COVID-19 và cúm. Đồng thời xác định những khó khăn, thách thức và hướng giải pháp trọng tâm, ưu tiên trong thời gian tới.

Sau khi Lãnh đạo Cục Y tế dự phòng phát biểu khai mạc, đại diện một số đơn vị trình bày các nội dung chính của Hội thảo và các đại biểu tham gia đã      thảo luận các nội dung liên quan đến hoạt động giám sát trọng điểm COVID-19 và cúm: Cập nhật về tình hình dịch bệnh COVID-19 và cúm/nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính trên toàn cầu, chiến lược và hướng dẫn kỹ thuật của WHO để quản lý bền vững lâu dài đối với COVID-19; Cập nhật tình hình và chiến lược về COVID-19 để quản lý bền vững lâu dài dịch bệnh; Vi rút gây bệnh đường hô hấp ở người trên thế giới và Hiện trạng và kết quả cập nhật trên hệ thống giám sát cúm và nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính (ILI/SVP) hiện có;

Hội thảo cung cấp cơ hội quan trọng để xác định định hướng của các hoạt động, thúc đẩy sự phối hợp của các đơn vị liên quan; đồng thời kết nối với các đối tác cùng tham gia hỗ trợ, huy động nguồn lực để triển khai kế hoạch giám sát trọng điểm phòng, chống dịch bệnh COVID-19 và cúm.

Để tháo gỡ các vướng mắc liên quan định mức chi, việc xây dựng Thông tư hướng dẫn định mức chi cụ thể cho hoạt động giám sát trọng điểm là cần thiết, đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị liên quan và sự hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế. Ngoài ra, Ban soạn thảo cần làm rõ trách nhiệm, nhiệm vụ của các ban ngành liên quan, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị tham chiếu triển khai kế hoạch một cách hiệu quả.

 

Ban biên tập trang thông tin điện tử Cục Y tế dự phòng

Thong ke