Hưởng ứng ngày Viêm gan thế giới 28/7, Phóng viên Thông tấn xã Việt Nam đã có cuộc trò chuyện, trao đổi với PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế
Hưởng ứng ngày Viêm gan thế giới 28/7, Phóng viên Thông tấn xã Việt Nam đã có cuộc trò chuyện, trao đổi với PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế
PV: Được biết bệnh viêm gan vi rút đứng 7 trong số các nguyên nhân dẫn đến tử vong trên toàn cầu. Xin ông cho biết về tình hình nhiễm viêm gan vi rút tại Việt Nam?
PGS.TS Trần Đắc Phu: Bệnh viêm gan vi rút là bệnh truyền nhiễm phổ biến gây ra hậu quả nghiêm trọng về sức khỏe và dẫn đến tử vong do các biến chứng của viêm gan vi rút. Có 5 loại viêm gan vi rút, trong đó viêm gan vi rút B và C lây truyền tương tự như vi rút HIV bao gồm qua đường máu, quan hệ tình dục và lây truyền từ mẹ sang con; viêm gan vi rút D chỉ lây truyền khi có mặt viêm gan B và có đường lây truyền tương tự. Viêm gan vi rút A và E lây qua đường phân - miệng do thức ăn, nước uống và thực hành vệ sinh không đầy đủ.
Trong 5 loại vi rút viêm gan, vi rút viêm gan B và C có ảnh hưởng đến sức khỏe con người nhiều nhất. Theo ước tính của Tổ chức Y tế thế giới năm 2016, có khoảng 240 triệu trường hợp nhiễm vi rút viêm gan B mãn tính, khoảng 150 triệu trường hợp nhiễm vi rút viêm gan C mạn tính trên toàn cầu. Số trường hợp tử vong do viêm gan vi rút B và C ước tính mỗi năm là khoảng 1,4 triệu người. Vi rút viêm gan B và C là nguyên nhân gây ung thư gan hàng đầu, ước tính có khoảng 57% các trường hợp xơ gan và 78% trường hợp ung thư gan tiên phát do nhiễm vi rút viêm gan B và C. Theo kết quả điều tra gánh nặng bệnh tật toàn cầu năm 2013, viêm gan vi rút là nguyên nhân đứng hàng thứ 7 trong số các nguyên nhân gây ra tử vong nhiều nhất.
Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ nhiễm vi rút viêm gan B và viêm gan C cao trong khu vực và chịu hậu quả nặng nề do nhiễm vi rút viêm gan gây nên. Kết quả nghiên cứu tại Việt Nam ở một số nhóm quần thể cho thấy tỷ lệ nhiễm vi rút viêm gan B là khoảng 6-20% và tỷ lệ nhiễm vi rút viêm gan C khoảng 0,2- 4%. Tại Việt Nam, vi rút viêm gan B lây truyền chủ yếu từ mẹ sang con và vi rút viêm gan C lây truyền chủ yếu qua đường máu. Theo kết quả mô hình ước tính gánh nặng bệnh tật do vi rút viêm gan B và C của Bộ Y tế, có khoảng 8,7 triệu người nhiễm vi rút viêm gan B mãn tính và khoảng 1 triệu người nhiễm vi rút viêm gan C mãn tính. Số trường hợp tử vong ước tính tại thời điểm năm 2015 do vi rút viêm gan B là khoảng hơn 23.000 người và do vi rút viêm gan C là khoảng hơn 6.000 người.
Cuối cùng theo tôi nghĩ viêm gan vi rút là bệnh vô cùng nguy hiểm hiện nay về số người mắc, tính chất phức tạp của đường lây truyền, biến chứng gây nên ung thư gan, xơ gan… tuy vậy chưa được người dân cũng như cộng đồng xã hội quan tâm vì nó diễn biến một cách âm thầm không rầm rộ như HIV/AIDS và một số bệnh truyền nhiễm nguy hiểm khác mà thôi.
PV: Hiện nay tỉ lệ mắc viêm gan vi rút trên thế giới nói chung và tại Việt Nam nói riêng vẫn cao, đây cũng là vấn đề đang được Bộ Y tế đặc biệt quan tâm. Xin ông có thể chia sẻ thêm những khó khăn nhất định trong việc phòng chống viêm gan vi rút ?
PGS.TS Trần Đắc Phu: Mặc dù gánh nặng bệnh tật do viêm gan vi rút gây ra là rất lớn nhưng nhận thức của người dân về vấn đề này còn rất thấp. Trong khi đó việc triển khai các hoạt động giáo dục truyền thông để nâng cao nhận thức của cộng đồng về nguy cơ nhiễm vi rút viêm gan đặc biệt là viêm gan B và viêm gan C còn rất hạn chế và chưa được triển khai đồng bộ. Cũng phải nói rằng chương trình giám sát bệnh viêm gan vi rút hiện nay chưa phản ánh được số hiện nhiễm hoặc đã từng nhiễm tại cộng đồng đối với từng loại vi rút viêm gan để có thể xác định các hoạt động ưu tiên trong dự phòng viêm gan vi rút.
Về dự phòng, tỷ lệ tiêm vắc xin viêm gan B cho trẻ sơ sinh trong 24h đầu đã đạt tới 74% vào năm 2012 nhưng đã giảm xuống còn 56% vào năm 2013 và 64,8% năm 2015. Nguyên nhân của việc giảm tỷ lệ này là do tâm lý của bố mẹ cũng như cán bộ y tế lo sợ về tai biến của vắc xin mặc dù tai biến xảy ra trong năm 2013 không phải do vắc xin mà do tiêm nhầm thuốc tại một cơ sở y tế ở Quảng Trị, vấn đề này đã được các cơ quan chức năng làm rõ.
Về điều trị, việc tiếp cận với các thuốc điều trị viêm gan, đặc biệt là viêm gan C vẫn còn hạn chế do chi phí điều trị hiện còn cao và vượt quá khả năng chi trả của nhiều người bệnh, trong khi đó chưa có quy định bảo hiểm y tế chi trả.
Ngoài các khó khăn về chuyên môn, mặc dù, bệnh viêm gan vi rút, đặc biệt là vi rút viêm gan B và viêm gan C đang diễn biến một cách âm thầm và vấn đề lớn đối với sức khỏe người dân hiện nay, tuy nhiên việc đầu tư nguồn lực cho các hoạt động phòng chống viêm gan còn rất hạn chế. Trong khi việc một số các bệnh truyền nhiễm khác có nguồn kinh phí từ chương trình mục tiêu thì phòng chống viêm gan không có. Kinh phí hiện nay mới tập trung cho tiêm phòng vắc xin và sàng lọc máu. Kinh phí nhà nước không đủ để triển khai đồng bộ các hoạt động phòng chống viêm gan, trong khi các nguồn kinh phí quốc tế đang trong giai đoạn cắt giảm.
PV: Chủ đề của Ngày viêm Gan thế giới (28/7) năm nay là “Hãy nhận biết và hành động ngay”. Vậy thông điệp của Bộ Y tế muốn gửi đến cộng đồng thông qua chủ đề năm nay là gì? Những hoạt động gì sẽ được triển khai để tích cực hưởng ứng ngày Viêm gan thế giới?
PGS.TS. Trần Đắc Phu: Chủ để ngày viêm gan thế giới năm nay là Hãy nhận biết và hành động ngay. Mặc dù gánh nặng bệnh tật do viêm gan vi rút là rất lớn tuy nhiên chỉ có 5% bệnh nhân viêm gan mãn tính biết mình bị nhiễm và chỉ có chưa đến 1% được tiếp cập điều trị. Bệnh viêm gan vi rút là bệnh có thể dự phòng và điều trị trong đó viêm gan B đã có vắc xin dự phòng và khoảng 90% bệnh nhân viêm gan C được điều trị khỏi. Vì vậy để đạt mục tiêu loại trừ viêm gan vi rút như mối đe dọa với sức khỏe cộng đồng, Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo người dân cần nhận biết về nguy cơ lây nhiễm viêm gan vi rút của bản thân và cộng đồng, từ đó có các hành động kịp thời như xét nghiệm và điều trị.
Các hoạt động hưởng ứng Ngày Viêm gan thế giới năm nay được tổ chức tại Bộ Y tế vào ngày 28/7/2016 bao gồm nhiều hoạt động phong phú, đa dạng như: Tổ chức Hội thảo báo chí để truyền thông vận động xã hội, cung cấp thông tin cho báo chí nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về gánh nặng bệnh tật do viêm gan vi rút và các giải pháp phòng chống viêm gan vi rút; Truyền thông phòng chống bệnh viêm gan vi rút qua website của Bộ Y tế và mạng xã hội facebook “Phòng chống bệnh viêm gan vi rút”; Tổ chức đồng diễn nhảy tập thể (flash mob) để khuyến khích vận động việc nâng cao nhận thức của cộng đồng về gánh nặng bệnh tật do viêm gan vi rút.
Ngoài ra, một số đơn vị, địa phương cũng tổ chức các hoạt động hưởng ứng ngày viêm gan thế giới năm nay như hội thảo về viêm gan vi rút tại Thành phố Hồ Chí Minh ngày 30-31/7, các chương trình xét nghiệm sàng lọc viêm gan vi rút tại cộng đồng, các chương trình truyền thông nâng cao nhận thức tại các cơ sở y tế…
PV: Thời gian tới, ngành y tế có những biện pháp nào để giảm tỷ lệ người nhiễm viêm gan vi rút trong cộng đồng, thưa ông?
PGS.TS Trần Đắc Phu: Bộ Y tế đã ban hành Kế hoạch phòng chống bệnh viêm gan vi rút giai đoạn 2015-2019 tại Quyết định số 739/QĐ-BYT với mục tiêu giảm lây truyền vi rút viêm gan và tăng khả năng tiếp cận của người dân với các dịch vụ dự phòng, chẩn đoán, điều trị và chăm sóc bệnh viêm gan vi rút. Bản Kế hoạch với mong muốn giải quyết đồng bộ các vấn đề liên quan cũng như tăng cường sự phối hợp giữa các lĩnh vực để phòng chống viêm gan. Kế hoạch quốc gia đã đưa ra 05 giải pháp để định hướng các hoạt động phòng chống viêm gan vi rút của các đơn vị, địa phương trên phạm vi cả nước bao gồm:
- Giải pháp chính sách và vận động xã hội bao gồm Vận động sự tham gia của chính quyền địa phương, các ban, ngành, tổ chức chính trị, chính trị - xã hội và xây dựng các chính sách hỗ trợ và đẩy mạnh công tác thông tin - giáodục truyền thông nhằm nâng cao nhận thức cho người dân về sự nguy hiểm của bệnh viêm gan vi rút và các biện pháp phòng lây nhiễm.
- Giải pháp về chuyên môn kỹ thuật trong đó Nâng cao năng lực chuyên môn cho cán bộ y tế; Giám sát và thu thập bằng chứng cho việc xây dựng chính sách và xác định các can thiệp ưu tiên cho việc dự phòng viêm gan vi rút; Tăng cường các hoạt động dự phòng giảm lây nhiễm vi rút viêm gan; Nâng cao chất lượng và mở rộng sàng lọc, chẩn đoán, điều trị và quản lý bệnh nhân viêm gan vi rút.
- Giải pháp về đào tạo nguồn nhân lực nhằm kiện toàn và chuẩn hóa đội ngũ cán bộ làm công tác dự phòng, giám sát, xét nghiệm, chẩn đoán, điều trị và truyền thông ở các tuyến.
- Giải pháp về đầu tư tập trung huy động nguồn lực trong nước từ các chương trình y tế ở trung ương, địa phương, các tổ chức xã hội, tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ để đảm bảo nguồn lực cho các hoạt động phòng chống viêm gan vi rút và - Xây dựng các chính sách chi trả bảo hiểm y tế phù hợp đối với các trường hợp điều trị bệnh viêm gan vi rút đặc biệt là điều trị viêm gan vi rút B và viêm gan vi rút C; xây dựng cơ chế chi trả bảo hiểm đối với các trường hợp được theo dõi, điều trị ngoại trú.
- Giải pháp về nghiên cứu khoa học khuyến khích thực hiện các nghiên cứu khoa học về viêm gan vi rút sử dụng các nguồn kinh phí từ trong nước và kêu gọi sự hỗ trợ kỹ thuật và tài chính từ các tổ chức quốc tế
Cuối cùng, đúng như Chủ để ngày viêm gan thế giới năm nay là Hãy nhận biết và hành động ngay, tôi mong muốn mọi người hãy thay đổi nhận thức, nâng cao sự hiểu biết để làm tất cả những gì có thể làm được cho công cuộc phòng chống căn bệnh nguy hiểm này. Đừng để căn bệnh nguy hiểm này cứ âm thầm, lặng lẽ xảy ra và tiến triển gây nên những tổn thất to lớn tới sức khỏe và đời sống xã hội của người dân.
PV: Cảm ơn ông về những trao đổi vừa rồi và chúc ông có thật nhiều sức khỏe.
Ban biên tập Trang thông tin điện tử - Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế
Admin