Bệnh viêm gan vi rút là bệnh truyền nhiễm phổ biến, gây ra các hậu quả nghiêm trọng về sức khỏe và tử vong do các biến chứng của viêm gan vi rút. Người nhiễm vi rút viêm gan cấp tính thường không có triệu chứng hoặc có thể biểu hiện không rõ ràng, những trường hợp nặng có thể gây ra suy gan cấp hoặc diễn biến kéo dài dẫn đến viêm gan mạn, xơ gan và ung thư gan. Có 5 loại viêm gan vi rút, trong đó viêm gan vi rút B và C lây truyền qua đường máu và dịch thể, tương tự với đường lây truyền HIV; viêm gan vi rút D chỉ lây truyền khi có mặt viêm gan B, và có đường lây truyền tương tự. Viêm gan vi rút A và E lây qua đường phân - miệng do thức ăn, nước uống và thực hành vệ sinh không đầy đủ.
Bệnh viêm gan vi rút là bệnh truyền nhiễm phổ biến, gây ra các hậu quả nghiêm trọng về sức khỏe và tử vong do các biến chứng của viêm gan vi rút. Người nhiễm vi rút viêm gan cấp tính thường không có triệu chứng hoặc có thể biểu hiện không rõ ràng, những trường hợp nặng có thể gây ra suy gan cấp hoặc diễn biến kéo dài dẫn đến viêm gan mạn, xơ gan và ung thư gan. Có 5 loại viêm gan vi rút, trong đó viêm gan vi rút B và C lây truyền qua đường máu và dịch thể, tương tự với đường lây truyền HIV; viêm gan vi rút D chỉ lây truyền khi có mặt viêm gan B, và có đường lây truyền tương tự. Viêm gan vi rút A và E lây qua đường phân - miệng do thức ăn, nước uống và thực hành vệ sinh không đầy đủ.
Trong 5 loại vi rút viêm gan, vi rút viêm gan B và C có ảnh hưởng đến sức khỏe con người nhiều nhất. Trên 240 triệu người hiện đang nhiễm vi rút viêm gan B mãn tính và khoảng 130-150 triệu trường hợp nhiễm vi rút viêm gan C mãn tính trên toàn cầu (Tổ chức Y tế thế giới, năm 2016). Hàng năm trên thế giới có khoảng 1,4 triệu trường hợp tử vong có liên quan đến bệnh viêm gan vi rút (chiếm khoảng 2,7% tổng số các trường hợp tử vong). Vi rút viêm gan B và C là nguyên nhân gây ung thư gan hàng đầu, ước tính có khoảng 57% các trường hợp xơ gan và 78% trường hợp ung thư gan tiên phát do nhiễm vi rút viêm gan B và C. Theo kết quả điều tra gánh nặng bệnh tật toàn cầu năm 2013, nguyên nhân có liên quan đến vi rút viêm gan đứng hàng thứ 7 trong số các nguyên nhân gây ra tử vong nhiều nhất. Người tiêm chích ma túy dễ bị nhiễm cả hai loại vi rút viêm gan B và vi rút viêm gan C do tình trang dùng chung bơm kim tiêm. Ước tính khoảng 10 triệu người nhiễm vi rút viêm gan C trong số 16 triệu người tiêm chích ma túy.
Bệnh viêm gan vi rút B và C có thể dự phòng và điều trị được. Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới, chiến lược phối hợp điều trị và dự phòng có thể loại trừ viêm gan vi rút B và C như là mối đe dọa với sức khỏe cộng đồng vào năm 2030. Các biện pháp dự phòng lây nhiễm viêm gan vi rút B và C bao gồm tiêm vắc xin viêm gan B trong vòng 24h đầu sau sinh, kiểm soát nhiễm khuẩn trong các cơ sở y tế và can thiệp giảm tác hại. Đối với trẻ em ở khu vực có tỷ lệ nhiễm vi rút viêm gan B cao như Việt Nam, Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo tất cả trẻ em nên được tiêm phòng vắc xin viêm gan B trong vòng 24 giờ sau khi sinh và các liều sau đó theo lịch tiêm chủng. Theo tổ chức Y tế Thế giới, năm 2016 tỷ lệ bao phủ vắc xin viêm gan B trên toàn cầu đạt 83%, tuy nhiên tỷ lệ tiêm vắc xin viêm gan B liều sơ sinh (trong vòng 24 giờ đầu) mới chỉ đạt 39%. Tại Việt Nam, độ bao phủ vắc xin viêm gan B năm 2015 đạt tới trên 95% và tỷ lệ tiêm mũi sau sinh đạt 65%. Tuy nhiên, việc tiếp cận với các thuốc này vẫn còn hạn chế do chi phí điều trị hiện còn cao so với khả năng chi trả của nhiều người bệnh.
Hiện nay chưa có vắc xin dự phòng cho viêm gan C tuy nhiên viêm gan C có thể được chữa khỏi nhờ các thuốc mới có tác dụng trực tiếp lên vi rút viêm gan C. Tỷ lệ khỏi bệnh có thể lên tới trên 90%. Các thuốc thế hệ mới có tác dụng trực tiếp lên vi rút (direct acting agent –DAA) là những thuốc có hiệu quả cao và có tác dụng với hầu hết các phân nhóm (genotype) và ít độc hơn. Tuy nhiên, việc tiếp cận với các thuốc này vẫn còn hạn chế do chi phí điều trị hiện còn cao so với khả năng chi trả của nhiều người bệnh. Mặt khác, việc không tuân thủ đầy đủ phác đồ điều trị có thể làm giảm hiệu quả của việc điều trị.
Trong bối cảnh gánh nặng bệnh tật do vi rút viêm gan ngày càng trở nên nặng nề, Tổ chức Y tế thế giới đã kêu gọi các quốc gia và các đối tác phát triển xây dựng các chiến lược hiệu quả với mục tiêu đối phó với các thách thức của bệnh viêm gan và nâng cao nhận thức về căn bệnh này. Tổ chức Y tế Thế giới đã lấy ngày 28/7 hàng năm là “Ngày Viêm gan thế giới” và lần đầu tiên được tổ chức vào năm 2011.
|
|
Năm 2012, Tổ chức Y tế thế giới đã ban hành Khung chương trình Hành động Toàn cầu về Phòng chống nhiễm vi rút viêm gan với tầm nhìn không còn lây truyền viêm gan vi rút trên thế giới và tất cả bệnh nhân đều được tiếp cận về chăm sóc điều trị an toàn và hiệu quả. Khung Chương trình bao gồm 4 thành tố chính: 1) Tăng cường nhận thức, thúc đẩy quan hệ đối tác và huy động nguồn lực; 2) Xây dựng chính sách dựa vào bằng chứng và số liệu cho hành động; 3) Ngăn chặn sự lây truyền của vi rút; 4) Sàng lọc, chăm sóc và điều trị. Ngày 24/5/2014, Đại hội đồng Y tế thế giới đã thông qua Nghị quyết WHA 67.6 về việc triển khai đồng bộ các can thiệp về viêm gan; theo đó cần tăng cường hệ thống sàng lọc, chẩn đoán và điều trị nhằm giảm lây truyền HIV, viêm gan B, viêm gan C đồng thời các quốc gia cần thực hiện các chính sách nhằm thực hiện các gói can thiệp thiết yếu để chẩn đoán, điều trị cho quần thể tiêm chích ma túy. Tháng 6/2016, Tổ chức Y tế Thế giới đã ban hành Chiến lược Toàn cầu về Viêm gan vi rút giai đoạn 2016-2021 với tầm nhìn một thế giới không còn lây truyền vi rút viêm gan, tất cả bệnh nhân đều được tiếp cận với chăm sóc điều trị an toàn, hiệu quả và hướng tới mục tiêu loại trừ bệnh viêm gan vi rút như là mối đe dọa sức khỏe cộng đồng vào năm 2030. Trước đó, 10/2015, Kế hoạch Hành động Khu vực Tây Thái Bình Dương về Viêm gan vi rút cũng đã được ủng hộ bởi các quốc gia thành viên và đưa ra các giải pháp nhằm giảm gánh nặng do viêm gan vi rút gây ra trong đó tập trung vào viêm gan vi rút B và C.
Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ nhiễm vi rút viêm gan B và viêm gan C cao trong quần thể dân cư nói chung và chịu hậu quả nặng nề do nhiễm vi rút viêm gan gây nên. Kết quả nghiên cứu tại Việt Nam cho thấy tỷ lệ nhiễm vi rút viêm gan của một số nhóm dân cư từ 6 - 20% đối với vi rút viêm gan B và khoảng 0,2 - 4% với vi rút viêm gan C, đồng thời cũng đã ghi nhận các trường hợp nhiễm vi rút viêm gan A, D, E trong số các bệnh nhân viêm gan nhập viện. Trong số những người hiến máu lần đầu ở tuổi từ 18 - 60 tuổi, tỷ lệ người khỏe mạnh mang vi rút viêm gan B thay đổi theo từng địa phương, vùng, miền và dao động từ 15 - 25%. Tình hình nhiễm vi rút viêm gan B ở nhóm người khỏe mạnh và phụ nữ có thai tại Việt Nam cũng có tỷ lệ từ 10 - 20%. Đây là yếu tố quan trọng gây nhiễm vi rút viêm gan B ở trẻ em qua lây truyền mẹ con trong quá trình chuyển dạ đẻ và là nguyên nhân chính gây viêm gan mạn tính ở trẻ em. Theo kết quả của các nghiên cứu trong nước và quốc tế, 90% số trẻ nhiễm vi rút viêm gan B sau khi sinh hoặc trong những năm đầu đời có nguy cơ chuyển thành nhiễm vi rút viêm gan B mãn tính. Viêm gan mạn tính là một vấn đề y tế nghiêm trọng ở Việt Nam và ung thư gan là nguyên nhân chính gây tử vong do ung thư.
Như vậy, nhiễm vi rút viêm gan, đặc biệt là vi rút viêm gan B và viêm gan C đang diễn biến một cách âm thầm nhưng là vấn đề lớn đối với sức khỏe người dân nước ta hiện nay, tiềm ẩn nhiều nguy cơ biến chứng và gây tử vong. Do đó, công tác phòng chống bệnh viêm gan vi rút cần được đẩy mạnh hơn nữa, với các giải pháp tổng thể, đồng bộ, người dân và cộng đồng cũng cần tăng cường tìm hiểu, nắm bắt thông tin để nhận biết đầy đủ về bệnh viêm gan vi rút, chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh, bảo vệ sức khỏe cho bản thân, gia đình và cộng đồng, đó cũng chính là chủ đề của Ngày Viêm gan thế giới năm 2016: “Hãy nhận biết và hành động ngay”.
Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế
Admin