Tin tức

Tin tức

​​Sốt xuất huyết vẫn đang diễn biến phức tạp nhiều nơi trên thế giới

31/07/2016 In bài viết

Theo thông báo của Tổ chức Y tế thế giới năm 2016, tình hình sốt xuất huyết đang tiếp tục diễn biến phức tạp và có chiều hướng gia tăng tại nhiều quốc gia trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương và châu Mỹ La - tinh.
Theo thông báo của Tổ chức Y tế thế giới năm 2016, tình hình sốt xuất huyết đang tiếp tục diễn biến phức tạp và có chiều hướng gia tăng tại nhiều quốc gia trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương và châu Mỹ La - tinh. 

Trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Philippines tính đến ngày 11/6/2016 đã ghi nhận 52.177 trường hợp, trong đó có 207 trường hợp tử vong, số mắc tăng 41% so với cùng kỳ 2015, tỷ lệ mắc/100.000 dân là 51/100.000 dân, tỷ lệ chết/mắc là 0,40%. Quốc gia Malaysia từ đầu năm đến nay ghi nhận 59.294 trường hợp mắc, 134 trường hợp tử vong, tỷ lệ là 193/100.000 dân, tỷ lệ chết/mắc là 0,23%. Tại Singapore, số mắc sốt xuất huyết tăng liên tục trong những tuần gần đây, tính đến ngày 02/7/2016 Singapore ghi nhận 7.891 trường hợp mắc, không có tử vong, tỷ lệ mắc/100.000 dân là 155/100.000 dân.

Khu vực châu Mỹ La - tinh: tại Brazil từ đầu năm đến nay ghi nhận 1.244.583 trường hợp mắc, 288 trường hợp tử vong, tỷ lệ mắc là 614/100.000 dân, tỷ lệ chết/mắc là 0,02%.  Paraguay đã ghi nhận 113.997 trường hợp mắc, 16 trường hợp tử vong, tỷ lệ mắc là 1.764/100.000 dân, tỷ lệ chết/mắc là 0,01%. Quốc gia Colombia từ đầu năm đến nay ghi nhận 70.350 trường hợp mắc, 196 trường hợp tử vong, với tỉ lệ mắc 152/100.000 dân, tỷ lệ chết/mắc là 0,28%.

Ngoài ra, các quốc gia khác như: Peru, Venezuela, Lào, Căm Pu Chia, Trung Quốc, Úc... cũng đang ghi nhận các diễn biến phức tạp trong những tuần gần đây.

Tại Việt Nam, bệnh sốt xuất huyết lưu hành ở hầu hết các tỉnh, thành phố và thường tăng cao vào các tháng mùa mưa. Trong những tuần gần đây đã ghi nhận số mắc tập trung tại một số tỉnh, đặc biệt tại 4 tỉnh Tây Nguyên là: Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai, Kon Tum và một số tỉnh khu vực miền Nam, miền Trung như: An Giang, Đồng Tháp, Thành phố Hồ Chí Minh, Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Định. Nguyên nhân số ca sốt xuất huyết tăng, đặc biệt là khu vực Tây Nguyên là do đang vào mùa mưa, vào thời điểm này năm trước, dịch bắt đầu gia tăng, đạt đến đỉnh vào những tháng cuối năm 2015 sau đó giảm dần và đuôi dịch tiếp tục kéo dài sang những tháng đầu năm 2016. Năm 2016, hiện tượng El nino xảy ra tại Việt Nam làm tăng nhiệt độ trung bình của môi trường là điều kiện cho muỗi phát sinh phát triển. El nino gây hạn hán trên diện rộng làm cho các hộ gia đình tăng việc trữ nước tại các dụng cụ chứa nước tạo thuận lợi cho muỗi đẻ trứng. Thêm vào đó, khu vực Tây Nguyên không phải vùng lưu hành sốt xuất huyết phổ biến trong những năm qua nên miễn dịch đối với sốt xuất huyết của quần thể ở mức thấp nên khi xuất hiện dịch thì sẽ lây lan và bùng phát nhanh. Người dân trong khu vực phần lớn là người dân tộc ít người, dân trí còn thấp, chưa chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống dịch. Qua kiểm tra thực tế tại khu vực này, rất nhiều hộ gia đình còn sử dụng dụng cụ/bể chứa nước sinh hoạt không đậy nắp, nhiều lốp (vỏ) xe công nông cũ không còn sử dụng để ngoài vườn, chai lọ, chum vại và các vật linh tinh chứa nước đọng không được xử lý, nên muỗi vào đẻ trứng và nhiều lăng quăng/bọ gậy phát triển.

Ngoài ra tình trạng đô thị hóa và di biến động dân số khu vực Tây Nguyên gia tăng, mạng lưới y tế còn mỏng, chưa nhiều kinh nghiệm trong phòng chống sốt xuất huyết, kinh phí chống dịch đặc biệt phòng chống sốt xuất huyết từ đầu năm 2016 của Trung ương chưa được cấp, kinh phí các địa phương rất hạn chế nên việc đáp ứng chống dịch gặp rất nhiều khó khăn và sự vào cuộc của chính quyền các cấp và các ban, ngành đoàn thể và người dân chưa thật chủ động, tích cực trong công tác phòng chống dịch sốt xuất huyết.

Trước diễn biến phức tạp của tình hình dịch bệnh trong khu vực và trên thế giới, Bộ Y tế đã có dự báo trước sự gia tăng sốt xuất huyết nếu không triển khai tích cực và đồng bộ các biện pháp. Ngay từ đầu năm Bộ Y tế đã chỉ đạo, triển khai quyết liệt để hạn chế tối đa số mắc và tử vong, Bộ Y tế đã ban hành kế hoạch phòng chống dịch năm 2016 của quốc gia, giám sát chặt chẽ tình hình, chỉ đạo công tác chống dịch kịp thời. Trong tháng 3/2016, Bộ trưởng Bộ Y tế đã tổ chức phát động chiến dịch mẫu ”Người dân tự diệt muỗi, lăng quăng phòng chống dịch bệnh do vi rút Zika, bệnh sốt xuất huyết” tại thành phố Hồ Chí Minh, sau đó chiến dịch đã được nhân ra diện rộng tới 55 tỉnh, thành phố; tháng 6/2016, chỉ đạo các địa phương tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động của chiến dịch trong tháng cao điểm hưởng ứng ngày ASEAN phòng chống sốt xuất huyết. Bộ Y tế đã tổ chức 8 đoàn công tác đi kiểm tra công tác phòng chống dịch sốt xuất huyết tại 16 tỉnh trọng điểm.

Trong thời gian tới, trước tình hình sốt xuất huyết gia tăng trong những tháng mùa mưa, Bộ trưởng Bộ Y tế đã có Công văn đề nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân 10 tỉnh, thành phố có số mắc, tử vong cao cần tiếp tục quan tâm, chỉ đạo các hoạt động phòng chống sốt xuất huyết tại địa phương; Bộ Y tế tiếp tục tổ chức 8 đoàn công tác đi kiểm tra, chỉ đạo công tác phòng chống dịch sốt xuất huyết tại 18 tỉnh trọng điểm ngay trong tháng 7-8/2016 trong đó quan tâm đặc biệt đến xử lý các dụng cụ chứa nước không đúng quy định, vỏ lốp xe công nông và các vật dụng phế thải chứa ổ bọ gậy nguồn; chỉ đạo các địa phương tiếp tục duy trì chiến dịch ”Người dân tự diệt muỗi, lăng quăng để phòng bệnh sốt xuất huyết”, giám sát, phát hiện và xử lý triệt để các ổ dịch, tăng cường các hoạt động truyền thông và sẵn sàng vật tư trang thiết bị phòng, chống dịch bệnh.

Hiện nay việc phòng chống sốt xuất huyết còn gặp khó khăn do bệnh chưa có vắc xin phòng bệnh cũng như chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Do đó sự tham gia tích cực và chủ động của cộng đồng, của hộ gia đình, sự chung tay của các ban, ngành đoàn thể, đặc biệt là sự quan tâm chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc của các cấp chính quyền trong đó có đầu tư kinh phí từ nguồn ngân sách địa phương cho công tác phòng chống dịch là là yếu tố hết sức quan trọng để khống chế và kiểm soát bệnh dịch này tại các địa phương trên cả nước.
 
Cục Y tế dự phòng – Bộ Y tế


 

Admin

Tin tức liên quan

Bệnh viêm gan vi rút - Hãy nhận biết và hành động ngay

Bệnh viêm gan vi rút là bệnh truyền nhiễm phổ biến, gây ra các hậu quả nghiêm trọng về sức khỏe và tử vong do các biến chứng của viêm gan vi rút. Người nhiễm vi rút viêm gan cấp tính thường không có triệu chứng hoặc có thể biểu hiện không rõ ràng, những trường hợp nặng có thể gây ra suy gan cấp hoặc diễn biến kéo dài dẫn đến viêm gan mạn, xơ gan và ung thư gan. Có 5 loại viêm gan vi rút, trong đó viêm gan vi rút B và C lây truyền qua đường máu và dịch thể, tương tự với đường lây truyền HIV; viêm gan vi rút D chỉ lây truyền khi có mặt viêm gan B, và có đường lây truyền tương tự. Viêm gan vi rút A và E lây qua đường phân - miệng do thức ăn, nước uống và thực hành vệ sinh không đầy đủ.

Xem chi tiết Next

PGS.TS Trần Đắc Phu - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng trả lời Phỏng vấn Thông tấn xã Việt Nam về Viêm gan vi rút

Hưởng ứng ngày Viêm gan thế giới 28/7, Phóng viên Thông tấn xã Việt Nam đã có cuộc trò chuyện, trao đổi với PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế

Xem chi tiết Next

Liên Bộ Y tế - Giáo dục và Đào tạo triển khai Thông tư liên tịch số 13/2016/TTLT-BYT-BGDĐT quy định về công tác y tế trong trường học

Trong tháng 6 năm 2016, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế đã phối hợp với Vụ Công tác Học sinh sinh viên, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức 03 lớp tập huấn cho cán bộ làm công tác y tế trường học của 63 tỉnh/thành phố tại: Ninh Bình, Đà Nẵng, Phú Quốc.

Xem chi tiết Next

Bộ Y tế thành lập 8 Đoàn công tác kiểm tra, giám sát, chỉ đạo công tác phòng chống sốt xuất huyết tại các tỉnh, thành phố trọng điểm

Trước diễn biến phức tạp của tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết trên cả nước, Bộ Y tế đã thành lập 8 Đoàn công tác kiểm tra, giám sát, chỉ đạo công tác phòng chống sốt xuất huyết tại các tỉnh, thành phố trọng điểm

Xem chi tiết Next
Thong ke