​Liên Bộ Y tế - Giáo dục và Đào tạo triển khai Thông tư liên tịch số 13/2016/TTLT-BYT-BGDĐT quy định về công tác y tế trong trường học

26/07/2016 In bài viết

Trong tháng 6 năm 2016, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế đã phối hợp với Vụ Công tác Học sinh sinh viên, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức 03 lớp tập huấn cho cán bộ làm công tác y tế trường học của 63 tỉnh/thành phố tại: Ninh Bình, Đà Nẵng, Phú Quốc.
Ngày 12/5/2016, Liên Bộ Y tế - Giáo dục và Đào tạo đã ký ban hành Thông tư liên tịch số 13/2016/TTLT- BYT-BGDĐT quy định về công tác Y tế trường học. 

Thông tư quy định 08 nội dung chính của công tác Y tế trường học như sau: (1) Bảo đảm các điều kiện về phòng học, bàn ghế, bảng viết, chiếu sáng, đồ chơi trong trường học; (2) Bảo đảm các điều kiện về cấp thoát nước và vệ sinh môi trường; (3) Bảo đảm các điều kiện về an toàn thực phẩm; (4) Bảo đảm môi trường thực thi chính sách và xây dựng các mối quan hệ xã hội trong trường học, liên kết cộng đồng; (5) Bảo đảm các điều kiện về phòng y tế, nhân viên y tế trường học; (6) Tổ chức các hoạt động quản lý, bảo vệ và chăm sóc sức khỏe học sinh; (7) Tổ chức các hoạt động truyền thông, giáo dục sức khỏe; (8) Thống kê báo cáo và đánh giá về công tác Y tế trường học

Đặc biệt về hoạt động quản lý, bảo vệ và chăm sóc sức khỏe học sinh tại trường học có 12 nội dung: (1) Thực hiện kiểm tra sức khỏe vào đầu năm học để đánh giá tình trạng dinh dưỡng và sức khỏe học sinh; (2) Định kỳ đo chiều cao, cân nặng, ghi biểu đồ tăng trưởng, theo dõi sự phát triển thể lực cho trẻ dưới 24 tháng tuổi mỗi tháng một lần và cho trẻ em từ 24 tháng tuổi đến 6 tuổi mỗi quý một lần; theo dõi chỉ số khối cơ thể (BMI) ít nhất 02 lần/năm học để tư vấn về dinh dưỡng hợp lý và hoạt động thể lực đối với học sinh phổ thông; (3) Thường xuyên theo dõi sức khỏe học sinh, phát hiện giảm thị lực, cong vẹo cột sống, bệnh răng miệng, rối loạn sức khỏe tâm thần và các bệnh tật khác để xử trí, chuyển đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh theo quy định và áp dụng chế độ học tập, rèn luyện phù hợp với tình trạng sức khỏe; (4) Phối hợp với các cơ sở y tế có đủ điều kiện để tổ chức khám, điều trị theo các chuyên khoa cho học sinh; (5) Sơ cứu, cấp cứu theo quy định hiện hành của Bộ Y tế; (6) Tư vấn cho học sinh, giáo viên, cha mẹ hoặc người giám hộ của học sinh về các vấn đề liên quan đến bệnh tật, phát triển thể chất và tinh thần của học sinh; hướng dẫn cho học sinh biết tự chăm sóc sức khỏe; trường hợp trong trường học có học sinh khuyết tật thì tư vấn, hỗ trợ cho học sinh khuyết tật hoà nhập; (7) Hướng dẫn tổ chức bữa ăn học đường bảo đảm dinh dưỡng hợp lý, đa dạng thực phẩm, phù hợp với đối tượng và lứa tuổi đối với các trường có học sinh nội trú, bán trú; (8) Phối hợp với cơ sở y tế địa phương trong việc tổ chức các chiến dịch tiêm chủng, uống vắc xin phòng bệnh cho học sinh; (9) Thông báo định kỳ tối thiểu 01 lần/năm học và khi cần thiết về tình hình sức khoẻ của học sinh cho cha mẹ hoặc người giám hộ của học sinh. Nhân viên y tế trường học đánh giá tình trạng sức khỏe học sinh vào cuối mỗi cấp học để làm căn cứ theo dõi sức khỏe ở cấp học tiếp theo; (10) Lập và ghi chép vào sổ khám bệnh, sổ theo dõi sức khỏe học sinh, sổ theo dõi tổng hợp tình trạng sức khỏe học sinh; (11) Thường xuyên kiểm tra, giám sát các điều kiện học tập, vệ sinh trường lớp, an toàn thực phẩm, cung cấp nước uống, xà phòng rửa tay. Chủ động triển khai các biện pháp và chế độ vệ sinh phòng, chống dịch theo quy định tại Thông tư số 46/2010/TT-BYT và các hướng dẫn khác của cơ quan y tế; (12) Tổ chức triển khai các chương trình y tế, phong trào vệ sinh phòng bệnh, tăng cường hoạt động thể lực, dinh dưỡng hợp lý, xây dựng môi trường không khói thuốc lá, không sử dụng đồ uống có cồn và các chất gây nghiện. 

Thông tư liên tịch đã tiếp cận toàn diện, lấy học sinh làm trung tâm theo định hướng mới tạo điều kiện bảo vệ, giáo dục, chăm sóc sức khỏe ban đầu cho học sinh theo hướng dự phòng, phát hiện sớm các yếu tố nguy cơ và can thiệp kịp thời các trường hợp mắc bệnh.

Trong tháng 6 năm 2016, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế đã phối hợp với Vụ Công tác Học sinh sinh viên, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức 03 lớp tập huấn cho cán bộ làm công tác y tế trường học của 63 tỉnh/thành phố tại: Ninh Bình, Đà Nẵng, Phú Quốc.

                   
Tiến sĩ Trương Đình Bắc - Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế phát biểu khai mạc


Thành phần tham dự các lớp tập huấn là các Lãnh đạo và chuyên viên Sở Y tế, Sở giáo dục & Đào tạo, Trung tâm Y tế dự phòng, Trung tâm truyền thông giáo dục sức khỏe của 63 tỉnh/thành phố trên cả nước. Hơn 350 đại biểu đã tham dự 03 lớp tập huấn hướng dẫn triển khai Thông tư.


Chủ trì 03 lớp tập huấn có Tiến sĩ Trương Đình Bắc - Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế và Tiến sĩ Ngũ Duy Anh, Vụ trưởng Vụ Công tác học sinh sinh viên, Bộ Giáo dục và Đào tạo. Tham gia giảng bài có các giảng viên đến từ Cục Y tế dự phòng, Vụ Công tác học sinh sinh viên, Bệnh viện Mắt Trung ương, Trung tâm Dinh dưỡng TP. Hồ Chí Minh, Bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng.

Phát biểu khai mạc, Tiến sĩ Trương Đình Bắc - Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế đã nhấn mạnh tầm quan trọng của Thông tư trong lĩnh vực y tế trường học và tóm tắt các nội dung chính của Thông tư. Đồng thời, Tiến sĩ Ngũ Duy Anh, Vụ trưởng Vụ Công tác học sinh sinh viên, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phát biểu chỉ đạo các Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức, triển khai thực hiện tốt Thông tư.

Thông tư 13/2016/TTLT-BYT-BGDĐT có hiệu lực thi hành kể từ ngày 30/6/2016 sẽ thay thế quyết định 1221/2000/QĐ-BYT, thông tư 18/2011/TTLT-BYT-BGDĐT, thông tư 22/2013/TTLT-BYT-BGDĐT, bãi bỏ Điều 4 trong quyết định 58/2008/QĐ-BGDĐT, Điều 4 trong quyết định 73/2007/QĐ-BGDĐT và các nội dung quy định liên quan đến hướng dẫn hoạt động công tác y tế trường học đối với các trường mầm non và phổ thông tại Thông tư liên tịch số 03/2000/TTLT-BYT-BGDĐT ngày 01 tháng 3 năm 2000. 


Tiến sĩ Ngũ Duy Anh, Vụ trưởng Vụ Công tác học sinh sinh viên, 
Bộ Giáo dục và Đào tạo
phát biểu chỉ đạo lớp tập huấn

Tại lớp tập huấn, các đại biểu đã được hướng dẫn cụ thể các nội dung về chăm sóc Mắt ban đầu, phát hiện sớm giảm thị lực, cách đánh giá tình trạng dinh dưỡng, sàng lọc phát hiện các vấn đề sức khỏe tâm thần ở học sinh và thống nhất mẫu báo cáo, sổ theo dõi sức khỏe tại trường học đồng thời học viên cũng đưa ra những câu hỏi đa chiều ngay tại buổi tập huấn.


Tiến sĩ Trương Đình Bắc & Tiến sĩ Ngũ Duy Anh điều hành phần thảo luận

Kết thúc 3 lớp tập huấn tại 3 miền trên cả nước, học viên tham dự đánh giá rất cao các nội dung đổi mới và các quy định chặt chẽ của Thông tư. Bên cạnh đó, học viên được chia sẻ, trao đổi và học hỏi sâu hơn về các hướng dẫn chuyên môn và những nội dung dược hướng dẫn.

Thông tư liên tịch số 13/2016/TTLT-BYT-BGDĐT quy định về công tác y tế trường học sẽ là cơ sở vững chắc để ngành y tế và giáo dục tiếp tục phối hợp tổ chức, triển khai mạnh mẽ, hiệu quả hơn nữa công tác y tế trường học từ Trung ương đến địa phương.
 

Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế






 

Admin

Tin tức liên quan

Kết quả 8 Đoàn công tác Bộ Y tế kiểm tra tình hình phòng chống dịch bệnh do vi rút Zika và sốt xuất huyết tại các địa phương

Các Đoàn công tác gồm Lãnh đạo, chuyên viên, cán bộ chuyên môn các Cục/Vụ/Viện/Bệnh viện thuộc Bộ Y tế đã có các buổi làm việc, thăm kiểm tra thực địa, họp với Đại diện Ủy ban nhân dân tỉnh, Lãnh đạo Sở Y tế, Trung tâm Y tế dự phòng, Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế, Trung tâm Truyền thông Giáo dục sức khỏe, Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản, Bệnh viện đa khoa tỉnh, Bệnh viện sản nhi, Trung tâm Y tế huyện, Bệnh viện huyện, Trạm Y tế xã, phường, chính quyền địa phương và các cơ quan đơn vị liên quan… để xem xét, đánh giá việc triển khai công tác phòng chống dịch sốt xuất huyết và Zika của các địa phương. Đoàn công tác cũng đã cùng các địa phương thảo luận về các khó khăn, vướng mắc và định hướng các hoạt động cần triển khai trong thời gian tới.

Xem chi tiết Next

Bệnh viêm gan vi rút - Hãy nhận biết và hành động ngay

Bệnh viêm gan vi rút là bệnh truyền nhiễm phổ biến, gây ra các hậu quả nghiêm trọng về sức khỏe và tử vong do các biến chứng của viêm gan vi rút. Người nhiễm vi rút viêm gan cấp tính thường không có triệu chứng hoặc có thể biểu hiện không rõ ràng, những trường hợp nặng có thể gây ra suy gan cấp hoặc diễn biến kéo dài dẫn đến viêm gan mạn, xơ gan và ung thư gan. Có 5 loại viêm gan vi rút, trong đó viêm gan vi rút B và C lây truyền qua đường máu và dịch thể, tương tự với đường lây truyền HIV; viêm gan vi rút D chỉ lây truyền khi có mặt viêm gan B, và có đường lây truyền tương tự. Viêm gan vi rút A và E lây qua đường phân - miệng do thức ăn, nước uống và thực hành vệ sinh không đầy đủ.

Xem chi tiết Next

​Việt Nam – Thái Lan sẽ tăng cường hữu nghị hợp tác trong lĩnh vực y tế dự phòng

Chiều ngày 5/7, Cục Y tế dự phòng – Bộ Y tế đã có cuộc gặp mặt thân mật với Cục Kiểm soát bệnh dịch – Bộ Y tế Thái Lan để bàn về những cơ hội hợp tác trong lĩnh vực y tế dự phòng của hai quốc gia.

Xem chi tiết Next

​Sốt xuất huyết vẫn đang diễn biến phức tạp nhiều nơi trên thế giới

Theo thông báo của Tổ chức Y tế thế giới năm 2016, tình hình sốt xuất huyết đang tiếp tục diễn biến phức tạp và có chiều hướng gia tăng tại nhiều quốc gia trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương và châu Mỹ La - tinh.

Xem chi tiết Next
Thong ke