Tin tức

Tin tức

​Kết quả 8 Đoàn công tác Bộ Y tế kiểm tra tình hình phòng chống dịch bệnh do vi rút Zika và sốt xuất huyết tại các địa phương

25/07/2016 In bài viết

Các Đoàn công tác gồm Lãnh đạo, chuyên viên, cán bộ chuyên môn các Cục/Vụ/Viện/Bệnh viện thuộc Bộ Y tế đã có các buổi làm việc, thăm kiểm tra thực địa, họp với Đại diện Ủy ban nhân dân tỉnh, Lãnh đạo Sở Y tế, Trung tâm Y tế dự phòng, Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế, Trung tâm Truyền thông Giáo dục sức khỏe, Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản, Bệnh viện đa khoa tỉnh, Bệnh viện sản nhi, Trung tâm Y tế huyện, Bệnh viện huyện, Trạm Y tế xã, phường, chính quyền địa phương và các cơ quan đơn vị liên quan… để xem xét, đánh giá việc triển khai công tác phòng chống dịch sốt xuất huyết và Zika của các địa phương. Đoàn công tác cũng đã cùng các địa phương thảo luận về các khó khăn, vướng mắc và định hướng các hoạt động cần triển khai trong thời gian tới.

Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh do vi rút Zika và sốt xuất huyết, ngày 30/3/2016, Bộ trưởng Bộ Y tế đã có Quyết định số 1086/QĐ-BYT thành lập 08 Đoàn kiểm tra công tác phòng, chống dịch bệnh do vi rút Zika và sốt xuất huyết tại 16 tỉnh, thành phố trọng điểm: Hà Nội, Hải Phòng, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế, Bình Định, Bình Thuận, TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, An Giang, Bà Rịa - Vũng Tàu, Cần Thơ, Đắk Lắk, Kon Tum để hướng dẫn, hỗ trợ các địa phương triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh.

          

Ảnh: Lễ phát động Chiến dịch mẫu “Người dân tự diệt muỗi, lăng quăng phòng, chống dịch bệnh do vi rút Zika và sốt xuất huyết tại Tp.Hồ Chí Minh ngày 05/3/2016.

 

Các Đoàn công tác gồm Lãnh đạo, chuyên viên, cán bộ chuyên môn các Cục/Vụ/Viện/Bệnh viện thuộc Bộ Y tế đã có các buổi làm việc, thăm kiểm tra thực địa, họp với Đại diện Ủy ban nhân dân tỉnh, Lãnh đạo Sở Y tế, Trung tâm Y tế dự phòng, Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế, Trung tâm Truyền thông Giáo dục sức khỏe, Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản, Bệnh viện đa khoa tỉnh, Bệnh viện sản nhi, Trung tâm Y tế huyện, Bệnh viện huyện, Trạm Y tế xã, phường, chính quyền địa phương và các cơ quan đơn vị liên quan… để xem xét, đánh giá việc triển khai công tác phòng chống dịch sốt xuất huyết và Zika của các địa phương. Đoàn công tác cũng đã cùng các địa phương thảo luận về các khó khăn, vướng mắc và định hướng các hoạt động cần triển khai trong thời gian tới.

Kết quả cơ bản cho thấy đa số các địa phương, tỉnh, thành phố đã chủ động xây dựng kế hoạch và triển khai tốt các hoạt động phòng chống dịch bệnh do vi rút Zika và sốt xuất huyết. Đặc biệt là sự tham gia, vào cuộc của Ủy ban nhân dân các cấp đã chỉ đạo, thúc đẩy sự phối hợp liên ngành và đầu tư nguồn lực cho công tác phòng chống dịch. Ngành y tế địa phương cũng đã bám sát, tuân thủ hướng dẫn chuyên môn và nội dung các Văn bản chỉ đạo của Bộ Y tế về phòng, chống dịch bệnh do vi rút Zika và sốt xuất huyết.

Đoàn kiểm tra đã đề nghị một số tỉnh, thành phố tại các địa phương còn chưa tổ chức chiến dịch như Hải Phòng, Thanh Hóa cần tổ chức triển khai Chiến dịch người dân chủ động diệt lăng quăng, bọ gậy theo chiến dịch mẫu đã được Bộ trưởng Bộ Y tế phát động tại thành phố Hồ Chí Minh vào ngày 5/3/2016. Đây là một trong những sự kiện quan trọng, trong đó có hoạt động ký cam kết giữa Sở Y tế và Ủy ban nhân dân quận, huyện trong địa bàn tỉnh, thành phố nhằm nêu cao trách nhiệm của chính quyền các cấp trong việc cùng phối hợp với ngành y tế triển khai quyết liệt các hoạt động phòng chống dịch tại mỗi địa phương.

Để chủ động và nâng cao tính hiệu quả của các biện pháp phòng chống dịch bệnh, đồng thời tạo chuyển biến tích cực về nhận thức, thực hành của người dân trong việc phòng bệnh do vi rút Zika và sốt xuất huyết, các Đoàn công tác đã đề nghị các địa phương, tỉnh, thành phố quan tâm chỉ đạo thực hiện quyết liệt hơn nữa một số nội dung chính như:

- Tăng cường các hoạt động truyền thông, kịp thời cung cấp thông tin, hướng dẫn người dân cách tự xử lý các dụng cụ chứa nước, chủ động diệt muỗi, lăng quăng. Khi có các triệu chứng giống sốt xuất huyết, dấu hiệu chỉ điểm của Zika phải đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn, điều trị kịp thời, truyền thông nguy cơ đối với phụ nữ mang thai nhằm tránh gây hoang mang trong cộng đồng khiến người dân ồ ạt đi xét nghiệm khi không cần thiết.

- Tăng cường công tác kiểm dịch y tế, giám sát véc tơ, chủ động tiến hành điều tra, lấy mẫu bệnh phẩm các trường hợp nghi ngờ nhiễm vi rút Zika gửi mẫu đến Viện Vệ sinh dịch tễ, Pasteur để xét nghiệm khẳng định. Tổ chức giám sát, theo dõi, hướng dẫn, chăm sóc thai nghén cho phụ nữ mang thai, người mang thai nghi nhiễm vi rút Zika, giám sát chứng đầu nhỏ trước sinh và trẻ sơ sinh tại các cơ sở điều trị sản nhi trên địa bàn.

- Thực hiện ký cam kết giữa Sở Y tế và Ủy ban nhân dân quận, huyện nhằm nêu cao trách nhiệm của chính quyền các cấp trong việc tổ chức các hoạt động phòng chống dịch tại địa phương. Ngành y tế tham mưu cho chính quyền địa phương tiến hành xử phạt hành chính các tổ chức, cá nhân cố tình không thực hiện các biện pháp phòng chống dịch trên địa bàn.

- Đẩy mạnh công tác phối hợp liên ngành, huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị; các ban ngành, đoàn thể; các tổ chức chính trị, chính trị - xã hội; các cộng tác viên và đặc biệt là sự tham gia của người dân trong việc phòng bệnh do vi rút Zika và sốt xuất huyết thông qua việc giao trách nhiệm cụ thể cho các thành viên Ban ngành Đoàn thể, xem đây là giải pháp căn cơ giúp huy động nguồn lực xã hội chung tay cùng ngành Y tế trong việc kiểm soát bệnh do vi rút Zika và sốt xuất huyết.

- Tiếp tục tổ chức tập huấn cho cán bộ y tế tuyến dưới, y tế tư nhân về công tác giám sát, lấy mẫu bệnh phẩm, vận chuyển mẫu, xét nghiệm, khám sàng lọc trước sinh, chẩn đoán và điều trị bệnh do vi rút Zika.

- Thực hiện tốt việc quản lý thai nghén, khám sàng lọc phụ nữ mang thai trong vùng nguy cơ dịch tễ nhằm phát hiện kịp thời những phụ nữ nghi ngờ mắc bệnh do vi rút Zika và những dị tật thai nghi mắc chứng đầu nhỏ để tư vấn và xét nghiệm khi cần thiết. Các cơ sở khám, chữa bệnh, cơ sở sản - nhi sẵn sàng nhân lực, thuốc, vật tư, trang thiết bị, sinh phẩm, hóa chất xét nghiệm, giường bệnh để đảm bảo việc thu dung, điều trị bệnh nhân.

- Kiện toàn Đội cơ động chống dịch khối bệnh viện và dự phòng, thường xuyên diễn tập dựa trên các kịch bản tình huống đề ra và xây dựng quy chế hoạt động chặt chẽ nhằm đảm bảo hiệu quả cao nhất khi xảy ra tình huống dịch bệnh.

Tính đến nay, Việt Nam chưa ghi nhận thêm trường hợp nào dương tính với vi rút Zika. Trước đó tại thành phố Hồ Chí Minh và Khánh Hòa đã ghi nhận 02 trường hợp nhiễm vi rút Zika và cả hai địa phương đã công bố hết dịch Zika vào ngày 22/4/2016.

Bộ Y tế sẽ tiếp tục tập trung chỉ đạo các địa phương, đơn vị triển khai đồng bộ các biện pháp giám sát và đáp ứng, phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành và địa phương để cập nhật thông tin và tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh do vi rút Zika, sốt xuất huyết nhằm nâng cao hiệu quả công tác phòng chống dịch bệnh.


 
Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế



 

Admin

Tin tức liên quan

​Việt Nam – Thái Lan sẽ tăng cường hữu nghị hợp tác trong lĩnh vực y tế dự phòng

Chiều ngày 5/7, Cục Y tế dự phòng – Bộ Y tế đã có cuộc gặp mặt thân mật với Cục Kiểm soát bệnh dịch – Bộ Y tế Thái Lan để bàn về những cơ hội hợp tác trong lĩnh vực y tế dự phòng của hai quốc gia.

Xem chi tiết Next

Liên Bộ Y tế - Giáo dục và Đào tạo triển khai Thông tư liên tịch số 13/2016/TTLT-BYT-BGDĐT quy định về công tác y tế trong trường học

Trong tháng 6 năm 2016, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế đã phối hợp với Vụ Công tác Học sinh sinh viên, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức 03 lớp tập huấn cho cán bộ làm công tác y tế trường học của 63 tỉnh/thành phố tại: Ninh Bình, Đà Nẵng, Phú Quốc.

Xem chi tiết Next

Đề xuất định hướng mới về chính sách cho lĩnh vực y tế dự phòng

Một trong những thành tựu được Tổ chức Y tế thế giới đánh giá cao là kết quả thanh toán bệnh đậu mùa, bại liệt; Giảm mắc hàng trăm đến hàng nghìn lần các bệnh truyền nhiễm có vắc xin; Duy trì tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ cho trẻ em dưới 1 tuổi đạt >90%; Tự sản xuất được 10/12 vắc xin trong chương trình Tiêm chủng mở rộng Quốc gia. Trong năm 2014, Việt Nam đã đạt được năng lực cơ bản thực hiện Điều lệ Y tế quốc tế, có đủ khả năng xét nghiệm xác định các bệnh dịch nguy hiểm mới nổi. Công tác truyền thông thông tin đạt nhiều kết quả tích cực, tỷ lệ người dân tiếp cận nước sạch, lối sống vệ sinh hơn, chủ động phòng chống dịch bệnh, ý thức bảo vệ sức khỏe đã được nâng cao.

Xem chi tiết Next

Bệnh viêm gan vi rút - Hãy nhận biết và hành động ngay

Bệnh viêm gan vi rút là bệnh truyền nhiễm phổ biến, gây ra các hậu quả nghiêm trọng về sức khỏe và tử vong do các biến chứng của viêm gan vi rút. Người nhiễm vi rút viêm gan cấp tính thường không có triệu chứng hoặc có thể biểu hiện không rõ ràng, những trường hợp nặng có thể gây ra suy gan cấp hoặc diễn biến kéo dài dẫn đến viêm gan mạn, xơ gan và ung thư gan. Có 5 loại viêm gan vi rút, trong đó viêm gan vi rút B và C lây truyền qua đường máu và dịch thể, tương tự với đường lây truyền HIV; viêm gan vi rút D chỉ lây truyền khi có mặt viêm gan B, và có đường lây truyền tương tự. Viêm gan vi rút A và E lây qua đường phân - miệng do thức ăn, nước uống và thực hành vệ sinh không đầy đủ.

Xem chi tiết Next
Thong ke