Tin tức

Tin tức

​Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Đặng Quang Tấn trả lời báo Sức khỏe đời sống về tình hình Sốt xuất huyết hiện nay

25/08/2015 In bài viết

_

 

Thống kê 5 tháng đầu năm 2015, cả nước đã ghi nhận hơn 11.389 ca mắc sốt xuất huyết (SXH), trong đó, tại các địa phương khu vực phía Nam, số ca mắc SXH tăng nhiều so với cùng kỳ năm 2014. Trước thực trạng này, phóng viên báo SK&ĐS đã có cuộc trao đổi với ông Đặng Quang Tấn, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế để giúp người dân và dư luận hiểu rõ hơn về tình hình dịch bệnh SXH hiện nay.
 
Description: anh-tuan-1440340438423.JPG
Ông Đặng Quang Tấn, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế

Phóng viên (PV): Ông đánh giá như thế nào về thông tin bệnh SXH đang có chiều hướng gia tăng số ca mắc và năm 2015 có phải là năm có số ca mắc nhiều nhất trong những năm gần đây, thưa ông?

Ông Đặng Quang Tấn: Trước hết phải khẳng định rằng, số ca mắc SXH trên toàn quốc tính từ đầu năm tới nay tuy có sự gia tăng hơn so với thời điểm cùng kỳ năm ngoái, nhưng năm 2014 lại là năm có số ca mắc SXH thấp nhất trong vòng chu kỳ 2010-2014. Nếu so với cả giai đoạn 2010-2014, số mắc SXH cả nước từ đầu năm 2015 đến nay giảm 33,7%, tử vong giảm 50,6% so với trung bình cùng kỳ giai đoạn 2010-2014. Như vậy, số ca mắc SXH năm 2015 chỉ cao hơn so với năm 2014 - năm thấp nhất trong vòng 10 năm trở lại đây.

Hiện tại, có nhiều ca mắc SXH gia tăng nhưng chỉ là gia tăng cục bộ tại một số địa phương; hầu như ở các khu vực phía Nam và miền Trung như: TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Sóc Trăng... do yếu tố thời tiết đang trong mùa mưa kéo dài.

PV: Xin ông cho biết, những tháng nào trong năm được coi là mùa cao điểm SXH. Thời gian hiện tại có được coi là đỉnh dịch SXH tại các tỉnh phía Nam hay không?

Ông Đặng Quang Tấn: Trước đây, SXH thường có những đỉnh dịch theo chu kỳ khoảng 4-5 năm một lần. Nhưng đến nay, tính chu kỳ hầu như không còn tồn tại nên ngành y tế dự phòng lúc nào cũng sẵn sàng để chủ động phát hiện, ngăn chặn dịch bệnh. Do thời điểm hiện tại đang là mùa mưa tại các tỉnh miền Nam nên nguy cơ mắc bệnh SXH sẽ tăng cao hơn. Nếu người dân cùng phối hợp với công tác y tế dự phòng, có ý thức vệ sinh môi trường thì sẽ không đáng ngại về dịch bệnh SXH.

PV: Thưa ông, nếu một người bị SXH rồi thì có mắc bệnh trở lại hay không? Có dấu hiệu nào để phân biệt bệnh SXH với các bệnh dịch khác và khi bị SXH, người dân có thể tự theo dõi và điều trị tại nhà hay không?

Ông Đặng Quang Tấn: Hiện nay, tại Việt Nam lưu hành nhiều týp virut SXH nên bệnh nhân mắc rồi vẫn có thể bị mắc lại và thậm chí lần sau còn mắc nặng hơn lần trước. Bệnh SXH có những triệu chứng dễ nhầm lẫn với bệnh sốt virut thông thường nên nhiều người dân có tâm lý chủ quan, không tới các trung tâm y tế khám bệnh dẫn tới tình trạng bệnh nặng và có những biến chứng như: xuất huyết não, xuất huyết tiêu hóa, đe dọa tới tính mạng. Vì vậy, khi có các triệu chứng sốt cao, mệt mỏi, cần tới ngay các trung tâm y tế, tuyệt đối không tự ý điều trị tại nhà.
PV: SXH do muỗi vằn gây nên, vậy những nơi có nhiều cống, rãnh hay nhiều rác thải có phải là nơi trú ngụ của muỗi vằn, thưa ông? Cần phải làm gì để ngăn chặn muỗi vằn sinh sôi?

Ông Đặng Quang Tấn: Một điều đáng lưu ý rằng, mọi người hay nhầm tưởng chỉ những nơi cống rãnh, mất vệ sinh, ao tù là địa điểm sinh sôi, cư trú của muỗi vằn. Nhưng không phải, muỗi vằn cư trú ở những nơi nước trong để lâu ngày ngay trong chính ngôi nhà chúng ta ở như: bể nước cá cảnh, bình cắm lọ hoa lưu nước, hòn non bộ, nước để trên ban thờ, nước mưa đọng tại những mảnh vỡ trên xóm ngõ hoặc sân thượng... Vì vậy, người dân cần chú ý thay nước, rửa dọn đồ vật trong nhà, không để nước lưu cữu sẽ là môi trường cho bọ gậy phát triển, sinh nở thành muỗi vằn.
Trên các nhà cao tầng cũng có muỗi truyền bệnh SXH. Việc phun hóa chất tiêu diệt muỗi trưởng thành cũng là giải pháp quan trọng phòng chống và xử lý các ổ dịch SXH, người dân cần phải phối hợp với các đơn vị y tế khi tiến hành phun để đảm bảo phun được tất cả các hộ gia đình và phun được ở tất cả các tầng trong nhà, nhằm diệt hết được đàn muỗi, tránh tình trạng muỗi di chuyển từ nhà này sang nhà khác, từ tầng dưới lên tầng trên.
PV: Xin cảm ơn ông!

Thanh Loan (thực hiện)
PV báo SK&ĐS cũng có cuộc trao đổi với Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tại các tỉnh phía Nam, nơi có nhiều ca SXH tăng trong thời gian qua.

TS. Nguyễn Ngọc Ấn, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Đồng Tháp:
Tình hình SXH ở tỉnh Đồng Tháp từ đầu năm 2015 đến nay ổn định. Tuy số ca mắc có tăng hơn cùng kỳ năm 2014 là 71% nhưng không phải là đột biến, vì theo dõi trên biểu đồ diễn biến bệnh thì từ cuối năm 2014 đến nay không có tăng đột xuất, ngược lại còn có chiều hướng giảm. Mặt khác, số mắc hiện nay chỉ bằng 50,4% so với trung bình 5 năm. Bệnh SXH có xu hướng tăng ở một số huyện. Số ca mắc trong tuần 33 tăng 2 ca so với tuần 32, trong tuần có 2 ca nặng và không có tử vong do SXH. Thành phố Cao Lãnh, huyện Cao Lãnh và huyện Lấp Vò có số mắc duy trì ở mức cao, tuy nhiên các ca mắc phân bố rải rác và ở mức độ ổ dịch nhỏ, không có nơi xảy ra dịch. Số ca mắc SXH cộng dồn đến tuần 33 năm 2015 tăng 107,45% so với cùng kỳ năm 2014.

Ông Cao Trọng Ngưỡng, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Đồng Nai:
Dịch SXH đang bùng phát tại hầu hết các địa phương trong tỉnh, mỗi ngày ghi nhận khoảng 200 ca, ước tính có khoảng 3.000 ca mắc SXH, trong đó thành phố Biên Hòa chiếm 1/2 trong số người mắc khoảng 1.500 ca. Trước tình hình đó, chúng tôi cũng đã sẵn sàng các biện pháp giám sát dịch kịp thời và chủ động tổ chức giám sát dịch bệnh ở tất cả các huyện, thị, thành phố. Ngành đã tổ chức 2 đợt với 4 vòng phun hóa chất và 2 vòng chiến dịch diệt lăng quăng.

 
Nguyễn Hồng (Thực hiện)
Theo Báo Sức khỏe và Đời sống.

Admin

Thong ke