​SƠ KẾT CÔNG TÁC PHÒNG CHỐNG DỊCH KHU VỰC MIỀN TRUNG: QUYẾT LIỆT TRIỂN KHAI CÔNG TÁC PHÒNG CHỐNG DỊCH BỆNH VÀ CÔNG TÁC TIÊM CHỦNG 6 THÁNG CUỐI NĂM 2015

29/08/2015 In bài viết

_

Ngày 28/8/2015 tại Quảng Ngãi, Viện Pasteur Nha trang tổ chức Hội nghị sơ kết phòng chống dịch và tiêm chủng khu vực miền Trung. Tham dự Hội nghị có lãnh đạo Sở Y tế, trung tâm Y tế dự phòng 11 tỉnh khu vực miền Trung, trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế 3 tỉnh, thành phố, Lãnh đạo Cục Y tế dự phòng, đại diện Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Dự án Tiêm chủng mở rộng quốc gia.
     

PGS. TS. Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng phát biểu tại Hội nghị

Tại Hội nghị các đại biểu đã được nghe báo cáo về tình hình dịch bệnh và công tác phòng chống dịch bệnh khu vực miền trung. Trung tâm kiểm dịch y tế quốc tế của địa phương có cửa khẩu quốc tế như Đà Nẵng, Khánh Hoà… đã làm tốt công tác giám sát các hành khách từ những vùng có dịch nhập cảnh vào Việt Nam, ngăn chặn dịch bệnh lây truyền qua biên giới như Ebola, Mers CoV đến nay chưa phát hiện trường hợp xuất hiện tại Việt Nam. Theo báo cáo tại Hội nghị hầu hết các bệnh truyền nhiễm đều có số mắc và tử vong giảm so với cùng kỳ năm 2014 và giai đoạn 2010-2014. Tiếp tục duy trì tỷ lệ tiêm chủng thường xuyên, tỷ lệ tiêm viêm gan B sơ sinh có khả năng đạt tỷ lệ cao hơn năm 2014, do tích cực chỉ đạo các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có phòng sinh. Nhờ có chiến dịch tiêm vắc xin Sởi – Rubella mà số trường hợp mắc sởi hoặc nghi mắc sởi chỉ là 6 ca trong khi năm 2014 là trên 800 ca. Theo báo cáo của Sở Y tế Quảng Ngãi dự báo tình hình sốt xuất huyết tại địa phương năm 2015 khoảng 2000 ca, nhưng do làm tốt công tác phòng chống dịch nên chỉ có khoảng trên 300 ca. Triển khai tốt công tác phòng chống dịch Bạch hầu tại xã vùng sâu vùng xa thuộc tỉnh Quảng Nam thông qua việc kịp thời xử lý khoanh vùng ổ dịch,  tiêm chống dịch vắc xin Td (bạch hầu, uốn ván), Quinvaxem, DPT cho toàn bộ 3 nhóm đối tượng tại Quảng Nam đã khống chế bệnh bạch hầu trên địa bàn. Tuy vậy đánh giá về tình hình dịch cũng cho thấy năm 2015 có sự gia tăng cục bộ tại một số địa phương như bệnh sốt xuất huyết tại Khánh Hoà, bệnh Dại tại Quảng Nam tăng 2 ca…

Sau khi nghe các đại biểu thảo luận tại Hội nghị, PGS.TS Trần Đắc Phu Cục trưởng Cục Y tế dự phòng đã đánh giá cao công tác phòng chống dịch và tiểm chủng của các tỉnh, thành phố khu vực Miền Trung là địa bàn khó khăn, nhiều vùng sâu, xa miền núi, biên giới.

Nhận định tình hình dịch diễn biến phức tạp, các bệnh dự phòng bằng vắc xin có nguy cơ quay trở lại vì hiện nay nhiều quốc gia trên thế giới đang có xu hướng tăng như dịch Sởi tại Mỹ, Úc. Bệnh bại liệt ở một số quốc gia, bệnh bạch hầu tại Lào là quốc gia có biên giới với nước ta với số mắc gần 500 ca, bệnh sốt xuất huyêt có nguy cơ gia tăng vì hiện nay vào mùa mưa tại khu vực miền Trung, bệnh Mers CoV tại khu vực Trung Đông vẫn diễn biến phức tạp, nguy cơ xâm nhập vào Việt Nam là có thể.
Đồng chí Cục trưởng đã chỉ đạo các địa phương triển khai các nhiệm vụ sau:

- Giám sát chặt chẽ, phát hiện sớm, xử lý kịp thời ngay khi có ca bệnh đầu tiên, phun hoá chất triệt để tại nơi có ca bệnh sốt xuất huyết.
- Duy trì tiêm chủng đạt tỷ lệ cao. Rà soát tất cả các xã phường đặc biệt là những nơi có khó khăn không để vùng “lõm” về tiêm chủng. Các cơ sở y tế phải lập danh sách và báo cáo lãnh đạo Sở Y tế danh sách các xã có tỷ lệ tiêm chủng còn thấp để tổ chức tiêm bù ngay có các đối tượng thuộc tiêm chủng mở rộng. Tổ chức tập huấn, tăng cường kiểm tra giám sát đảm bảo tiêm chủng an toàn.
- Báo cáo UBND tỉnh để cấp kinh phí và chỉ đạo huy động các cấp, ngành tham gia phòng chống dịch, vận động người dân hưởng ứng tự nguyện tham gia phòng chống dịch như tổ chức chiến dịch diệt loăng quăng phòng chống sốt xuất huyết, chấp hành việc phun hóa chất khi có dịch sốt xuất huyết xảy ra trên địa bàn đảm bảo 100% hộ dân được phun hóa chất diệt muỗi.
- Ngay sau khi kết thúc Hội nghị này, đề nghị các tỉnh về tổ chức hội nghị cho các quận, huyên triển khai ngay các nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2015, xây dựng kế hoạch chi tiết triển khai và hỗ trợ các xã vùng sâu, xa và khó khăn trên địa bàn. Tuyệt đối không để xã, thôn, bản nào có dịch xảy ra mà y tế cấp trên không biết, xảy ra tình trạng vùng lõm về tiêm chủng mà Sở Y tế không biết, Trung tâm Y tế dự phòng không biết để chỉ đạo và triển khai các hoạt động hỗ trợ giúp đỡ một cách tích cực nhằm không để dịch bệnh bùng phát.

 

Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế

Admin

Thong ke