Tình hình bệnh bạch hầu và các giải pháp phòng chống dịch trong thời gian tới
20/01/2024 In bài viết
Bệnh bạch hầu là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm B. Bệnh gây ra do vi khuẩn bạch hầu sinh độc tố (Corynebacterium diphtheriae). Bệnh lưu hành trên toàn cầu, hay gặp là các ca bệnh tản phát hoặc các vụ dịch nhỏ, chủ yếu ở nhóm dưới 15 tuổi không được tiêm vắc xin. Ổ chứa vi khuẩn bạch hầu là ở người bệnh và người lành mang vi khuẩn, đây vừa là ổ chứa, vừa là nguồn truyền bệnh. Hiện nay đã ghi nhận số mắc tăng ở nhóm trẻ lớn và người lớn tại những vùng không được tiêm chủng, tỷ lệ tiêm chủng thấp, không tiêm đủ mũi hoặc không được tiêm nhắc lại. Mọi lứa tuổi đều có thể bị mắc bệnh nếu không có miễn dịch đặc hiệu hoặc nồng độ kháng thể ở dưới mức bảo vệ. Bệnh có thể gây biến chứng viêm cơ tim, nhiễm độc thần kinh dẫn đến tử vong do ngoại độc tố của vi khuẩn. Theo thống kê chung của USCDC, tỷ lệ tử vong (chết/mắc) của bệnh có thể 5-10%[1].
1. Trên thế giới
Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới trong năm 2022 bệnh bạch hầu vẫn ghi nhận tại nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có một số nước trong khu vực Nam Á, châu Phi có số mắc cao như Ấn Độ (3.286 trường hợp mắc), Niger (736 trường hợp mắc), Indonesia (540 trường hợp mắc), Pakistan (351 trường hợp mắc), Nepal (95 trường hợp mắc), Madagascar (92 trường hợp mắc), Philippines (88 trường hợp mắc), Thụy Sĩ (86 trường hợp mắc), Áo (62 trường hợp mắc), Pháp (60 trường hợp mắc), Afghanistan (50 trường hợp mắc)[2].
2. Tại Việt Nam
Bệnh bạch hầu là bệnh có vắc xin phòng bệnh trong Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia, trong những năm gần đây có số mắc giảm nhiều lần so với trước khi bắt đầu triển khai tiêm chủng mở rộng, từ gần 3.500 trường hợp mắc năm 1983 xuống còn khoảng từ 10 đến 50 trường hợp mắc/năm (trong vòng 15 năm trong giai đoạn từ 2004-2019), sau đó số mắc có tăng trở lại vào năm 2020 (226 trường hợp mắc chủ yếu tại các tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai, Kon Tum, Quảng Ngãi và Quảng Trị) và giảm trong các năm 2021 (có 06 trường hợp mắc) và năm 2022 (có 02 trường hợp mắc).
- Năm 2023 cả nước ghi nhận 57 trường hợp mắc bệnh bạch hầu (có kết quả xét nghiệm PCR dương tính và nuôi cấy) tại 03 tỉnh Hà Giang, Điện Biên và Thái Nguyên, số mắc tập trung vào 05 tháng cuối năm (55 trường hợp mắc), trong đó 07
trường hợp tử vong.
- Tháng 01 năm 2024 ghi nhận 01 trường hợp mắc bệnh bạch hầu (có kết quả xét nghiệm PCR dương tính) tại ổ dịch cũ xã Khâu Vai, huyện Mèo Vạc tỉnh Hà Giang. Qua điều tra tại tỉnh Hà Giang: Đa số trường hợp mắc và nghi mắc là ở trẻ lớn và thanh niên (7-20 tuổi) chiếm >60%.
* Nhận định tình hình dịch
- Bệnh nhân bạch hầu ghi nhận rải rác tại một số huyện, xã khu vực miền núi phía Bắc, chủ yếu từ cuối tháng 8/2023 chủ yếu ở nhóm trẻ lớn và thanh niên, không rõ tiền sử tiêm vắc xin phòng bệnh bạch hầu; nhiều khả năng do chưa được tiêm chủng hoặc chưa được tiêm nhắc lại, nhất là các khu vực có tỷ lệ tiêm chủng thấp những năm trước đây.
- Các ổ dịch bạch hầu cơ bản đã được kiểm soát, đã khoảng 4 tháng không có ca bệnh tại tỉnh Điện Biên và tỉnh Thái Nguyên; riêng tỉnh Hà Giang vẫn còn ghi nhận lẻ tẻ ca bệnh dương tính.
- Trong thời gian tới có thể tiếp tục ghi nhận một số ca mắc mới nếu không triển khai quyết liệt, duy trì thường xuyên, liên tục các biện pháp kiểm soát, phòng chống dịch bệnh, nhất là tại những nơi có tỷ lệ tiêm chủng thấp trong nhiều năm qua.
Các giải pháp phòng, chống dịch trong thời gian tới
1. Tăng cường giám sát, phát hiện sớm các trường hợp nghi mắc bệnh bạch hầu, cách ly kịp thời, lấy mẫu xét nghiệm các trường hợp nghi mắc bệnh và các đối tượng nguy cơ để phát hiện sớm các trường hợp mắc; triển khai các biện pháp xử lý triệt để ổ dịch, tổ chức điều tra và điều trị kháng sinh dự phòng cho tất cả các trường hợp tiếp xúc gần theo đúng quy định tại Quyết định số 3593/QĐ-BYT ngày 18/8/2020 về việc ban hành Hướng dẫn giám sát và phòng chống bệnh bạch hầu. Thực hiện đánh giá nguy cơ dịch bệnh bạch hầu tại các địa phương theo Quyết định số 5965/QĐ-BYT ngày 31 tháng 12 năm 2021 của Bộ Y tế.
2. Tổ chức tốt công tác thu dung, cấp cứu, phân luồng khám bệnh, phân tuyến điều trị bệnh nhân, thiết lập khu vực riêng khám, cách ly điều trị, cấp cứu bệnh nhân, hạn chế đến mức thấp nhất các trường hợp tử vong theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế tại Quyết định số 2957/QĐ-BYT ngày 10/7/2020 ban hành hướng dẫn chẩn đoán, điều trị bệnh bạch hầu.
3. Đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền bằng nhiều hình thức, nhiều thứ tiếng (ưu tiên tiếng dân tộc, nhất là dân tộc thiểu số phù hợp với từng địa bàn) cho người dân về bệnh bạch hầu, nguy cơ mắc bệnh, các biện pháp phòng chống để người dân chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh và phối hợp chặt chẽ với các đơn vị y tế trong quá trình điều trị, không bỏ điều trị.
4. Tổ chức rà soát, thống kê các đối tượng chưa được tiêm hoặc tiêm chưa đầy đủ vắc xin phòng bệnh bạch hầu ở tất cả các xã, phường trên địa bàn; thực hiện tiêm chống dịch, tiêm bổ sung, tiêm vét ngay khi có vắc xin, lưu ý các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc sinh sống, khu vực đi lại khó khăn.
5. Phối hợp với ngành Giáo dục tổ chức việc theo dõi chặt chẽ sức khỏe học sinh tại các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông; thường xuyên vệ sinh, thông thoáng lớp học, thông báo kịp thời cho các cơ sở y tế khi phát hiện trường hợp nghi ngờ mắc bệnh để được cách ly, xử lý kịp thời, không để bùng phát ổ dịch.
6. Tổ chức các lớp tập huấn cho các đơn vị y tế dự phòng, các cơ sở khám, chữa bệnh toàn quốc về các nội dung hướng dẫn giám sát, phòng chống dịch bệnh, hướng dẫn chẩn đoán, điều trị bạch hầu, hướng dẫn giám sát bệnh bạch hầu. Hỗ trợ, đào tạo thực hiện xét nghiệm chẩn đoán xác định bệnh bạch hầu cho các tỉnh có ghi nhận các ổ dịch.
7. Rà soát bổ sung vật tư, trang thiết bị, thuốc, vắc xin, hóa chất, kinh phí sẵn sàng đáp ứng phòng chống dịch bệnh bạch hầu. Bố trí nguồn kinh phí các hoạt động phòng chống dịch bạch hầu. Vận động các tổ chức quốc tế và các đơn vị hỗ trợ, tiếp nhận vật tư, thuốc, huyết thanh kháng độc tố bạch hầu, vắc xin, sinh phẩm xét nghiệm chẩn đoán xác định bệnh bạch hầu.
8. Huy động nhân lực hỗ trợ các khu vực có dịch, cử các đội cơ động chống dịch, đội cấp cứu lưu động hỗ trợ cho các địa phương triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh.
9. Tổ chức các đoàn kiểm tra, giám sát, chỉ đạo tại các điểm nóng, các khu vực có nguy cơ bùng phát dịch, hỗ trợ các địa phương trong công tác phòng, chống dịch bệnh
[1]https://www.cdc.gov/diphtheria/clinicians.html#:~:text=The%20overall%20case%2Dfatality%20rate,rarely%20 results%20in%20severe%20disease
[2] https://apps.who.int/gho/data/view.main.1540_41?lang=en
Ban biên tập trang thông tin điện tử Cục Y tế dự phòng